‘Trò chơi vương quyền’ của Ả Rập Saudi

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Bernard Haykel, “Saudi Arabia’s Game of Thrones,” Project Syndicate, 24/06/2017.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Quốc vương Salman của Ả Rập Saudi vừa thay thế Muhammad bin Nayif, 57 tuổi, bằng người con trai 31 tuổi của ông, Mohammed bin Salman, làm thái tử, hoàn tất một quá trình tập trung hóa quyền lực bắt đầu với việc Quốc vương Salman lên ngôi vào tháng 1 năm 2015.

Thái tử Mohammed, thường được gọi là MBS trong giới phương Tây, là con cưng của Quốc vương. Với việc phong Mohammed làm thái tử, Salman, người hiện 81 tuổi, đã tỏ ý cắt đứt một truyền thống kéo dài hàng thập niên là xây dựng sự đồng thuận giữa những người con trai đứng đầu của người sáng lập nhà nước Ả Rập Saudi, cố Quốc vương Abdulaziz Ibn Saud.

Về mặt cấu trúc, Ả Rập Saudi đã không còn là một chế độ chia sẻ quyền lực “cao niên trị”. Nó đã trở lại chế độ quân chủ tuyệt đối như dưới thời Quốc vương Ibn Saud. Quyền lực tập trung hoàn toàn trong tay nhà vua, người đã ủy thác hầu hết quyền lực đó cho con trai, thái tử mới.

Về mặt thực tiễn, sự thăng tiến của MBS sẽ làm đơn giản hóa quá trình ra quyết định, và giảm thiểu các rủi ro chính trị cố hữu trong bất kỳ hệ thống nào có các trung tâm quyền lực cạnh tranh lẫn nhau. Các vấn đề kế vị và quyền lực nằm ở đâu hiện đã hoàn toàn rõ ràng. Tuy nhiên, mặc dù sự sắp xếp mới này chắc chắn có nhiều thuận lợi, nó cũng có cả những cạm bẫy tiềm tàng, bởi vì các quyết định có ảnh hưởng sâu rộng có thể sẽ không bị chất vấn và không bị phản đối.

Khi Salman băng hà, MBS sẽ trở thành Quốc vương, và rất có thể sẽ cai trị Ả Rập Saudi trong nhiều thập niên, đặt dấu ấn của ông lên đời sống xã hội, tôn giáo, và kinh tế của đất nước. Quá trình thăng tiến của ông – bắt đầu từ năm 2009, khi ông trở thành cố vấn cho cha mình, khi ấy là thống đốc tỉnh Riyadh – lên như sao băng. Nhưng được tôn làm thái tử là thành tựu ấn tượng nhất của ông cho đến nay. MBS đã giành chiến thắng trong cuộc đua đến ngai vàng gồm hàng trăm hoàng tử, đa số đều lớn tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn – và tất cả đều cảm thấy mình có quyền cai trị.

Quả thực, sự ưu ái của nhà vua rõ ràng đã tạo điều kiện cho MBS vượt lên một bước; nhưng chỉ riêng điều đó không giải thích được thành công của ông. MBS đã phải dựa vào sự dí dỏm, mưu trí, và sức mạnh của nhân cách để củng cố quyền lực và khẳng định thẩm quyền của mình đối với các bộ phận then chốt của xã hội Ả Rập Saudi. Các bộ phận này bao gồm bản thân hoàng gia; bộ máy quan liêu và tầng lớp tinh hoa kỹ trị; giới truyền thông và trí thức; Saudi Aramco, công ty dầu mỏ lớn của quốc gia; và giới chức tôn giáo và các thiết chế khác nhau của nó.

Hơn nữa, MBS đã làm được tất cả những điều này trong khi vẫn tuân thủ về mặt hình thức các quy trình nghiêm ngặt và hệ thống tôn ti phức tạp của hoàng gia Saudi. Điều này giúp giải thích tại sao quá trình chuyển giao từ vị thái tử này sang vị thái tử khác lại diễn ra suôn sẻ như vậy. Trong một đoạn video được phát tán rộng rãi, chúng ta có thể thấy MBS quỳ gối để hôn lên bàn tay của vị thái tử vừa bị thay thế. Nhưng chính Nayif mới là người chính thức thể hiện lòng trung thành của mình đối với MBS, không để lại nghi ngờ nào về nơi tập trung quyền lực.

Thành tựu lớn thứ hai của MBS là trong chính sách đối ngoại, nơi mà ông có thể chứng minh khả năng của mình cho cha ông thấy. MBS đã chủ động liên lạc với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và đội ngũ của ông ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm 2016, và nỗ lực của ông đã được đền đáp, nhất là trong chuyến thăm Riyadh của Trump vào tháng 5 năm 2017.

Chuyến thăm của Trump là một thắng lợi lớn cho Ả Rập Saudi. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi đã xấu đi trong thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhưng giờ đây nó đã được khôi phục. Trong chuyến thăm này, ông Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi, hoàn toàn ủng hộ Ả Rập Saudi cạnh tranh với Iran về vị trí hàng đầu trong khu vực, và ký nhiều thỏa thuận thương mại và đầu tư trị giá hàng tỷ đô la.

MBS, một người rất tham vọng, đã đặt ra hai mục tiêu rộng lớn cho Ả Rập Saudi. Mục tiêu đầu tiên mà ông đưa ra trong chương trình Tầm nhìn 2030 là đa dạng hóa nền kinh tế Ả Rập Saudi, bằng cách giảm sự phụ thuộc nặng nề vào các khoản thu từ dầu mỏ, và tạo ra nhiều việc làm tốt ngoài ngành dầu mỏ. MBS tin rằng trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Ả Rập Saudi sẽ ít có giá trị hơn trong tương lai, do sự gia tăng các nhiên liệu thay thế và các công nghệ năng lượng tái tạo.

Theo Tầm nhìn 2030, MBS sẽ cố gắng thu lợi càng nhiều càng tốt từ giá trị trả trước của trữ lượng dầu mỏ của Ả Rập Saudi. Các khoản thu này sau đó sẽ được phân bổ để phát triển các ngành phi dầu mỏ, và đầu tư vào các tài sản ở nước ngoài nhằm bù đắp sự suy giảm doanh thu từ dầu mỏ. Để đạt được mục đích đó, MBS rất quan tâm tới việc tư nhân hoá một phần Saudi Aramco thông qua một đợt chào bán lần đầu ra công chúng vào năm 2018.

Mục tiêu lớn thứ hai của MBS là biến Ả Rập Saudi thành một bá chủ quân sự khu vực có thể đối đầu với các mối đe dọa từ bên ngoài, nhất là Iran. Để làm được điều này, ông sẽ phải giảm sự phụ thuộc của đất nước vào sự bảo hộ quân sự của Hoa Kỳ mà nó đã dựa vào từ năm 1945.

Sẽ cần một thập niên hoặc hơn để hoàn thành mỗi mục tiêu trong các mục tiêu của thái tử mới. Nhưng giờ đây khi nền tảng quyền lực của MBS cuối cùng đã được đảm bảo, có vẻ như ông đang có mọi quyết tâm để thực hiện chúng.

Bernard Haykel là giáo sư ngành Nghiên cứu Cận Đông tại Đại học Princeton và đồng chủ biên (cùng Thomas Hegghammer) cuốn Saudi Arabia in Transition.

Xem thêm:

Lý giải sự kình địch giữa Iran và Ả-rập Saudi

Copyright: Project Syndicate 2017 – Saudi Arabia’s Game of Thrones
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]