Nguồn: “Communists take power in Czechoslovakia,” History.com (truy cập ngày 23/02/2016).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1948, dưới áp lực của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Tổng thống Edvard Beneš đã cho phép một chính phủ do phe cộng sản thống trị được thành lập. Mặc dù Liên Xô đã không can thiệp quân sự (như vào năm 1968), giới quan sát phương Tây cho rằng cuộc đảo chính không đổ máu của phe cộng sản này trên thực tế là một ví dụ của sự bành trướng của Liên Xô sang Đông Âu.
Cảnh quan chính trị ở Tiệp Khắc sau Thế chiến II, nói một cách nhẹ nhàng nhất, là rất phức tạp. Eduard Beneš là người đứng đầu chính phủ lưu vong của Séc đặt trụ sở tại London trong chiến tranh, và trở về quê hương vào năm 1945 để kiểm soát một chính phủ quốc gia mới sau khi Liên Xô rút lui vào tháng 7 năm đó. Cuộc bầu cử quốc gia năm 1946 đem lại số lượng đại diện đáng kể cho phe cánh tả và cộng sản trong quốc hội mới. Beneš thành lập một liên minh với các đảng trong chính quyền của ông.
Dù Tiệp Khắc không chính thức nằm trong quỹ đạo của Liên Xô, các quan chức Hoa Kỳ vẫn rất quan tâm đến ảnh hưởng của Liên Xô cộng sản lên đất nước này. Họ đặc biệt khó chịu khi chính phủ của Beneš hết sức phản đối bất cứ kế hoạch nào nhằm tái phục hồi chức năng chính trị và có thể tái vũ trang nước Đức (Hoa Kỳ đã bắt đầu xem một nước Đức tái vũ trang như một phòng tuyến vững chắc nhằm chống lại sự xâm nhập của Liên Xô vào Tây Âu).
Để đáp lại, Hoa Kỳ đã chấm dứt một khoản cho vay lớn dành cho Tiệp Khắc. Các đảng ôn hòa và bảo thủ ở Tiệp Khắc bị xúc phạm, và tuyên bố rằng hành động của Hoa Kỳ đã đưa đất nước họ vào nanh vuốt của những người cộng sản. Quả thật, phe cộng sản đã đạt được những thành tích bầu cử lớn trong cả nước, đặc biệt là khi nền kinh tế quốc dân trượt ra ngoài vòng kiểm soát.
Khi các phần tử ôn hòa trong chính phủ Séc đề xuất khả năng tham gia vào Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ (một chương trình phục hồi kinh tế lớn được thiết kế để giúp các nước châu Âu bị chiến tranh tàn phá xây dựng lại), phe cộng sản đã tổ chức đình công và biểu tình, và bắt đầu kiểm soát chặt chẽ các đảng đối lập. Beneš đã cố gắng tuyệt vọng để giữ đất nước thống nhất, nhưng đến tháng 2 năm 1948 phe cộng sản đã buộc được các bên liên minh khác ra khỏi chính phủ.
Ngày 25 tháng 2, Beneš đầu hàng trước yêu cầu của phe cộng sản và giao nội các của ông cho đảng này. Các cuộc bầu cử giả hiệu đã được tổ chức vào tháng 5 để hợp lệ hóa chiến thắng của phe cộng sản. Beneš sau đó từ chức và cựu ngoại trưởng Jan Masaryk của ông đã chết trong hoàn cảnh rất đáng ngờ. Tiệp Khắc trở thành một nhà nước độc đảng.
Phương Tây phản ứng nhanh chóng nhưng gần như không mang tính quyết định. Cả Hoa Kỳ và Anh đều lên án việc phe cộng sản lên nắm quyền ở Tiệp Khắc, nhưng đều không đưa ra bất kỳ hành động trực tiếp nào. Có thể đã đặt quá nhiều niềm tin vào truyền thống dân chủ của Tiệp Khắc, hoặc có thể e ngại phản ứng của Liên Xô, không quốc gia nào trong số đó cung cấp bất cứ điều gì ngoài sự ủng hộ bằng miệng cho chính phủ Beneš.
Với sự hỗ trợ và viện trợ từ Liên Xô, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã thống trị nền chính trị của đất nước này cho đến khi cuộc “cách mạng nhung” năm 1989 đưa một chính phủ phi cộng sản lên nắm quyền.
Ảnh: Chân dung Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Klement Gottwald và Joseph Stalin trong một cuộc họp của đảng này năm 1947. Nguồn: National Archives.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]