Silvio Berlusconi: ‘Bản gốc’ người Ý của Donald Trump

trump italian

Nguồn: Bill Emmott, “Trump’s Italian Prototype”, Project Syndicate, 14/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Việc tỷ phú Donald Trump vươn lên trong cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ vừa đáng sợ lại vừa thú vị. Khi chiến dịch tranh cử của Trump vốn từng bị chế nhạo tiếp tục thành công – mà lần gần nhất là tại các cuộc bầu cử sơ bộ ở Michigan và Mississippi và họp kín ở Hawaii – các chuyên gia đang phải vật lộn tìm kiếm những trường hợp tương tự trong lịch sử nhằm làm sáng tỏ hiện tượng này. Dù không có phép so sánh nào là hoàn hảo, nhưng người phù hợp nhất có lẽ Silvio Berlusconi, ông trùm truyền thông đã có ba nhiệm kỳ làm Thủ tướng Ý. Và đây không phải là một mẫu hình có thể giúp chúng ta yên tâm.

Nhìn bên ngoài, tất nhiên, Berlusconi và Trump có một vài điểm chung, gồm việc cả hai đều đã nhiều lần kết hôn và thường có phong cách thô tục. Nhưng những phẩm chất quan trọng nhất – và cũng đáng lo ngại nhất – mà họ chia sẻ là khả năng tránh các vấn đề thực chất bằng các lời hoa mỹ, sẵn sàng nói dối thẳng thừng để theo đuổi danh tiếng và lợi thế, và sẵn sàng đe dọa để buộc những người chỉ trích phải im lặng.

Nền tảng chính sách của Berlusconi, thậm chí cả tư tưởng cơ bản của ông ta, đều thiếu sự nhất quán. Trong các chiến dịch tranh cử thành công của mình, ông ta nói về bất cứ thứ gì có thể giúp giành phiếu bầu; và trong ba nhiệm kỳ làm thủ tướng, ông ta cũng sử dụng các chiến thuật tương tự để hình thành các liên minh. Chương trình nghị sự duy nhất của ông ta là để bảo vệ hoặc nâng cao lợi ích kinh tế riêng của mình.

Cho đến nay, Trump đã theo đuổi nhiều chiến lược tương tự, sẵn sàng nói về bất cứ điều gì để giành thêm phiếu bầu. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có thành sự thật không nếu ông ta vào được Nhà Trắng. Hệ thống kiềm chế đối trọng được Hiến pháp Mỹ lập ra có khả năng ngăn không cho bất kỳ nhánh nào trong chính quyền vượt quá tầm kiểm soát. Nhưng thao túng công luận là một thứ vũ khí mạnh mẽ trong bất kỳ nền dân chủ nào, và đó là thứ vũ khí mà Trump, giống như Berlusconi, đã biết cách vận dụng tốt hơn những người khác.

Thành công lớn nhất của Berlusconi – đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2001-2006 và 2008-2011 (nhiệm kỳ còn lại là giai đoạn 1994-1995) – nằm ở sự thao túng giới truyền thông và dư luận. Dù niềm tin của người Ý vào chính phủ nổi tiếng là thấp, với việc phần lớn người dân Ý tin rằng hầu như tất cả các quan chức đều vì lợi ích riêng, Berlusconi còn khiến nhận thức của người dân tê liệt hơn nữa. Bằng cách nào đó, ông ta khiến người dân Ý tin rằng nền kinh tế và xã hội của họ vẫn tốt, ngay cả trong bối cảnh sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, dù thực tế rõ ràng là không phải vậy. Dưới sự lãnh đạo của Berlusconi, Ý đã lãng phí quãng thời gian mà đáng lý chính phủ phải theo đuổi những cải cách quan trọng.

Làm thế nào mà Berlusconi đạt được điều đó? Phần lớn thời gian, ông đã sử dụng những câu chuyện đùa, những lời nói dối, và những nụ cười. Khi chúng không còn tác dụng, ông ta chuyển sang đe dọa, kể cả bằng các vụ kiện tội phỉ báng.

Thực tế, có rất ít ông trùm truyền thông (Berlusconi sở hữu các kênh truyền hình thương mại và một vài tờ nhật báo quan trọng tại Ý, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua gia đình ông ta) đã từng có được sự tự do như vậy trong việc sử dụng các vụ kiện tội phỉ báng để bịt miệng các nhà báo và nhà phê bình. Nhà văn chống mafia nổi tiếng của Ý, Roberto Saviano gọi đó là “bộ máy bùn” (mud machine), ý nói Berlusconi sẵn sàng bôi nhọ bất cứ ai dám ngáng đường mình (Xin tiết lộ, trên cương vị tổng biên tập của The Economist, tôi cũng từng là mục tiêu trong hai vụ kiện tội phỉ báng của Berlusconi.)

Tất cả các chiến thuật này đều được Trump sử dụng. Ông ta luôn công kích các đối thủ của mình, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông. Trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, ông ta cũng thường viện đến luật về chống phỉ báng. Nếu Trump thắng cử tổng thống, như chính ông ta đã nói, ông ta sẽ tìm cách kiểm soát chỉ trích từ truyền thông. Thế nhưng, thông điệp quan trọng này được ông ta truyền đi rất lạc quan, kèm theo một câu nói đùa và một nụ cười. Như trường hợp của Berlusconi, khi người dân đang cảm thấy thất vọng tràn trề, một tình trạng đang ngày càng phổ biến ở Mỹ, thì phương pháp này có thể đem lại hiệu quả cao, trong một thời gian rất dài.

Một số chuyên gia, những người so sánh Trump với Berlusconi, đã nhấn mạnh một điểm khác biệt giữa hai tỷ phú thích khoa trương này: Họ nói Berlusconi ít ra có nhiều sức hút và sự nhạy bén trong kinh doanh hơn [Trump]. Đánh giá này không chỉ quá rộng lượng với Berlusconi; nó còn là nguy cơ gây hiểu lầm rằng Trump ít nguy hiểm hơn so với vị tỷ phú người Ý.

Thực tế là, trong khi Berlusconi chắc chắn có sức hút riêng, thì số người ủng hộ ngày càng tăng của Trump cũng cho thấy ông ta phải có sức hút nhất định, dù nó có ít hơn nhiều [so với Berlusconi]. Hơn nữa, dù việc Berlusconi sở hữu sự nhạy bén trong kinh doanh là điều không nghi ngờ gì, thì ông ta, cũng như Trump, đã rất nhiều lần “đi đường tắt”. Mối quan hệ của các trợ lý thân cận và bạn bè của Berlusconi với nhiều băng đảng Mafia ở Ý cũng đã được ghi nhận.

Nhưng không có điều nào trên đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước Mỹ ngày nay. Điều quan trọng là cả Trump và Berlusconi đều tàn nhẫn và sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục đích (cá nhân) cuối cùng của họ.

Chính vì điều này, việc đánh giá thấp Trump sẽ là một sai lầm rất lớn; ông ta sẽ luôn chứng minh rằng mình mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn, và bền bỉ hơn những gì được mong đợi. Cách duy nhất để tránh thảm họa “cấp Berlusconi” này – hoặc tệ hơn – là tiếp tục chỉ trích ông ta, phơi bày những lời nói dối của ông ta, và buộc ông ta chịu trách nhiệm cho lời nói và hành động của mình, mặc cho những lời lăng mạ hoặc đe dọa mà ông ta nhắm vào những ai dám làm điều đó.

Quá nhiều người Ý đã nhún vai trước những lời nói dối và thiếu sót của Berlusconi, tin rằng ông ta sẽ sớm rời khỏi chức vụ, và không gây nhiều thiệt hại. Nhưng ông ta đã không rời bỏ quyền lực, và đã gây rất nhiều thiệt hại. Nước Mỹ không thể chịu được những sai lầm tương tự. Cái giá của tự do, như người Mỹ hay nói, là sự cảnh giác thường trực (Eternal vigilance is the price of liberty). Khi đối đầu Trump, giảm giá là điều không thể.

Bill Emmott là cựu Tổng Biên tập của tạp chí The Economist.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Trump’s Italian Prototype
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]