5 hiểu lầm về phong trào Ku Klux Klan

3k

Nguồn: David Cunningham, “Five myths about the Ku Klux Klan”, The Washington Post, 11/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Gần đây, trong chương trình “State of the Union” của CNN, hành động phủ nhận sự ủng hộ từ lãnh đạo nhóm Ku Klux Klan (KKK) David Duke của Donald Trump đã khơi lại cuộc tranh luận về vai trò của KKK trong chính trị quốc gia. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên. Lịch sử của KKK đã trải qua nhiều thăng trầm, từ việc tổ chức này được thành lập sau Nội chiến với nguồn gốc khủng bố, cho tới cú hồi sinh ngoạn mục như một phong trào bản địa (nativist) hồi những năm 1920, và sau đó trở lại là một nhóm chống đối dân quyền tàn bạo trong những năm 1960. Ngày nay, các chi bộ KKK vẫn tiếp tục tuyển mộ thêm các nhóm nhỏ thành viên. Dù những chiếc mũ trùm trắng, áo choàng và cây thập tự bốc cháy của KKK tiếp tục là những biểu tượng đại diện cho khủng bố sắc tộc và thuyết người da trắng thượng đẳng (white supremacy), nhiều hiểu lầm đã xuất hiện. Dưới đây là năm hiểu lầm phổ biến nhất.

  1. Ngày nay, KKK đã quá yếu để có thể trở thành một mối đe dọa thực sự.

Khi KKK tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa nhà Lập pháp bang South Carolina vào năm 2015, các đối thủ của nó cho rằng không có gì phải sợ. “KKK ngày nay đã suy yếu, lãnh đạo thì kém, lại còn chia rẽ nội bộ,” Mark Potok – thành viên Trung tâm Nghiên cứu Luật Người nghèo miền Nam Hoa Kỳ (The Southern Poverty Law Center, SPLC) – đã trả lời tờ Christian Science Monitor như vậy. Những người khác cũng có quan điểm tương tự; họ gọi Klan là “yếu”, là “đơn độc” và thậm chí còn là một nhóm gây thù hận “học đòi”.

Đúng là KKK hiện tại đã thực sự khác biệt, gồm nhiều nhóm nhưng không liên kết với nhau. Tháng trước, Dự án Tình báo của SPLC đã xác định được 190 nhóm KKK, hoạt động trong 31 tổ chức khác nhau. Các nhóm này khá rời rạc và có rất ít thành viên, ước tính tổng cộng là dưới 10.000 người. (Vào thời đỉnh cao hồi những năm 1920, số lượng thành viên của KKK đã vượt ngưỡng 4 triệu người.)

Tuy nhiên, nhóm ngoài lề xã hội này vẫn có thể có những hành vi bạo lực khó lường. Nghịch lý thay, trong thời kỳ KKK được hàng loạt người tin theo, hành vi bạo lực của tổ chức này lại dễ kiểm soát hơn. Lúc đó, những người đứng đầu vì muốn duy trì tổ chức nên họ có động lực để kiềm chế những cuộc tấn công trái phép của các cá nhân thành viên. Còn ngày nay, việc KKK thiếu đi một bộ máy chung có thể khuyến khích âm mưu của “những con sói đơn độc” hay những phần tử bị cô lập. Sự hiện diện ngày càng tăng trên Internet đã làm trầm trọng thêm xu hướng này. Những “cảm tình viên” như Dylann Roof – thủ phạm trong vụ bắn súng tại nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal ở Charleston, bang South Carolina – có thể dễ dàng truy cập vào các tài liệu quảng bá và khuyến khích chủ nghĩa khủng bố nhân danh thuyết người da trắng thượng đẳng.

  1. Những người ủng hộ chính của KKK là ở các vùng nông thôn miền Nam.

Trong nền văn hóa đại chúng, KKK được mô tả là một hiện tượng xuất hiện chủ yếu ở miền Nam. Đạo diễn Quentin Tarantino đã chế giễu KKK trong bộ phim “Django Unchained”, lấy bối cảnh ở vùng cực nam Hoa Kỳ. George Clooney thì ẩu đả với KKK ở Mississippi trong phim “O Brother, Where Art Thou?” Và trong những cuốn sách lấy bối cảnh ở Alabama của Harper Lee, nhân vật Atticus Finch ban đầu đồng cảm, nhưng sau đó đã lên án KKK.

Mặc dù ban đầu KKK là một phong trào riêng biệt ở miền Nam, được phát triển và lãnh đạo bởi các cựu binh của phe Hợp bang (Confederate – tức liên minh các bang miền Nam đòi ly khai trong nội chiến Hoa Kỳ – NBT). Trong thời kỳ hoàng kim vào những năm 1920, KKK đã hồi sinh trên toàn quốc và chủ yếu là ở thành thị. Vùng Trung Tây, Tây Nam và Duyên hải miền Đông nổi lên thành các trung tâm quyền lực của KKK. Denver, Detroit và Philadelphia từng có số thành viên tới hơn 20.000 người.

Trong thời kỳ dân quyền, hoạt động của KKK một lần nữa lại tập trung về miền Nam, và phần lớn các vụ bạo động tàn bạo nhất của tổ chức này là nhằm chống lại các lực lượng ủng hộ dân quyền miền Nam. Nhưng thành trì của họ không ở nông thôn, mà là trong và xung quanh các thành phố, như Birmingham (Alabama), Greensboro, Raleigh (North Carolina), và Jacksonville (Florida).

Trong những thập niên sau đó, tầm ảnh hưởng của KKK đã một lần nữa mở rộng. Ngày nay, “bản đồ các nhóm thù hận” của SPLC đã xác định các nhóm KKK hoạt động ở 34 bang, từ New England đến Bờ Tây.

  1. KKK chủ yếu hoạt động bí mật, các thành viên đều ẩn danh.

KKK nổi tiếng với các hành động khủng bố trong bóng tối, mà danh tính thủ phạm bị che giấu dưới những chiếc mũ trùm. Truyền thông cũng ủng hộ suy nghĩ rập khuôn này. Một bài báo của Anh đem đến “cái nhìn thoáng qua vào các nghi lễ bí mật.” Một bộ phim tài liệu trên kênh History Channel hứa hẹn sẽ thâm nhập “hội kín” này. Còn tờ Slate thì mô tả KKK là một trong những “nhóm ngoài lề xã hội đáng sợ, và bí mật nhất trên toàn thế giới.”

Các thành viên KKK đôi khi đã dùng mũ trùm để bảo vệ bản thân và tạo dấu ấn tượng trưng. Nhưng các nhóm KKK vẫn thường xuyên hành động như các tổ chức công khai, thông báo rầm rộ về sự hiện diện và những đóng góp dân sự của họ. Năm 1925, các lãnh đạo KKK đã khoa trương về số lượng thành viên và ảnh hưởng chính trị của họ bằng cách tổ chức một cuộc diễu hành ở Đại lộ Pennsylvania, Washington. Sự kiện này đã thu hút hơn 40.000 thành viên, tất cả đều không đeo mặt nạ. Trong những năm 1960, những người KKK đi “dạo phố đêm” ở các thành phố miền Nam. Hàng trăm thành viên không hề ẩn danh, đi diễu hành qua các khu thương mại địa phương để kêu gọi sự chú ý cho những cuộc biểu tình gần đó và để nhấn mạnh sự hiện diện công khai của các thành viên trong cộng đồng.

Những hoạt động dân dự trá hình như vậy dần mở rộng sang một loạt các sự kiện xã hội và hoạt động từ thiện, từ dịch vụ nhà thờ, các nhà hàng bán cá và khoai tây chiên, các cuộc thi bắn gà tây cho tới các chiến dịch cung cấp thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho người bệnh hoặc người thiếu thốn. Trong những năm 1970, David Duke đã cho đổi áo choàng lấy những bộ com-lê ba mảnh để gia tăng sự tôn trọng và tính thu hút của tổ chức.

Các lãnh đạo KKK ngày nay tuyên bố rằng họ đang mở rộng các biên giới mới bằng cách tung ra các trang web hoặc tổ chức tuần hành qua các trung tâm thành phố. Thực ra, những hành động này là một phần trong nỗ lực lâu dài của KKK để đạt được tính hợp pháp trong mắt công chúng.

  1. Trong kỷ nguyên dân quyền miền Nam, KKK đã được các chính trị gia phân biệt chủng tộc ủng hộ.

Trong diễn văn nhậm chức năm 1963, Thống đốc bang Alabama George Wallace đã có câu nói nổi tiếng rằng: “Phân biệt chủng tộc bây giờ, phân biệt chủng tộc ngày mai, phân biệt chủng tộc mãi mãi!” Một năm trước đó, Thống đốc bang Mississippi, Ross Barnett tuyên bố rằng ông là một “người phân biệt chủng tộc và tự hào về điều đó.”

Mặc cho những tuyên bố táo bạo đó, liên minh giữa người Klans và các chính trị gia vẫn rất phức tạp. Giống như một vài người đồng cấp của ông trong thời kỳ Jim Crow, Wallace đã nhẫn nhịn KKK, lôi kéo phiếu bầu từ các thành viên của họ, và nhiều lần dùng ảnh hưởng của KKK để tăng cường phe phân biệt chủng tộc của mình. Tuy nhiên, các chính trị gia phân biệt chủng tộc hoặc đã không công khai ủng hộ việc coi thường pháp luật, nếu không họ sẽ bị coi như chấp nhận hình thức khủng bố có tổ chức của KKK. Đáng chú ý, khi một nhà báo quay lại được cảnh Wallace bắt tay với nhà lãnh đạo quốc gia của KKK, Robert Shelton, trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Wallace vào năm 1968, một nhân viên của thống đốc đã chỉ đạo một quân nhân bang Alabama giật lấy máy quay và phá hủy thước phim. Đó là vì KKK làm phân cực các cử tri da trắng miền Nam. Dù một tỷ lệ áp đảo người da trắng ủng hộ phân biệt chủng tộc trong những năm 1960, thì một nhóm đáng kể đã thấy ghê sợ vì các hành động bạo lực ngoài vòng pháp luật của KKK.

Các chính trị gia đã phải vật lộn để thu hút cả hai phe. Trước cuộc bầu cử thống đốc bang North Carolina năm 1964, ứng viên theo tư tưởng trung dung Dan K. Moore đáp lại lời ủng hộ của lãnh đạo KKK, Bob Jones, bằng cách tuyên bố không biết “bản chất của KKK hoặc các thành viên của nó” và nói rằng ông hoan nghênh sự ủng hộ của tất cả các nhóm có trách nhiệm.

Những hành động cân bằng lại tái hiện trong việc Trump gần đây không ngay lập tức khước từ sự ủng hộ từ lãnh đạo lâu năm của KKK – Duke: “Anh chỉ cần hiểu rằng, tôi không biết bất cứ điều gì về David Duke, vậy được chứ?” Điều này cho thấy cách mà các ứng viên ngày nay, cũng như hồi 1964, có thể tìm kiếm lợi thế thông qua quan điểm về các vấn đề gần với thế giới quan của KKK.

  1. Tác hại của KKK chỉ giới hạn trong hoạt động khủng bố của họ.

Bất kỳ di sản đáng lo ngại nào của KKK cũng tập trung vào các hành vi bạo lực nguy hiểm mà các thành viên của tổ chức này gây ra nhân danh tư tưởng người da trắng thượng đẳng.

Nhưng KKK còn làm hại cộng đồng theo những cách ít trực tiếp hơn, nhưng vẫn có ảnh hưởng rộng rãi. Thậm chí đến hôm nay, 50 năm sau thời kỳ bạo lực chống dân quyền mạnh mẽ nhất của KKK, thì những nơi tổ chức này từng phát triển đều có tỷ lệ tội phạm bạo lực cao hơn các khu vực lân cận. Điều này chứng tỏ sức mạnh của một phong trào chống chính quyền và làm suy yếu sự tôn trọng và trật tự trong cộng đồng. Sức mạnh đó sẽ phá vỡ cấu trúc xã hội còn hơn cả chính sự hiện diện của KKK.

Ảnh hưởng lâu bền của KKK cũng mở rộng sang chính trị bầu cử. KKK chưa bao giờ giành lại được khối cử tri mà họ đã xây dựng được trong những năm 1920 (vào thời điểm đó, các thành viên KKK quyết định kết quả của hàng trăm cuộc bầu cử địa phương và bầu cử tiểu bang). Nhưng trong một nghiên cứu gần đây, Rory McVeigh, Justin Farrell và tôi nhận thấy rằng KKK là động lực chính của sự thay đổi trong nền tảng ủng hộ đảng phái lớn nhất trong nửa thế kỷ qua – khi miền Nam nghiêng dần về phía Đảng Cộng hòa. Dù sự ủng hộ dành cho các ứng viên Cộng hòa đã tăng lên trong toàn khu vực, sự gia tăng đó rõ rệt hơn ở những khu vực mà KKK từng hoạt động trước đó. Họ tạo ra ảnh hưởng này bằng cách khuyến khích cử tri rời bỏ các ứng viên Dân chủ – những người ngày càng ủng hộ cải cách dân quyền, và bằng cách làm cho xung đột sắc tộc trở nên nổi bật và công khai gắn kết những vấn đề đó với cương lĩnh của các đảng.

Dù sự chuyển đổi từ xanh sang đỏ này [chuyển đổi từ Dân chủ sang Cộng hòa] bản thân nó không phải vấn đề, nhưng tác hại mà KKK gây ra là ở bản chất chia rẽ của quá trình chuyển đổi đó, điều sẽ tiếp tục được phản ánh trong hệ thống chính trị phân cực của chúng ta.

David Cunningham là Giáo sư Xã hội học tại Đại học Washington, St. Louis. Ông còn là tác giả cuốn sách “Klansville, U.S.A.: The Rise and Fall of the Civil Rights-Era Ku Klux Klan.”

Xem thêm: Các bài khác trong series “5 hiểu lầm”

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]