Tại sao cần ưu tiên giải quyết tình trạng Jerusalem?

Print Friendly, PDF & Email

jerusalem

Nguồn: Laura Wharton, “Jerusalem First”, Project Syndicate, 28/03/2016.

Biên dịch: Đào Duy Tùng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Jerusalem không phải một mà là hai thành phố. Gần 50 năm sau khi Israel chiếm được Đông Jerusalem, thành phố này vẫn luôn bị chia cắt. Trong bối cảnh các khu vực dân cư của thành phố trải qua một làn sóng bạo lực mới, việc thừa nhận thực tế này đang trở nên ngày càng cấp bách. Quá trình dàn xếp tình trạng của Jerusalem như là hai thành phố, một cho người Israel và một cho người Palestine, phải được coi là một ưu tiên nếu muốn đạt được hòa bình giữa hai bên.

Kế hoạch Phân chia của Liên Hợp Quốc năm 1947 đã đề nghị tách Palestine lúc đó do Anh kiểm soát thành một nhà nước Do Thái và một nhà nước Ả Rập, nhưng lại đặt riêng Jerusalem thành một vùng đất độc lập dưới sự quản thác quốc tế. Tuy nhiên trong cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1948, thành phố này đã bị chia tách. Tây Jerusalem nằm dưới sự kiểm soát của Israel và Đông Jerusalem – bao gồm cả phần Thành Cổ – bị chiếm đóng bởi Vương quốc Jordan.

Sự chia cắt kéo dài cho đến cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, khi Israel đẩy lui một cuộc tấn công của Jordan vào sở chỉ huy của lực lượng quan sát viên Liên Hợp Quốc ở Tây Jerusalem, và sau đó xâm chiếm nốt phần còn lại của thành phố cùng với toàn bộ Bờ Tây. Sau cuộc chiến, Israel tuyên bố Jerusalem thống nhất là thủ đô của mình, và sáp nhập hơn 30 ngôi làng Ả Rập vào thành phố này.

Hai nửa thành phố kể từ đó vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel, nhưng không phần nào được quốc tế công nhận là phần lãnh thổ hợp pháp của nhà nước Do Thái. Và cũng không quốc gia nào công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Không một đại sứ quán nào được đặt tại thành phố này; thậm chí Hoa Kỳ vẫn duy trì đại sứ quán của mình ở Tel Aviv.

Tương tự như thế, dù Israel lớn tiếng thế nào khi tuyên bố rằng thành phố đã được thống nhất, thì chắc chắn thực tế không phải như vậy. Ngoại trừ khu vực Thành Cổ, người Israel, và ngay cả những công dân của thành phố, hiếm khi nào mạo hiểm đi vào khu Đông Jerusalem, nơi phần lớn các biển hiệu vẫn được ghi bằng tiếng Ả Rập. Nửa thuộc Palestine chịu ảnh hưởng của sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng bao gồm đường sá, hệ thống nước thải và trường học. Gần 85% trẻ em thuộc nửa này sống dưới mức nghèo đói. Chưa tới 2% công dân của Đông Jerusalem đi bầu trong các cuộc bầu cử thành phố, vì phần đông họ tin rằng tham gia bầu cử sẽ làm tăng thêm tính hợp pháp cho sự chiếm đóng của Israel. Kết quả là mặc dù người Palestine chiếm tới 37% dân số của Jerusalem, nhưng không một người Palestine nào tham gia hội đồng thành phố.

Trong khi đó, xấp xỉ 3.000 người Israel cực đoan đã mua nhà ở Đông Jerusalem, nơi họ được bảo vệ bởi lực lượng an ninh và con cái của họ được đưa đến trường trong những xe bọc thép – một phần của các dịch vụ được cung cấp cho những người định cư vốn tiêu tốn của chính phủ Israel hơn 100 triệu shekels (25 triệu đô Mỹ) trong năm 2014. Sự hiện diện của những người định cư, thường được đánh dấu bằng những lá cờ Israel khổng lồ, được đa phần người Palestine coi là một hành động khiêu khích và là nguồn gốc của căng thẳng kéo dài.

Hai nửa của thành phố chỉ thống nhất thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, là kết quả của một chính sách khuyến khích đưa công nhân Palestine vào Israel với hy vọng rằng công việc và nỗi lo mất việc sẽ khiến họ không muốn làm loạn. Sau hàng thập kỷ, sự phụ thuộc đã mang tính hai chiều. Khoảng 3.500 trong 5.000 người lao động trong ngành công nghiệp khách sạn của Jerusalem là người Palestine, và người Palestine cũng chiếm xấp xỉ một nửa số lái xe bus công cộng (một cuộc đình công ngắn của những lái xe người Ả Rập trong tháng 11 đã gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống giao thông của thành phố).

Tình trạng tranh chấp của Jerusalem gây tác động cho toàn bộ khu vực, và là một trong những khó khăn chính trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Dù những đề xuất giải quyết ban đầu đã đề nghị Jerusalem nên được độc lập, như trong Kế hoạch Phân chia của Liên Hợp Quốc, nhưng gần đây sự thống nhất về những nét khái quát của một thỏa thuận hòa bình đã xuất hiện.

Đa phần các đề xuất về Jerusalem (bao gồm cái gọi là Các đề xuất của Clinton năm 2000 vốn được chính phủ Israel chấp nhận) chia sẻ rất nhiều điểm chung. Điểm quan trọng nhất là nguyên tắc rằng những khu vực cư dân Palestine (có 99% dân số Palestine sinh sống) sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Palestine, và những khu vực cư dân Israel (với 99% dân số Israel sinh sống) sẽ vẫn thuộc quyền kiểm soát của Israel. Trách nhiệm phụ trách những địa điểm linh thiêng của thành phố sẽ vẫn không đổi, Nhà thờ Mộ Thánh (the Church of the Holy Sepulchre) vẫn nằm dưới sự quản lý của những người Cơ đốc giáo, tổ chức Hồi giáo Islamic Waqf quản lý Núi Đền (Temple Mount), còn một giáo sỹ Do Thái vẫn quản lý Bức tường Phía Tây (Western Wall).

Nhưng những nỗ lực để hoàn tất thỏa thuận đã bị trì hoãn hết lần này đến lần khác. Những chi tiết liên quan đến việc quản lý Thành Cổ, việc quản trị tổng thể Jerusalem, và việc phân bố lại những người định cư, được xem như quá nhạy cảm không thể giải quyết, và các nhà kiến tạo hòa bình lại nghĩ rằng tốt hơn là nên xây dựng lòng tin trước bằng cách bắt đầu với những chủ đề dễ hơn.

Cách tiếp cận này đã chứng minh là một thất bại, và trong những năm từ đó tới nay, sự chia cắt của thành phố tiếp tục trở nên xấu đi. Cần phải có một cách tiếp cận mới. Việc giả vờ cho rằng Jerusalem đã thống nhất không thể nào tiếp tục được sử dụng để che giấu sự phân biệt đối xử. Người Palestine phải được trao quyền kiểm soát cuộc sống của họ, để sự an toàn của toàn bộ công dân Jerusalem, ở nhà họ cũng như các địa điểm công cộng, có thể được đảm bảo.

Những quốc gia láng giềng của Israel và các cường quốc khu vực nên ưu tiên giải quyết tình trạng của Jerusalem trước khi tình hình an ninh thành phố trở nên xấu hơn nữa. Điều này quan trọng không chỉ đối với các công dân Jerusalem mà việc giải quyết tình trạng của thành phố cũng sẽ cung cấp động lực cho việc giải quyết các vấn đề khác. Tóm lại, bất cứ ai mong muốn mang lại sự bình yên cho khu vực đều nên tập trung vào Jerusalem.

Chỉ bằng cách chia tách Jerusalem thành hai nửa ngay bây giờ trước khi mọi thứ trở nên đẫm máu hơn thì chúng ta mới có thể duy trì được khả năng ngày nào đó thành phố sẽ được thống nhất lại một lần nữa như là một biểu tượng quốc tế cho hòa bình mà người ta đã từng mong đợi.

Laura Wharton, thành viên Hội đồng Thành phố Jerusalem kể từ năm 2008, giảng dạy ngành Khoa học chính trị tại Đại học Hebrew.

Copyright: Project Syndicate 2016 –  Jerusalem First
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]