Cô dâu mặc váy xanh và câu chuyện về tương lai Iran

Mousavi

Nguồn: Robin Wright, “The Bride Wore Green: What a Wedding Says about Iran’s Future”, The New Yorker, 08/03/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Mặc một bộ váy lộng lẫy màu xanh và một chuỗi ngọc trai dài xuống đến hông, Narges Mousavi lấy chồng vào ngày thứ Sáu vừa qua ở Tehran. Cô dâu, một họa sĩ, sinh ra trong một gia đình tinh hoa cách mạng. Cha của cô, Mir-Hossein Mousavi, là thủ tướng Iran trong 8 năm. Trong thập niên 1980, ông lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo non trẻ qua 8 năm chiến tranh đẫm máu với Iraq trong thời gian mà phần lớn thế giới đứng về phía Saddam Hussein, và vào năm 2009 ông tranh cử tổng thống. Mẹ của cô dâu là Zahra Rahnavard, một điêu khắc gia và là nữ hiệu trưởng đại học đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong chiến dịch tranh cử của chồng bà, giới truyền thông Iran so sánh hình ảnh sống động của bà Rahnavard với Michelle Obama.

Cha mẹ của Mousavi không dự đám cưới. Trong năm năm vừa qua, họ đã bị quản thúc tại gia vì vai trò của họ trong cuộc biểu tình của Phong trào Xanh lá cây (Green Movement) phản đối kết quả bầu cử năm 2009. Họ không bao giờ bị buộc tội, hay ra tòa, họ chỉ đơn thuần bị cách ly. Narges, người con út trong gia đình có 3 cô con gái, chỉ được phép thăm cha mẹ khi cô nhận được một cuộc gọi cho phép đến thăm. Mỗi lần cô chỉ được ở lại trong một tiếng.

Cựu tổng thống Mohammad Khatami, một người bạn của gia đình cô dâu (chú rể là một trong những cố vấn của ông), cũng không thể dự đám cưới. Lực lượng an ninh ngăn ông rời khỏi nhà vào phút chót, theo Associated Press. Khatami thắng cử vào năm 1997 và năm 2001, nhưng sau khi ông ủng hộ Phong trào Xanh lá cây ông bị cấm tham dự các sự kiện lớn hay không được nhắc đến. Tháng trước, ông bất chấp lệnh cấm bằng cách đăng một video bầu cử trên mạng xã hội kêu gọi người Iran tham dự (chứ không phải tẩy chay) bầu cử Quốc hội và Hội đồng chuyên gia (Assembly of Experts). Ông cũng khuyên cử tri ôn hòa trong bầu cử.

Trong thông điệp thứ hai, sau cuộc bầu cử, Khatami yêu cầu quốc hội mới phải hành động. “Bây giờ đã đến lượt chính phủ và những phần khác của hệ thống đáp ứng các yêu cầu của người dân,” ông nói trên mạng xã hội. “Đặc biệt trong việc tạo nên một đợt tăng trưởng mạnh mẽ và một môi trường chính trị mở và lành mạnh.” Kết quả của hành động này dường như là Khatami giờ cũng bị cấm đi đám cưới.

Số phận của gia đình Mousavi, cũng như các đồng minh chính trị và những người ủng hộ Phong trào Xanh lá cây bị đàn áp, sẽ nói nhiều điều về tương lai của Iran. Mặc cho sự câu lưu của họ, ba mẹ của cô dâu công bố vào tháng trước rằng họ cũng sẽ bỏ phiếu, tại một điểm bầu cử di động được đem đến nhà họ. Họ không đứng ngoài nhà nước thần quyền. Một số tù nhân chính trị khác bị giam cầm vì tội chống phá quyền lực nhà nước cũng không đứng ngoài. Như ông Mostafa Tajzadeh, cựu Thứ trưởng Nội vụ, từng một thời quản lý các cuộc bầu cử ở Iran, đã phải ngồi tù vì ông ủng hộ Mousavi và Phong trào Xanh lá cây. Vợ của ông đã đăng một lời nhắn của ông trên Facebook của bà, nói rằng ông cũng sẽ bỏ phiếu tại một điểm bầu cử di động trong nhà tù Evin.

Mousavi và Khatami là hai trong bộ ba những cá nhân nặng ký đã cố gắng trong nhiều thập niên để mở cửa chế độ thần quyền cứng nhắc của Iran. Người thứ ba là Hassan Rouhani, tổng thống đương nhiệm của Iran.

Từ khi Rouhani được bầu trong một chiến thắng vang dội vào năm 2013, ông đã nói nhiều điều lớn lao nhưng chỉ đạt được chút ít những cái có thể gọi là rõ ràng. “Tự do dân sự không có cải thiện nhiều trong nhiệm kỳ của ông Rouhani,” như ông Hadi Ghaemi, giám đốc điều hành của Chiến dịch Quốc tế vì Nhân quyền ở Iran, nói với tôi. “Người dân Iran muốn thay đổi, và họ mong chờ Rouhani thực hiện lời hứa của ông về cải cách trong nước. Ông ấy không còn gì để tự biện hộ mình nữa. Bây giờ là lúc Rouhani phải tính.”

Danh sách những vi phạm nhân quyền rất dài. Iran có một trong những tỷ lệ tử hình cao nhất thế giới. Shirin Ebadi, một luật sư nhân quyền đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 2003, thuật lại những thủ thuật tàn độc được sử dụng để đe dọa những người phê bình chế độ trong cuốn sách của bà Until We Are Free: My Fight for Human Rights in Iran [Cho tới khi chúng ta tự do: Cuộc đấu tranh vì nhân quyền của tôi tại Iran], được xuất bản ngày hôm nay. Ở Iran, bà dẫn dắt một bản báo cáo về việc tử hình người chưa thành niên, bao gồm một nữ sinh 16 tuổi vì quan hệ tình dục trước hôn nhân, hay còn gọi là “tội chống lại sự trinh trắng.” Cô bé bị bịt mắt, dây treo cổ thắt quanh cổ cô, và cô bị kéo lên bởi một cần cẩu, nơi xác cô bé bị treo trong một tiếng, áo chùng của cô bé phất phới trong gió.

Khi Ebadi đang trong quá trình viết bản báo cáo, để được đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, bà phát hiện một mẫu giấy đặt ở trước cửa nhà: “Nếu bà tiếp tục những gì đang làm, chúng tôi buộc phải giết bà,” mẫu giấy viết. “Nếu bà quý mạng sống của bà, hãy ngừng bôi nhọ nền Cộng hòa Hồi giáo. Hãy ngừng những thứ ầm ĩ bà đang gây ra ở nước ngoài. Giết bà là điều dễ nhất chúng tôi có thể làm.” Văn phòng của bà bị khám xét, và cuối cùng bị buộc phải đóng cửa và máy móc bị tịch thu. Chồng bà bị mất việc, hay còn gọi là “nghỉ hưu ngay lập tức,” theo đề nghị của tình báo Iran. Sau đó ông bị vướng vào một vụ bê bối tình dục và bị quay phim, khi vợ ông đang ở nước ngoài. Trước lựa chọn hoặc bỏ vợ một cách công khai hoặc bị tử hình vì tội ngoại tình, ông bỏ vợ. Họ ly hôn và Ebadi giờ phải sống lưu vong.

Iran cũng là nước giam giữ nhà báo nhiều thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ai Cập, theo một báo cáo bởi Ủy ban Bảo vệ Phóng viên (CPJ). Jason Rezaian, phóng viên tờ Washington Post, được trả tự do vào tháng 1 trong một cuộc trao đổi tù nhân, may mắn hơn nhiều đồng nghiệp của ông. Thế giới quan tâm đến ông, và ông có hai quốc tịch, và điều này buộc Mỹ phải can thiệp. Những người Iran khác đã ngồi tù lâu hơn thế, một số đã ngồi tù nhiều lần. Nhiều người ủng hộ Mousavi, những người khác tuy không liên quan nhưng họ ủng hộ cải cách và phê phán các hoạt động của chế độ. Các cáo buộc chống lại họ bao gồm từ “tuyên truyền chống phá nhà nước” đến “tạo bất ổn xã hội” và “hoạt động chống an ninh quốc gia,” theo CPJ. Nhiều người đã bị biệt giam.

Sự đàn áp của chế độ, được thực thi bởi bộ máy hành pháp, các cơ quan tình báo, và lực lượng Vệ binh Cách mạng (revolutionary guards), gần đây đã bắt đầu nhắm đến thế hệ tiếp theo. “Trong khi những đợt đàn áp trong quá khứ tập trung vào nhà báo, những người bảo vệ nhân quyền, hay là các nhà hoạt động chính trị, những đợt đàn áp bắt đầu vào năm 2015 khác với quá khứ vì chúng tập trung vào giới nghệ sĩ, bao gồm các nhà thơ và nhà làm phim, tuy rằng nhiều cá nhân chỉ sản xuất những tác phẩm không đậm màu sắc chính trị và tập trung nhiều hơn vào các vấn đề xã hội,” theo lời của Karin D. Karlekar, giám đốc của Chương trình Tự do Diễn đạt của PEN America.

Hai nhà thơ trẻ tuổi, Fatameh Ekhtesari và Mehdi Mousavi, là hai trong số những trường hợp được biết đến nhiều nhất. Họ bỏ trốn vào tháng Hai sau khi bị kết án tổng cộng 20 năm tù vì “tuyên truyền chống chính phủ” và “xúc phạm đấng thiêng liêng.” Cả hai được biết đến bởi những tác phẩm bộc trực về đời sống xã hội hiện tại của Iran. Cả hai đều bị phạt 99 roi, vì họ đã bắt tay với người khác giới (điều này bị cấm trừ khi họ có quan hệ huyết thống hay là hôn nhân). Cuối năm ngoái, đạo diễn trẻ tuổi Keywan Karimi là nhà làm phim mới nhất phải đối diện với án phạt. Anh bị kết án 6 năm tù và hơn 200 roi vì “xúc phạm đấng thiêng liêng” trong một phim tài liệu về hình vẽ trên tường (graffiti) mang tính chính trị ở Tehran. Vào năm 2014, một nhóm thanh niên bị bắt chỉ vì họ làm một video trên điện thoại di động nhảy theo bài hát “Happy” của Pharell Williams. Họ bị buộc phải sám hối trên truyền hình quốc gia.

“Các nghệ sĩ đang ngày càng trở thành nạn nhân trong những cuộc đấu lớn hơn trong nội bộ giới cầm quyền của Iran,” như Karlekar nói. “Các thành phần bảo thủ trong nhánh tư pháp đang cố gửi một tín hiệu rằng họ sẽ không đi theo con đường cải cách một cách nhẹ nhàng, thậm chí sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân.”

Vào năm 2013, lời hứa của Rouhani rằng ông sẽ cải thiện cơ hội cho phụ nữ là một trong những yếu tố đóng góp cho chiến thắng bất ngờ của ông. Nhưng một quốc hội cứng rắn đã làm xói mòn những lời hứa của ông bằng cách thông qua hoặc đề xuất những bộ luật nhằm giới hạn quyền lợi của phụ nữ. Theo Chiến dịch Quốc tế vì Nhân quyền ở Iran, Kế hoạch Thúc đẩy Đức hạnh và Phòng chống Tệ nạn được đề xuất bắt buộc người dân phải hành động, và cấm không được không hành động, nhằm phát hiện những vi phạm luật Hồi giáo “thông qua những hành động trong thâm tâm, lời nói, ghi chép, và những hành động thực tế.” Đạo luật có thể được áp dụng với tất cả mọi thứ từ cách ăn mặc đến tác phong xã hội. Nó sẽ cho phép lực lượng Basij, một nhánh bán quân sự của lực lượng Vệ binh Cách mạng, vốn là lực lượng thực thi chính của đạo luật này, được hợp pháp hóa các hành động an ninh tự tổ chức.

Còn Kế hoạch Toàn diện về Dân số và Gia đình Xuất sắc được đề xuất nhằm khuyến khích thanh niên lập gia đình sớm hơn và phụ nữ làm mẹ. “Đây là một vấn đề bởi vì nó ưu tiên việc làm cho nam giới và những người phụ nữ đã có con,” theo lời của Tara Sepehri Far từ tổ chức Human Rights Watch. Nó có thể hạn chế sự tiếp cận của phụ nữ đối với giáo dục cao hơn. Nó có thể khuyến khích các quan tòa ủng hộ việc hòa giải hơn là ly dị. “Bản chất phân biệt đối xử của đạo luật ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống phụ nữ,” theo lời của Sepehri Far, một nhà cựu hoạt động sinh viên trong Phong trào Xanh lá cây vào năm 2009. (Cô giờ sống ở nước ngoài, và bị kết án vắng mặt 7 năm tù và 74 roi.)

Cuộc bầu cử quốc hội vào tháng trước đã làm thay đổi cán cân quyền lực. Những người cứng rắn chủ chốt bị mất ghế. Những người thắng lớn vào lúc này, với vòng bầu cử tiếp theo vào tháng Tư, là những người ôn hòa, những người bảo thủ ôn hòa, và những ứng cử viên độc lập. Câu hỏi bây giờ là liệu Rouhani có thể làm được gì hơn những người tiền nhiệm khi có quốc hội mới này hay không.

Rouhani đi bước đầu tiên vào hôm thứ Hai, bằng cách phá lệnh cấm nhắc đến cựu tổng thống Khatami ở nơi công cộng. Trong một bài diễn văn được phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, Rouhani dẫn lời của “người tiền nhiệm đáng kính” của ông, người “có vai trò chính trong việc kêu gọi người dân đi bỏ phiếu để tạo nên một sự kiện bước ngoặt” thông qua video của ông. Ông nói thêm, “Iran anh hùng sẽ không bao giờ quên những người phục vụ đất nước, những người hy sinh cho vinh quang của Iran. Ngày hôm nay, họ là niềm tự hào của đất nước, và không ai có thể ngăn chặn tên tuổi và sự vĩ đại của họ.”

Nhưng Rouhani chưa dám nói công khai về Mir-Hossein Mousavi, người ông đã một thời cộng tác chặt chẽ. Và ông cũng không dám đi dự đám cưới Xanh của Narges Mousavi.

Robin Wright là cây bút của Newyorker.com,và đã viết bài cho tạp chí từ năm 1988.

Hình: Mir-Hossein Mousavi. Nguồn: The New Yorker.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]