Những nghi ngờ đối với Tòa án Hình sự Quốc tế

Print Friendly, PDF & Email

11_piyONvK.

Nguồn: Francesca Maria Benvenuto, “Soupçons sur la Cour pénale internationale“, Le Monde diplomatic, 04/2016.

Biên dịch: Vương Thanh Thủy

Ngày 21/3/2016, Tòa án hình sự quốc tế đã tuyên cựu phó tổng thống Congo Jean‑Pierre Bemba là thủ phạm gây ra tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh ở Cộng hòa Trung Phi. Nhưng đây mới là vụ xét xử thứ tư của tòa án này trong suốt 14 năm qua. Và những diễn biến của vụ xét xử cựu tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo, mở ra từ đầu năm nay, đã làm tổn hại đến uy tín vốn đã mong manh của Tòa án này.

Ngày 28/1/2016, Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đã vén màn cho vở kịch mới của mình: phiên tòa xử Laurent Gbagbo bắt đầu ở La Haye. Cựu tổng thống Bờ Biển Ngà bị cáo buộc phạm các tội ác chống nhân loại trong cuộc khủng hoảng hậu bầu cử năm 2010-2011. Ông ta đã bị triệu tập trước tòa cùng cựu bộ trưởng thanh niên của mình là Charles Blé Goudé. Ba ngàn người đã thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng này.1 Đối với Tòa án hình sự quốc tế, đây là một “vụ việc có qui mô lớn”:2 ông Laurent Gbagbo là nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị triệu tập trước tòa án này.

Tuy nhiên, trong ngày thứ ba của phiên tòa, các luật sư đã không bảo vệ thân chủ của mình như truyền thống mà ngược lại, họ tố cáo. Họ chỉ trích ICC đã thực hiện một thủ tục tố tụng thiên vị và muốn bảo vệ bằng mọi giá một bí mật mà ai cũng biết: trong cuộc khủng hoảng hậu bầu cử, các lực lượng thân tín của Alassane Ouattara, đối thủ lúc đó của Laurent Gbagbo và là tổng thống hiện thời của Bờ Biển Ngà, cũng phạm phải tội ác. Vậy mà công tố viên người Gambia Fatou Bensouda đã không làm gì để làm sáng tỏ phần này của câu chuyện. Bà chỉ chú tâm tới mỗi Laurent Gbagbo, bị cáo buộc bốn tội lớn: đàn áp cuộc đi bộ vì hòa bình ngày 16/12/2010 trước tòa nhà Đài phát thanh truyền hình Bờ Biển Ngà, đàn áp cuộc biểu tình của phụ nữ ở phía bắc Abidjan ngày 3/3/2011, đánh bom chợ Abobo ngày 17/3/2011 và gây ra bạo lực trong khu Yopougon ở Abidjan ngày 12/4/2011.

Sau 14 năm tồn tại, ICC dường như là bị cáo chính trong vụ án này. Vụ xét xử cựu tổng thống Bờ Biển Ngà giống như một tấm gương phản chiếu rõ nét những điểm yếu của tòa án vốn đem lại nhiều hi vọng từ khi ra đời này. Liệu nó có phải là nấm mồ chôn một ước mơ từ hàng trăm năm: đoạn tuyệt với quyền miễn truy tố của các lãnh đạo chính trị và quân sự cho đến các nguyên thủ quốc gia?3

Với  tính chất bổ sung cho các tòa án quốc gia, tòa án hình sự quốc tế chỉ có thẩm quyền khi các vụ án không xét xử được tại các quốc gia có liên quan, hoặc bởi chính quyền quốc gia đó không thiện chí, hoặc bởi hệ thống tư pháp quốc gia không có khả năng thực thi pháp luật. Tính chất bổ sung này thường bị xem như một nguyên tắc phân biệt đối xử: các quốc gia bị nhắm tới trong các vụ xét xử quốc tế là những quốc gia nghèo nhất, điều hành kém nhất và hầu hết ở lục địa đen. Cho đến 2015, các vụ án chỉ xét xử toàn người châu Phi. Chính trong bối cảnh đó mà Liên minh châu Phi, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm 31/01/2016, đã đồng ý xem xét ý định rút lui tập thể của các thành viên tổ chức này ra khỏi ICC.

“Tòa án dành cho châu Phi ”?

Hơn nữa, công tố viên có thể quyết định mở các cuộc điều tra và các vụ xét xử một cách rất bí mật và dựa trên những tiêu chuẩn mang tính chủ quan. Trên thực tế, sự lựa chọn này rất đáng ngờ: không có một tội ác quốc tế nào liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các quốc gia mạnh nhất bị tòa án này điều tra. Là thành viên của ICC từ 1/4/2015, Palestine đã gửi tới công tố viên loạt tài liệu đầu tiên về việc chiếm đóng của Israel ở Cisjordanie, việc Israel tấn công dải Gaza năm 2014 và số phận của các tù nhân Palestine. Nhưng không có vụ nào bị đưa ra xét xử. Cũng như vậy đối với tội ác mà binh lính các quốc gia thành viên ICC, nhất là Anh, mắc phải ở Iraq năm 2003. Ba quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng như Israel không công nhận ICC. Trong khi đó tội ác phải được thực hiện tại một quốc gia công nhận ICC hoặc người bị cáo buộc là công dân của một quốc gia thành viên thì ICC mới có quyền tài phán.

Nhân vụ xét xử liên quan đến Bờ Biển Ngà, những cáo buộc về tính không công bằng của ICC càng trở nên mạnh mẽ. Năm 2013, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã nêu ra “luật của kẻ chiến thắng”.4 Gần đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng hàng đầu của việc ICC “đạt được những bước tiến trong các cuộc điều tra đối với các lực lượng thân Ouattara”.5 Trước những tội ác của các lực lượng này mà “tất cả mọi người đều biết ” như luật sư Emmanuel Altit đã nói, tại sao bà công tố viên của ICC lại tỏ ra thụ động? Bà này cũng đã im lặng trước vai trò của quân đội Pháp trong việc lật đổ Laurent Gbagbo và đưa một chính khách thân với tổng thống Pháp lúc đó là Nicolas Sarkozy lên nắm quyền. Không có một quân nhân hay dân thường Pháp nào bị chỉ định làm nhân chứng.6 Mùa xuân năm 2013, hồ sơ kết tội ông Gbagbo ngắn đến mức phòng sơ thẩm của ICC đã phải yêu cầu công tố viên, bà Bensouda, đưa ra những “bằng chứng bổ sung ”, buộc bà này phải vội vàng xem lại tài liệu của mình để khỏi bị chỉ trích là vô trách nhiệm một cách đáng xấu hổ. Và luật sư Altit đã gọi đây là một “vụ án chính trị”.

Vai trò của Pháp trong việc lật đổ ông Larent Gbagbo gợi ra rất nhiều nghi vấn. Ngày 02/02/2016, thẩm phán thụ lý người Pháp Sabine Kheris đã yêu cầu gửi trả hồ sơ kết tội các cựu bộ trưởng Pháp Dominique de Villepin, Michèle Alliot-Marie và Michel Barnier về tòa án Pháp. Những cựu bộ trưởng này có thể đã cho phép các lính đánh thuê người Belarus, những người bị tình nghi là đã đánh bom trại Bouaké năm 2004, bỏ trốn. Chín lính Pháp thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình đã thiệt mạng và Paris đã tận dụng tâm lý mà cuộc tấn công này tạo ra để “trả đũa ” bằng cách phá hủy phi đội của Bờ Biển Ngà. Trong quan điểm của lực lượng thân tổng thống bị phế truất, nước Pháp thực chất đang tìm cớ cho một chiến lược loại bỏ ông Gbagbo.7

Công tố viên Bensouda kêu gọi phải kiên nhẫn khi nói rằng các vụ điều tra khác cũng được thực hiện với tất cả nỗ lực. Bà này cũng nêu ra sự thiếu thốn về nhân lực của ICC: chỉ có 60 điều tra viên. Và trên thực tế, những chứng cứ mơ hồ và đối lập nhau, những hồ sơ bế tắc do những thông tin không trực tiếp (ví dụ báo cáo của các hiệp hội) thường xuyên dẫn tới việc bỏ dở vụ án. Vì vậy mà Francis Muthaura người Kenya và Mathieu Ngudjolo Chui người Congo đã thoát khỏi sự trừng phạt của công lý quốc tế.

ICC đã được coi như một “tòa án an ninh ”,8 một tòa án không chỉ có chức năng tư pháp. Nó mang một tôn chỉ vì hòa bình: những tội ác thuộc quyền tài phán của nó được coi như đe dọa “hòa bình, an ninh và cuộc sống ấm no trên thế giới” (lời nói đầu của Qui chế Roma, hiệp ước thành lập ICC). Nhưng Human Rights Watch nhấn mạnh “làm sao có thể có được sự hòa giải nếu công lý không thực sự công bằng?”.9 Điều gì sẽ xảy ra ở Bờ Biển Ngà nếu Laurent Gbagbo bị kết án dựa trên những cơ sở mong manh đến vậy hoặc nếu sau khi thụ án một cách ngoạn mục, ông ta trở về Abidjan trong những tiếng hoan hô cổ vũ?10 Tuy nhiên, cần phải chờ đợi lâu: vụ án này sẽ kéo dài bốn năm. Hiện giờ mới chỉ là giai đoạn đầu tiên của thủ tục tố tụng: thẩm vấn các nhân chứng.

Nhưng hành trình tố tụng của vụ án này để lộ ra một điểm yếu khác: sự phụ thuộc của ICC vào sự hợp tác của các quốc gia. Bà Simone Gbagbo, phu nhân cựu tổng thống, cũng chịu lệnh bắt giam của ICC hôm 29/2/2012 vì tội ác chống nhân loại. Tuy nhiên, chính phủ Bờ Biển Ngà từ chối giao nộp bà này cho ICC. Trong chuyến thăm Paris hôm 4/2/2016, ông Ouattara thậm chí còn khẳng định rằng Bờ Biển Ngà sẽ không giao nộp bất cứ công dân nào cho La Haye. Nhưng sẽ phải giải thích như thế nào về việc luật pháp quốc gia có hiệu lực đối với bà Gbagbo nhưng lại không có hiệu lực đối với chồng bà ? Cựu đệ nhất phu nhân bị một tòa án ở Abidjan kết án 20 năm tù hôm 10/3/2015 vì tội “tấn công chống chính quyền Nhà nước, tham gia vào phong trào nổi dậy và gây rối trật tự công cộng ”.

Không phiên xét xử nào có thể bắt đầu mà không có sự có mặt của bị cáo. Vậy mà ICC lại không thể nhờ cậy đến cảnh sát quốc tế. Nhiều “tình huống ” xét xử của ICC bị treo như vậy do thiếu sự hợp tác của các quốc gia liên quan.11 Một số vụ việc đã bị khép lại do không nhận được từ các quốc gia những tài liệu thiết yếu. Joseph Kony, một người nổi dậy Uganda bị kết tội chống lại nhân loại đã nằm trong tình trạng “không tìm thấy được” từ năm 2004. Cũng như vậy, việc từ bỏ vụ án chống lại Uhuru Kenyatta, tổng thống Kenya, năm 2013 một phần cũng do thiếu chứng cứ bởi chính phủ nước này luôn từ chối giao nộp cho ICC một số tài liệu quan trọng. Tổng thống Sudan Omar Al-Bachir, người chịu hai lệnh bắt giam, vẫn sống bình yên, thậm chí còn đi ra nước ngoài ngay cả khi hôm 15/3/2016, Tòa án tối cao Nam Phi đã kết tội (muộn màng) chính phủ là đã để Al-Bachir trốn thoát trong chuyến thăm Nam Phi tháng 6/2015. Nhưng dù không thiếu tài liệu, vụ án Laurent Gbagbo đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của ICC. Ngày 5/2/2016, danh tính của các nhân chứng được bảo vệ đã bị tiết lộ trên kênh thông tin chính thức của tòa án.

Đối với nhà báo Stéphanie Maupas, vụ án Laurent Gbagbo là minh chứng cho việc biến luật pháp hình sự quốc tế  thành công cụ chính trị: “Người ta có cảm giác rằng các cường quốc quốc tế hay khu vực đang biến ICC thành một con bài, nhà báo này nhận xét. Một con bài ngoại giao mà họ có thể giơ lên khi có lợi. Đó là trường hợp vụ án Laurent Gbagbo và nhiều vụ án khác. Cuối cùng thì họ chỉ làm suy yếu một thể chế mà chính họ muốn xây dựng và đang tài trợ kinh phí”.12 Trong các vụ án liên quan đến Bờ Biển Ngà, ICC đã mất rất nhiều uy tín. Một trong những chức năng quan trọng của luật pháp hình sự quốc tế không chỉ là trấn áp tội phạm mà quan trọng hơn là răn đe và ngăn ngừa. Và mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được khi cơ quan xét xử các vụ án quốc tế có uy tín. Chính thông qua sự trừng phạt nghiêm khắc mà “người ta ngăn ngừa một cách chắc chắn nhất các tội ác”, luật gia người Italia Cesare Beccaria đã viết như vậy năm 1764.

Trong khi sự thất bại này dường như đã được khẳng định thì một thành công nhỏ nhoi cũng xuất hiện và sự lạc quan về ICC lại trỗi dậy. Ngày 26/1/2016, chủ tịch ICC đã cho phép công tố viên mở một cuộc điều tra về những tội ác có thể xảy ra “ở Nam Ossetia, Gruzia từ 1/7 đến 10/10/2008 ”. Sau nhiều lần bị Liên minh châu Phi chỉ trích là thực hiện một cuộc “truy đuổi sắc tộc” và đóng vai trò như “tòa án dành cho châu Phi”, cuối cùng thì ICC cũng mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Nhưng trong trường hợp nêu trên, đây mới là giai đoạn phôi thai của quá trình tố tụng quốc tế vì chưa có nghi phạm nào bị xác định.

Sau 14 năm tồn tại, ICC không thể tự biện hộ cho mình là thiếu kinh nghiệm. Nhưng từ 2002, tòa án này mới chỉ xét xử được bốn vụ, trong đó một vụ được thi hành án. Trong số 18 nghi phạm bị đưa ra xét xử, sáu người đã được miễn truy tố. Thật là một bảng tổng kết không lấy gì làm sáng sủa trong khi mỗi năm tòa án này được tài trợ từ 100 đến 130 triệu euro kinh phí từ các quốc gia thành viên.

Chỉ cần từ bỏ việc né tránh và sự trì trệ trong quá trình xét xử là ICC có thể lấy lại một chút công bằng và uy tín của mình. Còn nếu tòa án này còn tiếp tục giả điếc và ngoan cố không thực hiện vụ truy tố nào đối với các thành viên của lực lượng thân Ouattara, rất có thể số phận của ICC sẽ chỉ là một tòa án quốc tế đơn thuần mang tính chất tượng trưng, là thẩm phán dành cho một số ít quốc gia mà thôi.

Francesca Maria Benvenuto là luật sư thuộc Đoàn luật sư Paris, tiến sĩ về luật tố tụng hình sự

——————–

(1) Lire Vladimir Cagnolari, “Croissance sans réconciliation en Côte d’Ivoire ”, Le Monde diplomatique, octobre 2015.

(2) Stéphanie Maupas, “Laurent Gbagbo, un procès crucial pour la CPI ”, Le Monde, 28 janvier 2016.

(3) Đọc “La Cour pénale internationale en accusation ”, Le Monde diplomatique, 11/2013.

(4) “Côte d’Ivoire: la loi des vainqueurs. La situation des droits humains deux ans après la crise postélectorale ” (PDF), Amnesty International, 26 février 2013.

(5) “Pour que la justice compte. Enseignements tirés du travail de la CPI en Côte d’Ivoire ”, Human Rights Watch, 4 août 2015.

(6) Laurent Ggagbo và François Mattei, Pour la vérité et la justice. Côte d’Ivoire: révélations sur un scandale français, Editions du Moment, Paris, 2014.

(7) Bernard Houdin, Les Ouattara. Une imposture ivoirienne, Editions du Moment, Paris, 2015.

(8) Jens Ohilin, “Peace, security and prosecutorial discretion ”, The Emerging Practice of the International Criminal Court, Martinus Nijhoff Publishers, Boston, 2009.

(9) “Consolider cette paix qui nous appartient. Un agenda relatif aux droits humains pour la Côte d’Ivoire ”, Human Rights Watch, 8 décembre 2015.

(10) Cf. Jean-Baptiste Vilmer, Pas de paix sans justice ? Le dilemme de la paix et de la justice en sortie de conflit armé, Presses de Sciences Po, Paris, 2011.

(11) Cf.La Cour pénale internationale. Un jouet aux mains des pouvoirs politiques ? Réflexions de Hans-Peter Kaul, juge de la Cour pénale internationale ” (PDF), 5 novembre 2013, https://www.fes.de

(12) L’Opinion.fr, 8 février 2016.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]