Nguồn: “These 5 Facts Explain the Increasingly Tense Geopolitics in Asia”, Time magazine, 14/03/2016.
Biên dịch: Vũ Hồng Trang
Mặc dù tình hình địa chính trị ở châu Á có vẻ tương đối ổn định trong năm 2016, đặc biệt so với những điểm nóng khác, trên thực tế không thiếu những xung đột âm ỉ đang diễn ra. Năm thực tế dưới đây sẽ cung cấp một cái nhìn cụ thể về thực trạng an ninh dễ biến động ở châu Á.
- Mỹ
Dù cách xa hẳn một đại dương rộng lớn nhưng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á vẫn tỏ ra vượt trội. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện có tổng cộng 150.600 nhân viên quân sự nước này đồn trú trên khắp thế giới, trong đó khoảng 50.000 ở Nhật Bản và gần 28.000 đóng quân ở Hàn Quốc.
Nếu đem so sánh thì hiện tại có chưa đến 10.000 lính Mỹ đóng quân ở Afganistan, nơi họ vẫn đang chiến đấu và hy sinh. Tại các quốc gia bất ổn nhất ở Trung Đông cũng chỉ còn chưa tới 45.000 nhân viên quân sự Mỹ. Điều này cũng không mấy ngạc nhiên khi thị trường châu Á là đích đến của hơn 25% hàng hóa xuất khẩu của Mỹ và tạo ra 1/3 việc làm liên quan tới xuất khẩu của Mỹ. Với hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương sắp có thể được phê chuẩn, Mỹ thậm chí sẽ có nhiều cơ hội hơn để duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực này.
- Trung Quốc
Trung Quốc không mấy hào hứng với viễn cảnh đó. Nền kinh tế cũng như chi tiêu quốc phòng của nước này tăng vọt trong những thập niên gần đây. Trong vòng 2 thập niên qua, hầu như năm nào tỷ lệ gia tăng ngân sách quân sự của Bắc Kinh cũng ở mức hai con số. Dù hiện tại Trung Quốc đang là nước có chi tiêu quân sự lớn thứ hai trên thế giới (tính theo giá trị tuyệt đối), trên thực tế mức chi này vẫn chỉ gần bằng ¼ chi phí quốc phòng của Mỹ. Trước mắt Trung Quốc chỉ giới hạn tham vọng quân sự ở các nước sân sau nhưng Bắc Kinh cũng vừa tuyên bố sẽ xây dựng một căn cứ quân sự quốc tế đầu tiên bên ngoài châu Á tại Dijbouti (Đông Phi). Trong khi đó, chỉ riêng ở Hàn Quốc, Mỹ đã có tới 85 cơ sở quân sự.
Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ phô trương sức mạnh quân sự với mục đích bảo vệ lợi ích lãnh thổ và kinh tế của mình, và bằng lòng chấp nhận việc Mỹ đóng vai trò giám sát an ninh ở những nơi khác trên thế giới . Nhưng Bắc Kinh không muốn có kỳ phùng địch thủ ở châu Á. Trung Quốc đã ngày càng trở nên hung hăng hơn trong việc bảo vệ các quyền lợi kinh tế đang ngày một gia tăng của mình, khiến các nước láng giềng không khỏi lo ngại.
- Biển Đông
Tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Philippines về việc quốc gia nào kiểm soát vùng biển này đã dai dẳng suốt hơn một thế kỷ. Nằm ở trung tâm của cuộc tranh chấp là các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên cũng như quyền kiểm soát một trong các tuyến đường thương mại quan trọng nhất của thế giới. Khoảng 30% thương mại hàng hải đi qua Biển Đông hàng năm.
Nhờ sự trỗi dậy kinh tế, Trung Quốc càng trở nên hung hăng và đã bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo nhằm củng cố các tuyên bố pháp lý của mình. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc mùa hè vừa qua “Trong vòng 20 tháng, Trung Quốc đã cải tạo diện tích đất gấp 17 lần diện tích cải tạo của các nước có tuyên bố chủ quyền cộng lại trong vòng 40 năm qua, chiếm khoảng 95% tổng diện tích đất đã cải tạo ở quần đảo Trường Sa”, một trong những khu vực tranh chấp căng thẳng nhất ở Biển Đông. Các nước châu Á khác lo ngại điều này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Mỹ muốn đảm bảo chắc chắn rằng tình hình không vượt khỏi tầm kiểm soát. Ngoài lượng hàng hóa trị giá 1,2 nghìn tỷ USD đến các thị trường của Mỹ qua Biển Đông hàng năm, Mỹ lo ngại Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ gây ra chiến sự. Nếu chiến tranh nổ ra ở châu Á, về mặt pháp lý, Hoa Kỳ có thể bị buộc phải bảo vệ Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan, những nước có liên minh quân sự chính thức với Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ không muốn tiếp tục sa lầy ở Trung Đông thì dĩ nhiên nước này cũng không mong đợi những xung đột mới ở châu Á.
- Nhật Bản
Để hiểu được thái độ hung hăng của Trung Quốc gây lo ngại như thế nào, chúng ta hãy xem xét trường hợp Nhật Bản . Kể từ khi kết thúc Thế Chiến II, Nhật Bản đã theo đuổi chiến lược quân sự phòng thủ thuần túy, phó mặc an ninh cho Washington. Nhưng hiện tại Nhật Bản đã hoài nghi về việc Mỹ có thể duy trì sức mạnh ở châu Á lâu hơn, và cũng lo ngại rằng các cuộc xung đột ở Biển Đông sẽ thiết lập một tiền lệ nguy hiểm cho tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông. Các tranh chấp ở Biển Hoa Đông vài năm trước đây làm cho hàng hóa của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 14,1 % so với năm trước đó sau khi Trung Quốc bắt đầu tẩy chay hàng Nhật. Trong bối cảnh thương mại song phương hàng năm hiện chạm mốc 300 tỷ USD, một bước đi sai lầm có thể dẫn đến những thiệt hại lớn hơn nhiều.
Hồi tháng 9 (2015), Quốc hội Nhật Bản thông qua luật mới cho phép chính phủ sử dụng lực lượng quân sự của mình trong các cuộc xung đột quốc tế, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công trực tiếp. Động thái này không được công chúng Nhật Bản hoan nghênh; chỉ số tín nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe đã giảm từ 51% xuống còn 43% kể từ thời điểm luật được công bố cho đến khi được phê chuẩn.
5.Bán đảo Triều Tiên
Mặc dù xung đột trên biển đã làm dấy lên những căng thẳng giữa các nước lớn ở châu Á, điều may mắn là những tranh chấp này đang chuyển động tương đối chậm. Và nếu xét đến các lợi ích kinh tế ở Biển Đông, việc các cường quốc khu vực (kể cả Mỹ) ra sức duy trì mối quan hệ ôn hòa là cần thiết. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên lại là một câu chuyện khác.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là một chiếc hộp đen của chính trị quốc tế. Ngay cả đồng minh truyền thống của nước này là Trung Quốc cũng không thể chắc chắn về những gì đang xảy ra ở đây. Bắc Kinh nhận thức được rằng chính sự hiếu chiến của Bắc Triều Tiên đã giữ chân hàng ngàn binh lính Hoa Kỳ ở Hàn Quốc. Nhưng để tránh sự sụp đổ của chế độ cũng như làn sóng tị nạn từ Bắc Triều Tiên – có thể lên tới khoảng 200.000 người – Trung Quốc đã tiếp tục hậu thuẫn Kim Jong-un. Tính đến năm 2014, 90% năng lượng , 80% tổng số hàng tiêu dùng và 45% nguồn thực phẩm của nước này là do Trung Quốc cung cấp.
Tuy nhiên, những động thái khó hiểu của Kim Jong-un ngày càng gây khó khăn cho việc duy trì viện trợ của Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đã tiến hành một bước đi bất thường khi tuyên bố sẵn sàng đàm phán 5 bên về tương lai của CHDCND Triều Tiên, tức không có sự góp mặt của đại diện nước này. Khi bối cảnh an ninh của châu Á đang đổi thay, có lẽ chiến lược của Trung Quốc cũng sẽ không còn như trước nữa.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]