Trung-Nga tập trận tại Baltic: Phương Tây nên hoan nghênh?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:  The West need not fear China’s war games with Russia”, The Economist, 29/07/2017.

Biên dịch: Lê Xuân Thuận | Biên tập: Lê Hồng HIệp

Thực tế, hải quân Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc nhiều hơn nữa.

Trong thời bình, rất hiếm có một quốc gia nào đạt được sức mạnh hải quân nhanh như Trung Quốc đã làm trong những năm gần đây. Chỉ mới 3 thập niên trước các tàu chiến của Trung Quốc chỉ có khả năng hoạt động gần bờ. Giờ đây, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đang xuất xưởng hàng loạt tàu chiến hiện đại với tốc độ chóng mặt. Một số chuyên gia tin rằng chỉ trong vài năm nữa Trung Quốc có thể sẽ sở hữu nhiều tàu chiến như Mỹ. Hải quân Trung Quốc đang mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu: trong tuần này 3 tàu Trung Quốc tiến hành tập trận với hải quân Nga tại vùng biển Baltic, cuộc tập trận chung đầu tiên của 2 nước tại vùng biển này. Thông điệp chuyển tới phương Tây rất rõ ràng. Cùng khó chịu trước sức mạnh của Mỹ, cả Trung Quốc và Nga đều đang trêu ngươi NATO tại vùng biển Baltic, cửa ngõ của NATO.

Việc Trung Quốc tăng cường lực lượng hải quân khiến Mỹ thấy quan ngại khi hầu như không có tuần nào trôi qua mà không có vài sự phát triển mới khiến họ lo lắng. Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc hạ thuỷ tàu sân bay tự đóng đầu tiên của mình và vào tháng 6 là tàu khu trục trọng tải 10.000 tấn, tương đương với tàu khu trục của Mỹ tại khu vực. Và tháng 7 này, Trung Quốc triển khai tàu chiến cùng binh lính tới Djibouti để thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân giúp cho Trung Quốc có khả năng giữ vững và kiểm soát những vùng lãnh thổ có tranh chấp mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời giúp răn đe Đài Loan. Trong trường hợp có xung đột, Mỹ có thể sẽ vào cuộc. Và cuộc tập trận với Nga lần này của Trung Quốc tại biển Baltic không chỉ ám chỉ sự thù địch tới phương Tây mà còn cho thấy sự ngưỡng mộ của hai bên dành cho hệ thống chính trị của nhau. Chủ tịch Tập nhắm mắt làm ngơ trước việc Nga sáp nhập Crimea và Putin cũng có hành động tương tự trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, quan hệ Nga-Trung ít thực chất hơn những gì được thấy. Quan chức Nga lo lắng về sự mạnh lên cả về kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc tương tự như người Mỹ. Thêm nữa, Nga còn bán cho Ấn Độ, đối thủ của Trung Quốc, những vũ khí tương tự như bán cho Trung Quốc. Thực tế ông Tập làm ngơ (không tuân thủ) các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga – nhưng chủ yếu là vì ông muốn duy trì quan hệ ổn định với nước hàng xóm khổng lồ, nước trước đây đã gần tiến tới chiến tranh với Trung Quốc.

Thực thi trách nhiệm

Trên nhiều khía cạnh, việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng hải quân tại vùng Baltic là một việc làm nên được hoan nghênh hơn là lo ngại. Nếu Trung Quốc muốn chứng minh rằng tàu chiến của mình có thể hoạt động ở những vùng biển xa xôi, thì không có gì sai cả. Quả thực, việc này là việc hoàn toàn nên làm vì Trung Quốc với tư cách là một cường quốc kinh tế thế giới nên đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh hàng hải ở những vùng ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu. Trung Quốc đã tham gia vào các chiến dịch chống cướp biển tại vịnh Aden- nơi sẽ được hỗ trợ bởi căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti.

Việc Trung Quốc triển khai các tàu hải quân ra ngoài các vùng biển của mình cũng giúp Trung Quốc hiểu rằng Mỹ cũng như Trung Quốc có những lý do hợp lý để thực hiện việc này. Trung Quốc thường xuyên giận dữ về việc các tàu chiến của Mỹ hoạt động ở vùng tây Thái Bình Dương và từ chối chấp nhận một trong những lý do chính được đưa ra bởi Lầu Năm Góc là Mỹ có lợi ích cốt lõi trong việc đảm bảo an ninh thương mại châu Á.

Thay vì lo ngại về các cuộc tập trận chung vừa qua, Mỹ nên khuyến khích Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các cuộc tập trận chung khác bao gồm cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Rimpac được diễn ra 2 năm một lần tại Hawaii, và sẽ diễn ra năm 2018 tới. Vào tháng 5, Lầu Năm Góc đã gửi lời mời Trung Quốc tham gia, đây sẽ là lần tham gia thứ 3 của Trung Quốc. Nhiều nhà chính trị Mỹ phàn nàn về sự tham gia của lực lượng hải quân không mấy thân thiện với phương Tây này. Nhưng họ đã sai. Những cuộc tập trận như vậy là một cách tốt để ngăn chặn sự đối đầu bắt nguồn từ các hiểu nhầm. Và việc cho Trung Quốc tham dự sẽ giúp bảo đảm rằng việc tăng cường sức mạnh hải quân của nước này là có ích cho an ninh toàn cầu thay vì đe doạ nó.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]