Sự gia tăng chủ nghĩa biệt lập tại Đức

Print Friendly, PDF & Email

merkel

Nguồn: Marcel Fratzscher, “The rise of German isolationism”, Project Syndicate, 06/04/2016.

Biên dịch: Đào Duy Tùng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong những cuộc bầu cử vùng vừa qua tại Đức, cử tri đã bày tỏ sự chê trách mạnh mẽ Đảng của Thủ tướng Angela Merkel, Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo. Với ngày càng nhiều người Đức mất niềm tin vào một giải pháp của Châu Âu đối với cuộc khủng hoảng người tỵ nạn, những lời kêu gọi nước Đức đi theo hướng chủ nghĩa biệt lập và đơn phương đang trở nên có tiếng vang hơn, và những lực lượng chính trị cực hữu đang ngày càng có được sức hút.

Điều này đang ngày càng gây nên rắc rối, nhưng nó không gây sửng sốt. Liên minh Châu Âu (EU) đã liên tục thất bại trong việc tìm ra các giải pháp chung cho các vấn đề chung ngay cả khi nó bị giày vò bởi một loạt các cuộc khủng hoảng. Trong cuộc khủng hoảng người tỵ nạn hiện tại, các quốc gia  EU đã thể hiện sự thiếu đoàn kết rõ ràng với nước Đức khi rất nhiều quốc gia từ chối chấp nhận gánh vác dù chỉ là một phần nhỏ trong gánh nặng. Bất chấp thỏa thuận gần đây với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm dòng người tỵ nạn từ Syria, phần lớn người Đức không kỳ vọng các đối tác trong EU sẽ thay đổi xu thế  này.

Điều này làm người Đức càng giận dữ trong bối cảnh đất nước họ chịu phần nặng nề nhất của gánh nặng tài chính trong chương trình cứu hộ tài chính được thực hiện ở Đảo Síp, Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong những năm gần đây. Thêm vào đó là cảm giác bị phản bội trước khả năng hiện hữu của việc Anh rời khỏi EU, và không khó để thấy tại sao người Đức cảm thấy dần rời xa châu Âu lại có thể là sự đánh cược tốt nhất của họ.

Dĩ nhiên, đối với một số người Đức, sự thiếu thống nhất về người tỵ nạn đơn giản là một lời biện hộ thuyết phục cho việc ngăn chặn các cải cách mà họ ngay từ đầu cũng chưa bao giờ ủng hộ, như việc hoàn thành một liên minh ngân hàng châu Âu. Nhưng bây giờ họ thu hút được sự ủng hộ của một số lượng ngày càng nhiều người Đức mà những người này trước đây có thể không đồng ý với lập trường chống EU của họ. Ý tưởng rằng các nước EU chỉ muốn tiền của nước Đức – ví dụ như Pháp đã công khai ủng hộ một “hệ thống chuyển trợ cấp” (từ nước giàu sang nước nghèo hơn) – đang trên đường trở thành một quan điểm đa số.

Trong bối cảnh đó, nếu các cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng trở lại, các đối EU của Đức chắc chắn không thể mong chờ Đức đồng ý với bất kỳ chương trình cứu trợ tài chính nào nữa. Nói cách khác thì sự hỗ trợ tài chính thực sự của EU không còn tồn tại nữa.

Do đó, sự thất bại trong việc định hình một phản ứng của châu Âu trước cuộc khủng hoảng người tỵ nạn thông qua việc chia sẻ gánh nặng thực sự sẽ làm Châu Âu mất ổn định cả về mặt kinh tế và chính trị. Sự không ổn định đó có thể không gây ngạc nhiên ở Hy Lạp, nước đã nhận khoảng 240 tỷ Euro (255 tỷ đô la) thông qua những khoản vay chính thức kể từ 2010 và là quốc gia tiền tuyến chính trong cuộc khủng hoảng người tỵ nạn. Nhưng tại Đức, nước đã ổn định đáng kể trong hơn một thập niên và là cột trụ cho sự ổn định trên toàn châu Âu trong suốt những quãng thời gian hỗn độn đã qua, thì nó biểu trưng cho một sự đảo ngược xu hướng với hậu quả nghiêm trọng.

Merkel đang trả một cái giá chính trị khổng lồ cho quyết tâm lớn của bà nhằm thúc đẩy một châu Âu cởi mở. Điều tệ hơn là, Đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) cực hữu lại là người được hưởng lợi chính. Thành lập chỉ ba năm trước với một cương lĩnh chống châu Âu, AfD bây giờ lấy sự phản đối người tỵ nạn là nền tảng cho sự hấp dẫn của mình. Trong những cuộc bầu cử vừa qua, AfD đã chen vào được các nghị viện vùng với một tỷ lệ phiếu bầu đáng kể như: 15,1% ở Baden – Wurttemberg, 12,5% ở Rhineland-Paltinate, và 24% ở Saxony-Anhalt.

Sự xung đột xã hội trong nước cũng đang tăng lên. Các chính trị gia và các nhà kinh tế học đang làm gia tăng những nỗi sợ hãi trong dân chúng Đức về cái giá khổng lồ của làn sóng người nhập cư tràn vào, làm trầm trọng thêm tranh cãi về mức độ bất bình đẳng cao và đang gia tăng về tài sản và lương bổng. Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble đã đề xuất tăng thuế trên toàn châu Âu đối với xăng dầu để chi trả cho những chi tiêu thêm cho người tỵ nạn, mặc dù thặng dư ngân sách chính phủ của Đức lên tới gần 20 tỷ Euro, tương đương 0,7% GDP, vào năm 2015.

Cuộc khủng hoảng người tỵ nạn đang thay đổi cơ bản những ưu tiên trong chính sách kinh tế Đức. Chính phủ Đức gần như từ bỏ các cam kết tăng cường đáng kể đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và giáo dục. Những cải cách cần thiết cấp bách khác như các chính sách về thuế và gia đình cũng đang bị trì hoãn. Với mỗi người tỵ nạn đang đến nước Đức, ngày càng không chắc chắn rằng Schauble có thể thực hiện được lời hứa của ông về “Schwarze Null” – hay cam kết có thặng dư ngân sách liên bang – trong năm bầu cử quan trọng 2017.

Một kết quả nhiều khả năng diễn ra là sự cắt giảm sâu hơn về đầu tư công cũng như các chi tiêu xã hội khác và việc tăng lương tối thiểu, điều sẽ có lợi cho một số người Đức nhưng cũng gây khó khăn hơn cho người tỵ nạn nếu muốn tìm việc làm. Những cải cách cấp bách sẽ bị trì hoãn lâu hơn, và triển vọng kinh tế Đức sẽ bị suy giảm.

Việc các lãnh đạo châu Âu từ chối chia sẻ trách nhiệm và đồng ý về một giải pháp chung đối với cuộc khủng hoảng người tỵ nạn không chỉ làm tổn thương những người tỵ nạn, nó còn làm hủy hoại tương lai của EU khi làm suy yếu mong muốn của Đức trong việc cải cách và can dự với phần còn lại của châu Âu. Chắc chắn là nếu những vấn đề này tiếp tục theo chiều hướng hiện tại, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hiện đang lên cao ở Đức ngày nay sẽ trở lại ám ảnh mọi thành viên EU.

Marcel Fratzscher, nguyên trưởng Bộ phận phân tích chính sách quốc tế tại Ngân hàng Trung ương châu Âu, hiện là Chủ tịch và Giám đốc của viện nghiên cứu chính sách DIW Berlin.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Rise of German Isolationism
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]