Liên Xô 1953: Một năm sáu lãnh tụ

160302115458_stalin_624x351_afp_nocredit

Sách mới vừa ra ở Anh mô tả giai đoạn đấu đá quyền lực ở Kremlin sau khi Stalin đột tử và bác bỏ giả thuyết rằng Phương Tây đã ‘bỏ lỡ cơ hội’ bắt tay với Nikita Khrushchev.

Sau khi Stalin qua đời, Liên Xô cũng có giai đoạn lãnh đạo tập thể 5 người cho đến khi ông Khrushchev nắm trọn quyền. BBC Tiếng Việt giới thiệu một số ý chính từ cuốn sách và các nguồn liên quan về Stalin:

Cuốn ‘The Last Days of Stalin’ (Stalin những ngày cuối đời) của Joshua Rubenstein (ĐH Harvard) vừa ra, nhìn vào “cuộc đấu đá quyền lực sau khi Hoàng đế Đỏ chết tháng 3 năm 1953”.

Theo các bình luận vừa đăng tải trên báo chí Anh, tác giả Rubenstein đã tái dựng lại chi tiết cái chết của Joseph Stalin và bác bỏ giả thuyết nhà lãnh đạo Liên Xô bị đầu độc.

“Vào khoảng 10 giờ đêm ngày Chủ Nhật, 1 tháng 3, người quản gia ngôi nhà nghỉ (dacha) ở ngoại ô Moscow tìm thấy Stalin nằm trên nền nhà, hôn mê và bộ pyjama thấm đầy nước tiểu.”

“Bình thường, nhà lãnh đạo Liên Xô thường làm việc vào đêm, và đến trưa mới ngủ dậy rồi tự gọi nhóm cận vệ vào. Nhưng nếu họ không được gọi thì cũng là chuyện thường bởi Stalin hay không đòi ăn sáng và cũng không yêu cầu các thư ký đến. Nếu không thấy gì lạ, họ đều biết là cần tránh tối đa, không làm phiền nhà độc tài tính khí thất thường.”

“Nhóm vệ sỹ nâng Stalin lên giường và một người gọi vào Điện Kremlin. Trong vòng chưa đầy một giờ, ba nhân vật cao cấp nhất đến ngay: Lavrentiy Beria, lưỡi đao của nhà độc tài, người trực tiếp chỉ đạo các vụ thanh trừng cho ông chủ từ 1930 trở về sau; Nikita Khrushchev, quan chức phụ trách các sự vụ của Đảng Cộng sản, và Georgy Makenkov, kẻ bị quá cân nặng, lo công việc hàng ngày của chính phủ.”

Nhưng họ đã thảo luận và rời căn nhà ở Kuntsevo trở về Moscow, để Stalin nằm đó, không gọi bác sỹ.

Có vẻ như các tính toán quyền lực của ba nhân vật thân cận nhất với Stalin bắt đầu từ quyết định khó hiểu đó, ít ra là từ góc độ y tế.

Chỉ đến ngày hôm sau, khi Stalin đã bị liệt và mất giọng nói, các bác sỹ mới được mời đến.

Họ xác nhận ngay rằng Stalin đã bị một cú đột quỵ nghiêm trọng.

Nhưng các nhân vật cao cấp nhất của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, nay gồm cả Nikolay Bulganin và Vyacheslav Molotov cứ đến đó hàng ngày mà không làm gì khác.

Điều này làm nổ ra đồn đoán rằng ai đó trong số này “nhúng tay vào cái chết của nhà độc tài”.

Cuối cùng, chính thức thì Stalin chết vào ngày 5/3/1953.

Các tài liệu khác ghi lại lúc chết, Stalin có con gái Svetlana bên cạnh.

Bà kể lại cha bà “mở được một mắt, giơ bàn tay trái lên như đe dọa”, rồi từ trần.

Tại đám tang vĩ đại ngày 9/3, Vyacheslav Molotov, người có vợ bị Stalin cho vào trại cải tạo, đã ngợi ca nhà độc tài.

Ban lãnh đạo 5 người

Stalin và con gái út năm 1936: mẹ của Svetlana đã tự sát năm 1932

Nhưng từ hôm 06/3, cuộc chia chác quyền chức đã bắt đầu.

Malenkov được phong làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thủ tướng).

Khrushchev thôi làm Bí thư Moscow để phụ trách công tác Đảng trong Ban chấp hành trung ương.

Beria tiếp tục chức Bộ trưởng Nội vụ, Molotov làm Bộ trưởng Ngoại giao và Bulganin làm Bộ trưởng Quốc phòng nhưng cả ba người cùng Lazar Kaganovich đều có thêm chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

‘Bộ ngũ’ cùng nhau cầm quyền vì trong nhiều tháng sau khi Stalin chết, Liên Xô lập ra một chức vụ tập thể tối cao trong Đảng là Chủ tịch đoàn của Trung ương Đảng, sau đổi thành Ban Bí thư.

Cơ quan 5 thành viên này chỉ thể hiện vị trí ‘thứ nhất’ hay các thứ tự sau khi tên tuổi xuất hiện trên báo chí.

Thời kỳ đầu thì Malenkov luôn đứng đầu, sau đó dần dần chỉ thấy Khrushchev luôn ở vị trí số một.

Từ phải sang: Stalin, Khrushchev, Beria, Malenkov (hàng sau), Shkiriyatov và Zhdanov

Nhưng các mâu thuẫn nhanh chóng lộ ra.

Beria, người chỉ đạo cả chương trình vũ khí nguyên tử mà Moscow có ý nghĩa chiến lược trong cuộc đối đầu Đông – Tây đã dùng nó làm bàn đạp cho quyền lực cao nhất và can thiệp cả vào chính sách đối ngoại.

Từ cuốn sách của Rubenstein và nhiều tài liệu sau này được tiết lộ, người ta được biết thêm Beria dự tính làm gì.

Dù là kẻ giết hàng triệu người, Beria tại tỏ ra hào hứng với chương trình tan băng và tự do hóa hơn ai hết.

Khi xảy ra khủng hoảng Berlin, Beria đã sẵn sàng trả Đông Đức cho Tây Đức để đổi lấy các khoản bồi thường và đảm bảo an ninh cho Liên Xô tại châu Âu.

Thậm chí ông ta còn muốn ‘thả lỏng’ các nước Baltic mà Liên Xô mới chiếm từ sau 1945.

Ngày 23/6/1953, Khrushchev ra tay và Beria bị nhóm quân nhân do Nguyên soái Georgy Zhukov chỉ huy bắt tại cuộc họp của Bộ Chính trị, tống vào ngục.

Các tài liệu tại Wilson Center, Hoa Kỳ còn giữ nội dung thư Beria gửi cho Malenkov ký ngày 1/7 xin nhận tội và mong được ân giảm.

Nhưng đến tháng 12 cùng năm, Lavrentiy Pavlovich Beria (sinh năm 1899) bị bắn chết sau phiên tòa ngắn trong nhà tù với tội ‘làm gián điệp cho Phương Tây’.

Vì bị cho là mềm yếu, Malenkov mất dần quyền lực.

Tháng 9/1953, Khrushchev thay Malenkov ở vị trí Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng.

Nikita Khrushchev đọc diễn văn tại Đại hội 20 Đảng CS Liên Xô tố cáo các tội ác của Stalin

Sau khi tự mình đã lên nắm vị trí cao nhất trong Đảng, hơn một năm sau, sang tận tháng 2/1955, Khrushchev mới đưa Bulganin, người chỉ làm bù nhìn cho mình, vào vị trí thủ tướng thay Malenkov.

Và cũng tới tháng 3/1958, Khrushchev mới thực sự nắm trọn quyền là cầm luôn chức thủ tướng.

Di sản của Khrushchev

Dù cho thả ra hàng triệu tù nhân từ các ‘quần đảo ngục tù’ và có cử chỉ hòa hoãn với Nam Tư, Khrushchev không cải tổ hệ thống chính trị Liên Xô.

Ông loay hoay giữa xu hướng dân túy và thường nhượng bộ trước sức ép dư luận nhưng cũng phải làm hài lòng bộ máy quan liêu Xô-Viết ngày một phình to.

Kinh tế Liên Xô tiếp tục có nhiều vấn đề.

Về đối ngoại, các bất ổn trong ban lãnh đạo Liên Xô ‘hậu Stalin’ cũng khiến Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower không thể tính đến một sự kết nối và bắt tay hòa hoãn có ý nghĩa với Moscow.

Khrushchev, một mặt tuyên bố chung sống hòa bình, mặt khác, đã phải đối phó mạnh tay với quá trình ‘giải Stalin’ ở Đông Âu dẫn tới các cuộc nổi dậy tại Ba Lan và Hungary (1956), làm rung chuyển phe cộng sản.

Tính phiêu lưu của Khrushchev đã góp phần gây ra khủng hoảng tên lửa Cuba 1962 với Hoa Kỳ thời Kennedy, đưa thế giới đến bên bờ cuộc chiến hủy diệt bằng vũ khí nguyên tử.

Dưới thời Khrushchev, Liên Xô cũng rạn nứt với Trung Quốc của Mao khiến phe cộng sản không bao giờ có thể hàn gắn được.

Di sản đáng kể nhất của Khrushchev lại là bài diễn văn vạch tội Stalin tại Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 2/1956.

Theo đáng giá của Frank Gibney thì chính “sự dũng cảm” vạch trần các tội ác của quá khứ đã khiến Khrushchev, nhà lãnh đạo nông dân tính khí thô thiển, đầy lỗi lầm, cuối cùng đã làm thay đổi tương lai Liên Xô và thế giới.

Nguồn: BBC

Xem thêm:

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]