Nguồn: Benn Steil, “Red White: Why a Founding Father of Postwar Capitalism Spied for the Soviets”, Foreign Affairs, March/April 2013.
Biên dịch: Nguyễn Chi Lan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đến lúc cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra và dẫn theo đó là thời kì suy thoái kinh tế toàn cầu, các chính trị gia, học giả và các nhà kinh tế học lại bắt đầu tưởng nhớ đến hệ thống Bretton Woods. Vào tháng Bảy năm 1944, ngay giữa Thế chiến II, đại diện của 44 quốc gia đã tề tựu ở thị trấn hẻo lánh thuộc New Hampshire này để gây dựng nên một thứ chưa từng có trước đây: một hệ thống tiền tệ toàn cầu được điều hành bởi một cơ quan quốc tế. Bản vị vàng hồi cuối thế kỉ 19 – nền tảng được tạo dựng một cách tự nhiên của quá trình toàn cầu hóa kinh tế lần thứ nhất – đã sụp đổ trong cuộc chiến tranh thế giới trước đó. Các nỗ lực để hồi sinh nó vào những năm 1920 chỉ toàn gặp phải những thất bại thảm hại. Các nền kinh tế và việc trao đổi thương mại sụp đổ; căng thẳng biên giới ngày càng tăng.
Trong những năm 1930, những người theo chủ nghĩa quốc tế tại Bộ Tài chính Mỹ đã nhận thấy nguyên nhân mạnh mẽ của quá trình này và quyết tâm giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống kinh tế thế giới một lần và mãi mãi. Theo như lời của Harry Dexter White, một nhân viên Bộ Tài chính ít người biết đến mà không ai tin rằng sau đấy sẽ trở thành kiến trúc sư cho hệ thống Bretton Woods, thì đã đến lúc để xây dựng một “Thỏa thuận Mới cho một thế giới mớí”.[1]
Làm việc độc lập nhưng đồng thời cũng phải nghiến răng hợp tác với vị đồng nghiệp người Anh của mình, nhà kinh tế học cách mạng John Maynard Keynes, White bắt đầu công việc xây dựng các nền móng kinh tế cho một nền hòa bình thế giới lâu dài thời hậu chiến. Các chính phủ sẽ được trao thêm nhiều quyền lực hơn đối với thị trường nhưng sẽ có ít đặc quyền hơn nhằm tránh việc lạm dụng chúng để thu lợi trong thương mại. Thương mại trong tương lai sẽ được sử dụng để phục vụ cho hợp tác chính trị thông qua việc chấm dứt tình trạng thiếu hụt vàng và đồng đôla Mỹ. Những nhà đầu cơ thu lợi từ nỗi lo sợ các khoản thiếu hụt đó sẽ bị ngăn chặn bởi các quy định hạn chế áp đặt lên dòng vốn tràn trề xuyên biên giới. Tỉ lệ lãi suất sẽ được định ra bởi các chuyên gia được đào tạo chuyên ngành kinh tế học vĩ mô mới đầy sức mạnh, chuyên ngành mà chính Keynes là nhân tố quyết định giúp hình thành nên. Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) mới được thành lập sẽ đảm bảo rằng tỉ giá hối đoái không bị thao túng để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Quan trọng nhất là các lãnh đạo độc tài sau này sẽ không bao giờ có thể tiếp tục biến các hàng rào trong thương mại và luân chuyển vốn thành các công cụ kinh tế nhằm hủy hoại các quốc gia lân cận và đổ thêm dầu vào chảo lửa chiến tranh.
Tuy chưa bao giờ được trao chức vụ gì quan trọng, White từ trước năm 1944 đã nắm được quyền ảnh hưởng lớn đến mức không tưởng đối với các chính sách đối ngoại và kinh tế Mỹ. Mặc dù các đồng nghiệp ở quê nhà và cả ở nước ngoài đều phải nghiến răng nghiến lợi nể phục sự khôn khéo, tỉ mỉ, nỗ lực không biết mệt mỏi và tài năng đối với việc định hình chính sách quốc gia của ông, White lại không thèm cố gắng để khiến người khác có cảm tình với mình. “Ông ta không hề có chút ý niệm nào về cách xử sự hay các quy tắc về quan hệ trong một xã hội văn minh,” Keynes cằn nhằn. Ngạo mạn và hay đe nẹt, nhưng White đồng thời cũng dễ bị căng thẳng thần kinh và không có cảm giác an toàn, luôn ý thức sâu sắc rằng địa vị mỏng manh của ông ở Washington hoàn toàn phụ thuộc vào việc ông có khả năng giúp Bộ trưởng tài chính Henry Morgenthau, một đồng minh thân cận của Tổng thống Franklin Roosevelt nhưng tài năng lại có hạn, đưa ra được các chính sách có khả năng thực hiện hay không. White thường bị ốm vì suy nhược thần kinh trước những cuộc đàm phán với Keynes, để rồi bùng nổ đến lúc ra trận. “Chúng tôi sẽ thử”, White đã buột miệng trong một phiên làm việc đặc biệt nảy lửa, “đưa ra một thứ mà đức Hoàng thượng ở đây [chỉ Keynes] có thể hiểu được.”
Nhưng với tư cách là kiến trúc sư chính của hệ thống Bretton Woods, White lại tỏ ra xuất sắc hơn rất nhiều so với vị đồng nghiệp người Anh của mình. Ông nổi bật so với những người khác khi xuất hiện như là một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc tàn nhẫn, người có thể moi ra được mọi lợi thế từ sự thay đổi lớn về địa chính trị được tạo ra bởi Thế Chiến II. White đã thiết lập nền móng cho một trật tự mới thời hậu chiến lấy đồng đô la làm trung tâm vốn đối lập hoàn toàn với các lợi ích lâu nay của người Anh, đặc biệt là khi các lợi ích này liên quan đến đế chế thuộc địa đang dần sụp đổ của Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, ngay cả những đồng nghiệp thân thiết của White cũng không biết rằng tầm nhìn thời hậu chiến của ông còn dính dáng đến việc triệt để thiết lập lại một chính sách đối ngoại mới của Hoa Kì, với trọng tâm là thành lập một liên minh gần gũi vĩnh cửu với thế lực mới đang lên ở châu Âu – Liên Xô. Và hầu hết những người này cũng chắc chắn không biết rằng White sẽ sẵn sàng vận dụng đến những cách thức phi thường để hiện thực hóa điều này.
Trong suốt khoảng thời gian 11 năm, bắt đầu từ giữa những năm 1930, White đã làm gián điệp cho Liên Xô, đưa cho Liên Xô những thông tin bí mật và lời khuyên để làm thế nào đàm phán với chính quyền Roosevelt, đồng thời bênh vực cho Liên Xô trong các cuộc tranh cãi về chính sách đối nội. Có thể nói đối với tình báo Liên Xô, White thậm chí còn quan trọng hơn so với Alger Hiss, nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, gián điệp nổi tiếng nhất trong thời kì đầu của Chiến tranh Lạnh.
Sự thật về sự nghiệp gián điệp của White đã được đưa ra ánh sáng ít nhất là từ 15 năm trước đây, tuy vậy các nhà sử học vẫn bị chia rẽ sâu sắc về ý định và di sản mà ông để lại, bị bối rối trước sự khác biệt quá lớn giữa quan điểm kinh tế chính trị của White, được đánh giá là tiến bộ và đi theo chủ nghĩa Keynes đương thời, so với hoạt động ngầm của ông khi làm việc cho Liên Xô. Cho đến gần đây, vụ án của White vẫn được so sánh như một vụ sát nhân bí ẩn với đầy đủ nhân chứng, hung khí nhưng lại không có một động cơ rõ ràng.
Giờ thì chúng ta đã tìm ra nó. Thứ có khả năng liên kết công chức White và điệp viên White nhất lại là một bản viết tay trên tờ giấy kẻ vàng chưa từng được công bố trước đây, bị vùi lấp trong một tập lớn các giấy tờ linh tinh của White mà tôi đã tìm thấy ở Đại học Princeton. Bị bỏ qua bởi những người nghiên cứu về ông trước đây, bản viết tay này đã mở ra một cơ hội thú vị để tìm hiểu về khát vọng và tư tưởng của một nhân vật trí thức vượt trội và đầy tham vọng ngay trong thời kì đỉnh cao quyền lực của ông, năm 1944.
Trong bài viết tay được đặt một cái tít mơ hồ “Thể chế Kinh tế – Chính trị của Tương lai”, White miêu tả một thế giới thời hậu chiến trong đó tổ chức kinh tế theo mô hình xã hội chủ nghĩa của Liên Xô sẽ chiếm ưu thế, dù không hoàn toàn thế chỗ cho mô hình tự do tư bản chủ nghĩa của Mỹ. “Trong bất cứ trường hợp nào,” ông viết, “sự thay đổi sẽ đi theo hướng (nhà nước) tăng cường kiểm soát nền công nghiệp, và hoạt động của các doanh nghiệp cạnh tranh và tự do sẽ bị hạn chế hơn.” Trong khi White tin vào dân chủ và quyền con người, ông lại liên tục coi nhẹ sự thiếu vắng quyền tự do cá nhân ở Liên Xô (“Xu hướng ở Nga có vẻ như hướng đến tự do tôn giáo hơn… Hiến pháp của Liên Xô đảm bảo quyền đó”) và sự phiêu lưu của Liên Xô trong chính trị đối ngoại và quốc phòng (“Chính sách mà nước Nga hiện nay đang theo đuổi là không chủ động ủng hộ các phong trào (cách mạng xã hội chủ nghĩa) ở các quốc gia khác”).
Trong bài viết, White cho rằng phương Tây là đạo đức giả khi cố gán hình tượng xấu xa cho Liên Xô. Ông thúc giục Hoa Kì lôi kéo Liên Xô vào một liên minh quân sự chặt chẽ để dập tắt sự hiếu chiến của nước Đức và Nhật Bản mới. Thế nhưng một liên minh như vậy, White than thở, lại gặp phải những chướng ngại vật lớn khủng khiếp: “chủ nghĩa đế quốc tràn lan” ở Hoa Kì được che giấu dưới “đủ loại mác áo yêu nước”; “giới chức Công giáo đầy quyền lực” ở Mỹ có thể “nhìn liên minh với Nga dưới con mắt thù địch”; và những nhóm “e sợ rằng liên minh với một nước xã hội chủ nghĩa sẽ làm chủ nghĩa xã hội mạnh hơn và từ đó làm suy yếu chủ nghĩa tư bản.”
Sau khi loại bỏ hết những thứ có thể được coi là nguồn gốc cho sự chống đối của phương Tây đối với Liên Xô, như là chính trị đối nội, tôn giáo, và chính sách đối ngoại, White kết luận rằng gốc rễ thật sự cho mâu thuẫn này chính là ở hệ tư tưởng kinh tế. “Cơ bản đó là sự đối lập giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội,” ông viết. “Những kẻ thực sự nghiêm túc tin vào sự vượt trội của chủ nghĩa tư bản đối với chủ nghĩa xã hội” – có vẻ như White loại bản thân mình khỏi nhóm người này – “sợ Nga vì nó chính là nguồn gốc của tư tưởng chủ nghĩa xã hội.” Ông, vị chiến lược gia kinh tế quan trọng nhất của chính quyền Mỹ, sau đó đã kết thúc bài viết của mình với một kết luận khiến nhiều người sững sờ: “Nga là ví dụ đầu tiên của một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong thực tế. Và nó đã thành công!”
Hóa ra nhà thiết kế chính của cấu trúc tài chính tư bản toàn cầu thời hậu chiến nhìn Liên Xô qua lăng kính màu hồng không chỉ là vì ông tin tưởng Liên Xô sẽ trở thành một đồng minh sống còn đối với Mỹ, mà còn vì ông cũng nhiệt tình tin vào sự thành công của Liên Xô trong việc mạnh dạn thử nghiệm chủ nghĩa xã hội.
Không chỉ đơn giản là một người thân cộng sản
Sự ngưỡng mộ của White đối với hệ thống kinh tế Liên Xô thực sự gây giật mình, đặc biệt khi nó đến từ một trong những nhân vật hoạch định chính sách có tầm ảnh hưởng nhất vào những năm 1940 ở Washington. Thế nhưng nó không hề lạc điệu khi xét đến hoàn cảnh thời đại lúc đó. White thuộc về thế hệ của những nhà văn và những công chức sùng bái Nga đạt được độ chín về nhận thức ở những năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, thời kì được đánh dấu bởi biến động chính trị, cuộc Đại Suy thoái, và sự sụp đổ của các hệ thống thương mại và tiền tệ thế giới. Toàn bộ trật tự thế giới có vẻ như bị hoán đổi liên tục. Đối với nhiều nhà quan sát, những thay đổi căn bản về xã hội, kinh tế và chính trị là không thể tránh khỏi. Đối với một vài người khác thì biến động trên cũng chính là một lời kêu gọi hành động – cả ở trong và ngoài định nghĩa truyền thống về chính trị quốc gia.
White lúc còn trẻ là một người ủng hộ nhiệt tình của nhân vật diều hâu Robert La Follette, ứng viên đầu tiên của Đảng Cấp tiến ra tranh cử tổng thống vào năm 1924. La Follette kêu gọi chính phủ mạnh tay can thiệp vào kinh tế Mỹ và đã kết tội chủ nghĩa đế quốc của Hoa Kì tại Mỹ Latinh. White từ lâu đã có hứng thú với kế hoạch kinh tế của Liên Xô và đã quyết định thử đi đến Liên Xô để nghiên cứu hệ thống nước này vào năm 1933, chỉ một thời gian ngắn sau khi ông trở thành giáo sư kinh tế tại Đại học Lawrence ở Wisconsin. Ông chỉ từ bỏ kế hoạch này khi nhận được lời mời nghiên cứu về cải cách tiền tệ ở Bộ Tài chính. Ngay sau khi đến Washington vào năm 1934, White đã vướng vào một mạng lưới các nhân vật thân Cộng sản hoạt động tình báo cho Liên Xô. Háo hức với quyền lực và không bị các hàng rào hành chính cản trở khi hành động, White bắt đầu cuộc sống hai mặt nguy hiểm của mình, tương tự như hàng loạt những nhân vật đồng lứa khác với ông ở Washington trong suốt những thập niên 1930 và 1940.
Theo như lời của Whittaker Chambers, nhân vật trung gian giữa cơ quan tình báo Liên Xô với các nguồn tin bí mật của họ nằm trong chính phủ Mỹ, thì hoạt động ngầm của White bắt đầu từ năm 1935. Là một nhân vật theo chủ nghĩa lý tưởng mơ ước một thế giới tương lai nơi quan hệ quốc tế được chi phối bởi những nhân vật kĩ trị khai sáng như mình, White đã đón nhận cơ hội để thúc đẩy tương lai đó đến sớm hơn bằng cách hợp tác với những người trung gian bí mật như Chambers. Vị trí công chức trong bộ máy chính quyền Mỹ của White thấp hơn mức mà ông biết tài năng của ông đáng được hưởng, và ông khát khao sự thừa nhận mà công việc gián điệp dành cho mình. Tuy nhiên không giống với Chambers, White không nhận lệnh trực tiếp từ Moskva. Ông tự hành động theo ý mình. Ông cũng không tham gia bất cứ chiến dịch ngầm nào. Làm việc qua các nhân vật trung gian thân cận với mình, White thu thập các tài liệu chính thức của Bộ Tài chính và gửi cho Chambers. Sau khi Chambers chụp ảnh lại các tài liệu ở xưởng làm việc của mình tại Baltimore, chúng sẽ được White trả lại chỗ cũ thông qua kênh tương tự. Hàng tuần hoặc hai tuần một lần, White cũng sẽ chuẩn bị các bản ghi chép cho Chambers trong đó tóm tắt lại những thông tin mà ông cho là hữu dụng.
“Việc Harry gần gũi với người Nga là không còn nghi ngờ gì nữa,” Edward Bernstein, đồng nghiệp của White ở Bộ Tài chính nhớ lại sau hàng thập kỉ kể từ thời Bretton Woods. Và “Harry thì toàn như thể ông ấy có thể đưa ra lời khuyên cho bất kì ai vậy.” Thế nhưng tại sao White lại đi xa hơn cả mức chỉ thuần túy đưa ra lời khuyên như vậy?
Trong suốt thời kì Thế Chiến II, có một lượng lớn đến mức đáng ngạc nhiên các viên chức Mỹ đã bí mật hỗ trợ Liên Xô mà thậm chí còn không nghĩ rằng mình đã phản bội lại tổ quốc. “Bọn họ”, theo như lời của Elizabeth Bentley, một điệp viên nổi tiếng đã ra tự thú, “là một đám những kẻ theo chủ nghĩa lý tưởng mất định hướng. Họ làm như vậy vì họ tin rằng đó là điều đúng đắn… Họ cực kì tin rằng chúng ta là đồng minh với Nga, rằng Nga đang phải chịu phần lớn gánh nặng của chiến tranh, rằng Nga phải có được đầy đủ mọi sự giúp đỡ, bởi vì những người trong chính phủ…. không cung cấp những thứ mà chúng ta đáng ra phải đưa cho Nga…. [những thứ] mà chúng ta lại đưa cho Anh, chứ không phải là Nga. Và họ cảm thấy… chuyển những thứ đó cho Nga thực sự là trách nhiệm của họ.”
White đã bắt đầu công việc của mình từ trước chiến tranh, trong những năm ngay sau khi Liên Xô được Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1933 và gia nhập Hội Quốc Liên vào năm 1934. White thực sự tin rằng chính sách của Mỹ nên và sẽ đi theo hướng quan hệ sâu rộng hơn với Moskva. Sự hợp tác của ông với Chambers đã giúp ông chứng tỏ được lòng thành của mình với một thế lực nước ngoài vẫn còn hết sức huyền bí hằng nhiều năm trước khi ông chính thức có được một cơ hội thật sự nào.
Gửi nước Nga với tất cả yêu thương
Khi những cơ hội như vậy cuối cùng cũng đến, White đã tận dụng chúng đến cùng. Một trong những cơ hội đáng chú ý nhất là vào đầu năm 1944, khi Bộ Tài chính bắt đầu lên kế hoạch đưa ra một đồng tiền để sử dụng ở nước Đức bị chiếm đóng sau cuộc chiến. Nước Anh đồng ý rằng đồng tiền nên được in ở Hoa Kì, nhưng Liên Xô lại yêu cầu được tự mình in tiền bằng một bản khắc in giống hệt với bản của Mỹ. Việc này đương nhiên sẽ cho phép Liên Xô muốn in bao nhiêu tiền Đức thì in. Bảo vệ cho yêu cầu của Liên Xô trước các đồng nghiệp Bộ Tài chính của mình, theo như lời của một trong những cố vấn của ông thì White đã cho rằng Hoa Kì “chưa giúp đỡ đủ cho Liên Xô và nếu như Liên Xô được lợi từ cuộc giao dịch này thì chúng ta phải vui mừng mà tặng cho họ, như là biểu tượng cho lòng trân trọng những cống hiến của họ.” Giám đốc Cục In và Khắc Alvin Hall phản đối quyết liệt việc đưa cho Liên Xô bản khắc in, và đã nhận được những lời trách mắng nặng nề từ White. Ông khẳng định rằng Liên Xô “phải được tin tưởng ở cùng mức độ như những đồng minh khác.”
Morgenthau giao cho White chịu trách nhiệm việc này, và ông đã đảm bảo rằng Liên Xô có được bản khắc in. Kết quả đã dự kiến từ trước là Liên Xô đã cho in rất nhiều tiền. Khối Đồng minh đã đưa vào lưu hành tổng cộng khoảng 10,5 tỉ tiền mặt có dấu quân Đồng minh từ tháng 9 năm 1944 đến tháng 7 năm 1945; Liên Xô thì in khoảng hơn 78 tỉ. Phần lớn số tiền này cuối cùng lại được chính phủ Mỹ thu mua lại với tỉ giá cố định mà White đưa ra, dẫn đến việc Liên Xô vơ vét được từ Bộ Tài chính Mỹ 300-500 triệu đô la, tương đương khoảng 4-6,5 tỉ đô la hiện nay. White đã muốn đưa cho Liên Xô “một biểu tượng cho lòng trân trọng những cống hiến của họ” và đây quả thực là một món quà rất hào phóng.
Thế nhưng quan hệ của White với Liên Xô liệu có tác động thực chất gì đến kết quả của hệ thống Bretton Woods hay không? Mặc dù rõ ràng là “Kế hoạch White” cho IMF không có bất cứ dấu ấn nào từ tư tưởng tiền tệ của Liên Xô, vốn cũng không có gì để có thể nhắc đến cả, White lại rất quan tâm đến những kẻ phá đám người Liên Xô tại hội nghị – hơn hẳn so với bất kì đồng nghiệp Mỹ nào trong đoàn đàm phán, và hơn rất nhiều so với các đại biểu châu Âu, trong đó một số người đã nổi giận vì thái độ của White. Lo rằng chính quyền Liên Xô sẽ không thông qua các hiệp định của hội nghị, sáu tháng sau White đã đề xuất một khoản cho vay lãi suất thấp của chính phủ Mỹ trị giá 10 tỉ đô la cho Liên Xô nhằm tái thiết đất nước – gấp 3 lần số tiền hỗ trợ quá độ mà ông đã đề xuất cho Vương quốc Anh. Thực tế rằng việc cuối cùng số tiền đó không được thông qua đã trở thành một trong những lí do chính khiến chính quyền Liên Xô quyết định không tham gia IMF và Ngân hàng Thế giới đã đúng với những gì mà White lo ngại.
Tổng thống Mỹ Harry Truman mới đầu định để White làm lãnh đạo đầu tiên của IMF. Nếu White được nhận vị trí này thì tư tưởng thân Liên Xô của ông sẽ có tác động lớn đến các hoạt động của tổ chức này. Tuy nhiên, lí do chính mà White không trở thành người đứng đầu IMF – và kể từ đó không người Mỹ nào được trở thành nhân vật lãnh đạo của tổ chức này – chính là từ những tiết lộ rằng White làm việc cho Liên Xô.
Truman đã đề cử White trở thành người Mĩ đầu tiên làm giám đốc điều hành (đại diện cho Mỹ) trong IMF vào ngày 23 tháng 1 năm 1946, và dự định sẽ đề cử tiếp ông làm giám đốc quản lý (chức vụ cao nhất trong IMF) một thời gian ngắn sau đó. Truman đã không biết rằng vào lúc đó White đã bị FBI giám sát trong hai tháng vì nghi ngờ ông làm gián điệp cho Liên Xô. Hai tuần sau đó, giám đốc FBI J. Edgar Hoover đã gửi một báo cáo đến tổng thống trong đó miêu tả White là “một mắt xích giá trị trong một tổ chức tình báo ngầm của Liên Xô” và buộc tội ông cài gián điệp Liên Xô vào trong chính quyền Mỹ. Hoover cảnh báo rằng nếu các hoạt động của White bị công khai, IMF có thể sẽ gặp nguy hiểm. Thế nhưng Ủy ban Ngân hàng và Tiền tệ của Thượng viện do không biết gì về bản buộc tội đã thông qua đề cử White trở thành giám đốc điều hành của Mỹ tại IMF vào ngày 5 tháng 2, một ngày sau khi bản báo cáo của Hoover được gửi lên.
Sau khi đọc báo cáo của Hoover, Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes đã đề nghị Truman rút lại đề cử; Bộ trưởng Tài chính Frederick Vinson thì muốn White cùng lúc ra khỏi bộ máy chính quyền luôn. Truman không tin Hoover nhưng cũng nhận thấy rằng ông có khả năng sẽ phải chịu trách nhiệm cho một vụ xì căng đan vào lúc này. Ông quyết định chỉ để White làm giám đốc điều hành của Mỹ tại IMF, một nấc hạ lớn từ vị trí giám đốc quản lý. Thế nhưng đề cử một người Mỹ khác vào vị trí ở trên White sẽ khiến mọi người phải nhướng mày ngạc nhiên, và Nhà Trắng sẽ phải giải thích vì sao kiến trúc sư chính của quỹ tiền tệ lại bị bỏ qua như vậy.
Trong tháng tiếp theo, Vinson đã gặp gỡ Keynes, lúc đó đã là thống đốc Anh ở cả IMF và Ngân hàng Thế giới. Ông nói rằng Truman đã quyết định không đề tên White lên vị trí đứng đầu IMF và thay vào đó sẽ đưa một người Mỹ vào vị trí đó ở Ngân hàng Thế giới nhằm củng cố “lòng tin của thị trường đầu tư Mỹ”. Chính phủ đã kết luận với một tư tưởng công bằng hiếm thấy rằng sẽ là không “thích đáng nếu người Mỹ đứng đầu ở cả hai tổ chức”.
Các đồng minh của Hoa Kì thì rất vui sướng mà tuân theo, và một người Bỉ, Camille Gutt, đã trở thành lãnh đạo đầu tiên của IMF, trong khi một người Mĩ, Eugene Meyer, lại trở thành lãnh đạo đầu tiên của Ngân hàng Thế giới. Hoa Kì tưởng như chắc chắn rằng sẽ có thể để một người Mỹ phụ trách IMF sau khi Gutt rời đi vào năm 1951, thế nhưng đến lúc đó thì vai trò của quỹ lại đã bị thay thế bởi Kế hoạch Marshall, và Washington thì đã thỏa mãn khi được nắm lấy vị trí đứng đầu Ngân hàng Thế giới.
Vẫn chưa rõ liệu White có biết hay nghi ngờ gì về cuộc điều tra của FBI hay không. Dù thế nào đi nữa thì thời gian tại chức của ông ở quỹ là rất ngắn; ông từ chức vào mùa xuân năm 1947. Sau 13 năm ở Washington, ông đã tuyệt vọng với tình trạng quan hệ Mỹ – Xô và hoàn toàn vỡ mộng với một “Đảng Dân chủ không còn có thể tiếp tục đấu tranh vì hòa bình và vì một nước Mỹ tốt đẹp hơn.” Ông chuyển lòng nhiệt huyết của mình sang giúp đỡ Henry Wallace của Đảng Tiến bộ (Progressive Party) trong kì tranh cử tổng thống năm 1948. Wallace, người từng là bộ trưởng thương mại trong chính quyền Truman, đã mỗi người một ngả với tổng thống của mình vì đường lối ngày càng cứng rắn của chính phủ đối với Liên Xô. Giống như nhiều học giả khác ở cả hai bờ Đại Tây Dương vào thời kì đó, Wallace tin rằng cuộc Cách mạng Nga năm 1917 là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh vì tự do của loài người. Chiến thắng của Wallace, điều khó có khả năng xảy ra, sẽ đưa White trở về chính trường với vị trí Bộ trưởng Tài chính – nhưng đấy là trong trường hợp những người buộc tội White không chiếm được thế thượng phong.
(Còn tiếp Phần 2)
Benn Steil là Nghiên cứu viên Cấp cao và là Giám đốc phụ trách Kinh tế Thế giới tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Bài viết này được rút ra từ cuốn sách mới nhất của ông, The Battle of Bretton Woods: John Maynard Keynes, Harry Dexter White, and the Making of a New World Order (Princeton University Press, 2013).
Hình: Harry Dexter White và John Maynard Keynes là hai kiến trúc sư chính của trật tự Bretton Woods.
—————-
[1] Nguyên văn: “New Deal for a new world”, liên hệ với chính sách kinh tế New Deal của Tổng thống D. F. Roosevelt, thực hiện trong giai đoạn 1933-1938 sau thời kỳ Đại suy thoái.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]