04/04/1975: Máy bay rơi trong chiến dịch Không vận Trẻ em

Print Friendly, PDF & Email

274180F400000578

Nguồn: “Operation Baby Lift aircraft crashes,” History.com & Allison Martin, “The Legacy of Operation Babylift,” Adopt Vietnam (truy cập ngày 04/4/2016).

Biên dịch: Nguyễn Thị Nhung

Vào ngày này năm 1975, chiến dịch nhân đạo Không vận Trẻ em (Operation Babylift) của Mỹ tại Việt Nam đã bắt đầu bằng một thảm kịch, khi chiếc máy bay quân sự C-5A Galaxy mang số hiệu 68-0218 chở 313 người rơi xuống một cánh đồng gần sông Sài Gòn vào lúc 4 giờ 45 phút chiều cùng ngày. Số người thiệt mạng được xác định là 153 người, trong đó có 78 trẻ em; 175 người may mắn sống sót.

Theo nội dung kết quả điều tra, 20 phút sau khi C-5A cất cánh khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, viên phi công bắt đầu nhận thấy sự cố kỹ thuật và cố gắng điều khiển phi cơ quay lại sân bay. Bất chấp nỗ lực tiếp đất an toàn, chiếc máy bay đã rơi xuống cánh đồng thuộc khu vực quận 12 (TP. Hồ Chí Minh ngày nay), và vỡ thành nhiều mảnh. Hoạt động cứu hộ gặp khó khăn do hiện trường nằm giữa cánh đồng bùn lầy và trong vùng giao tranh khốc liệt. Toàn bộ trẻ em sống sót sau đó được tiếp tục đưa đến Mỹ bằng một chuyến bay khác, trong khi những nạn nhân nhỏ tuổi thiệt mạng được hỏa táng và chuyển đến chôn cất tại nhà thờ Thánh Nikolaus, Pattaya, Thái Lan.

Trước đó một ngày, ngày 03/4/1974, tổng thống Mỹ Gerald Ford đã công bố khởi động chiến dịch Không vận Trẻ em, huy động 30 chuyến bay để sơ tán 2.000 trẻ mồ côi và trẻ em Việt là con lai từ Sài Gòn sang Mỹ làm con nuôi. Đây là kết quả của hàng loạt thỉnh cầu gửi lên chính phủ của các tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em tại Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam đang dần đi đến hồi kết.

Chiến dịch vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt 10 ngày sau đó, và kết thúc vào ngày 14/4, với khoảng hơn 3.000 trẻ em được sơ tán. Dù mang mục đích nhân đạo, với nhiều trẻ sau đó tìm được mái ấm của mình ở Mỹ, Canada và nhiều nước Châu Âu, nhưng chiến dịch Không vận Trẻ em cũng gây ra nhiều tranh cãi như về điều kiện vận chuyển, mức độ an toàn hay bản thân sự cần thiết của chiến dịch. Rất nhiều em bé được đưa ra khỏi Việt Nam khi đó không phải là trẻ mồ côi, mà thực tế được cha mẹ các em “gửi” lên chuyến bay để sơ tán sang Mỹ trước, kéo theo nhiều cuộc tranh chấp về quyền nhận nuôi con sau khi các gia đình này cập bến bên kia bờ Thái Bình Dương hậu 30/04/1975. Nhiều “trẻ em Không vận” khi lớn lên cũng phải đối mặt với định kiến và kỳ thị, cũng như cảm giác lạc lõng trong gia đình nhận nuôi và xã hội.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]