Nguồn: “What was decided at the Bretton Woods summit“, The Economist, 30/06/2014.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày 01/07/1944, các chuyên gia tài chính của nhóm các nước giàu đã nhóm họp tại một khách sạn ở vùng núi New Hampshire để thảo luận về hệ thống tiền tệ thời hậu chiến. Hệ thống Bretton Woods nổi lên từ cuộc họp này đã chứng kiến sự hình thành của hai thể chế toàn cầu vẫn đang đóng vai trò quan trọng cho đến ngày nay: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Nó cũng lập ra một hệ thống tỷ giá hối đoái cố định kéo dài cho đến đầu những năm 1970. Một động lực quan trọng cho các quốc gia tham dự hội nghị là cảm giác về sự hỗn loạn của hệ thống tài chính giữa hai cuộc thế chiến, với sự sụp đổ của hệ thống bản vị vàng, cuộc Đại Khủng hoảng và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.
Henry Morgenthau, Bộ trưởng Tài chính của Mỹ, tuyên bố rằng hội nghị nên “chấm dứt những bóng ma kinh tế tồn tại trước cuộc chiến hiện tại – như cạnh tranh bằng phá giá tiền tệ và cản trở thương mại mang tính phá hoại.” Tuy nhiên, hội nghị đã phải giải quyết một sự chia rẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Người lãnh đạo về mặt tri thức của hội nghị là John Maynard Keynes, nhà kinh tế học người Anh, nhưng sức mạnh tài chính áp đảo lại thuộc về Harry Dexter White, người đại diện cho Tổng thống Mỹ Roosevelt.
Áp lực duy trì tỷ giá hối đoái cố định đã tỏ ra là quá sức đối với các nước trong quá khứ, đặc biệt là khi các tài khoản thương mại của họ rơi vào tình trạng thâm hụt. Vai trò của IMF được thiết kế để đối phó với vấn đề này, bằng cách hành động như một người cho vay cuối cùng. Nhưng trong khi White, đại diện cho nước cho vay (và là nước có thặng dư thương mại), muốn tất cả gánh nặng điều chỉnh rơi vào nước đi vay, Keynes lại muốn có cả các ràng buộc đối với các nước cho vay nữa. Ông muốn một cơ chế bù trừ cán cân thanh toán quốc tế không dựa vào đồng đô la mà vào một đồng tiền mới gọi là bancor. White lo ngại rằng chung cuộc Mỹ sẽ được thanh toán cho hàng xuất khẩu của mình bằng một thứ “tiền đồ chơi” (funny money); và lập luận của Keynes bị đánh bại. Trớ trêu thay, bây giờ khi Mỹ là một con nợ ròng, những người kế nhiệm White lại kêu gọi các chủ nợ chịu một phần chi phí điều chỉnh khi cán cân thương mại bị thâm hụt.
Hệ thống tỷ giá hối đoái Bretton Woods gắn tất cả các tiền tệ với đồng đô la Mỹ, và đồng đô la được gắn với vàng. Để ngăn chặn nạn đầu cơ chống lại tỷ giá hối đoái cố định. các dòng chảy vốn đã bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. Hệ thống này đi kèm với hơn hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao, và một lượng tương đối ít ỏi các cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng cuối cùng nó đã được chứng minh là quá thiếu linh hoạt để đối phó với sức mạnh kinh tế đang gia tăng của Đức và Nhật Bản, cũng như sự miễn cưỡng của Mỹ trong việc điều chỉnh chính sách kinh tế trong nước để duy trì bản vị vàng. Tổng thống Nixon đã từ bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1971 và hệ thống tỷ giá hối đoái cố định tan rã.
Cả IMF và WB vẫn sống sót. Nhưng mỗi tổ chức đều nhận được những chỉ trích gay gắt, nhất là đối với sự áp đảo được nhận thấy của các nước giàu. IMF đã bị chỉ trích vì các điều kiện nó gắn với các khoản vay, được xem là quá tập trung vào chính sách thắt lưng buộc bụng và quyền lợi của chủ nợ, đồng thời quá ít quan tâm đến phúc lợi của người nghèo. Trong khi đó WB, chủ yếu tập trung vào các khoản vay cho các nước đang phát triển, lại bị chỉ trích vì thiếu chú ý tới những hậu quả xã hội và môi trường của các dự án mà mình tài trợ. Thật khó để tin rằng cả hai tổ chức này sẽ vẫn tồn tại sau 70 năm nữa, trừ khi họ thay đổi để phản ánh quyền lực ngày càng tăng của các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]