Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Lời giới thiệu của người dịch: Việt Nam (VN) giải phóng nhân dân Campuchia khỏi cuộc diệt chủng của Khmer Đỏ là hoàn toàn chính nghĩa, là công trạng to lớn của VN đóng góp vào sự nghiệp tiến bộ của nhân loại. Thế nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc (TQ) tìm đủ mọi thủ đoạn xuyên tạc vu khống sự kiện này. Nhưng cuối cùng chính nghĩa bao giờ cũng thắng. Những người TQ có lương tri cũng dần dần hiểu ra sự thật. Bạn đọc có thể thấy rõ điều đó qua bài dưới đây, đăng trên trang mạng Phượng Hoàng, một trang mạng chính thống hàng đầu của TQ, phục vụ người Hoa trên toàn cầu, bình quân hàng ngày có 671 triệu lượt truy cập.
Ngày 7/1/2009, hàng chục nghìn người Campuchia tụ tập tại sân vận động Olympic quốc gia ở Phnom Penh, nhiệt liệt chúc mừng 30 năm ngày kỷ niệm Campuchia thoát khỏi ách thống trị của Khmer Đỏ. Hoạt động kỷ niệm quy mô lớn này do Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền tổ chức và đã thu hút hơn 40 nghìn người tham gia.
Thủ tướng Hun Sen và một số đảng viên Đảng Nhân dân đã tham dự lễ hội trọng thể này. Chủ tịch Thượng viện Campuchia Chia Xim khi đọc diễn văn có nói ngày kỷ niệm này có ý nghĩa trọng đại, nó đánh dấu “một trang đen tối nhất trong lịch sử Campuchia” đã kết thúc. Chia Xim đặc biệt cảm ơn nước láng giềng Việt Nam “đã cứu Campuchia”, đánh giá cao quân tình nguyện Việt Nam đã có những hy sinh to lớn vì để tiêu diệt chính quyền Khmer Đỏ tàn sát nhân dân Campuchia và đã kịp thời ngăn chặn được số phận bất hạnh của nhân dân Campuchia tiếp tục bị Khmer Đỏ tàn sát. (“Tinh Châu nhật báo” của Campuchia ngày 8/1/2009).
Việc Chia Xim cảm ơn Việt Nam rất dễ khiến người ta liên tưởng tới “cuộc chiến phản kích tự vệ chống Việt Nam” do Trung Quốc phát động ngày 17/2/1979, cũng khiến người ta tỏ ý nghi ngờ tính chính đáng của cuộc chiến tranh đó. Tuy rằng hiện nay Trung Quốc cố gắng tránh không nhắc tới cuộc chiến này, nhưng đối mặt với lịch sử, chúng ta phải có dũng khí nhìn thẳng [vào sự thật], xem xét và phán đoán một cách khách quan và công bằng. Hồi ấy Trung Quốc phát động “cuộc chiến phản kích tự vệ chống Việt Nam” có nguyên nhân chính là do Việt Nam xâm lược Campuchia.
Ba chục năm sau, khi đối mặt với cuộc chiến tranh đó, vì sao người Campuchia lại tỏ ý chân thành cảm ơn nước láng giềng Việt Nam “xâm lược” mà không một chữ nhắc tới Trung Quốc? Chúng ta rất cần thiết ôn lại những ngày tháng thực sự khủng khiếp như bị bóng đè đối với người Campuchia ấy – thời kỳ chính quyền Khmer Đỏ thống trị nước này.
Đảng Cộng sản Campuchia thành lập năm 1950, hồi ấy là một nhánh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến thập niên 1970, đổi tên là Đảng Campuchia Dân chủ (Party of Democratic Kampuchea), sau này được gọi theo tiếng Pháp là “Khmer Đỏ” [Khmer Rouge].
Ngày 18/3/1970, nhân dịp Hoàng thân Norodom Sihanouk đi thăm nước ngoài, tướng Lon Nol đã làm đảo chính lật đổ chính quyền Sihanouk. Sau đó Sihanouk lưu vong ở Bắc Kinh. Hồi đó Khmer Đỏ đối địch với chính phủ Lon Nol.
Được chính phủ Trung Quốc ủng hộ, Sihanouk giúp Khmer Đỏ giành lại chính quyền từ Lon Nol. Ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh, lật đổ chính phủ Lon Nol, và xây dựng “nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia” do Pol Pot lãnh đạo. Từ đó trở đi chính quyền Khmer Đỏ bắt đầu sự thống trị đẫm máu trong gần 4 năm tại Campuchia, nhân dân Campuchia rơi vào thế giới bi thảm đen tối nhất của loài người.
Trong thời gian nắm chính quyền, Pol Pot thi hành sự thống trị vô cùng đáng sợ, hòng cải tạo Campuchia thành một xã hội không phân chia giai cấp, cưỡng chế xua đuổi toàn bộ dân đô thị về nông thôn, tiến hành cuộc đại thanh lọc trong cả nước.
Lấy cớ là máy bay Mỹ sẽ ném bom Phnom Penh, chính quyền Pol Pot kêu gọi dân Phnom Penh, yêu cầu họ sơ tán về thôn quê và hứa sau ba ngày sẽ có thể trở lại Phnom Penh, yêu cầu họ không cần mang theo bất cứ tài sản nào. Sau khi dân cư thủ đô đã xuống nông thôn, phần lớn họ bị chính quyền Khmer Đỏ sát hại, chưa đến một nửa số người sống sót trở về nơi cư trú cũ.
Trong thời kỳ đầu Khmer Đỏ cầm quyền, số người bị thanh trừng gồm dân cư các đô thị, đặc biệt những người có tiếp xúc với phương Tây, trí thức từng tiếp nhận sự giáo dục của phương Tây và các nhân viên làm việc cho chính phủ Lon Nol. Trong thời kỳ sau, những người bị thanh trừng còn có cán bộ các cấp trong thời gian cách mạng Khmer Đỏ.
Dưới sự thống trị của Pol Pot, tiền tệ bị hủy bỏ, nhân dân phải lao động trong các công xã, họ chỉ được ăn trong nhà ăn tập thể, cấm ăn ở ngoài. Trong gần 4 năm dưới sự thống trị của Khmer Đỏ, rất nhiều người đã chết vì đói ăn, đau ốm và lao lực quá mức. Cũng có nhiều người bị hành quyết vì nguyên nhân chính trị hoặc vì phạm các loại lỗi nhỏ nhặt. Theo các thống kê khác nhau, số người Campuchia chết trong thời gian Khmer Đỏ thống trị ước tính khoảng từ 1,2 triệu tới 3 triệu người, chiếm khoảng một phần tư dân số Campuchia, trong đó có 215 nghìn người Campuchia gốc Hoa, và hầu như toàn bộ hơn 10 nghìn người Campuchia gốc Việt Nam.
Cuộc thanh trừng của Khmer Đỏ đã châm ngòi cho cuộc nổi loạn chống Pol Pot nổ ra vào tháng 5/1978, khi những người Campuchia lưu vong ở Việt Nam lập ra “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia” do Heng Samrin lãnh đạo – ông là một cán bộ lãnh đạo cấp cao trong Khmer Đỏ, nguyên sư đoàn trưởng quân đội Khmer Đỏ và Bí thư một Tỉnh ủy thuộc Đảng Cộng sản Campuchia (nay là Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Campuchia).
Ngày 25/12/1978, dưới sự dẫn dắt [nguyên văn đái lĩnh] của Heng Samrin, 100 nghìn “quân tình nguyện” Việt Nam […] mở cuộc tấn công thế như chẻ tre. Tuy nhiều người Campuchia cảm thấy sợ hãi khi thấy quân Việt Nam đến, nhưng được sự dẫn đường của không ít người Khmer Đỏ đầu hàng và của dân chúng Campuchia chịu sự thống trị tàn khốc của Khmer Đỏ, quân đội Việt Nam chỉ sau hai tuần tấn công đã chiếm được Phnom Penh vào ngày 7/1/1979, lật đổ ách thống trị khủng bố của Khmer Đỏ.
Sau đó, lấy lý do quân đội Việt Nam xâm phạm Campuchia, ngày 17/2/1979, chính phủ Trung Quốc đã phát động “Cuộc chiến phản kích tự vệ chống Việt Nam”.
Ba chục năm sau, nhân dân Campuchia chúc mừng việc lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, Chia Xim thay mặt nhân dân Campuchia cảm ơn Việt Nam đã giúp lật đổ chính quyền Pol Pot; điều đó khiến chúng ta cần nhận thức lại và tìm hiểu lại giai đoạn lịch sử này.
Trang ba báo “Tin tham khảo” của Trung Quốc ngày 25/1/2006 đưa tin dưới tiêu đề “Thủ tục xét xử Khmer Đỏ sắp khởi động”, cho biết: theo thỏa thuận ký giữa Liên Hợp Quốc và chính phủ Campuchia, một cơ quan quyền lực đặc biệt đang chuẩn bị cho việc thành lập tòa án xét xử Khmer Đỏ. “Giờ đây cuối cùng đã có hy vọng thấy việc sẽ áp dụng các biện pháp tư pháp nhất định để xem xét những người đã gây ra cái chết của hàng triệu dân Campuchia trong thời gian 1975 đến 1979”.
Năm 1998, nhà lãnh đạo Khmer Đỏ là Pol Pot đã chết vì bệnh tim, hiện nay một số nhà lãnh đạo Khmer Đỏ đã bị Tòa án bắt giữ chờ xét xử gồm có nhân vật số hai là Nuon Chea, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ieng Sary cùng vợ là Ieng Thirith, và Kaing Guek Eav. Dự kiến tháng 3/2009 sẽ xét xử Kaing Guek Eav. Những người khác do tuổi cao hoặc đau ốm sẽ hoãn lại đến năm 2010 hoặc muộn hơn mới xét xử. Họ sẽ đối mặt với cáo buộc và kết án phạm tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng hoặc tội chống nhân loại, nhằm an ủi mấy triệu dân chúng Campuchia vô tội bị chúng hãm hại tới chết.
Khi Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo dùng hành động đẫm máu tàn bạo viết những trang sử dã man của nhân loại, lịch sử tất nhiên sẽ tiến hành thanh toán những thứ rác rưởi tàn bạo không chút tính người ấy, mãi mãi đóng đinh chúng lên cây cột sỉ nhục của lịch sử.
Trung Quốc từng ủng hộ Khmer Đỏ, cho tới nay chưa ai đứng ra tiến hành suy nghĩ lại về giai đoạn lịch sử đó.
Pol Pot, kẻ tự xưng là “học trò của Mao Trạch Đông” (xem sách “Quốc tế quảng giác”, trang 222), tháng 6/1975 đang ở Trung Quốc, lúc đó Chu Ân Lai đang ốm nặng từng thiện chí khuyên họ không nên làm như thế. Pol Pot và các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ hãnh diện tuyên bố: Những người cách mạng trên toàn thế giới có thể học được rất nhiều kinh nghiệm từ Campuchia, “Cách mạng ở bất cứ nước nào đều không thể thực hiện được sáng kiến của Campuchia là rút toàn bộ dân ra khỏi Phnom Penh” (trang 221 sách đã dẫn).
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đã xác minh [nguyên văn: ấn chứng] Pol Pot [là] “học trò của Mao Trạch Đông”. Tuần san châu Á xuất bản tại Hong Kong ngày 5/4/2007 đưa tin: Hun Sen cho rằng “Căn nguyên tư tưởng của cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc là tư tưởng Mao Trạch Đông. Tư tưởng của Pol Pot bắt nguồn từ tư tưởng Mao Trạch Đông. Tư tưởng Mao được thực thi tại Campuchia nhưng cũng đã bị chứng minh là thất bại”.
Cùng với sự xét xử chính nghĩa [của Tòa án nói trên], giai đoạn lịch sử tàn ác vô nhân đạo do Khmer Đỏ làm nên tất nhiên sẽ bị mổ xẻ, những hành vi bỉ ổi ẩn giấu dưới tư tưởng cách mạng trang nghiêm mà chúng tự xưng sẽ bị phanh phui. Dưới sự cảm hóa và kêu gọi của tinh thần hãy để cho mồi lửa cách mạng vô sản lan ra toàn thế giới, Trung Quốc từng vô tư “ủng hộ và viện trợ” Khmer Đỏ. Nhưng ngược lại, chính cái gọi là lý tưởng cách mạng cao cả của Pol Pot đã đẩy mấy triệu người Campuchia xuống địa ngục muôn đời không thể trở lại trần gian. Khmer Đỏ đội vòng hào quang màu đỏ, rốt cuộc dưới bánh xe chính nghĩa của lịch sử, cái vòng hào quang ấy đã bị chôn vùi, để lại một vệt sử đỏ máu thê thảm của nhân loại.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ mạng Phương Hoàng, “越南入侵柬埔寨 30年后获尊重” (“[Sự kiện] Việt Nam xâm lược Campuchia – sau 30 năm được tôn trọng”), ngày 8/1/2009.
Hình: Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia năm 1989. Nguồn: Corbis.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]