Hậu quả từ nền cai trị bị cá nhân hóa của Trung Quốc

df828f18-b283

Nguồn: Carl Minzner, “Is China authoritanism decaying into personalised rule?”, East Asia Forum, 24/04/2016.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trung Quốc đang trải qua một cuộc đàn áp chính trị trong nước kéo dài nhất kể từ sau sự kiện Quảng trường Thiên An Môn. Nhiều sự quan tâm đã được dành cho tình trạng đàn áp ngày càng tăng của nhà nước nhằm vào các luật sư, các nhà báo và các nhà hoạt động xã hội dân sự. Tuy nhiên, còn có một mối quan ngại riêng biệt và cơ bản hơn.

Các nguyên tắc chuyên chế của chế độ vốn thống trị từ buổi đầu của thời kỳ cải cách hiện đại đang dần sụp đổ. Bất chấp tất cả những vấn đề liên quan tới hệ thống chủ nghĩa chuyên chế hiện tại của Trung Quốc, những hậu quả thậm chí còn tồi tệ hơn sẽ nổi lên khi những nguyên tắc này phai nhạt.

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, đã có một dòng quan điểm lập luận rằng ông Tập đang củng cố hệ thống chuyên chế hiện có của Trung Quốc. Những người trung thành với quan điểm này thừa nhận rằng ông Tập cứng rắn. Rằng ông khắc nghiệt. Và rằng ông đang chà đạp lên nhà nước cũng như xã hội với một chiến dịch chống tham nhũng cứng rắn và các biện pháp đàn áp chính trị. Tuy nhiên, cũng theo như phân tích này, những thời kỳ khó khăn đòi hỏi một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Họ lập luận rằng ông Tập đang giải quyết tình trạng yếu kém và kém hiệu quả nguy hiểm đặc trưng cho chính quyền thời kỳ Hồ Cẩm Đào. Ông đang tập trung hóa quyền lực. Và ông đang xây dựng các thể chế mới để cai trị Trung Quốc. Đương nhiên, đây sẽ là những thể chế mang tính phi tự do cao độ và mang tính chuyên chế ngày một gia tăng.

Các xu hướng như vậy được cho là phản ánh một sự đổi mới của nhà nước chuyên chế Trung Quốc. Những lập luận này không phải hoàn toàn vô căn cứ. Ví dụ, đối với bộ máy kỷ luật của đảng, người ta có thể dẫn ra những nỗ lực gần đây nhằm củng cố quyền lực của các cơ quan kỷ luật trung ương bằng cách thiết lập các bộ phận giám sát kỷ luật ở tất cả các cơ quan cấp trung ương của Đảng và các doanh nghiệp nhà nước, và việc tăng cường sự kiểm soát đối với các lãnh đạo cơ quan giám sát kỷ luật cấp tỉnh, là dấu hiệu cho thấy ông Tập đang thúc đẩy các tổ chức chuyên chế của Trung Quốc. Đối với ngành tư pháp ở Trung Quốc, người ta có thể chỉ ra những nỗ lực gần đây nhằm thành lập các tòa lưu động của Tòa án Nhân dân Tối cao ở những thành phố trung tâm khu vực như Thâm Quyến và Thẩm Dương, và trao cho các tòa án cấp tỉnh quyền kiểm soát đối với ngân sách và các quyết định nhân sự của các tòa án địa phương.

Người ta có thể lập luận rằng những diễn tiến này phản ánh sự tiến hóa của hệ thống quản trị Trung Quốc sang một nền chuyên chế tập trung hơn và thể chế hóa hơn. Tuy nhiên, điều này có lẽ không đúng. Quỹ đạo mới của nền quản trị Trung Quốc về cơ bản đã thay đổi, đại diện cho một sự phá vỡ các thông lệ sau năm 1978.

Nhiều xu hướng tập trung hóa của Trung Quốc không thực sự liên quan tới việc xây dựng thể chế. Thay vào đó, chúng hướng vào nắm giữ quyền kiểm soát các bộ máy quan liêu nhằm thực hiện nguyên tắc lãnh đạo cá nhân hóa. Việc tập trung quyền lực vào tay của một cá nhân duy nhất không nên bị nhầm lẫn với việc thể chế hóa nền cai trị chuyên chế.

An ninh trong nước là một ví dụ. Ủy ban An ninh Quốc gia mới không trực tiếp chịu trách nhiệm đối với các tổ chức đảng hiện có, như Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, mà chịu trách nhiệm trực tiếp trước ông Tập thông qua Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu). Kể từ năm 2012, việc kiểm soát bộ máy kiểm tra kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được tập trung hóa tương tự vào tay Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn.

Các tổ chức này cũng đang được điều hành theo các định hướng mới. Trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, các cơ quan kỷ luật của Đảng dần được chuyên nghiệp hóa, tập trung vào công tác chống tham nhũng hơn là chấn chỉnh các sai phạm chính trị. Kể từ năm 2012, xu hướng này đã bị đảo ngược, với việc kiểm tra kỷ luật ngày càng được sử dụng để chống lại không chỉ tham nhũng, mà còn là sự lười biếng chậm trễ, không hành động, không trung thành với lãnh đạo tối cao và việc đưa ra những bình luận hoặc các quan điểm chính trị không phù hợp. Điều này đại diện cho một sự thoái lui khỏi chứ không phải tiến tới nền quản trị được thể chế hóa.

Trung Quốc cũng đang đồng thời chứng kiến sự sụp đổ của các thông lệ chính trị của giới tinh hoa được thể chế hóa một phần trong thời kỳ cải cách. Ví dụ, vụ thanh trừng cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang là một sự vi phạm rõ ràng các chuẩn mực ngầm cho phép miễn truy tố các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đương chức hay đã nghỉ hưu. Các tin đồn hiện xoáy vào các chuẩn mực về tuổi tác và giới hạn nhiệm kỳ vốn có khả năng bị phá vỡ để cho phép ông Vương hoặc ông Tập được tại vị lâu hơn, và điều này cho thấy các chuẩn mực khác cũng có khả năng sẽ bị phá vỡ. Wily Lam, nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu phát biểu trên một bài báo gần đây rằng điều này sẽ “tạo nên một cú giáng mạnh vào các cải cách thể chế mà Đặng Tiểu Bình đã đề ra nhằm ngăn chặn sự quay trở lại của các chuẩn mực thời Mao Trạch Đông”.

Các cơ chế thực tế mà thông qua đó nhà nước trung ương dùng để nắm quyền cũng đang dần ngả về phía các kênh phi thể chế hóa. Một lần nữa, các cơ chế này đại diện cho một sự phá vỡ các thông lệ sau năm 1978, bao gồm: Việc nuôi dưỡng sự sùng bái cá nhân vừa chớm nở xung quanh ông Tập và một sự thay đổi về ý thức hệ một cách vững chắc từ việc ủng hộ nguồn gốc cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng sang ủng hộ “Giấc mộng Trung Hoa”, sự hồi sinh của ý thức hệ dân tộc – quốc gia chủ nghĩa gắn liền với lịch sử, truyền thống phong kiến và đạo Khổng, và sự hồi sinh của các chiến lược “Cai trị bằng sự sợ hãi” thời kỳ Mao Trạch Đông bao gồm các lời thú tội trên truyền hình và những sự mất tích không được thông báo trước của các quan chức nhà nước cũng như các nhà hoạt động xã hội dân sự.

Nỗi sợ hãi, truyền thống và sự hấp dẫn cá nhân không đóng góp cho một nền quản trị dựa trên thể chế. Max Weber đã chỉ ra rằng chúng thực ra đi ngược lại sự cai trị được thể chế hóa và dựa vào bộ máy quan liêu.

Những nỗ lực của nhà nước trong kỷ nguyên cải cách nhằm xây dựng các hệ thống quản trị được thể chế hóa cao hơn đang dần bị xói mòn. Sự thất bại của Bắc Kinh trong việc làm sâu sắc thêm các cải cách chính trị khi các giới chức Đảng có cơ hội để làm điều đó hiện đang khiến Đảng đi tới chỗ hủy hoại chính mình.

Carl Minzner là Giáo sư Luật tại Đại học Luật Fordham.

Xem thêm:

Bên trong nhóm thân tín của Tập Cận Bình

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]