Tâm trạng của nước Mỹ trước bầu cử

Print Friendly, PDF & Email

vote-buttons

Nguồn: Richard N. Haass, “The State of the United States”, Project Syndicate, 24/03/2016.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vẫn còn hơn một nửa năm nữa mới tới, và không thể biết chắc ai sẽ được đề cử để đại diện cho hai đảng lớn, và càng không thể biết chắc ai sẽ là vị chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng. Nhưng cũng không phải quá sớm để đánh giá tâm trạng của hơn 320 triệu người dân nước này và ý nghĩa của nó đối với người sẽ chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử mà hẳn đối với đại đa số mọi người trên thế giới chính là một bộ phim truyền hình chính trị không hồi kết.

Tâm trạng đa số tại nước Mỹ thời gian này là sự lo lắng bao trùm, nếu không muốn nói là sự tức giận tuyệt đối. Tờ Washington Post gần đây đã xuất bản một chuỗi các bài báo gồm 4 phần, cho thấy sự giận dữ của người dân nhắm tới Phố Wall, người Hồi Giáo, các hiệp định thương mại, Washington, các vụ bắn súng của cảnh sát, Tổng thống Barack Obama, Đảng Cộng hòa, người nhập cư và các mục tiêu khác.

Một trong những mô tả tệ nhất được áp dụng với một người Mỹ thời nay là “chính trị gia chuyên nghiệp.” Những người hưởng lợi từ suy nghĩ này là những ứng viên không thuộc dòng chính (như Donald Trump), những người ủng hộ chính sách chống lại cải tổ tự do thương mại và người nhập cư, cũng như những người kêu gọi một cuộc đại tu toàn diện các chính sách thuế và chi tiêu hiện hành. Chi tiết của những điều mà họ ủng hộ có thể khác nhau, nhưng cương lĩnh của họ đều có chung một lời hứa về việc thay đổi mạnh mẽ nguyên trạng.

Khó mà có thể nhìn thấy được nguồn gốc của tâm trạng này, vì nước Mỹ đã tốt hơn về mặt kinh tế so với 6 năm trước đây, trong thời kỳ ngay sau dư chấn khủng hoảng những năm 2007- 2008. Hơn 9 triệu việc làm đã được tạo ra kể từ thời gian đó, lãi suất ngân hàng thấp (khiến cho các khoản vay mua nhà và xe có thể được chi trả dễ dàng hơn), và giá dầu giảm tương đương với khoản giảm thuế 700 đô la cho mỗi gia đình Mỹ trung lưu. Hơn thế nữa, thị trường chứng khoán đã tăng 200% kể từ điểm đáy 7 năm về trước, và hàng triệu người trước đây từng không có bảo hiểm y tế giờ đã được  bảo hiểm.

Mặc dù vậy, những tin tốt về kinh tế này trong nhiều trường hợp bị làm lu mờ bởi sự tăng trưởng yếu ớt của thu nhập hộ gia đình vốn đã trì trệ về mặt giá trị thực (tức nếu điều chỉnh theo lạm phát) trong khoảng 15 năm qua. Tỷ lệ phần trăm người Mỹ làm việc toàn thời gian vẫn chưa chạm đến ngưỡng của 7 năm trước đây. Và nhiều người sợ rằng việc làm của họ sẽ biến mất bởi sự cạnh tranh từ nước ngoài, các công nghệ mới, hoặc được chuyển sang các nước khác.

Một lượng lớn người Mỹ đang sống lâu hơn, nhưng lo lắng, vì họ đã không thể để ra một khoản tiết kiệm cần thiết nhằm đảm bảo việc nghỉ hưu của họ sẽ cho phép họ được sống một cách thoải mái cho đến tuổi già. Một số đang phải chi trả các khoản bảo hiểm y tế mà trước đây họ đã từng tránh được do những quy định trong chính sách cải cách được ban hành dưới thời ông Obama.

Còn một vấn đề khác đó là bất bình đẳng. Điều này gây ra sự giận dữ thực sự, nhưng vấn đề  không nằm nhiều ở sự bất bình đẳng (điều dù đang tệ đi nhưng không mới) mà là ở sự giảm đi các cơ hội. Giấc mơ Mỹ đang nhường đường cho ý thức giai cấp – một sự thay đổi sâu sắc đối với đất nước vốn được thiết lập dựa trên lý tưởng rằng bất kỳ người nào cũng có thể cải thiện được vận mệnh của mình nếu chăm chỉ làm việc.

Nhưng những lý do cho sự lo lắng và giận dữ vượt xa những thực tế và lo lắng về kinh tế. Còn có một sự bất an về mặt thể chất, có thể là bởi các tội phạm hoặc nỗi lo sợ khủng bố. Trong nhiều cộng đồng còn có mối quan ngại về việc nền văn hóa và xã hội sẽ đi về đâu.

Truyền thông hiện đại có xu hướng làm mọi thứ xấu đi. Thế hệ của chúng ta là một kỷ nguyên của truyền thông hẹp (narrowcasting) chứ không phải truyền thông quảng bá (broadcasting). Con người ngày càng xem nhiều hơn những kênh truyền hình cáp và website giúp tăng cường các quan điểm và hệ tư tưởng của họ.

Rất ít điều trong số này giúp chúng ta bớt lo lắng hơn. Tâm trạng quốc gia đã vượt ra ngoài chiến dịch bầu cử và sẽ tạo ra một thách thức thực sự cho vị tổng thống và Quốc hội mới. Những sự chia rẽ trong mỗi đảng và giữa các đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ khiến cho sự thỏa hiệp và thành lập các liên minh cần thiết giúp điều hành chính phủ là gần như không thể.

Các quan ngại về khả năng chi trả cho người về hưu và chăm sóc y tế sẽ gây nhiều khó khăn hơn nữa cho việc cải cách phúc lợi, và sự mở rộng các phúc lợi sẽ làm tăng nợ quốc gia tới mức kỷ lục. Tự do thương mại được cho là chịu trách nhiệm cho tình trạng mất việc làm và nhận được ngày càng ít sự ủng hộ dù tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng và giúp tăng cường vị thế chiến lược của Mỹ trên khắp thế giới. Nhập cư, một phần quan trọng trong di sản đất nước và là một nguồn mang lại những tài năng quý giá, hiện giờ là chủ đề gây nhiều tranh cãi đến mức viễn cảnh cải tổ trở nên mờ mịt.

Tâm trạng của nước Mỹ có thể cũng làm tăng sự tập trung vào các vấn đề trong nước của các quan chức. Vốn đã chán nản với sự can dự ở nước ngoài – hệ quả của những can thiệp ở Iraq và Afghanistan, những hành động tốn kém nhiều hơn những gì thu được – nhiều người Mỹ giờ đây nghi ngờ về những gì mà nước Mỹ có thể đạt được ở nước ngoài. Họ cảm thấy chán ngán với những đồng minh được xem là không chia sẻ gánh nặng chung một cách công bằng, và họ ngày càng trở nên tin tưởng rằng chính phủ cần phải tập trung ít hơn vào thế giới bên ngoài và thay vào đó cần chú ý hơn tới việc khắc phục các vấn đề của nước Mỹ.

Chắc chắn một số người ở các nước khác sẽ vui mừng khi đọc được những điều này; nhưng nhìn chung, đây là một tin xấu cho phần lớn thế giới. Một nước Mỹ bị sao nhãng và chia rẽ sẽ khó có thể sẵn sàng và có khả năng thúc đẩy sự ổn định ở Trung Đông, châu Âu hay châu Á, hoặc trong việc đối mặt với các thách thức toàn cầu. Và nếu thiếu đi sự dẫn dắt của nước Mỹ, những thử thách này sẽ nhiều khả năng sẽ không được giải quyết, trở thành các rắc rối, hoặc tệ hơn nữa là các cuộc khủng hoảng.

Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nguyên là Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush ở Bắc Ireland, và Điều phối viên của chương trình Tương lai của Afghanistan. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề Foreign Policy Begins at Home: The Case for Putting America’s House in Order.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The State of the United States
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]