Điều gì đằng sau cuộc nổi loạn chống hội nhập toàn cầu?

Print Friendly, PDF & Email

Cargo ships entering one of the busiest ports in the world, Singapore.

Nguồn: Lawrence Summers, “What’s behind the revolt against global integration?”, The Washington Post, 10/04/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Kể từ khi Thế Chiến II kết thúc, sự đồng thuận rộng rãi trong việc ủng hộ hội nhập kinh tế toàn cầu như là một nguồn lực hướng đến hòa bình và thịnh vượng đã là một trụ cột của trật tự quốc tế. Từ các thỏa thuận thương mại toàn cầu đến dự án Liên minh Châu Âu; từ hoạt động của Hệ thống Bretton Woods đến việc loại bỏ sự kiểm soát luồng vốn rộng khắp; từ sự mở rộng trên quy mô lớn của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến sự gia tăng mạnh mẽ những dòng người di chuyển qua các biên giới, phương hướng chung đều vô cùng rõ ràng. Được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế trong nước, các công nghệ như vận tải bằng container và Internet vốn giúp tăng cường hội nhập, cũng như bởi các thay đổi về luật pháp trong nước và những thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia, thế giới trở nên nhỏ hơn và kết nối chặt chẽ hơn.

Sự hội nhập toàn cầu rộng khắp này đã thành công hơn mong đợi. Không có chiến tranh giữa các cường quốc. Các tiêu chuẩn sống toàn cầu đã được nâng cao nhanh hơn bất kỳ tại thời điểm nào khác trong lịch sử. Những tiến bộ về mặt vật chất đồng hành với những tiến bộ thậm chí còn nhanh hơn trong việc chống lại nạn đói, trao quyền cho phụ nữ, cải thiện khả năng biết chữ và kéo dài tuổi thọ. Một thế giới sẽ có số lượng điện thoại thông minh nhiều hơn số người trưởng thành chỉ trong vòng ít năm nữa là một thế giới tạo điều kiện cho nhiều người đạt được nhiều điều hơn bao giờ hết.

Thế nhưng một phong trào phản đối hội nhập toàn cầu đang diễn ra ở phương Tây. Bốn ứng cử viên Tổng thống Mỹ nổi bật nhất – Hillary Clinton, Bernie Sanders, Donald Trump và Ted Cruz – đều phản đối sáng kiến tự do thương mại quan trọng bậc nhất của giai đoạn này: Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các đề xuất của Trump như xây tường ngăn cách với Mexico, chấm dứt các thỏa thuận thương mại và phân biệt đối xử với những người theo đạo Hồi còn nổi tiếng hơn cả chính ông. Phong trào đòi tách khỏi EU tại Anh nhận được sự ủng hộ đáng kể và có thể thắng thế. Cứ mỗi khi bất kì khía cạnh nào của EU được đưa ra để trưng cầu ý dân, thì thế nào nó cũng thất bại. Dưới áp lực của một làn sóng người tị nạn khổng lồ, cam kết mở cửa biên giới của Châu Âu có vẻ sẽ sụp đổ. Phần lớn do các kiềm chế về chính trị, sự phát triển của các thể chế tài chính quốc tế đã không bắt kịp sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Một nguyên nhân đáng kể của việc chống lại hội nhập toàn cầu là sự thiếu hiểu biết. Những người mất việc do nhà máy chuyển ra nước ngoài đều biết điều này; nhiều người mất việc do những nguyên nhân bắt nguồn tại địa phương cũng đổ lỗi cho toàn cầu hóa. Nhưng không ai cảm ơn thương mại quốc tế khi thực tế là lương của họ có thể mua được gấp đôi số lượng quần áo, đồ chơi và các loại hàng hóa khác chứ không phải ngược lại. Những nhà xuất khẩu thành công thường cho rằng sự thành công đó là do năng lực của mình chứ không phải là do những thỏa thuận quốc tế. Vì vậy các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta cần phải giáo dục người dân về những lợi ích của hội nhập toàn cầu. Nhưng tại thời điểm muộn màng này, khi xu hướng đã chuyển sai hướng, rất khó để lạc quan về những nỗ lực như vậy.

Mặc dù vậy, vấn đề cốt lõi của xu hướng chống lại hội nhập toàn cầu lại không phải là sự thiếu hiểu biết. Đó là cảm giác – chẳng may là chưa được chứng thực hoàn toàn – cho rằng toàn cầu hóa là một dự án do giới tinh hoa tiến hành để phục vụ giới tinh hoa mà ít cân nhắc đến lợi ích của những người bình thường. Họ cho rằng chương trình nghị sự của toàn cầu hóa được đặt ra bởi những công ty lớn vốn thao túng nước này chống lại nước kia. Họ đọc những tiết lộ của Hồ sơ Panama và kết luận rằng toàn cầu hóa mang lại cho một số người giàu có cơ hội để trốn thuế và các quy định khác, những cơ hội mà những người khác không có được. Và họ nhìn thấy sự tan rã đi kèm với hội nhập toàn cầu khi mà các cộng đồng địa phương phải chịu tổn hại khi những các công ty lớn thuê nhiều nhân công thất bại trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Vậy điều gì sẽ xảy ra sắp tới? Điều gì nên xảy ra?

Giới tinh hoa có thể tiếp tục phương hướng hiện tại để theo đuổi các dự án hội nhập và bảo vệ sự hội nhập hiện có với hi vọng có thể nhận đủ sự ủng hộ của người dân để những nỗ lực của mình không bị cản trở. Dựa vào bằng chứng từ chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ và cuộc thảo luận về việc Anh rời khỏi EU, chiến lược này có thể đã hết thời. Có thể điều này sẽ dẫn đến khoảng lặng trong những nỗ lực hội nhập toàn cầu mới cũng như những nỗ lực nhằm bảo tồn những gì đã đạt được, trong khi dựa vào công nghệ và tăng trưởng tại những nước đang phát triển để thúc đẩy sự hội nhập xa hơn. Các tiền lệ lịch sử, nổi bật nhất là giai đoạn giữa hai cuộc Thế Chiến, cho thấy chẳng thể lạc quan về việc liệu tiến trình toàn cầu hóa vô tổ chức có thể thành công mà không có một người nâng đỡ mạnh mẽ cho hệ thống cũng như các thể chế toàn cầu vững mạnh hay không.

Ý tưởng nhiều hứa hẹn hơn là việc xúc tiến hội nhập toàn cầu có thể trở thành một dự án từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống. Trọng tâm có thể chuyển từ việc xúc tiến hội nhập sang quản lý các hệ quả của nó. Điều này có nghĩa là sẽ có một sự chuyển đổi từ các thỏa thuận thương mại quốc tế sang các thỏa thuận hài hòa hóa quy định quốc tế (international harmonization), qua đó những vấn đề như quyền lao động và bảo vệ môi trường sẽ đóng vai trò trung tâm trong khi những vấn đề liên quan đến việc trao thêm lợi ích cho những nhà sản xuất nước ngoài chỉ là thứ yếu. Nó cũng có nghĩa là cần phải dành nguồn vốn chính trị để giải quyết vấn đề trốn thuế hay lách luật xuyên biên giới như cách chúng ta đang dành nguồn vốn ấy để thúc đẩy các thỏa thuận thương mại hiện nay. Và nó cũng có nghĩa là cần phải tập trung giải quyết các thách thức đang đối mặt với những ông bố bà mẹ trung lưu ở mọi nơi, những người dù luôn không chắc chắn nhưng vẫn hi vọng rằng con cái họ sẽ có một cuộc sống tốt hơn chính họ.

Lawrence Summers là giáo sư và cựu Chủ tịch tại Đại học Harvard. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ từ năm 1999 đến năm 2001 và là cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama từ năm 2009 đến 2010.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]