5 hiểu lầm về người tị nạn và người di cư

Print Friendly, PDF & Email

refugees

Nguồn: Jill Goldenziel, “Five myths about refugees and migrants”, The Washington Post, 25/09/ 2015.

Biên dịch: Phạm Hồng Anh

Những hình ảnh bi kịch của dòng người tị nạn và người di cư tuyệt vọng kiếm tìm sự an toàn tại Châu Âu đã gây chấn động toàn thế giới. Châu lục này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di dân tồi tệ nhất kể từ Thế Chiến II. Cách ứng phó của Châu Âu lại không đạt được sự nhất quán: các chính sách thay đổi gần như hàng ngày; người dân di chuyển liên tục qua các biên giới trong khi các chính khách kêu gào đổ lỗi; và mặc dù nhiều người đã được cứu sống, hàng nghìn người khác lại bị chết chìm ở Địa Trung Hải. Trước tình cảnh hỗn loạn này, những hiểu lầm về người di cư và người tị nạn vẫn tiếp tục được lan truyền. Việc đính chính lại những nhận thức sai này có thể giúp (các quốc gia) hoạch định những chính sách tốt hơn để cải thiện quyền con người.

  1. Đây là một cuộc khủng hoảng di cư, không phải là khủng hoảng tị nạn

Thực tế là cả hai. Dòng người đổ vào Châu Âu có thể được chia thành ba nhóm: người tị nạn, người di cư kinh tế và những người lánh nạn do bạo lực. Trên nhiều phương tiện và ấn phẩm truyền thông, trong đó có cả tờ The Washington Post, những khái niệm này được sử dụng thay thế lẫn nhau. Tuy nhiên sự khác biệt không chỉ là vấn đề ngữ nghĩa, mà nó còn mang tính quyết định đối tượng nào có thể ở lại hợp pháp hoặc bị gửi trả về nước.

Theo luật quốc tế – và luật tị nạn của Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia phương Tây – khái niệm “người tị nạn” (refugee) chỉ một nhóm người rất nhỏ. Theo luật, người tị nạn là người bỏ trốn khỏi đất nước của mình bởi họ có cơ sở để lo sợ sẽ bị ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, quan điểm chính trị hay vì là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó. Không quốc gia nào có quyền gửi trả người tị nạn về nơi cuộc sống của họ có thể bị đe dọa, bất kể quốc gia đó đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn hay chưa.

Ngược lại, “người di cư” (migrant) là một khái niệm không được quy định trong luật quốc tế. Theo cách nói thông thường, khái niệm này được sử dụng để chỉ những người tìm kiếm cơ hội việc làm. Các quốc gia không có nghĩa vụ pháp lý đối với người di cư – các nước hoàn toàn có thể từ chối nhập cảnh hoặc trục xuất họ. Do đó khi các chính trị gia châu Âu đánh đồng tất cả những người đang chờ đợi ở biên giới là “người di cư”, họ hàm ý rằng nước mình chẳng phải có nghĩa vụ gì với nhóm người này.

Mặc dù khái niệm “người tị nạn” cũng hay được dùng để chỉ những người lánh nạn chiến tranh, phần lớn những người đang cố gắng thoát khỏi cảnh bạo lực ở Syria hay các nơi khác không phải là người tị nạn theo luật định. Họ cũng không đủ tiêu chuẩn để xin tị nạn, bởi mối đe dọa đến sự an toàn của họ không đủ cụ thể như quy định trong luật. Một vài quốc gia sẽ chọn cách cho họ nương náu tạm thời. Tuy nhiên, chỉ có 54% số người Syria xin tị nạn tại châu Âu được cấp phép tị nạn. Những người còn lại có thể bị gửi trả về vùng chiến sự.

  1. Những người di cư và người tị nạn là một mối đe dọa về an ninh

Các chính trị gia và các nhân vật trên truyền thông ở cả hai bờ Đại Tây Dương là những người đã góp phần củng cố “truyền thuyết” này. Phóng viên Ian Tuttle đã viết trên tờ National Review một đánh giá điển hình cho điều này: “Nếu xem xét quy mô của vấn đề di cư, chắc chắn rằng các tổ chức khủng bố đang lợi dụng cuộc khủng hoảng này để lọt vào châu Âu.”

Đúng vậy, trên lý thuyết những kẻ khủng bố có thể lợi dụng những đường biên giới lỏng lẻo mà bọn tội phạm buôn người thường sử dụng. Tuy vậy trên thực tế, chúng sẽ không đi theo những tuyến đường di dân để đột nhập vào châu Âu – nơi chúng có thể bị những trạm kiểm soát bắt giữ.

Giám đốc điều hành của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) Kenneth Roth đã lập luận rằng: những nhóm khủng bố có nguồn tài chính dồi dào không cần phải lên kế hoạch phức tạp và nguy hiểm để đặt chân tới châu Âu. Một người sẽ không liều mạng sống của mình để đi theo một kẻ buôn lậu nếu anh ta có thể đơn giản bắt một chuyến bay. Thực sự thì nhiều chiến binh nước ngoài đã trở thành công dân châu Âu.

Hơn nữa, châu Âu cũng có nhiều kinh nghiệm giải quyết những đơn xin tị nạn từ cư dân của những nước vốn là nơi khủng bố ẩn náu, trong đó nổi bật là Iraq và Afghanistan. Nếu những chiến binh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay những kẻ âm mưu khủng bố cố gắng xâm nhập bằng con đường này (di cư – ND), việc kiểm soát nhân thân gắt gao sẽ sẵn sàng giúp loại bỏ chúng.

  1. Những chiến dịch giải cứu quá hào phóng chỉ thu hút thêm nhiều người tị nạn và di cư

Tháng 10 năm 2013, nước Ý tiến hành chiến dịch “Mare Nostrum” – một chiến dịch tìm kiếm và cứu trợ người di cư băng qua Địa Trung Hải. Chương trình này đã cứu sống hơn 130.000 người khỏi cảnh chết giữa biển khơi. Thế nhưng nó vẫn chịu nhiều chỉ trích gay gắt. Năm ngoái bộ trưởng Ngoại giao và Thịnh vượng chung của Anh, Joyce Anelay, đã phát biểu: “Chúng tôi không khuyến khích các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ được lên kế hoạch tại Địa Trung Hải. Chúng tôi tin rằng chúng đã vô tình tạo ra một ‘yếu tố thúc đẩy’, khuyến khích nhiều người di cư vượt biển hơn và do đó làm tăng những cái chết bi thảm và không đáng có.”

Tuy nhiên làn sóng di cư vượt Địa Trung Hải bắt nguồn từ sự tuyệt vọng khốn cùng của con người, chứ không phải từ thiện chí cứu trợ của châu Âu. Khi chiến dịch Mare Nostrum bị dừng lại vào tháng 10 năm 2014 và được thay bằng một chiến dịch của EU có quy mô ngân sách nhỏ hơn, hoạt động gần bờ biển Ý, dòng người di cư vẫn không hề suy giảm – và số người chết tăng lên. Từ tháng 1 đến cuối tháng 4, có 1.721 người di cư và người tị nạn chết khi vượt Địa Trung Hải, biến năm 2015 thành năm có số người chết kỷ lục. Sau đó, khi châu Âu bắt đầu cung cấp tài chính, tàu và máy bay cho chiến dịch cứu hộ, và bắt đầu tuần tra trên biển ở phạm vi rộng hơn, số người chết giảm đáng kể xuống còn 99 người từ 27/4 đến 29/6. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 2.500 người chết trên Địa Trung Hải tính tới hết tháng 8 năm nay (2015).

  1. Châu Âu có thái độ thù địch đối với người di cư và người tị nạn

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã viết rằng đất nước mình phải “bảo vệ biên giới” khỏi những người “lớn lên trong một tôn giáo khác, và đại diện cho một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt.” Mặc dù những lời của ông khá cực đoan, chúng phản ánh tình trạng phản đối người Hồi giáo và phản đối dân nhập cư tại châu Âu. Theo một nghiên cứu năm 2014 của tổ chức nghiên cứu Pew, 63% người Ý, 50% người Ba Lan, 53% người Hy Lạp, 33% người Đức, 27% người Pháp và 26% người Anh phản đối người Hồi giáo. Trong khi đó, Hungary và Bulgary đóng cửa biên giới bằng việc xây tường và hàng rào; Estonia, Macedonia và Ukraina cũng có kế hoạch tương tự.

Tuy vậy, trong khi một số nước nghèo hơn và các nước thuộc Liên Xô cũ có thái độ đặc biệt tiêu cực, thì các nước châu Âu giàu có hơn lại tỏ ra khá hào phóng. Vào thứ ba, Liên minh châu Âu đã thông qua kế hoạch tái định cư cho 120.000 người xin tị nạn, đi ngược lại sự phản đối từ Hungary, Romania, Cộng hòa Séc và Slovakia. Con số cao hơn hàng chục nghìn người so với số người được các nước Tây Âu cấp phép nhập cư hoặc đồng ý bảo hộ tạm thời vào năm 2014. Đức là nước hào phóng nhất: nước này nhận 40.560 người xin tị nạn năm ngoái và dự kiến nhận khoàng 800.000 người vào năm nay. Và Thụy Điển còn cấp quy chế thường trú nhân cho tất cả những người xin tị nạn từ Syria.

  1. Những nước giàu có vùng Vịnh Ba Tư chẳng hề đóng góp sức lực

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và các tổ chức khác chỉ ra rằng Qatar, các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia, Kuwait, Oman và Bahrain “không hề tiếp nhận người tị nạn từ Syria.” Không nước nào trong số những quốc gia này ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn, và những nước này đều không có hoặc có chế độ cấp phép tị nạn lỏng lẻo. Do đó những nước này khó có thể ngay lập tức chấp nhận người tị nạn và tiếp nhận họ vĩnh viễn.

Tuy vậy, những quốc gia vùng Vịnh có cách hỗ trợ riêng. Họ đóng góp tiền cho các nỗ lực của cơ quan về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại các nước láng giềng với Syria. Họ cũng mở cửa đón số lượng lớn công nhân nước ngoài, bao gồm từ 2 đến 3 triệu người Syria, nhiều người trong số này đến sau khi cuộc chiến tranh nổ ra. Và những quốc gia này còn âm thầm gia hạn visa cho các công nhân người Syria để họ không phải quay trở về nước. Saudi Arabia cũng tuyên bố nước này cung cấp cho công nhân Syria chế độ chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí, đồng thời cấp quy chế thường trú nhân cho hàng trăm nghìn người Syria. Những công nhân người Syria khác ở vùng Vịnh có chỗ đứng bấp bênh hơn về mặt luật pháp, bởi họ có thể bị sa thải và gửi trả về nước bất cứ lúc nào. Dù sao thì đối với nhiều người, điều kiện sống tại các nước vùng vịnh vẫn tốt hơn những gì họ có thể phải đối mặt ở một nơi khác.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]