Hoa Kỳ đang dần bỏ rơi Ả-rập Saudi?

Print Friendly, PDF & Email

obamasa

Nguồn: Bernard Haykel, “Obama in Arabia”, Project Syndicate, 20/04/2016.

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Chuyến viếng thăm Ả-rập Saudi của Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần này, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa hai nước đang ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, dù phần lớn người Mỹ nhìn nhận Ả-rập Saudi tiêu cực thế nào đi nữa, thì quốc gia này vẫn là một đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực. Obama nên khôn ngoan hàn gắn mối quan hệ song phương đó.

Ả-rập Saudi, nơi sản xuất 1/9 nguồn dầu mỏ được tiêu thụ toàn cầu, không đơn thuần chỉ là một quốc gia then chốt của nền kinh tế toàn cầu, mà sự ổn định của chính phủ nước này còn có ý nghĩa quyết định đối với trật tự quốc tế. Nếu chẳng may triều đại Al Saud sụp đổ và quốc gia này chia cắt thành các lãnh thổ thù địch được cai trị bởi các nhóm và bè phái thánh chiến, các cuộc nội chiến ở Syria và Lybia so ra dường như chỉ là những xung đột lẻ tẻ.

Sự sụp đổ của nhà nước Saudi sẽ nhanh chóng lan ra các quốc gia vùng Vịnh lân cận, khơi mào cho một cuộc sụp đổ toàn khu vực, với những thảm họa nhân đạo không thể hình dung nổi. Hoa Kỳ sẽ không thể tránh khỏi bị lôi kéo về mặt quân sự vào khu vực này nếu muốn bảo vệ nguồn cung dầu mỏ và khí đốt mà cả nền kinh tế toàn cầu đều phụ thuộc vào.

Nguyên nhân chính làm chia rẽ quan hệ Hoa Kỳ – Ả-rập Saudi chính là quyết định thu hẹp sự dính líu trực tiếp của nước Mỹ ở Trung Đông của Obama. Trong một bài phỏng vấn dài với nhà báo Jeffrey Goldberg, Obama bày tỏ mong muốn Ả-rập Saudi “chia sẻ” khu vực với Iran, địch thủ cơ bản của nước này trong khu vực.

Obama đã đầu tư rất nhiều thời gian và vốn liếng chính trị để đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông mong muốn việc dỡ bỏ lệnh cấm vận để đổi lại cam kết tạm dừng chương trình hạt nhân của Iran trong khoảng 15 năm sẽ giúp Iran thay đổi cách hành xử, trở thành một quốc gia có trách nhiệm hơn, và từ bỏ chương trình nghị sự mang tính cách mạng và thói quen sử dụng các thực thể phi nhà nước (bao gồm cả các tổ chức khủng bố) để thúc đẩy các mục tiêu của mình.

Nếu Iran thực hiện những gì Obama mong đợi, Hoa Kỳ sẽ có thể cắt giảm sự hiện diện quân sự của mình tại vùng Vịnh. Và nếu các nhà lãnh đạo Iran chấm dứt việc thúc đẩy khủng bố, một thành tựu quan trọng khác trong chính sách ngoại giao sẽ được bổ sung vào di sản của Obama.

Nhưng thật không may cho Obama – và cho cả Trung Đông – chiến lược của ông đang dần thất bại. Khi cái bóng của nước Mỹ lùi lại, Ả-rập Saudi và Iran trở nên hung hăng hơn, thậm chí là vô trách nhiệm trong việc theo đuổi các lợi ích của mình. Iran tiếp tục là chỗ dựa chính cho cả Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chính phủ của người Shia ở Baghdad, khiến Iran trở thành yếu tố hàng đầu dẫn đến thảm kịch nhân đạo ở cả hai nước này, nơi người Ả-rập Sunni chiếm phần lớn số nạn nhân của bạo lực.

Cách hành xử của Ả-rập Saudi cũng đã thay đổi thậm chí còn mạnh hơn nhằm đáp trả lại cảm nhận bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Giới chức lãnh đạo của Vương quốc này tin rằng chính quyền Obama không còn ủng hộ họ, và nghi ngờ mối quan hệ dài hàng thập kỷ khi mà nước Mỹ bảo đảm cho an ninh của Ả-Rập Saudi để đổi lại sự ủng hộ kinh tế và chính trị của nước này. Người Mỹ ở Riyadh (thủ đô Ả-rập Saudi) bị hỏi đi hỏi lại liệu cách tiếp cận của Obama thể hiện một trường hợp ngoại lệ hay đã trở thành một đặc điểm lâu dài trong chính sách của Hoa Kỳ đối với vùng Vịnh.

Chính sách của Obama đã dẫn đến việc Vương quốc này phải phá vỡ truyền thống lâu nay trong việc thực hiện ngoại giao âm thầm và các thủ đoạn bí mật. Thay vào đó, Ả-rập Saudi trở nên hung hăng và quân phiệt. Nước này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, rút các hỗ trợ tài chính cho Li-băng, và tiến hành cuộc chiến tranh không hồi kết nhưng tàn khốc ở Yemen nhằm chống lại các lực lượng ủy nhiệm của Iran. Gần đây nhất, người Saudi đã đe dọa bán sạch các tài sản tài chính tại Mỹ nếu Quốc hội Mỹ ban hành một dự luật cho phép truy tố các quan chức nước này vì vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001.

Hàn gắn mối quan hệ đó sẽ không hề dễ dàng. Đề xuất tăng cường bán vũ khí cho các nước vùng Vịnh, điều mà Obama chắc chắn sẽ làm tuần này, nhiều khả năng sẽ càng khuyến khích các bên trong khu vực cứng rắn hơn, qua đó càng làm tình hình trở nên căng thẳng. Thay vào đó, ông sẽ có thể đạt được nhiều hơn nếu đưa ra hứa hẹn dứt khoát rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ các nước thuộc GCC chống lại hành động gây hấn từ bên ngoài dưới mọi hình thức.

Một động thái như vậy không phải là chưa từng có tiền lệ. Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter và Ronald Reagan từng đưa ra những đảm bảo tương tự, và Obama sẽ lặp lại và củng cố cam kết này trong khi tính đến khả năng Iran sẽ tiếp tục sử dụng các lực lượng phi nhà nước. Một tuyên bố như thế sẽ buộc Iran phải thận trọng và thực hiện các phương thức đáng kể nhằm làm dịu mối lo âu của vua Ả-rập Saudi Salman.

Đổi lại, Hoa Kỳ có thể đạt được một số nhượng bộ trong nước lẫn khu vực. Nước Mỹ từ lâu đã quan tâm tới các vấn đề đối nội của Ả-rập Saudi. Sự can dự của Hoa Kỳ đặc biệt mạnh mẽ dưới thời Tổng thống John F. Kennedy và Gerald Ford và kéo dài cho đến thập niên 1990.

Vương quốc này gần đây đã bắt tay vào một cuộc cải cách chính phủ lớn và tái cơ cấu nền kinh tế. Hoa Kỳ có thể yêu cầu rằng trong nỗ lực đó, Vương quốc này cần tăng cường trách nhiệm giải trình chính trị và tính minh bạch trong việc phân phối thu nhập từ dầu mỏ. Tiến hành những cải cách như thế sẽ đảm bảo kéo dài nền quân chủ và sự ổn định của đất nước. Hoa Kỳ cũng có thể thuyết phục chính quyền Saudi bắt đầu thương lượng với Iran, qua đó giảm bớt căng thẳng trên diện rộng, bao gồm ở cả Iraq, Li-băng, Ba-ranh, và Yemen.

Các cuộc chiến ở Iraq và Syria sẽ không thể chấm dứt cho đến khi Iran và Ả-rập Saudi đạt được một thỏa hiệp, điều đòi hỏi Hoa Kỳ phải dàn xếp. Nếu Trung Đông được phép tiếp tục chiều hướng hiện tại mà không có sự lãnh đạo của nước Mỹ, sự can thiệp quân sự từ Hoa Kỳ không sớm thì muộn sẽ là điều chắc chắn. Ả-rập Saudi và Iran một ngày nào đó có thể sẽ tìm được một phương thức để chia sẻ Trung Đông, nhưng chỉ khi Hoa Kỳ hiện diện ở đó với tư cách là người phân xử.

Bernard Haykel là Giáo sư ngành Nghiên cứu Cận Đông tại Đại học Princeton và là đồng biên tập (cùng với Thomas Hegghammer) cuốn Saudi Arabia in Transition.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Obama in Arabia
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]