Các kỹ sư: Đồng minh kỳ lạ của chủ nghĩa cực đoan

extr

Nguồn: Diego Gambetta & Steffen Hertog, “Extremism’s Strange Bedfellow”, Project Syndicate, 05/04/2016.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ngày nay, chúng ta đang gắn các đảng chính trị cực hữu với làn sóng chống Hồi giáo (Islamophobia) sôi sục. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Trên thực tế, mối liên hệ giữa phe cực hữu, đặc biệt là ở châu Âu, và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vô cùng sâu sắc, với việc những người trung thành của cả hai nhóm đều cùng có chung một số đặc điểm.

Những mắt xích này thường rất rõ ràng. Amin al – Husseini, một học giả Hồi giáo (mufti)[1] ở Jerusalem từ 1921 đến 1937, duy trì mối quan hệ gần gũi với chế độ phát xít ở Ý và Đức. Nhiều thành viên Đảng Quốc xã ẩn náu ở Trung Đông sau Thế chiến II, và một số người thậm chí còn cải sang đạo Hồi. Và Julius Evola, nhà tư tưởng phản động người Ý, người truyền cảm hứng cho cánh hữu thời hậu chiến ở châu Âu, tuyệt đối ngưỡng mộ tư tưởng thánh chiến Hồi giáo và sự hy sinh quên mình mà nó đòi hỏi.

Sau sự kiện khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 11/09/2001, các phần tử phát-xít mới ở cả Mỹ và châu Âu đều hoan nghênh những kẻ tấn công. Một quan chức của Đồng minh Quốc gia, tổ chức tân phát-xít hàng đầu ở Mỹ, mong các thành viên của tổ chức mình có “dũng khí bằng một nửa như thế”. Ở Pháp, hoạt động ăn mừng được tổ chức ở trụ sở Mặt trận Quốc gia, và các phần tử tân phát-xít người Đức đã đốt quốc kỳ Mỹ. Tổ chức Hồi giáo Hizb ut – Tahrir  bị cấm hoạt động ở Đức vào năm 2003 một phần vì mối liên hệ của nó với phe cực hữu.

Những kẻ thù chung – người Do Thái, chính phủ Mỹ, hay thứ được cho là “Trật tự thế giới mới” – đã duy trì khối liên minh “phi thần thánh”[2] này về mặt chính trị. Nhưng nếu xem xét chặt chẽ hơn về các thành tố ý thức hệ và tâm lý học sẽ cho chúng ta thấy những mối liên kết sâu sắc hơn.

Không giống những người theo chủ nghĩa tự do và thiên tả, cánh hữu và các nhà tư tưởng Hồi giáo thúc đẩy một tầm nhìn độc đoán, thứ bậc và thường mang tính lễ nghi hóa về trật tự xã hội và đời sống thường ngày. Họ hứa hẹn sẽ thanh lọc tham nhũng khỏi xã hội, thứ vốn làm nó không còn vinh quang như trong quá khứ. Và họ tin rằng vị thế tối thượng về tôn giáo hoặc sắc tộc của họ sẽ biện minh cho sự khuất phục, thậm chí là nô dịch hóa, đối với các dân tộc khác.

Theo các nhà tâm lý học chính trị, các quan điểm cánh hữu và bảo thủ thường đi liền với khuynh hướng dễ dàng phẫn nộ, khao khát đạt được trật tự, cấu trúc và sự chắc chắn, và sự phân chia rõ ràng giữa những người cùng đặc điểm (in-group, hay nhóm trong) với những người khác biệt (out-group, hay nhóm ngoài). Dù những nghiên cứu như vậy tập trung vào các cá nhân ôn hòa, nhưng vẫn có bằng chứng cho thấy nhiều người theo cánh hữu và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan cũng sở hữu những đặc điểm tính cách đó.

Bắt đầu với những người theo chủ nghĩa Hồi giáo (Islamist). Một vài kẻ tham gia phong trào Thánh chiến đã nổi tiếng với nỗi ám ảnh sạch sẽ của họ. Faisal Shahzad, kẻ đặt bom ở Quảng trường Thời đại tại New York, đã dọn dẹp kỹ lưỡng căn hộ của mình ở Bridgeport (Connecticut) trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ đánh bom nhưng thất bại. Mohamed Atta, tên không tặc chủ chốt trong vụ 11/9, để lại lời dặn dò cho việc chôn cất mình, yêu cầu phụ nữ không được lại gần thi thể và những người đàn ông tắm rửa cho mình chỉ được phép chạm vào bộ phận sinh dục của y qua găng tay.

Những người thánh chiến theo tư tưởng Salafi (phong trào cải cách bảo thủ cực đoan nhằm quay về với Hồi giáo Sunni “chính tông” – ND) định hình cuộc sống của mình dựa trên cách hiểu theo nghĩa đen về Kinh Thánh Hồi giáo – một phương pháp đơn giản để thỏa mãn khao khát đạt được trật tự và sự chắc chắn của họ. Về nỗi ám ảnh xác định “nhóm trong”,  đã có al – wala’ wal – bara, một học thuyết cốt lõi của chủ nghĩa Salafi, thứ bắt buộc các tín đồ phải tự tách biệt mình khỏi những người không đồng đạo, bao gồm cả những người Hồi giáo không thuần khiết.

Khao khát về sự chắc chắn còn vượt ra khỏi tôn giáo. Như chúng tôi đã khảo sát trong cuốn Engineers of Jihad (Những kỹ sư của phong trào thánh chiến), từ thập niên 1970, một tỷ lệ lớn những người Hồi giáo cực đoan đã theo học các lĩnh vực kỹ thuật khó khăn hơn là những bộ môn xã hội, lĩnh vực đưa ra các đáp án ít rõ ràng hơn. Cả Shahzad và Umar Farouk Abdulmutallab, kẻ âm mưu đánh bom bằng chất nổ giấu trong quần lót trên một chuyến bay năm 2009, đều học ngành kỹ thuật. Trong số 25 cá nhân liên quan trực tiếp đến vụ tấn công 11/9, 8 trong số đó là kỹ sư, bao gồm cả hai kẻ cầm đầu, Atta và Khalid Sheik Mohammed.

Nhằm xác định liệu có hay không một đặc điểm mang tính hệ thống, chúng tôi đã khảo sát nền tảng giáo dục của hơn 4.000 người cực đoan thuộc tất cả các nhóm trên thế giới. Chúng tôi nhận ra rằng trong số những người Hồi giáo cực đoan được sinh ra và giáo dục ở các nước Hồi giáo, số kỹ sư nhiều gấp 17 lần so với tỷ lệ chung; và tỷ lệ người tốt nghiệp đại học trong số những người cực đoan cũng nhiều hơn gấp 4 lần dân số bình thường.

Trong thế giới Hồi giáo, nhiều kỹ sư có xu hướng tham gia vào các tổ chức cực đoan hơn ở các quốc gia nơi mà khủng hoảng kinh tế đang hủy hoại cơ hội việc làm của những người có bằng cấp ưu tú. Họ đặc biệt nhiều khả năng sẽ tham gia ngay từ thời điểm khởi đầu những khủng hoảng như vậy. Trong số tất cả cử nhân đại học, các kỹ sư (và ở cấp độ thấp hơn là các bác sĩ) dường như là những người chán nản nhất bởi tình trạng thiếu cơ hội, điều có lẽ phản ánh tham vọng và sự hy sinh họ bỏ ra để đạt được bằng cấp cao như vậy.

Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Các kỹ sư cũng chiếm tỷ lệ lớn trong số những người Hồi giáo cực đoan lớn lên ở phương Tây, nơi cơ hội việc làm cao hơn. Họ cũng ít có khả năng rời bỏ chủ nghĩa Hồi giáo bạo lực hơn so với những người có bằng cấp trong các lĩnh vực khác.

Và điều đáng lo ngại là những người Hồi giáo cực đoan không phải là nhóm người duy nhất có tỷ lệ các kỹ sư lớn. Trong số các thành viên cánh hữu cực đoan có bằng đại học, số kỹ sư cũng chiếm tỷ lệ áp đảo tương tự. Trong khi đó, hầu như không có ai là kỹ sư trong các nhóm cánh tả cực đoan, những tổ chức thu hút hơn đối với người có bằng cấp trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Phân tích dữ liệu khảo sát của hơn 11.000 nam giới có bằng cấp từ 17 quốc gia châu Âu, chúng tôi nhận ra rằng ngoài chuyện có tư tưởng thiên hữu, các kỹ sư cũng có xu hướng lớn hơn so với những người khác trong hầu hết các tiêu chuẩn đánh giá liên quan tới khuynh hướng phẫn nộ, nhu cầu thiết lập trật tự và sự chắc chắn, và sự mong muốn mạnh mẽ tham gia “nhóm trong”. Những đặc điểm này trong số những người tốt nghiệp ngành khoa học xã hội và nhân văn mờ nhạt hơn nhiều.

Các đặc điểm đó cũng mờ nhạt hơn hơn đối với phụ nữ, những người thường hiện diện mạnh mẽ hơn trong các nhóm cánh tả cấp tiến và hầu như vắng bóng trong số những người Hồi giáo cực đoan và cánh hữu cấp tiến. Sự tương quan giữa đặc điểm tâm lý, ngành nghề học và sự hiện diện trong các nhóm cực đoan khác nhau là gần như hoàn hảo.

Tất nhiên, phần lớn những người học ngành kỹ thuật hoặc ưu tiên mạnh mẽ tính trật tự đều không phải ai cũng trở nên cực đoan, có nghĩa rằng những nhân tố đó không thể được sử dụng hiệu quả để khái quát hóa mẫu hình. Nhưng những hiểu biết về tâm lý học của quá trình cực đoan hóa như vậy vẫn rất quan trọng. Nhiều chính phủ phương Tây và Ả-rập tuyển dụng hàng trăm người nhằm khuyên ngăn những người có tiềm năng trở nên cực đoan mà không hiểu rõ về nhu cầu tâm lý mà những hệ tư tưởng này giúp đáp ứng. Nhiều nghiên cứu vẫn cần tiếp tục hoàn thành, nhưng đạt được những hiểu biết như vậy có thể giúp chúng ta biết các phương thức tốt hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu đó của họ, trước hoặc sau khi quá trình cực đoan hóa diễn ra.

Diego Gambetta là Giáo sư Lý thuyết Xã hội học tại Viện Đại học châu Âu, và Steffen Hertog là Giáo sư Chính trị học so sánh tại Trường Kinh tế Luân Đôn. Họ là đồng tác giả của cuốn  Engineers of Jihad: The Curious Connection Between Extremism and Education.

Copyright: Project Syndicate 2016 –  Extremism’s Strange Bedfellow

——————

[1] Học giả Hồi giáo uyên thâm, người giúp diễn giải luật Hồi giáo Sharia (NBT).

[2] Tác giả nói trại từ khái niệm “Liên minh Thần thánh” giữa Nga, Áo và Phổ thời thế kỷ 19 (NBT).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]