Tại sao thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ lại gây tranh cãi?

EU-Turkish

Nguồn:Why the EU­Turkey deal is controversial“, The Economist, 11/04/2016.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 20/03/2016, Liên minh Châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn dòng người tị nạn đang tìm cách nhập cư vào châu Âu. Theo thỏa thuận, bất kỳ “người di cư bất thường mới” nào đến Hy Lạp sau ngày đó sẽ được gửi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, các nước thành viên EU sẽ chấp nhận một người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ cho mỗi một người được gửi trả lại, và tăng tốc việc tự do hóa thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Vào ngày 04/04, nhóm người di cư đầu tiên, khoảng 200 người, chủ yếu là người Pakistan và Afghanistan, đã được gửi từ Hy Lạp trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi khoảng 43 người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được tái định cư ở các nước châu Âu. Tại sao thỏa thuận này lại gây tranh cãi?

Kể từ khi thỏa thuận được ký kết, số lượng người tị nạn tới Hy Lạp đã giảm mạnh: các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang đàn áp thẳng tay những kẻ buôn lậu người đang hoạt động dọc bờ biển của đất nước, trong khi ý tưởng bị gửi trở lại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi thực hiện một cuộc hành trình nguy hiểm trên biển Aegea dường như khiến cho nhiều người di cư phải tạm dừng lại để suy nghĩ. Những người di cư bị gửi trở lại vào ngày 04/04 đã không nộp đơn xin tị nạn ở Hy Lạp bởi đằng nào họ cũng sẽ bị gửi trả lại.

Một nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều đang chờ Hy Lạp khi phải xử lý những người xin tị nạn từ Syria và các nơi khác. Họ [những người xin tị nạn] sẽ phải chờ cho đến khi đơn xin tị nạn của họ được xem xét, nhưng điều này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực lớn hơn rất nhiều để có thể thực hiện một cách hiệu quả. EU đã cam kết hỗ trợ 400 chuyên gia về người tị nạn mới, nhưng cho đến nay chỉ mới có vài chục người đến. Hy Lạp cũng đang đợi gói cứu trợ khẩn cấp 380 triệu EUR (433 triệu USD). Trong khi đó, hàng ngàn người di cư đang chờ đợi ở Hy Lạp, đôi khi trong những điều kiện bần cùng. Các cuộc ẩu đả giữa những người xin tị nạn người Syria và Afghanistan đã bắt đầu nổ ra.

Trên một bình diện rộng hơn, thỏa thuận này đã trở nên gây tranh cãi bởi một lập luận rằng việc trả về tập thể như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế. Thỏa thuận này thực ra đã lách được vấn đề đó: mỗi người tị nạn được cho là được quyền nộp đơn xin tị nạn. Nếu một người xin tị nạn được xác định là đến qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, một “nước thứ ba an toàn”, họ sẽ thường bị coi là “bất thường” và do đó sẽ bị gửi trả lại. Tuy nhiên, ý tưởng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là một quốc gia thứ ba an toàn đã khiến nhiều tổ chức nhân quyền tức giận. Ngày 01/04, Tổ chức Ân xá Quốc tế, một cơ quan giám sát nhân quyền, báo cáo rằng những người tị nạn Syria đã bị đẩy trở lại biên giới (giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria). “Thay vì gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ để họ cải thiện việc bảo vệ người tị nạn Syria, trong thực tế EU lại đã khuyến khích điều ngược lại”, John Dalhuisen, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế Khu vực châu Âu và Trung Á, nói. Thỏa thuận này cũng có thể dẫn đến việc người di cư cố gắng tìm một tuyến đường khác, thậm chí là nguy hiểm hơn.

Thật không may, châu Âu có thể không có nhiều sự lựa chọn. Trước thỏa thuận này, thêm nhiều người di cư đã được dự kiến là sẽ cố gắng tìm cách đến châu Âu khi tiết trời sang xuân, bên cạnh 1 triệu người đã đến năm ngoái. Trong khi đó, áp lực của người dân chống lại các dòng người di cư ngày càng tăng. Các đảng dân túy đang trỗi dậy ở một số nơi, chẳng hạn như Thụy Điển, quốc gia đã tiếp nhận một số lượng đặc biệt lớn những người tị nạn nếu so với dân số quốc gia này. Và Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã đàm phán thỏa thuận này, đang phải chịu áp lực nặng nề từ các chính trị gia khác, đặc biệt là những người trong đảng của bà, trong việc ngăn chặn dòng người tị nạn đang đổ về nước Đức.

Xem thêm:

5 hiểu lầm về người tị nạn và người di cư

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]