Sự sốt sắng của châu Âu đối với đồng nhân dân tệ

rmber

Nguồn: Nicola Casarini & Miguel Otero-Iglesias, “Europe’s Reminbi Romance”, Project Syndicate, 04/04/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Người Trung Quốc đang mất lòng tin vào đồng tiền của họ. Đối mặt với tăng trưởng kinh tế giảm sút, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tăng cường các nỗ lực để khôi phục sự ổn định cho đồng nhân dân tệ bằng cách dùng các nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình để chống đỡ cho tỷ giá hối đoái và ngăn chặn dòng vốn chảy ra khỏi đất nước. Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên đã nhiều lần tuyên bố rằng không có cơ sở để đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá, nhưng dường như các tuyên bố này rất ít được lắng nghe ở trong nước. Chỉ trong quý cuối của năm 2015, dòng vốn ròng chảy ra lên đến 367 tỷ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, niềm tin đang sụp đổ bên trong Trung Quốc đã không ngăn cản phương Tây – và đặc biệt là Châu Âu – tăng cường đánh cược vào đồng tiền này. Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 12 rằng đồng nhân dân tệ sẽ tham gia cùng với đồng đô la Mỹ, bảng Anh, đồng euro và đồng yên Nhật trong rổ tiền tệ làm nền tảng cho đơn vị thanh toán của tổ chức này, còn gọi là Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR), thì rõ ràng quyết định này chỉ mang tính chính trị.

Rất ít người cho rằng đồng nhân dân tệ đáp ứng các tiêu chí của IMF để được đưa vào rổ tiền tệ SDR. Đồng nhân dân tệ không được tự do chuyển đổi, và việc tiếp cận đồng tiền này bị hạn chế cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc. Một số chi nhánh nước ngoài của các ngân hàng Trung Quốc cung cấp tài khoản tiền gửi định danh bằng đồng nhân dân tệ, và các nhà đầu tư đủ điều kiện có thể mua các công cụ nợ được neo vào đồng tiền này ở Trung Quốc đại lục. Nhưng khối lượng lại bị giới hạn.

Chắc chắn là đồng nhân dân tệ có thành tích tốt trong các thống kê liên quan đến thương mại. Theo mạng lưới tài chính SWIFT, nhân dân tệ là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai trong tài trợ thương mại, sau khi vượt qua đồng euro, và đứng thứ năm trong lĩnh vực thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, các con số này bị thổi phồng nhờ các giao dịch với Hồng Kông, vốn chiếm khoảng 70% thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng nhân dân tệ. Cực kỳ ít hợp đồng được ký kết bằng đồng nhân dân tệ; đồng đô la Mỹ vẫn đứng ở ngôi vua trong việc lập hóa đơn, với khoảng cách xa so với vị trị thứ hai là đồng euro. Ngay cả phần đóng góp của đồng yên Nhật và bảng Anh, mặc dù rất nhỏ, vẫn còn cao hơn so với phần đóng góp của đồng nhân dân tệ.

Quyết định thêm đồng tiền của Trung Quốc vào rổ SDR của IMF có được chủ yếu là nhờ quyết định của Hoa Kỳ nhượng bộ châu Âu. Hoa Kỳ đã lập luận trong nhiều năm rằng đồng nhân dân tệ chỉ nên được đưa vào rổ SDR khi Trung Quốc tự do hóa tài khoản vốn, cho phép đồng tiền thả nổi tự do, và có một ngân hàng trung ương độc lập hơn. Chẳng có điều gì trong số này đã xảy ra.

Nhưng sau khi Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) với sự ủng hộ của châu Âu, Hoa Kỳ đã đồng ý bỏ các phản đối của mình. Nói gì thì nói, rổ SDR cũng chỉ đóng vai trò nhỏ trong tài chính toàn cầu, và cho đồng nhân dân tệ tham gia rổ SDR được coi là một cái giá nhỏ phải trả để giữ Trung Quốc tham gia vào các thể chế Bretton Woods.

Tuy nhiên, đầu tư của châu Âu vào đồng nhân dân tệ vượt xa biểu tượng chính trị. Các nhà lãnh đạo của châu lục này đã ủng hộ mạnh mẽ quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và các nỗ lực của những quan chức có đầu óc cải cách như ông Chu. Châu Âu hy vọng là sự có mặt của đồng nhân dân tệ trong rổ SDR sẽ khuyến khích Trung Quốc tự do hóa tài khoản vốn của nó hơn nữa.

Các chính phủ và các ngân hàng trung ương châu Âu cũng đang tích cực làm việc để làm cho đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ khả thi, nhằm tăng cường thương mại với Trung Quốc. Thủ tướng Anh George Osborne nói rõ rằng ông muốn Thành phố London là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của các hoạt động thương mại và dịch vụ bằng đồng nhân dân tệ. Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm chính thức đến Vương quốc Anh của chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 10/2015, Trung Quốc đã chọn London để phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đầu tiên.

Phần còn lại của châu Âu cũng không kém phần nhiệt tình. Hiện nay, lục địa này là nơi có số lượng thanh toán bù trừ ngân hàng bằng đồng nhân dân tệ lớn nhất. Các trung tâm đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã xuất hiện tại Frankfurt, Paris, Milan, Luxemburg, Prague và Zurich, và hầu hết các ngân hàng trung ương châu Âu đã bổ sung – hoặc đang cân nhắc bổ sung – đồng tiền của Trung Quốc vào danh mục dự trữ ngoại tệ của họ. Hồi tháng 10/2013, PBOC và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương trị giá 45 tỷ euro (50 tỷ đô la Mỹ), thỏa thuận lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc bên ngoài châu Á.

Bằng cách vực dậy đồng nhân dân tệ trong vai trò một đồng tiền dự trữ, châu Âu hy vọng sẽ hỗ trợ những người theo tư tưởng tự do hóa bên trong Trung Quốc và chào đón đất nước này gia nhập vào nhóm nòng cốt các cường quốc trên thế giới, những nước quyết định các vấn đề tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, thật không may là châu Âu đang làm như vậy tại thời điểm mà đồng nhân dân tệ đang bị tấn công đầu cơ và bản thân người Trung Quốc đang mất đi niềm tin vào đồng tiền của mình. Những nỗ lực của châu Âu có thể thành công; nhưng nếu Trung Quốc không làm cho đồng tiền của mình dễ tiếp cận rộng rãi hơn và mở cửa thị trường (tài chính) hơn nữa, thì họ gần như chắc chắn sẽ thất bại.

Nicola Casarini là Trưởng nghiên cứu về Châu Á tại Viện Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế (Istituto Affari Internazionali) ở Rome.

Miguel Otero-Iglesias là Chuyên viên phân tích Cao cấp về Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Học viện Hoàng gia Elcano ở Madrid.

Xem thêm:

Điều kiện để nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ

Copyright: Project Syndicate 2016 – Europe’s Reminbi Romance
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]