Nguồn: “Why Obama’s visit to Cuba is groundbreaking“, The Economist, 20/03/2016.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Ông Obama đã có một hành động làm ấm mối quan hệ của hai quốc gia. Ban nhạc The Rolling Stones sẽ trình diễn trong một buổi hòa nhạc miễn phí ở Havana vào ngày 25/03 trước một lượng khán giả dự kiến là 400.000 người. Năm ngày trước đó, ông Obama đã có một chuyến thăm hữu nghị ngắn. Dù ông nói hay làm bất cứ điều gì, thì đây cũng là một chuyến thăm lịch sử – chuyến thăm Cuba đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm kể từ năm 1928, khi Tổng thống Calvin Coolidge khởi hành từ nước Mỹ đến tham dự Hội nghị Liên Mỹ tại Havana. Ông Obama có thể trông chờ một sự chào đón nồng nhiệt ở Cuba. Theo một cuộc thăm dò năm ngoái, ông Obama còn nổi tiếng hơn cả Chủ tịch Cuba Raúl Castro, hay Fidel, anh trai của ngài Chủ tịch và cha đẻ của cuộc Cách mạng Cuba. Nhiều người dân Cuba đã nói về sự phấn khởi của họ đối với sự xuất hiện của một vị tổng thống da màu tại đất nước của mình, nơi mà các cư dân không phải người da trắng chiếm đa số.
Chuyến thăm này sẽ bồi đắp thêm cho mối quan hệ Cuba – Mỹ vốn gặp những khó khăn kéo dài từ thời điểm những năm đầu thế kỷ 20. Hòn đảo này được đặt dưới sự chiếm đóng của quân đội Mỹ vào cuối cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ năm 1898, và giành được độc lập bốn năm sau đó. Nhưng Cuba đã phải thỏa hiệp cho Mỹ quyền can thiệp quân sự bất cứ khi nào Mỹ cảm thấy phù hợp. Mỹ dùng quyền này để giành quyền sở hữu một căn cứ hải quân tại vịnh Guantanamo nằm ở mũi phía đông nam của hòn đảo.
Các khoản đầu tư của Mỹ vào Cuba, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp, đã gia tăng trong những thập kỷ tiếp theo và du lịch phát triển mạnh mẽ, cho đến khi đất nước này được tiếp quản bởi Fidel Castro và chính quyền cộng sản của ông vào năm 1959, điều đã làm thay đổi mối quan hệ hai quốc gia một cách đáng kể. Cùng năm đó, Fulgencio Batista, nhà lãnh đạo cuối cùng trước Castro, đã trốn khỏi đất nước.
Việc các tài sản thuộc sở hữu của Mỹ trên đảo bị quốc hữu hóa đã phá vỡ mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1961 và khiến Mỹ áp đặt một lệnh cấm vận toàn diện về giao thương, kinh tế và tài chính vào năm tiếp theo. Hai quốc gia này đã vướng vào một thời kỳ dài của sự nghi kỵ lẫn nhau, và gần đây nhất là vào năm 1996, Mỹ đã áp đặt một đạo luật mới mang tên Luật Helms-Burton, nhằm trừng phạt các công ty đầu tư vào Cuba.
Tuy nhiên, vào tháng 12/2014, tình hình đã thay đổi. Ông Obama và người em với đầu óc tương đối cải cách của Fidel – Raúl – đã tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao. Quá trình bình thường hóa được tiếp tục với việc nới lỏng một số khía cạnh của lệnh cấm vận thương mại và du lịch; việc mở lại các đại sứ quán ở thủ đô Havana và Washington; và việc Mỹ loại Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Chuyến thăm của ông Obama là một bước quan trọng trong quá trình này. Nó báo hiệu một sự khởi đầu mới trong cách thức mà hai quốc gia này quan hệ với nhau và được Cuba xem như là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Mỹ đang bắt đầu nhìn nhận hòn đảo này là một quốc gia ngang hàng chứ không phải là một nước phụ thuộc. Chuyến thăm mang lại một sự cải thiện về chính sách đối ngoại được chào đón cho ông Obama khi ông đang tới gần cuối nhiệm kỳ của mình, trong bối cảnh các chính sách của ông đã gặp phải những kết cục không vui tại các quốc gia như Syria, Iraq và Libya. Bằng cách khuyến khích sự tiếp xúc giữa các chính quyền, doanh nghiệp và công dân của hai quốc gia, ông đảm bảo rằng chính sách của ông về sự tái can dự với Cuba sẽ mang lại đủ động lực để vượt qua sự thù địch của những người kế nhiệm tiềm tàng như Ted Cruz. Ông Cruz, người có cha ruột đến từ Cuba, đã lên tiếng phản đối cách tiếp cận của ông Obama. Nhưng với ý kiến của công chúng ngày càng ủng hộ việc lập lại tình hữu nghị này, bất kỳ ý tưởng nào về việc đảo ngược quá trình bình thường hóa có thể bị xếp vào tủ.
Ông Obama tán thành ý tưởng rằng việc hợp tác với chế độ Castro thay vì cô lập nó sẽ mang lại một cơ hội lớn hơn để khuyến khích sự thay đổi chính trị trên hòn đảo này. Sự phát triển hơn nữa các mối quan hệ thương mại, mặc dù ở một tốc độ vô cùng chậm chạp, và sự gia tăng không ngừng số lượng du khách Mỹ, đã khiến hai nền kinh tế xích lại với nhau. “Tất cả những gì đã xảy ra trong 100 năm qua trong mối quan hệ Cuba – Mỹ là rất tệ hại”, ông Antonio Zamora, một cựu chiến binh của sự kiện Vịnh Con Lợn (Bay of Pigs), một nỗ lực xâm lược Cuba bất thành của CIA năm 1961, nói “Giờ là thời điểm để bắt đầu thay đổi mọi thứ.”
Xem thêm: Hậu Obama: Liệu Mỹ có bỏ cấm vận đối với Cuba?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]