12/03/1947: Học thuyết Truman được công bố

Truman's address

Nguồn:Truman Doctrine is announced,” History.com (truy cập ngày 11/3/2016).

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1947, trong bài phát biểu ấn tượng trước một phiên họp chung (giữa Thượng viện và Hạ viện) của Quốc hội, Tổng thống Harry S Truman đã đề nghị Hoa Kỳ viện trợ cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn sự thống trị của cộng sản ở hai quốc gia này. Giới sử gia thường trích dẫn bài phát biểu của Truman, sau này được gọi là Học thuyết Truman, như là lời tuyên bố chính thức về Chiến tranh Lạnh.

Vào tháng 2 năm 1947, chính phủ Anh thông báo với Hoa Kỳ rằng nước này không còn khả năng cung cấp sự hỗ trợ kinh tế và quân sự mà nó đã cung cấp cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Thế Chiến II kết thúc. Chính quyền Truman tin rằng cả hai quốc gia đều đang bị chủ nghĩa cộng sản đe dọa và tận dụng cơ hội này để đưa ra lập trường cứng rắn chống Liên Xô.

Tại Hy Lạp, các lực lượng cánh tả vẫn chiến đấu với chính phủ hoàng gia Hy Lạp kể từ khi Thế Chiến II kết thúc. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô đã đòi hỏi một số cách thức kiểm soát vùng Dardanelles, phần lãnh thổ mà từ đó Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược từ Biển Đen đến Địa Trung Hải.

Ngày 12 tháng 3 năm 1947, Truman xuất hiện trước một phiên họp chung của Quốc hội để đưa ra lý lẽ của mình. Ông tuyên bố, thế giới đang phải đối mặt với một lựa chọn trong những năm tới. Các nước có thể áp dụng một cách sống “dựa trên ý chí của đa số” và các chính phủ cung cấp “sự bảo đảm quyền tự do cá nhân” hoặc có thể phải đối mặt với một cách sống “dựa trên ý chí của thiểu số áp đặt lên đa số.”

Ông chỉ ra rằng chế độ thứ hai nói trên dựa vào “khủng bố và đàn áp.” “Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của đất nước này [Hoa Kỳ],” ông tuyên bố, cũng có liên quan với những tình hình mà Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối đầu.

Theo Truman, Hy Lạp “đang bị đe dọa bởi các hoạt động khủng bố của hàng ngàn người có vũ trang, dẫn đầu là phe cộng sản.” Hoa Kỳ có phận sự hỗ trợ Hy Lạp để nước này có thể “trở thành một nền dân chủ tự hỗ trợ và tự trọng.” Những người Thổ Nhĩ Kỳ “yêu chuộng tự do” cũng cần viện trợ của Mỹ, vốn “cần thiết cho việc duy trì sự toàn vẹn của đất nước này.”

Tổng thống Truman tuyên bố rằng “chính sách của Hoa Kỳ phải là chính sách hỗ trợ cho các dân tộc tự do đang chống lại những nỗ lực chinh phục của người thiểu số có vũ trang hoặc của những áp lực bên ngoài.” Truman đã đề nghị viện trợ 400 triệu USD cho hai quốc gia này. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của ông hai tháng sau đó.

Học thuyết Truman là một lời tuyên bố trên thực tế về Chiến tranh Lạnh. Bài phát biểu của Truman đã vạch ra những đường nét chính về chính sách đối ngoại Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ: Liên Xô là trung tâm của mọi hoạt động và phong trào cộng sản trên toàn thế giới; chủ nghĩa cộng sản có thể tấn công thông qua xâm lược từ bên ngoài hoặc lật đổ từ bên trong; và Hoa Kỳ cần cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế để bảo vệ các quốc gia khỏi sự xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản.

Không phải ai cũng chấp nhận logic của Truman. Một số người đã nhận ra cuộc nổi dậy ở Hy Lạp không được hỗ trợ bởi Liên Xô, mà bởi Tito của Nam Tư, người phá vỡ quan hệ với Liên Xô trong vòng một năm sau đó. Ngoài ra, Liên Xô cũng không đòi hỏi kiểm soát vùng Dardanelles, mà chỉ đòi đảm bảo rằng tuyến đường thủy chiến lược này sẽ không bị các kẻ thù của Nga sử dụng, như Đức quốc xã từng làm trong Thế chiến II.

Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu sự hỗ trợ của Hoa Kỳ có dẫn đến chế độ dân chủ ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Trên thực tế, cả hai nước đều thành lập các chế độ cánh hữu mang tính đàn áp trong những năm sau Học thuyết Truman. Tuy nhiên, Học thuyết Truman đã thuyết phục thành công nhiều người rằng Hoa Kỳ đã mắc kẹt trong một cuộc đấu tranh sống còn với Liên Xô, và nó đã đặt ra phương hướng cho hơn 40 năm quan hệ Mỹ-Xô sau này.

Xem thêm:

Học thuyết Truman (Truman Doctrine)

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]