Quan hệ Nga-Trung: Gần gũi nhưng không là đồng minh

DV1444686

Nguồn: Fu Ying, “How China Sees Russia – Beijing and Moskva  Are Close, but Not Allies, Foreign Affairs, 14/12/2015.

Biên dịch: Vũ Hồng  Trang

Vào thời điểm khi quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ và các nước Tây Âu đang ngày càng lạnh đi, mối quan hệ tương đối ấm áp giữa Trung Quốc và Nga đã và đang thu hút sự chú ý. Các học giả, các nhà báo phương Tây tranh luận về bản chất của quan hệ đối tác Trung – Nga và tự hỏi liệu nó có phát triển thành một liên minh hay không.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hai quan điểm chính có xu hướng định hình đánh giá của phương Tây về mối quan hệ Trung – Nga và những dự đoán về tương lai của mối quan hệ này. Quan điểm thứ nhất cho rằng mối liên hệ giữa Bắc Kinh và Moskva dễ bị tổn thương, mang tính thời cơ và được đặc trưng bởi những bất ổn – một kiểu “hôn nhân vụ lợi”, cụm từ được nhiều người ủng hộ lập luận này ưa chuộng, những người không cho rằng hai nước sẽ trở nên quá gần gũi và rất có thể sẽ bắt đầu xa cách.

Quan điểm còn lại thừa nhận rằng các yếu tố chiến lược và thậm chí tư tưởng đã giúp hình thành cơ sở mối quan hệ Trung – Nga và dự đoán rằng cả hai đều coi Hoa Kỳ như là một trở ngại cho mục tiêu của họ – và cuối cùng sẽ thiết lập một liên minh chống Mỹ và phương Tây.

Cả hai quan điểm này đều không nắm bắt được chính xác bản chất đích thực của mối quan hệ. Đấy là mối quan hệ đối tác chiến lược ổn định và hoàn toàn không phải là cuộc hôn nhân vụ lợi: nó phức tạp, mạnh mẽ, và sâu sắc. Chính những thay đổi trong quan hệ quốc tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã đưa hai nước lại gần nhau hơn. Một số nhà phân tích và các quan chức phương Tây suy đoán (và có lẽ còn hy vọng) rằng các cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria và Ukraina, những nơi Nga ngày càng can thiệp sâu hơn, sẽ dẫn đến những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Moskva, hoặc thậm chí làm rạn nứt mối quan hệ. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.

Tuy nhiên, Trung Quốc không có hứng thú đối với một liên minh chính thức với Nga, và cũng không muốn thiết lập một khối chống Mỹ hay chống phương Tây nào. Thay vào đó, Bắc Kinh hy vọng Trung Quốc và Nga có thể duy trì mối quan hệ của họ theo một cách tạo ra môi trường an toàn để hai nước láng giềng lớn đạt được các mục tiêu phát triển của mình và hỗ trợ lẫn nhau thông qua hợp tác có lợi cho cả đôi bên, hình thành một hình mẫu về việc các nước lớn có thể quản lý những khác biệt và hợp tác để thúc đẩy hệ thống quốc tế.

Những mối quan hệ gắn kết

Trong nhiều dịp khoảng từ cuối thế kỷ 19 cho đến giữa thế kỷ 20, Trung Quốc đã gia nhập một liên minh với đế quốc Nga và đế quốc kế nhiệm của nó là Liên Xô. Nhưng mỗi lần, sự liên minh đều ngắn ngủi, bởi lẽ nó chẳng khác gì ngoài sự trục lợi giữa hai quốc gia chênh lệch hoàn toàn về độ mạnh yếu. Trong những thập niên sau đó, hai nước do cộng sản lãnh đạo chật vật xoay sở, đôi khi có hợp tác nhưng thường bị chia rẽ bởi sự cạnh tranh và nghi ngờ lẫn nhau. Năm 1989, trong những năm suy tàn của chế độ Xô Viết, hai bên cuối cùng đã bình thường hóa mối quan hệ. Cả hai cùng tuyên bố sẽ phát triển mối quan hệ song phương dựa trên “sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi, và cùng tồn tại hòa bình.” Hai năm sau, Liên Xô tan rã, nhưng quan hệ Trung – Nga vẫn duy trì nguyên tắc “không liên minh, không xung đột, và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ nước thứ ba nào.”

Không lâu sau, liên bang Nga lựa chọn cái được gọi là cách tiếp cận Đại Tây Dương. Để giành được lòng tin và sự giúp đỡ của phương Tây, Nga không chỉ đi theo phương thức của phương Tây đối với cải cách kinh tế mà còn nhượng bộ về một số vấn đề an ninh quan trọng, bao gồm cả việc giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược. Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra theo cách mà người Nga đã hy vọng, khi nền kinh tế lao đao và ảnh hưởng trong khu vực của quốc gia này suy giảm. Năm 1992, thất vọng với những gì họ cho là những cam kết trợ giúp không được thực hiện của Mỹ và châu Âu, và bị kích thích bởi phát biểu về việc mở rộng về phía đông của NATO, Nga bắt đầu chú ý nhiều hơn đến châu Á. Cũng vào năm đó, Trung Quốc và Nga tuyên bố mỗi bên sẽ coi bên còn lại là “nước bạn bè” và ban hành một tuyên bố chính trị chung quy định rằng “sự tự do của người dân trong việc lựa chọn con đường phát triển riêng của họ cần được tôn trọng, trong khi những khác biệt trong hệ thống xã hội và ý thức hệ không nên cản trở sự tiến triển bình thường của các mối quan hệ. ”

Kể từ đó, quan hệ Trung – Nga đã dần được cải thiện và sâu sắc thêm. Trong 20 năm qua, thương mại và đầu tư song phương được mở rộng trên quy mô lớn. Năm 2011, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Chỉ riêng năm 2014, đầu tư của Trung Quốc tại Nga đã tăng 80 % và xu hướng tăng đầu tư vẫn sẽ còn tiếp tục. Để nắm bắt được sự phát triển trong quan hệ kinh tế, cần xem xét rằng trong những năm đầu thập niên 1990, thương mại song phương hàng năm giữa Trung Quốc và Nga ở mức khoảng 5 tỷ đô la; năm 2014 đã lên tới gần 100 tỷ. Năm đó, Bắc Kinh và Moskva đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm xây dựng một đường ống mà đến năm 2018 sẽ mang 38 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc mỗi năm. Hai nước cũng đang có kế hoạch ký các thỏa thuận quan trọng liên quan đến sản xuất điện hạt nhân, sản xuất sản phẩm hàng không, đường sắt tốc độ cao, và phát triển hạ tầng. Hơn nữa, họ đang hợp tác về các thể chế tài chính đa quốc gia mới, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Ngân hàng phát triển mới của BRICS, và quỹ dự trữ ngoại hối BRICS.

Trong khi đó, quan hệ an ninh cũng được cải thiện. Trung Quốc trở thành một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga. Hai nước đang thảo luận về nhiều dự án cùng nghiên cứu và phát triển một số loại vũ khí. Hợp tác quốc phòng Trung – Nga quy mô lớn bao gồm việc tham vấn giữa các nhân viên quân sự cấp cao, cùng đào tạo và tập trận chung, trong đó có tới trên dưới 10 lần tập trận chung chống khủng bố trong suốt thập niên qua, được thực hiện song phương hoặc dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization). Trong 20 năm qua, hàng ngàn nhân viên quân sự Trung Quốc đã học tập, nghiên cứu ở Nga, và nhiều quan chức quân sự Nga đã tham gia đào tạo ngắn hạn tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

Khi các liên kết kinh tế và quân sự được tăng cường, những mối quan hệ chính trị cũng được đẩy mạnh. Năm 2008, Trung Quốc và Nga đã giải quyết một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ vốn đã từng làm rạn nứt mối quan hệ trong nhiều thập kỷ, chính thức phân định đường biên giới hơn 2.600 dặm và do đó loại trừ nguồn gây căng thẳng lớn nhất và duy nhất – một thành tựu hiếm có cho hai nước láng giềng lớn. Trong những năm gần đây, hai nước đã tổ chức các cuộc họp thường xuyên hàng năm giữa lãnh đạo nhà nước, Thủ tướng, các thành viên quốc hội hàng đầu, và các ngoại trưởng. Kể từ năm 2013, khi trở thành chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã có 5 chuyến thăm đến thăm Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Trung Quốc 3 lần trong khoảng thời gian tương tự. Chủ tịch Tập và tổng thống Putin tổng cộng đã gặp gỡ 12 lần, khiến Putin trở thành vị lãnh đạo tối cao nước ngoài Tập gặp gỡ thường xuyên nhất kể từ nắm quyền chủ tịch Trung Quốc.

Giải quyết những khác biệt

Dẫu cho đạt được tiến bộ này, giữa hai nước láng giềng vẫn tồn tại những khác biệt, và họ không hẳn lúc nào cũng đặt trọng tâm giống nhau trong chính sách đối ngoại. Nga vốn có truyền thống hướng tới châu Âu, trong khi Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới châu Á. Phong cách ngoại giao của hai bên cũng khác biệt. Nga dày dặn kinh nghiệm hơn trên đấu trường toàn cầu, và có xu hướng ủng hộ những động thái ngoại giao mạnh mẽ, năng động, và thường gây bất ngờ. Trái lại, ngoại giao Trung Quốc mang tính ứng phó và thận trọng nhiều hơn.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã gây khó chịu đối với một vài thành phần ở Nga, nơi mà một số người chưa kịp thích ứng với sự thay đổi trong sức mạnh tương đối giữa Trung Quốc và Nga. Hiện giờ ở Nga vẫn còn bàn tán về “mối đe dọa Trung Quốc”, một biểu hiện tàn dư từ các thời kỳ trước. Một cuộc thăm dò được tiến hành vào năm 2008 bởi Quỹ Dân ý của Nga cho thấy, khoảng 60 % người Nga lo ngại rằng việc người Trung Quốc di cư tới khu vực biên giới Viễn Đông sẽ đe dọa tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga; 41% tin rằng một Trung Quốc hùng mạnh hơn sẽ gây tổn hại cho các lợi ích của Nga. Và việc Trung Quốc săn lùng các cơ hội đầu tư và thương mại mới ở nước ngoài đã dẫn tới việc tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, khiến Nga lo ngại rằng Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực của mình. Cũng một phần vì điều này mà phía Moskva ban đầu do dự hỗ trợ Sáng kiến Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa của Bắc Kinh trước khi cuối cùng chấp thuận năm 2014. Trong khi đó, một số người Trung Quốc tiếp tục ôm mối hận lịch sử đối với Nga. Mặc dù vấn đề biên giới đã được giải quyết, các nhà bình luận Trung Quốc đôi khi vẫn đề cập tới vùng lãnh thổ 600.000 dặm vuông của Trung Quốc mà Nga sáp nhập dưới thời Sa hoàng vào cuối thế kỷ 19.

Tuy nhiên, những khác biệt này hầu như không tăng tính thuyết phục cho suy đoán ở phương Tây rằng Bắc Kinh và Moskva đang trở nên xa cách. Lý thuyết này đôi khi xuất hiện trong các bình luận của phương Tây trong vòng 2 năm qua, do quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU đã xấu đi bởi cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine. Tuy nhiên, mặc dù còn tồn đọng một số khác biệt, Trung Quốc và Nga chia sẻ mong muốn phát triển quan hệ song phương vững chắc và hiểu rằng họ cần phải chung tay vì mục tiêu an ninh và phát triển quốc gia. Hợp tác của họ có lợi cho cân bằng trong hệ thống quốc tế và có thể hỗ trợ giải quyết một số vấn đề quốc tế. Lúc thuận lúc không, nhưng họ có thể thừa nhận và quản lý các bất đồng của họ trong khi tiếp tục mở rộng các lĩnh vực đồng thuận. Như Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ghi nhận, mối quan hệ Trung – Nga đưa ra một cách tiếp cận mới trong việc tiến hành quan hệ đối ngoại và thể hiện một mô hình khả thi để các nước khác noi theo.

Các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine đã làm sáng tỏ cách thức mà Trung Quốc và Nga đã quản lý một cách hiệu quả quan hệ đối tác của họ. Nhiều người ở Mỹ cho rằng thái độ của Trung Quốc đối với cuộc xung đột ở Ukraine là không rõ ràng hoặc nghi ngờ Trung Quốc đứng về phía Nga. Trên thực tế, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rõ ràng rằng sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cần được tôn trọng. Trung Quốc nhấn mạnh tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột Ukraine nên giải quyết sự khác biệt của họ thông qua đối thoại, thiết lập các cơ chế phối hợp, kiềm chế các hoạt động có thể làm trầm trọng thêm tình hình, và hỗ trợ Ukraine duy trì sự ổn định kinh tế và tài chính. Trung Quốc đã không thể hiện lập trường: tính công bằng và khách quan đóng vai trò kim chỉ nam cho Bắc Kinh khi giải quyết các vấn đề quốc tế.

Nhưng các nhà ngoại giao và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lưu tâm đến yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng này, bao gồm hàng loạt các “cuộc cách mạng màu” tại các quốc gia hậu Xô Viết do phương Tây hậu thuẫn và áp lực từ việc mở rộng về phía đông của NATO lên Nga. Điều đáng chú ý là các vấn đề lịch sử, sắc tộc, tôn giáo, và lãnh thổ phức tạp giữa Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã tồn tại từ lâu. Khủng hoảng Ukraine là kết quả của tất cả những yếu tố này. Như cách nói của chủ tịch Tập, cuộc khủng hoảng này “không bỗng dưng mà đến.”

Về vấn đề Syria, quan điểm của Bắc Kinh là Nga tiến hành can thiệp quân sự theo yêu cầu của chính phủ Syria nhằm chống lại lực lượng khủng bố và cực đoan. Mặc dù Washington đã kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức, Trung Quốc đồng tình với mục tiêu của Nga nhằm đương đầu với nước Hồi giáo (còn được gọi là ISIS). Vì vậy, một mặt, Hoa Kỳ đã chỉ trích sự can thiệp của Nga, nhưng mặt khác, bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Nga trong công cuộc chống khủng bố. Động thái của Nga sau đó không hoàn toàn đáp lại chính xác những gì mà Hoa Kỳ muốn nhưng cũng không phải là một điều hoàn toàn gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ. Theo quan điểm của Trung Quốc, Nga và Mỹ chia sẻ lợi ích trong việc đối phó những kẻ khủng bố tàn bạo của ISIS. Hy vọng ở Trung Quốc là cuộc đàm phán giữa Nga, Hoa Kỳ, Iran, cùng nhiều cường quốc khác trong khu vực sẽ đạt được tiến bộ trong việc giải quyết cuộc xung đột.

Nhưng rất khó xác định hợp tác Mỹ – Nga tại Syria có thể đi xa đến đâu nếu không có một sự hiểu biết thống nhất về điều gì mang đến hòa bình và trật tự. Và nhiều người ở Trung Quốc cảm thấy khó hiểu bởi nhận thức của Mỹ và Nga vẫn còn ảnh hưởng quá nặng nề bởi Chiến tranh Lạnh. Các chính trị gia và nhà bình luận Mỹ có xu hướng nói về Nga như đối thủ bại trận thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, các quan chức và quan sát viên Nga thường xuyên chỉ trích hành vi của Washington là kiêu ngạo hay mang tính đế quốc. Một số nhà phân tích ở cả hai bên còn cho rằng đối đầu giữa Moskva và Washington về Syria và Ukraine có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng theo phía Trung Quốc nhận định, các cuộc đối đầu hiện tại có vẻ giống như một kết thúc kéo dài của cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây. Liệu Moskva và Washington có nhân cơ hội này để cuối cùng chấm dứt mối thù hằn cũ hay không vẫn còn chưa rõ.

Vượt lên mối quan hệ bên được bên mất

Do mối quan hệ giữa Trung Quốc, Nga, và Hoa Kỳ gắn bó mật thiết, không có phân tích quan hệ Trung – Nga nào hoàn thiện mà không xem xét tình hình giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. So với mối quan hệ Trung – Nga, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington có quy mô rộng và phức tạp hơn. Tổng GDP của 2 nước chiếm tới một phần ba GDP toàn cầu. Trong năm 2014, thương mại Mỹ – Trung đạt gần 600 tỷ đô la, và tổng đầu tư hai bên vượt mức 120 tỉ đô la. 37 năm trước, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, không ai ngờ rằng một quan hệ đối tác mạnh mẽ như vậy sẽ xuất hiện.

Nhưng không thể phủ nhận những khó khăn về cơ cấu trong mối quan hệ này. Khác biệt đáng kể về giá trị chính trị và giữa các hệ thống quản lý ở hai nước vẫn tồn tại. Và nhiều người Mỹ cảm nhận sức mạnh kinh tế ngày một lớn và đi kèm với đó là ảnh hưởng quốc tế ngày càng lớn của Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng đối với vị trí lãnh đạo toàn cầu của Washington. Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên trở thành thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khi quân Mỹ xâm chiếm Iraq năm 2003, GDP của Trung Quốc bằng khoảng 1 phần 8 của Hoa Kỳ. Vào thời điểm Mỹ rút khỏi Iraq 8 năm sau, GDP của Trung Quốc đã tăng lên bằng một nửa của Hoa Kỳ. Theo nhiều ước tính, cho đến năm 2020, GDP của Trung Quốc sẽ ngang bằng GDP Hoa Kỳ. Những thay đổi này đã dấy lên lo ngại ở Washington rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đối đầu. Tranh chấp về hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông, đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận sôi nổi về việc Hoa Kỳ cần phải đối phó như thế nào với những gì một số học giả và nhà bình luận người Mỹ xem là chủ nghĩa bành trướng. Trong khi đó, Bắc Kinh coi sự hiện diện của Mỹ với tàu quân sự gần lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là một hành động khiêu khích. Một số cho rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể thay đổi từ sự tương tác mang tính xây dựng tới kiềm chế ngăn chặn.

Những cuộc tranh luận này làm nền cho chuyến thăm cấp nhà nước của chủ tịch Tập tới Washington tháng 9 vừa qua. Trong bài phát biểu tại chuyến thăm, Tập trực tiếp đề cập đến quan điểm sự phát triển của Trung Quốc là một thách thức với vị thế lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. Chủ tịch Tập cho biết: “Con đường Trung Quốc đang theo là phát triển hòa bình, và Trung Quốc không tạo ra bất cứ mối đe dọa nào cho các nước khác. Ông cũng cho hay: “Mọi người nên từ bỏ những khái niệm như “bên được, bên mất”, hay trò chơi kẻ thắng người thua, và thiết lập một khái niệm mới về phát triển hòa bình và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Trung Quốc phát triển là điều có lợi cho toàn thế giới và cũng có lợi cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ phát triển mạnh cũng sẽ có lợi cho thế giới và Trung Quốc. ”

Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sự trỗi dậy nhanh chóng của đất nước này là nhờ hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới. Họ nhìn nhận Trung Quốc như một kẻ thụ hưởng trật tự quốc tế, với Liên Hợp Quốc nắm vị trí cốt lõi, và như một chủ thể ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc như bình đẳng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia mà Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh. Trung Quốc hy vọng tập trung vào phát triển kinh tế và xã hội trong nước trong tương lai và do đó đánh giá cao việc duy trì một môi trường bên ngoài ổn định và hòa bình. Mặc dù Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình và sẽ phản ứng kiên quyết trước các hành động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, hoặc đe dọa đến quyền và lợi ích, mục tiêu chính của nước này vẫn là đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định. Và Trung Quốc cam kết bảo vệ trật tự quốc tế và trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tiếp tục hội nhập vào thế giới toàn cầu hóa.

Cải thiện quan hệ Mỹ – Trung là một phần quan trọng trong nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc. Tháng 9 năm ngoái đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên của chủ tịch Tập tới Washington, nhưng ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó đã gặp nhau năm lần kể từ năm 2013 và nói chuyện qua điện thoại 3 lần. Tháng 6 năm 2013, khi hai nhà lãnh đạo gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh Sunnylands, California, họ đã nói chuyện trong vòng hơn 7 giờ. Sau cuộc họp, Tập tuyên bố rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ theo đuổi một “mô hình quan hệ các nước lớn kiểu mới” mà ông định nghĩa là một mối quan hệ dựa trên nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Hai nhà lãnh đạo kể từ đó tiếp tục cuộc thảo luận về các chủ đề này: tháng 11 năm 2014 tại Bắc Kinh, họ đã tổ chức “đối thoại Yingtai,” kéo dài gần 5 giờ. Và trong chuyến thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc , Tập và  Obama đã dành khoảng 9 giờ đàm thoại và tham dự các sự kiện cùng nhau. Những cuộc gặp gỡ dài giữa hai nhà lãnh đạo đã giúp họ hiểu nhau và gạt bỏ đối đầu mà các nhà phân tích Mỹ cho rằng không thể tránh khỏi.

Đặc biệt, chuyến thăm nhà nước đã gặt hái được nhiều thành quả. Hai bên đã đạt được thỏa thuận về một loạt các vấn đề, bao gồm phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu, chống khủng bố, chống phổ biến hạt nhân. Tập và Obama cũng trao đổi thẳng thắn về các vấn đề an ninh mạng – điểm tranh cãi nghiêm trọng giữa Bắc Kinh và Washington; hai nhà lãnh đạo thể hiện rõ ý định của nước mình, nhất trí thành lập một cuộc đối thoại chung cấp cao về vấn đề này, và cam kết hợp tác để thiết lập một bộ quy tắc ứng xử an ninh mạng quốc tế. Đây là một minh chứng mạnh mẽ rằng hai nước có thể thúc đẩy hợp tác toàn cầu về các vấn đề quan trọng.

Tất nhiên, Bắc Kinh và Washington có thể tiếp tục có những bất đồng về vấn đề biển Đông, Đài Loan, nhân quyền, chính sách thương mại, và nhiều vấn đề khác nữa. Những ý định liên minh quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là mối lo ngại chính đối với Trung Quốc, nhất là kể từ khi Washington công bố “xoay trục” hướng về châu Á vào năm 2011. Một số đồng minh của Mỹ trong khu vực đã có tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ của Trung Quốc và vi phạm các quyền trên biển của Trung Quốc (?), hy vọng rằng bằng cách lấy lòng Washington, họ có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào tranh chấp với Bắc Kinh. Đây là một con đường nguy hiểm, làm gợi nhớ tới của “chính trị kiểu khối” trong Chiến tranh Lạnh.

Một số học giả ở Trung Quốc và ở các nước khác cho  rằng nếu Hoa Kỳ khăng khăng áp đặt “chính trị kiểu khối” lên khu vực, Trung Quốc và Nga nên xem xét ứng phó bằng cách hình thành một khối khác. Nhưng các lãnh đạo Trung Quốc không chấp nhận lập luận như vậy. Trung Quốc không đi theo khối hoặc liên minh, và những kế hoạch đó không phù hợp với nền văn hóa chính trị Trung Quốc. Nga cũng không có ý định hình thành một khối như vậy. Trung Quốc và Nga nên tuân theo nguyên tắc quan hệ đối tác hơn là xây dựng một liên minh. Trung Quốc và Hoa Kỳ cần tiếp tục theo đuổi một mô hình mới của quan hệ giữa các nước lớn và tạo điều kiện cho đối thoại, hợp tác và quản lý những khác biệt.

Ba mặt của mọi vấn đề

Quan hệ giữa Trung – Nga – Mỹ hiện nay giống như một hình tam giác không đều, trong đó khoảng cách lớn nhất giữa ba điểm là ở giữa Moskva và Washington. Trong tam giác này, quan hệ Trung – Nga là tích cực và ổn định hơn cả. Mối quan hệ Mỹ – Trung thường xuyên có thăng trầm, và quan hệ Mỹ – Nga trở nên rất căng thẳng, đặc biệt là do Nga hiện phải đương đầu với các lệnh trừng phạt đáng kể của Mỹ. Trong khi đó, cả Bắc Kinh và Moskva phản đối Washington sử dụng vũ lực và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các nước khác và phản đối các tiêu chuẩn kép mà Hoa Kỳ áp dụng trong các chính sách đối ngoại của mình.

Hoa Kỳ và các đồng minh có thể cho rằng mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Trung Quốc và Nga là bằng chứng của một kiểu tiền liên minh có ý định làm gián đoạn hoặc thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc, mối quan hệ ba bên không nên bị coi là một trò chơi mà trong đó hai nước liên minh chống một. Sự phát triển hài hòa của quan hệ Trung – Nga không có ý định làm tổn hại đến Hoa Kỳ, và Washington cũng không nên tìm cách làm ảnh hưởng đến nó. Tương tự như vậy, hợp tác Trung – Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi Nga, hay cũng không phải được thúc đẩy bởi những căng thẳng giữa Moskva và Washington. Trung Quốc không nên hình thành một liên minh dựa trên chính trị khối và cũng không cho phép bị các nước khác lôi kéo làm đồng minh.

Trật tự quốc tế hiện nay là nền tảng của sự ổn định toàn cầu – nhưng trật tự đó không hề hoàn hảo. Năm 2005, Trung Quốc và Nga đã đưa ra tuyên bố chung về “trật tự quốc tế trong thế kỷ 21”, kêu gọi một hệ thống quốc tế công bằng hơn, mà tính hợp pháp của nó bắt nguồn từ các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Tuyên bố chỉ rõ rằng Bắc Kinh và Moskva đã chứng kiến sự phát triển quan hệ của họ từ chỗ không tin tưởng và cạnh tranh tới trở thành đối tác và hợp tác, coi đó là một hình mẫu để các nước gạt đi những khác biệt và hợp tác trên các lĩnh vực đạt được thỏa thuận nhằm giúp thúc đẩy trật tự toàn cầu và giảm khả năng thế giới sẽ rơi vào xung đột và chiến tranh giữa các nước lớn.

Fu Ying (Phó Oánh) là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]