Ba hệ lụy khó lường của Brexit

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Harold James, “Brexit’s Doom Spirals”, Project Syndicate, 08/11/2016.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Các thị trường tài chính đang phản ứng tiêu cực với Brexit, và chúng có quyền làm vậy. Nhưng bởi chính lĩnh vực tài chính, chứ không phải là xã hội dân sự dân chủ, là thứ đang chống lại quyết định rời Liên minh châu Âu của Vương quốc Anh, nên cuộc tranh luận về Brexit sẽ trở nên ngày càng gay gắt, và hệ quả của nó cũng sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Những tác động kinh tế ban đầu từ cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Sáu là không đáng kể, và thậm chí còn có đôi chút tích cực, vì các số liệu tăng trưởng hậu trưng cầu dân ý của nước Anh hiện đang được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Nhưng đồng bảng Anh lại đang rớt giá, chi phí trả nợ của chính phủ Anh gia tăng, và tiến trình thực sự rút khỏi EU có thể cực kỳ khốc liệt.

Sau khi quyết định rời EU, nước Anh có lợi ích tự thân trong việc tìm ra cách rút lui hạn chế tối đa chi phí điều chỉnh ngắn hạn cũng như các ảnh hưởng bất lợi về dài hạn. Tương tự như vậy, EU cũng có lợi ích trong việc giảm nhẹ không chỉ tác động kinh tế mà còn sự tổn hại danh tiếng xuất phát từ việc mất đi một nước thành viên chủ chốt.

Trong điều kiện lý tưởng, các bên tham gia trong một xung đột phải suy nghĩ điềm tĩnh và lý trí về lợi ích dài hạn của họ, và theo đó để hành động; nhưng thật không may, họ hiếm khi làm vậy. Như việc ly hôn của một cặp vợ chồng thường dẫn đến những cuộc chiến gay gắt và cam go vốn chỉ có lợi cho luật sư, cuộc ly hôn của nước Anh khỏi EU gần như tất yếu sẽ kéo theo hiềm khích. Khi tình trạng thù địch gia tăng, một dàn xếp ổn thỏa càng ít khả năng xảy ra hơn, và mọi người sau cùng sẽ mất nhiều hơn được.

Có ba vòng xoáy sụp đổ tiềm tàng vốn đã sẵn có bên trong tiến trình tách rời giữa nước Anh và EU. Trước tiên, có những mối đe dọa chính trị và cấu trúc đối với EU nếu có thêm nước thành viên ra đi. Khi khối này chỉ mất đi một nước thành viên đơn lẻ, nó trông giống như một rủi ro có thể quy cho điều kiện bất thường bên trong quốc gia đó. Nhưng nếu khối này mất đi thêm nhiều nước thành viên khác, điều đó bắt đầu có vẻ là do cơ chế lỏng lẻo, quản lý yếu kém, hoặc lỗ hổng căn bản trong thiết kế của khối. Do đó, EU có động cơ mạnh mẽ để khiến Brexit trở nên tồi tệ nhất có thể đối với nước Anh, nhằm ngăn các quốc gia như Hà Lan, Thụy Điển hay Phần Lan khỏi theo bước nước Anh.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ dành cho EU tăng mạnh ở nhiều nước thành viên kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh. Nhưng điều đó không phải là vì EU đột nhiên hoạt động tốt lên. Mà bởi nhiều người dân châu Âu đồng quan điểm rằng cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã phạm phải sai lầm khi kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên tại EU.

Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẩn khoản đề nghị người dân châu Âu đừng “xấu xí” một cách không cần thiết khi nghĩ về các điều khoản rời EU dành cho nước Anh. Nhưng, bởi nước Anh biết rằng EU sợ tan rã, nên sẽ không thể tránh quy kết rằng bất kỳ lập trường nào mà EU thể hiện đều mang tính thù hằn. Các nhà đàm phán của Anh sẽ cho rằng các đối tác phía EU đang cố làm cho con đường rời khỏi EU trở nên chông gai nhất có thể cả về kinh tế lẫn chính trị (đối với Anh).

Các nhà đàm phán của Anh sau đó sẽ đáp trả lại lập luận về hiệu ứng domino của EU bằng cách cố gắng tạo nên một tiến trình càng khổ sở càng tốt cho phần còn lại của EU. Thực ra, những người bỏ phiếu “Rời đi” tại Anh vốn dĩ đã tin chắc rằng nước Anh tốt hơn hết là nên đứng độc lập, và Brexit sẽ gây tổn hại cho người châu Âu nhiều hơn là đối với người Anh. Điều đó có nghĩa rằng phe Rời đi có động cơ mạnh mẽ để hiện thực hóa dự đoán của mình.

Vòng sụp đổ thứ hai tác động lên nền kinh tế chính trị nội địa của nước Anh. Vương quốc Anh không thể đơn thuần bắt đầu đánh bại châu Âu trong cuộc chơi của riêng mình bằng cách khôi phục ngành công nghiệp ô tô, hay tạo ra loại rượu riêng cạnh tranh với các nhà sản xuất Pháp và Ý. Nguyên tắc lợi thế so sánh đòi hỏi nước Anh chú trọng vào ngành công nghiệp dịch vụ của mình, và đặc biệt là dịch vụ tài chính.

London vốn đã dẫn dắt cả nền kinh tế Anh, và một viễn cảnh hậu Brexit đó là vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của London thực sự tăng cao. Để điều đó xảy ra, chính phủ Anh phải thiết lập một cơ chế thuế suất thấp, quy định thông thoáng, và đối xử thuận lợi đối với cả người nhập cư có tay nghề lẫn không có tay nghề làm việc trong và xung quanh ngành dịch vụ tài chính. Nhưng mọi phần của kế hoạch này đều mâu thuẫn với mục tiêu của chính phủ về việc kiểm soát nền công nghiệp tài chính và hạn chế dòng chảy di cư.

Thực ra, củng cố chủ nghĩa tư bản “kếch xù” hoàn toàn đối nghịch với những gì mà Thủ tướng Anh Theresa May cam kết thực hiện khi kế vị Cameron. Trên thực tế, phe Rời đi đa số là người Anh và xứ Wales, những người tự thấy mình bị bỏ rơi bởi toàn cầu hóa, và đã bỏ phiếu chống lại các đặc quyền và sự giàu có của siêu đô thị hào nhoáng London. Do đó, chiến lược đàm phán hiệu quả nhất của nước Anh sẽ gây chia rẽ sâu sắc quốc gia này, và đặc biệt là Đảng Bảo thủ cầm quyền.

Điều đó chỉ ra vòng sụp đổ thứ ba: di cư, thứ tác động rất lớn vào kết quả của cuộc trưng cầu dân ý Brexit. Chính quyền của Thủ tướng May hiện phải chứng minh với cử tri rằng họ đang có động thái về vấn đề người di cư và người lao động nước ngoài ở Anh. Nhưng chừng nào nước Anh còn sở hữu một nền kinh tế năng động, nó sẽ còn thu hút người nhập cư, bất chấp việc họ có được chính thức chấp nhận hay không. Chính phủ chỉ có thể đảm bảo giảm được nhập cư bằng cách phá hủy nền kinh tế, thứ sau đó có thể đổ lỗi, một cách tự nhiên, cho sự xảo quyệt của châu Âu.

Trong khi đó, nếu nước Anh trở thành một trung tâm tài chính hải ngoại chi phí thấp nơi lấy đi việc làm, nó có thể tạo ra mối đe dọa đối với các nước láng giềng của họ. Lục địa châu Âu có thể bị kích động để cùng nhau khước từ chủ nghĩa tư bản tài chính để theo đuổi chiến lược tăng trưởng dựa trên các dự án đầu tư lớn do nhà nước định hướng.

Sau cùng, Brexit có thể giống như việc cắt bỏ đi một bộ phận cơ thể, với đầu não tài chính ở Anh bị tách rời khỏi nền kinh tế thực của châu Âu. Nước Anh sẽ trở nên ít hấp dẫn hơn, châu Âu sẽ tự thu mình lại, và mỗi bên sẽ đổ lỗi lẫn nhau. Đó sẽ là một hậu quả tồi tệ cho tất cả mọi người. Nhưng nó cũng đồng thời phù hợp với logic cay đắng về ly hôn – thứ lý giải tại sao phần lớn các cặp đôi phải chọn cách xin tư vấn tâm lý (để duy trì hôn nhân).

Harold James là Giáo sư Sử học và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton, đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI). Là chuyên gia về lịch sử kinh tế Đức và toàn cầu hóa, ông là đồng tác giả cuốn sách mới xuất bản có nhan đề The Euro and The Battle of Ideas, và là tác giả cuốn The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle, Krupp: A History of the Legendary German Firm, và Making the European Monetary Union.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Brexit’s Doom Spirals
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]