Sự thống nhất của các trường phái lý luận QHQT: Mô hình duy lý về hành vi quốc gia

Print Friendly, PDF & Email

nstate

Tác giả: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Tóm tắt: Các lý thuyết quan hệ quốc tế hiện nay rất đa dạng và phức tạp. Luận điểm của các học giả thường khác biệt không chỉ với các lý thuyết khác nhau mà đôi khi còn trong nội bộ một lý thuyết. Tuy nhiên, ba trường phái chủ lưu có một điểm chung mang tính nền tảng là “mô hình duy lý về hành vi quốc gia”. Các lý thuyết chủ lưu đều lấy xuất phát điểm nghiên cứu là quốc gia-dân tộc và đều có giả định, dù vô tình hay hữu ý, về lợi ích và hành vi của quốc gia, mặc dù nhiều học giả như Kenneth Waltz đã tuyên bố rằng hệ thống quốc tế với cấu trúc vô chính phủ đã “lựa chọn” mẫu hình hành vi đơn vị (quốc gia), bất kể đặc tính đơn vị là gì. Bài viết dưới đây sẽ cố gắng làm rõ nền tảng duy lý chung của ba thuyết hiện thực, tư do và kiến tạo cũng như sử dụng mô hình hành vi duy lý này để làm rõ mối liên hệ giữa lợi ích với hành vi của đơn vị và mối liên hệ giữa đơn vị với hệ thống trong nền chính trị quốc tế.

Chúng ta đang ở vào thời kỳ “trăm hoa đua nở” của các lý thuyết quan hệ quốc tế (QHQT), với ba dòng lý thuyết chủ lưu (mainstream theory) là tân hiện thực, tân tự do và kiến tạo cùng với rất nhiều lý thuyết nhánh. Các lý thuyết QHQT có nhiều luận điểm khác nhau về bản chất và các tiến trình chính trị quốc tế (CTQT). Chẳng hạn, các lý thuyết hiện thực nhấn mạnh tính vô chính phủ của môi trường quốc tế và tính xung đột tiềm tàng trong quan hệ giữa các quốc gia; trong khi trường phái tự do, nhất là thuyết tân tự do thể chế, lại tập trung nghiên cứu đặc tính phụ thuộc lẫn nhau của CTQT và các cách thức thúc đẩy hợp tác. Bản thân trong nội bộ mỗi phái cũng có sự khác biệt. Các nhà tự do lý tưởng cho rằng việc phổ cập các giá trị dân chủ có thể thúc đẩy quá trình hợp tác và xa hơn là nền hòa bình trên toàn cầu. Trong khi đó các học giả tự do thể chế lại nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức quốc tế. Tuy phong phú về nội dung luận điểm và đa dạng trong dự báo tương lai CTQT như vậy, các trường phái đều xoay quanh chủ thể quốc gia, đều xem quốc gia là chủ thể quan trọng bậc nhất, do nắm trong tay nguồn lực sức mạnh và độc quyền bạo lực mà các chủ thể khác không thể so sánh được. Như nhà kinh tế chính trị quốc tế Susan Strange đã nhận xét, nếu như phương thức sản xuất hiện nay đang tập trung về phía các chủ thể phi quốc gia, thì “phương thức phá hủy” vẫn thuộc độc quyền của quốc gia và khiến vai trò của chúng không thể bị xóa bỏ.[1] Các học thuyết QHQT chủ lưu đều nhận thức rõ điều này, và đều lấy quốc gia – dân tộc làm xuất phát điểm nghiên cứu.[2]

Đặc tính của chủ thể quốc gia

Chủ thể quốc gia dưới lăng kính lý thuyết QHQT, dù là hiện thực, tự do hay kiến tạo, có một số đặc điểm: duy lý (rational), vị kỷ (egoist) và đồng nhất (nội sinh) hoặc đơn nhất (homogenous unitary). Ba đặc tính này về bản chất chỉ là giả định (assumption) để xây dựng lý thuyết, thực tế có thể không nhất thiết phải như vậy.[3] Ví dụ, giả định thứ ba về tính đồng nhất của quốc gia có ý nghĩa lý thuyết nhiều hơn thực tiễn. Các học giả xem quốc gia là một “khối thống nhất” nhưng không ai phủ nhận rằng quốc gia còn nhiều đặc tính khác nhau về chế độ chính trị, văn hóa, dân tộc… và sự thi hành chính sách của quốc gia nhiều khi bị tác động bởi các khác biệt trong nội bộ đất nước. Nhưng các lý thuyết đều tạm bỏ qua sự khác biệt này và “giả định” các quốc gia là những đơn vị giống nhau của hệ thống CTQT.[4]

Về phần hai đặc tính đầu (duy lý và vị kỷ), đa số các học giả áp dụng một cách trực tiếp hay gián tiếp vào lý thuyết của mình. Hai đặc tính này có thể được diễn giải như sau: quốc gia trong nền CTQT được giả định luôn luôn theo đuổi lợi ích riêng, bất chấp lợi ích của nước khác (vị kỷ) và trong một trường hợp hoàn cảnh cụ thể, đối mặt với một vấn đề cụ thể, quốc gia luôn biết cách tối ưu hóa (rationalize) lợi ích của mình (duy lý). Một số nhà lý thuyết, điển hình là Waltz, còn cho rằng không nhất thiết phải có giả định về đặc tính của quốc gia. Trong hệ thống CTQT vô chính phủ và có đặc tính tự cứu, Waltz lập luận, bất kỳ một quốc gia với chính thể nào và đặc tính ra sao đều phải hành động một cách vị kỷ để tự cứu lấy mình. Có thể có một số quốc gia không tuân thủ nguyên tắc này về ngắn hạn, nhưng về dài hạn hệ thống chỉ có các quốc gia tuân thủ luật chơi, các quốc gia khác đơn giản là sẽ bị tiêu diệt. Waltz gọi cách tiếp cận của mình là tiếp cận hệ thống, còn cách tiếp cận khác chỉ mang tính giản lược và không thể giải thích đầy đủ CTQT.[5] Tuy nhiên, xét đến cùng, để hệ thống thật sự có tính tự cứu, Waltz vẫn cần giả định rằng các quốc gia hành động vị kỷ và duy lý, vì nếu tất cả các quốc gia không hành động vị kỷ và duy lý (có nghĩa là không tự cứu), thì hệ thống sẽ không còn tính chất tự cứu và đặc điểm vô chính phủ. Trong một hệ thống như thế, chính các quốc gia vị kỷ mới bị đào thải vì không còn thích hợp với hệ thống. Chẳng hạn, khó có một nước thành viên của EU chỉ theo đuổi lợi ích của chính mình mà phớt lờ đi cả khối, vì EU, xét như một hệ thống, không còn vô chính phủ và tự cứu nữa.

Mô hình hành vi duy lý

Theo mô hình hành vi duy lý, nguyên nhân hành động của con người, cũng như quốc gia, là họ có một mong muốn/lợi ích (desire/interest) và nhận thức về cách thức theo đuổi mong muốn/lợi ích đó trong môi trường xung quanh qua các bước sau: (i) quốc gia có một lợi ích nhất định, (ii) quốc gia nhận thức về cách thức đạt được lợi ích đó trong môi trường CTQT và (iii) quốc gia có hành vi (chính sách) nhằm theo đuổi lợi ích đó. Theo mô hình này, có thể thấy (theo chiều mũi tên) động cơ hay nguyên nhân gây ra hành động của chủ thể chính là yếu tố lợi ích. Theo đó, lợi ích đóng vai trò động lực thúc đẩy chủ thể hành động vì mục đích theo đuổi. Tuy nhiên lợi ích là điều kiện cần, còn nhận thức là điều kiện đủ cho hành vi của chủ thể. Không có lợi ích thì không có hành vi, cùng một lợi ích nhưng nhận thức khác nhau thì hướng theo đuổi nhu cầu cũng khác nhau giữa các chủ thể.[6] Như vậy, nội hàm hai yếu tố lợi ích và nhận thức đã tạo ra các khác biệt trong cách áp dụng mô hình duy lý, ở đây là trong các lý thuyết QHQT. Chính việc áp dụng mô hình duy lý của các nhà lý thuyết và xác định nội hàm của khá niệm lợi ích cũng như nhận thức đã dẫn đến khác biệt trong mô tả của họ về CTQT.

Trường phái hiện thực và mô hình duy lý

Hiện thực cổ điển

Các nhà Hiện thực cổ điển thể hiện rõ cách tiếp cận duy lý khi bàn đến hành vi của quốc gia trong chính trị quốc tế. Trong Sáu nguyên lý của chủ nghĩa Hiện thực, Morgenthau đã cho rằng CTQT chịu sự chi phối bởi các định luật phổ quát, và một trong những định luật đó chính là các quốc gia “suy nghĩ và hành động theo lợi ích quyền lực”[7]. Lý thuyết của Morgenthau về nền CTQT có thể tóm tắt như sau: quốc gia tồn tại trong tình trạng vô chính phủ, theo nghĩa không có một chính quyền hay thế lực nào đủ mạnh để duy trì trật tự, bảo vệ sinh tồn cho các quốc gia. Mà theo Hobbes, trong tình trạng tự nhiên (tức vô chính phủ), con người bắt buộc phải lo lắng cho an ninh của mình vì không có ai khác để làm điều đấy. Nếu với con người tình trạng tự nhiên đã biến mất với sự ra đời Nhà nước, thì quốc gia vẫn sống trong tình trạng tự nhiên đó – tức vô chính phủ.[8] Như vậy quốc gia bắt buộc phải tự tìm cách bảo vệ chính mình. Morgenthau đã mượn giả định về lợi ích từ Hobbes, đó là con người luôn quan tâm đến an ninh của mình. Morgenthau cho rằng quốc gia, cũng như con người, luôn tìm cách bảo đảm an ninh, và trong môi trường vô chính phủ để bảo đảm an ninh thì phải tăng cường sức mạnh. Ở đây có vẻ như Morgenthau đã đánh đồng lợi ích an ninh với lợi ích quyền lực: muốn an ninh chắc chắn phải gia tăng sức mạnh/quyền lực.

Thật ra Morgenthau còn cần một giả định thứ hai về bản chất của lợi ích quốc gia: lợi ích con người ngoài tồn tại còn có xu hướng thống trị; và quốc gia cũng vậy.[9] Về mặt lý thuyết, nếu không có sự kết hợp hai giả định về lợi ích quyền lực và tham vọng thống trị thì có khả năng quốc gia, sau khi đủ mạnh để cảm thấy an ninh, sẽ không cần gia tăng sức mạnh của mình nữa. Như vậy nếu tất cả các quốc gia cảm thấy an ninh, sẽ không có một quốc gia nào tìm cách gia tăng sức mạnh và qua đó phá vỡ cân bằng quốc tế; như thế chúng ta sẽ có một nền hòa bình vĩnh cửu. Điều này trái với nhận định ban đầu của Morgenthau là không thể nào có hòa bình vĩnh cửu cho mọi quốc gia, chỉ có hòa bình cho quốc gia nào biết cách gia tăng sức mạnh của mình.

Morgenthau cho rằng, nếu tất cả các quốc gia đều theo đuổi sức mạnh, thì sẽ gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh – một cuộc chạy đua sức mạnh không hồi kết mà ở đó không một quốc gia nào cảm thấy an ninh về dài hạn. Sự chạy đua này, xét tổng thể, tạo ra trạng thái cân bằng sức mạnh trong đó không quốc gia nào đủ sức tiêu diệt tất cả các nước còn lại, do đó khiến chiến tranh khó có thể xảy ra. Morgenthau cho rằng đây là cách duy nhất để duy trì hòa bình giữa các quốc gia, dù rằng cân bằng sức mạnh của Morgenthau mang tính động, có nghĩa là bất kỳ lúc nào cũng có nguy cơ một quốc gia gia tăng sức mạnh đến ngưỡng mạnh hơn các nước khác và phá vỡ cân bằng hiện tại.[10]

Hiện thực cấu trúc

Kenneth Waltz gọi lý thuyết của Morgenthau và nhiều lý thuyết khác là “cách tiếp cận giản lược” (reductionnist approach), do chúng đều giải thích CTQT “từ dưới lên” (upward), tức bắt nguồn từ đặc tính của đơn vị – quốc gia. Cách tiếp cận này, theo ông, chưa lý giải hết nguyên nhân hành vi của đơn vị, vốn còn tồn tại ở một cấp độ khác: cấp độ hệ thống. Ông gọi lý thuyết của mình là “cách tiếp cận hệ thống” (systemist approach) với cách lý giải “từ trên xuống” (downward) và cho rằng đây mới là nguyên nhân chủ yếu khiến quốc gia có hành vi theo như quan sát được trên thực tế: tự bảo vệ chính mình bằng sức mạnh/quyền lực.

Lập luận của Waltz là bất kể quốc gia có đặc tính gì, tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, ôn hòa hay hiếu chiến, thì trong nền CTQT vẫn bắt buộc phải tự thích ứng với những ràng buộc của hệ thống tự cứu và vô chính phủ. Hệ thống CTQT khi đó có một cấu trúc được tạo thành bởi tương tác giữa các đơn vị (quốc gia) nhưng lại vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia, một khi hình thành nó không còn phụ thuộc vào đơn vị nữa mà áp đặt một sự ràng buộc lên các đơn vị. Waltz sử dụng hình tượng so sánh với khái niệm “thị trường” của kinh tế học vi mô để làm rõ luận điểm của mình. Thị trường là một khái niệm trừu tượng, phi-vật-chất nhưng ta vẫn có thể chỉ ra sự hiện diện của nó qua tác động lên các đơn vị: đơn vị kinh tế (con người kinh tế) đều muốn làm ít bán đắt hơn (để thu về nhiều lợi nhuận hơn mà không phải bỏ nhiều công sức) nhưng cuối cùng, do tác động của thị trường (sự cạnh tranh), tất cả đều phải làm ra nhiều sản phẩm hơn và bán rẻ hơn. Cũng như vậy, có thể đơn vị trong hệ thống CTQT có lợi ích khác nhau, nhưng cấu trúc hệ thống sẽ khiến tất cả các đơn vị đều có hành vi giống nhau: tự cứu dựa vào sức mạnh của chính mình.[11]

Hệ thống của Waltz ràng buộc hành vi đơn vị theo hai tiến trình: cạnh tranh (competition) và xã hội hóa (socialization). Qua cạnh tranh, các đơn vị có hành vi phù hợp với yêu cầu của hệ thống bởi hai lý do. Thứ nhất, đơn vị nào có hành vi không phù hợp sẽ bị đào thải; và thứ hai, các đơn vị sẽ bắt chước đơn vị thành công nhất. Dù thế nào, cuối cùng thì hệ thống chỉ còn lại các đơn vị có hành vi được lựa chọn phù hợp. Ở đây Waltz một lần nữa dựa vào lý thuyết kinh tế vi mô và bản thân ông cũng không che dấu điều này. Tiến trình thứ hai, xã hội hóa bao hàm hai ý nghĩa: lựa chọn hành vi và lựa chọn đặc tính đơn vị. Theo Waltz, cấu trúc hệ thống tạo ra một số mẫu hình hành vi mà đơn vị trong quá trình thực hành (tức tham gia đời sống QHQT) sẽ có “thói quen” tuân thủ mẫu hình hành vi đó, bất kể tính chất của đơn vị là gì, vì đây là vấn đề sống hay chết.[12]

Thoạt nhìn, có vẻ như cách tiếp cận của Waltz không cần giả định nhiều về lợi ích quốc gia, tuy nhiên, xét đến cùng, Waltz vẫn cần phải giả định nhiều hơn về yếu tố này để hệ thống của ông có thể vận hành được. Một số học giả cho rằng yếu tố thay đổi cấu trúc của Waltz – phân bổ sức mạnh, thật ra chính là “phân bổ lợi ích” (distribution of interests).[13]

Waltz giả định rằng quốc gia luôn theo đuổi an ninh. Tuy nhiên giả định quốc gia theo đuổi an ninh được Waltz cụ thể hóa là quốc gia muốn bảo vệ những gì đã có hơn là chiếm hữu hơn nữa. Điều này khác với Morgenthau vốn cho rằng có “quốc gia giữ nguyên trạng” (statu quo power) là quốc gia bảo vệ những gì đã có, và “quốc gia xét lại” (revisionnist power) là quốc gia muốn chiếm hữu hơn nữa.[14] Waltz đã nêu rõ giả định của mình về tính “giữ nguyên trạng” của quốc gia khi cho rằng “mối bận tâm đầu tiên của quốc gia là giữ vững vị trí của mình trong hệ thống”.[15] Rõ ràng cả Morgenthau và Waltz đều thống nhất quốc gia muốn giữ vững an ninh, nhưng từ đó cả hai lại có giả định khác nhau về cách thức bảo đảm an ninh: “xét lại” đối với Morgenthau và “giữ nguyên trạng” đối với Waltz và dẫn tới hai kiểu hệ thống CTQT khác nhau, tuy chúng đều có cùng tính chất vô chính phủ và tự cứu.

Tầm quan trọng của giả định về lợi ích quốc gia càng nổi bật hơn khi bàn đến thuyết hiện thực tấn công của Mearsheimer. Mearsheimer khẳng định rõ rằng lý thuyết của ông là một nhánh của phái hiện thực cấu trúc (tân hiện thực) phát xuất từ Waltz, nhưng cho rằng Waltz là một nhà hiện thực phòng thủ (defensive realism) vì lập luận quốc gia chỉ cần một lượng vừa đủ sức mạnh để tự vệ. Mearsheimer tự xem mình là nhà hiện thực tấn công với luận điểm không bao giờ biết chắc chắn được bao nhiêu sức mạnh là đủ tự vệ trong hiện tại và tương lai, do đó cách tốt nhất là quốc gia thu được càng nhiều sức mạnh càng tốt. Hệ thống khi đó sẽ ít bền vững hơn nhiều so với của Waltz.[16] Ông lập luận tính vô chính phủ đã khiến quốc gia phải “xét lại” như vậy, và rằng hiếm có quốc gia nào có tính “giữ nguyên trạng” trong CTQT.

Như vậy, với các tác giả trường phái hiện thực, “tìm kiếm an ninh” và “giữ nguyên trạng” là một chuyện, “tìm kiếm an ninh” và “xét lại” lại là một chuyện khác, và mỗi giả định dẫn tới một kiểu hệ thống CTQT khác nhau trên cùng một mô hình duy lý.

Trường phái tự do (Đa nguyên) và mô hình duy lý

Lợi ích kinh tế

Trường phái tự do chia sẻ với phái hiện thực khá nhiều giả định xuất phát điểm như: CTQT có tính vô chính phủ, quốc gia là chủ thể quan trọng nhất, quốc gia vị kỷ và duy lý. Tuy nhiên các học giả tự do cũng có nhiều bổ sung, chỉnh lý như bên cạnh tính vô chính phủ CTQT còn có đặc điểm tùy thuộc lẫn nhau (interdependence)[17], điều khiến quốc gia có thể hợp tác với nhau trong khi vẫn vị kỷ và duy lý. Tuy nhiên, nếu các nhà hiện thực giả định rằng quốc gia muốn bảo đảm an ninh bằng công cụ sức mạnh quân sự, thì các nhà tự do giả định rằng lợi ích kinh tế cũng quan trọng, và xét cho cùng phát triển kinh tế cũng là một cách để bảo đảm an ninh. Hơn thế nữa, một số nhà tự do còn cho rằng, lợi ích kinh tế cũng quan trọng như lợi ích an ninh. CTQT tồn tại dưới dạng “một hệ thống hai luồng” (two-track system), trong đó một luồng giành cho vấn đề an ninh quân sự, một luồng cho vấn đề hợp tác kinh tế. Sự phân luồng lại càng thể hiện tầm quan trọng của lợi ích kinh tế, chứng tỏ rằng các nước không muốn cạnh tranh, xung đột trong lĩnh vực an ninh quân sự ảnh hưởng sang vấn đề hợp tác kinh tế.

Có thể thấy rằng trường phái tự do cũng duy lý nhưng xét từ lợi ích kinh tế. Các nhà tự do cho rằng quốc gia coi trọng lợi ích kinh tế, mà để phát triển kinh tế bắt buộc phải hợp tác, do đó CTQT có tính hòa dịu hơn, tương lai CTQT không chỉ có chiến tranh như phái tiện thực dự đoán, và phần nào đó các thể chế quốc tế và công ty đa quốc gia có vai trò quan trọng hơn vì cần thiết cho hợp tác quốc tế cũng như phát triển kinh tế. Phái tân tự do đã có quan điểm lạc quan hơn về hợp tác quốc tế khi nhấn mạnh đặc điểm phụ thuộc lẫn nhau và lợi ích tương đối trong QHQT. Phái tân hiện thực lập luận rằng, khả năng hợp tác giữa các quốc gia về dài hạn là không thể, do các nước phải bận tâm về việc “Ai được lợi nhiều hơn ai?” (lợi ích tương đối) chứ không phải “Ta được lợi bao nhiêu?” (lợi ích tuyệt đối). Như vậy sẽ không có quốc gia nào sẵn sàng hợp tác thật sự.[18] Phái hiện thực giả định lợi ích an ninh quân sự là cao nhất, do đó mối bận tâm của quốc gia là lợi ích tương đối, ai mạnh hơn ai. Trong khi đó phái tự do giả định lợi ích an ninh kinh tế cũng quan trọng. Nguy cơ nghèo nàn, lạc hậu và tụt hậu về kinh tế đe dọa quốc gia từ bên ngoài cũng như từ bên trong. Vì vậy phát triển kinh tế cũng là ưu tiên hàng đầu, hợp tác quốc tế là cần thiết và có thể được.

Tân tự do thể chế

Mô hình duy lý về hành vi quốc gia sẽ được áp dụng như thế nào trong trường hợp của thuyết tân tự do thể chế, vốn nhấn mạnh vai trò của thể chế quốc tế lên CTQT? Tuy đối tượng nghiên cứu chính là các tổ chức quốc tế, các học giả thuộc phái này vẫn lấy xuất phát điểm là chủ thể quốc gia: theo họ chính quốc gia tạo nên thể chế quốc tế vì lợi ích riêng của mình. Ở đây hành vi quốc gia hoàn toàn duy lý sau khi đã toan tính chi phí/cơ hội, thiệt/hơn. Để thoát ra khỏi tình thế lưỡng nan của người tù,[19] quốc gia cần sự đảm bảo rằng các bên sẽ hợp tác với nhau; và sự bảo đảm đó được mang lại bởi thể chế quốc tế. Khi tương tác với nhau, các quốc gia chấp nhận tuân theo ràng buộc của thể chế do chi phí của việc không tuân theo vượt quá lợi ích có được.[20] Không phải thể chế tạo ra hợp tác, chính quốc gia muốn hợp tác nên đã tạo ra và duy trì thể chế để thúc đẩy hợp tác.

Một số người có thể phản bác rằng lập luận như trên dẫn ta quay ngược về điểm xuất phát. Để thoát khỏi tình trạng lưỡng nan, quốc gia cần hợp tác với nhau, thể chế quốc tế đảm bảo điều đó. Thế nhưng để tạo thành thể chế quốc gia lại phải hợp tác, vậy cái gì đảm bảo cho sự hợp tác này? Các học giả tân tự do, điển hình là thuyết ổn-định-nhờ-bá-quyền (hegemonic stability theory), trả lời rằng ban đầu cần phải có các cường quốc để thúc đẩy hợp tác quốc tế tạo ra các dạng thể chế.[21] Một cách duy lý, thể chế quốc tế mang lại lợi ích cao nhất cho các quốc gia sáng lập, tuy nhiên chi phí thành lập thể chế cũng rất cao. Ai cũng biết điều đó nhưng không phải ai cũng có thể trả cái giá cao để thu về lợi ích lâu dài. Chỉ có các cường quốc mới đủ khả năng chịu đựng chi phí thành lập để tạo ra thể chế làm lợi cho mọi người, trong đó có chính cường quốc.[22] Nói tóm lại, lợi ích quốc gia là nguyên nhân (biến độc lập), hợp tác là kết quả hướng đến (biến phụ thuộc) và thể chế quốc tế chỉ là biến can thiệp.

Bên cạnh đó, một số tác giả, đa số thuộc trường phái Tự do, cũng bàn đến yếu tố nhận thức (belief) về lợi ích quốc gia. Khác với đa số các nhà hiện thực vốn giả định rằng quốc gia có đầy đủ thông tin (perfect information) về môi trường bên ngoài, hành vi và ý đồ của quốc gia khác để từ đó vạch ra chiến lược ứng phó hợp lý nhất, các học giả tự do tập trung nghiên cứu hệ thống nhận thức và thông tin của các nhà hoạch định chính sách và tác động của nó lên chính sách đối ngoại cũng như CTQT. Một số tác giả và công trình tiêu biểu như Robert Jervis (1976), Perception and Misperception in International Politics, Richard Little và Steve Smith (chủ biên) (1988), Belief System in International Relations, Judith Goldstein và Robert Keohane (chủ biên) (1993), Ideas and Foreign Policy đều nhấn mạnh yếu tố đa nguyên trong nhận thức về lợi ích quốc gia và môi trương QHQT. Mặt khác, theo phái tân tự do thể chế, các tổ chức quốc tế đảm bảo và thúc đẩy hợp tác quốc tế bằng cách cung cấp thông tin về đối tác, giảm chi phí hợp tác và đảm bảo chủ thể nào “gian lận” trong hợp tác sẽ bị xử lý (qua đó khiến các chủ thể có nhận thức rằng nếu gian lận sẽ bị trừng phạt, dẫn tới giảm khả năng gian lận trong hợp tác).[23] Nói một cách ẩn dụ, nếu như với phái hiện thực, các quốc gia lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan của người tù” khiến việc hợp tác giữa họ trở nên khó khăn; thì với phái tân tự do thể chế, tổ chức quốc tế đóng vai trò như một cơ chế cung cấp thông tin, khiến “người tù – quốc gia” chắc chắn hơn về sự hợp tác của đối phương và do đó cùng nhau vượt qua được tình thế lưỡng nan.

Trường phái kiến tạo xã hội và mô hình duy lý

Mô hình duy lý mở rộng

Phái kiến tạo xã hội cũng dựa vào nền tảng duy lý. Tuy nhiên đối với cách tiếp cận của các lý thuyết QHQT hiện thực và tự do, phái kiến tạo có hai phê phán chính, đó là (i) các phái này tách riêng lợi ích và nhận thức như hai yếu tố riêng rẽ, không liên quan gì với nhau, qua đó dẫn tới thuyết quyết định luận (determinism) về hành vi; và (ii) các lý thuyết trên đều xem lợi ích quốc gia (an ninh, phát triển) là có trước, độc lập với hệ thống CTQT.

Từ đó phái kiến tạo đề xuất đưa khả năng phân tích, tư duy hay lý trí hoặc lẽ phải (Reason, Deliberation) vào mô hình duy lý. Khả năng này thể hiện năng lực tư duy của con người nhằm “lựa chọn” phục tùng hay không phục tùng các nhu cầu của mình, và như vậy chính yếu tố thứ ba này mới đóng vai trò lựa chọn hành động, chứ không đơn thuần chỉ là lợi ích. Mô hình hành vi duy lý lúc này trở thành: lợi ích + nhận thức + lý trí à hành vi. Mô hình này tỏ ra đặc biệt thích hợp để áp dụng cho quy trình ra quyết định (hành động) của nhóm, trong đó có quốc gia. Rõ ràng, trên thực tế, ngay cả việc quốc gia xác định lợi ích của mình đối với từng hoàn cảnh không hề diễn ra một cách tự động, dễ dàng và “đầy duy lý” như các nhà lý thuyết giả định,[24] mà phải trải qua một quá trình bàn luận, đấu tranh giữa các nhóm lợi ích và tuyên truyền diễn ra bên trong hệ thống chính trị của từng quốc gia như phái tự do đã từng thảo luận (tự do xuyên quốc gia – transnationalism) và còn phụ thuộc vào quá trình tương tác và nhận thức về nhau giữa các quốc gia được hình thành từ trước đó.

Lợi ích, nhận thức và bản sắc

Phái kiến tạo đi sâu vào yếu tố nhận thức khi cho rằng không nên, và không thể, tách rời lợi ích và nhận thức như là hai yếu tố riêng rẽ. Lập luận này dựa trên các phân tích của các nhà triết học và xã hội học, theo đó lợi ích chính là một loại nhận thức và hận thức của con người, xét cho cùng, gồm hai loại: nhận thức về môi trường xung quanh và nhận thức về nhu cầu của bản thân. Ngoài một số ít nhận thức về nhu cầu mang tính căn bản chung cho mọi người như nhu cầu ăn, uống, sinh sản, an ninh… thì đa phần các nhu cầu còn lại mang nặng tính xã hội (có nghĩa là được hình thành qua sự tương tác với người khác và với toàn xã hội). Yếu tố rõ nhất thể hiện tính tương tác xã hội là mỗi chủ thể có một bản sắc (Tôi là ai? Tôi có vai trò, vị trí gì trong xã hội?). Bản sắc cũng thuộc phạm trù an ninh (tinh thần), bên cạnh an toàn vật lý của con người. Xét cho cùng, nếu một người không rõ bản sắc của mình (không biết mình là ai), thì không thể nói họ đang sống một cách “an ninh” được. Hơn nữa, bản sắc này không ngừng được tái khẳng định qua quá trình tương tác giữa chủ thể với môi trường xung quanh. Theo đó chủ thể tạo ra bản sắc một cách nội sinh (hoàn toàn do chủ thể tự gán cho mình), nhưng chỉ khi nào xã hội cũng thừa nhận bản sắc đó và cùng tương tác để tái tạo bản sắc đó thì quá trình xây dựng bản sắc mới được trọn vẹn.

Theo Wendt, lợi ích quốc gia được chia ra hai loại, khách quan và chủ quan. Lợi ích khách quan là những lợi ích căn bản, chung cho mọi quốc gia và cần được đảm bảo để chủ thể có thể tồn tại. Wendt chia ra bốn loại lợi ích khách quan của quốc gia: an ninh (security), độc lập (autonomy), phát triển kinh tế, danh vọng (self-esteem)[25] tương ứng với bốn lợi ích khách quan của con người. Còn lợi ích chủ quan là nhu cầu của mỗi quốc gia nhằm đảm bảo các lợi ích khách quan đó. Lợi ích khách quan có thể như nhau, nhưng mỗi quốc gia có nhu cầu chủ quan khác nhau tùy hoàn cảnh và điều kiện để theo đuổi các nhu cầu khách quan, do đó dẫn tới chính sách của mỗi quốc gia cũng khác nhau. Ngoài ra, phái kiến tạo phê phán giả định cho rằng lợi ích quốc gia là ngoại sinh (exogenous), độc lập với hệ thống CTQT. Wendt gọi cách tiếp cận đó có tính “cá thể” (individualism), có nghĩa là đi từ giả định về bản chất của cá thể mà dẫn tới kết luận về hệ thống, và lập luận rằng, hệ thống cũng có tác động lên sự hình thành lợi ích quốc gia thông qua sự tương tác giữa các cá thể với nhau và với hệ thống, do đó lợi ích quốc gia không ngoại sinh mà là nội sinh (endogenous) đối với hệ thống. Ông gọi cách tiếp cận này là “toàn thể” (holism). Khi phê phán phái tân hiện thực, Wendt cho rằng Waltz coi cấu trúc hệ thống có tác động lên đơn vị, nhưng tiến trình chọn lựa của hệ thống với Waltz chỉ hướng đến hành vi, chứ không phải bản sắc hay lợi ích, của đơn vị. Đơn vị quốc gia vẫn được Waltz giả định có tính ngoại sinh, độc lập với hệ thống và có bản chất vị kỷ và giữ nguyên trạng. Như vậy, xét cho cùng, lý thuyết của Waltz mang tính cá thể chứ không phải toàn thể hay cấu trúc (structuralism) như cách Waltz đặt tên cho lý thuyết của mình.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng lý thuyết kiến tạo của Wendt không đơn giản là “toàn thể” hay “cấu trúc”, mà về căn bản vẫn dựa trên nền tảng mô hình duy lý. Để vừa áp dụng mô hình duy lý giải thích hành vi của quốc gia mà vẫn có cách tiếp cận hệ thống (theo nghĩa hệ thống tác động lên cả hành vi lẫn lợi ích quốc gia, chứ không chỉ lên hành vi như “cấu trúc” của Waltz), Wendt cần phải có điều chỉnh về khái niệm hệ thống so với Waltz. Với Waltz, tương tác giữa các đơn vị cần phải được tách ra khỏi khái niệm hệ thống vì thuộc phạm trù đặc tính đơn vị, hệ thống khi đó không phụ thuộc vào đặc tính của đơn vị và tương tác giữa chúng, tuy được tạo nên bởi chúng. Với Wendt, nếu như bản sắc đòi hỏi phải được chủ thể liên tục tái tạo lại, hệ thống cũng đòi hỏi đơn vị phải liên tục tái hiện lại chính hệ thống. Chúng ta chỉ quan sát được sự tồn tại của hệ thống thông qua tác động của nó lên đơn vị – tức tương tác giữa chúng với nhau, hay nói một cách hình tượng, các quốc gia phải hành xử “như thể” hệ thống có thật để tái tạo lại hệ thống. Đây là một quá trình liên tục diễn ra thông qua hành vi của các quốc gia, khi và chỉ khi các quốc gia còn đảm bảo thực hiện “vai trò” (role)[26] của mình trong hệ thống thì hệ thống mới còn tồn tại.

Như vậy, lý thuyết của Wendt vẫn dựa trên mô hình duy lý tức là nhấn mạnh vai trò của lợi ích và nhận thức đối với quá trình xác định lợi ích, và từ đó lên hành vi của chủ thể trong một quá trình liên tục, trong đó bản sắc quốc gia được xây dựng và có mối liên hệ trực tiếp với nhận thức về lợi ích quốc gia.

Kết luận

Nền tảng duy lý nêu trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự thống nhất và khác biệt của các lý thuyết quan hệ quốc tế (ít nhất là ba dòng chủ đạo: hiện thực, tự do và kiến tạo). Thống nhất vì các học giả đều xuất phát từ mô hình duy lý về hành vi quốc gia để xây dựng lý thuyết. Thật vậy, ngay cả các lý thuyết “cấu trúc” giải thích CTQT “từ trên xuống” mà không cần xét đến đặc tính của đơn vị – quốc gia cũng phải có giả định về lợi ích (và theo đó là hành vi) quốc gia. Vì nếu không có lợi ích sẽ không có hành vi, mà không có hành vi (của đơn vị) sẽ không có hệ thống. Mối quan hệ cấu trúc – đơn vị này có tính biện chứng sâu sắc. Tương tác giữa quốc gia tạo nên hệ thống, điều này không chỉ đơn thuần có nghĩa là quốc gia “tạo nên” hệ thống và sau đó quốc gia và hệ thống hoàn toàn độc lập riêng lẻ với nhau. Mà quốc gia không ngừng “tái tạo” lại hệ thống thông qua tương tác hàng ngày của chúng. Xét cho cùng, lập luận này không hề đi ngược lại quan điểm ban đầu của Waltz khi giải thích khái niệm “hệ thống” bằng cách vận dụng khái niệm thị trường trong kinh tế học: thị trường là “ảo”, nhưng chúng ta biết là “thật” thông qua ràng buộc của nó lên hành vi của đơn vị. Về bản chất, không có tương tác giữa các quốc gia thì mọi bàn luận về chính trị quốc tế đều là vô nghĩa và sáo rỗng, và ngược lại, tương tác trong một kiểu hệ thống quốc tế nhất định không phải bất định và hỗn loạn mà mang các đặc điểm của kiểu hệ thống đó. Từ đó có thể thấy việc phân tách hai cấp độ nghiên cứu hệ thống/đơn vị phục vụ mục đích lý thuyết hơn là thực tiễn, do nghiên cứu hai biến số lớn và quan trọng như các quốc gia và hệ thống cùng một lúc là điều bất khả thi, nên nhà nghiên cứu buộc phải “cô lập” một biến số và xem nó bất biến để nghiên cứu biến còn lại.

Bên cạnh đó, sự khác biệt của các lý thuyết xét cho cùng đến từ khác biệt trong lựa chọn giả định về lợi ích quốc gia chủ đạo. Phái hiện thực “chọn” vấn đề an ninh, mà công cụ đảm bảo an ninh hữu hiệu là sức mạnh quân sự. Quốc gia khi thực hiện chức năng “tự cứu” trong môi trường vô chính phủ buộc phải lưu tâm đến lợi ích tương đối, từ đó hợp tác quốc tế rất khó khăn do các quốc gia bị kẹt vào tình thế “lưỡng nan an ninh”. Phái tự do “chọn” lợi ích kinh tế, đi kèm với nó là công cụ sức mạnh kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Quốc gia khi đó có thể tập trung vào lợi ích tuyệt đối của mình và có thể thoát khỏi tình trạng lưỡng nan bằng hợp tác quốc tế với sự hỗ trợ của các chủ thể phi quốc gia như tổ chức quốc tế. Phái kiến tạo thì cho rằng việc xác định lợi ích quốc gia không thể tách rời quá trình định hình bản sắc quốc gia. Các lợi ích quốc gia như an ninh, kinh tế, ảnh hưởng, v.v… phải tương ứng với nhận thức của chủ thể về bản sắc của mình và của chủ thể khác. Sự nhận thức này đến lượt nó là một quá trình liên tục thông qua tương tác liên chủ thể trong môi trường quốc tế. Trên thực tế có thể không có giả định nào hoàn toàn đúng cũng như hoàn toàn sai. Có thể xem mỗi trường phái như một lát cắt của thực tại. Việc hiểu cả ba nhóm lợi ích của ba dòng lý thuyết QHQT sẽ cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng thể về CTQT và CSĐN.

Nguyễn Hoàng Như Thanh là giảng viên tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Tác giả xin chân thành cám ơn những phê bình và góp ý quý báu và rất hữu ích của PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng trong quá trình hoàn thành bài viết này.

———————-

Danh mục tài liệu tham khảo

  1. Acharya, Amitav, “Theoretical Perspectives on International Relations in Asia”, trong David Shambaugh & Michael Yahuda (chủ biên), International Relations of Asia (Maryland: Rowman & Littlefield Publishers, 2008), tr. 57-82. Bản dịch “Các quan điểm lý thuyết về quan hệ quốc tế ở châu Á”, biên dịch và hiệu đính Nguyễn Hoàng Như Thanh, http://nghiencuuquocte.net/2013/05/27/theoretical-perspectives-asia/
  2. Boniface E.S. Mgonja và Iddi A.M. Makombe, “Tranh luận về sự liên đới của lý thuyết quan hệ quốc tế với thế giới thứ ba”, Tạp chí NCQT số 2 (93), 6/2013, tr. 145-181.
  3. Carr, E. H. (1939), Twenty Year’ Crisis, 1919-1939: An Introduction to the Study of International Relations, Harper Perennial, 450th edition (March 25, 1964).
  4. Hasenclever, Andreas; Mayer, Peter và Rittberger, Volker (1997), Theories of International Regimes, Cambridge University Press.
  5. Keohane, Robert O. (1984), After Hegemony: Cooperation and Discord in World Political Economy, Princeton University Press.
  6. Keohane (1989), International Institutions and State Power, Westview Press.
  7. Krasner, Stephan (chủ biên) (1982), “International Regimes”, International Organization, Vol. 36, No. 2.
  8. Mearsheimer, John J. (2001), The Tragedy of Great Power Politics, Norton, 2003.
  9. Milner, Helen và Moravcsik, Andrew (chủ biên) (2009), Power, Interdependence, and Non State Actors in World Politics, Princeton University Press.
  10. Morgenthau, Hans J. (1948), Politics among Nations. The Struggle for Power and Peace (Sixth Edition), McGraw-Hill, 1985.
  11. Nye, J. S., và Keohane, R. O. (1971), “Transnational Relations and World Politics: A Conclusion”, International Organization, 25(3), 721–748.
  12. Nye, Joseph và Keohane (1977), Power & Interdependence (4th Edition) (Longman Classics in Political Science), Pearson, 4th edition (February 20, 2011).
  13. Nye, Joseph (2004), Soft Power: The Means to Succes in World Politics, PublicAffairs, New edition.
  14. Nye (2011), The Future of Power, PublicAffairs, Reprint edition.
  15. Popper, Karl (1936), Sự nghèo nàn của Thuyết Sử luận (Chu Lan Đình dịch), NXB Trí thức, 2012.
  16. Popper (1972), Tri thức khách quan: Một cách tiếp cận dưới góc độ tiến hóa (Chu Lan Đình dịch), NXB Tri thức.
  17. Ramel, Frédéric và Cumin, David (2002), Philosophie des Relations internationales, Paris: Presses de Sciences Po.
  18. Strange, Susan (1996), The Retreat of the State: The Diffusion of Power in the World Economy (Cambridge Studies in International Relations), Cambridge University Press, 1st edition.
  19. Waltz, Kenneth (1970), “The Myth of Interdependence”, trong Charles Kindleberger (chủ biên), The International Corporation, Cambridge, Mass., The MIT Press.
  20. Waltz (1979), Theory of International Politics, Waveland Press, 2010.
  21. Wendt, Alexander (1992), “Anarchy is what States Make of it: The Social Construction of Power Politics”, International Organization, vol. 46, No. 2 (Spring), tr. 391-425. Bản dịch “Tình trạng vô chính phủ là những gì các quốc gia tạo nên: quá trình kiến tạo xã hội của chính trị cường quyền”, biên dịch và hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh, http://nghiencuuquocte.net/2013/07/30/anarchy-is-what-states-make-of-it/
  22. Wendt (1999), Social Theory of International Politics, Cambridge Studies in International Relations (collection), Cambridge University Press, 2013.

—————————–

[1] Susan Strange (1996), The Retreat of the State: The Diffusion of Power in the World Economy (Cambridge Studies in International Relations), Cambridge University Press.

[2] Có người có thể phản bác rằng dòng chủ lưu thứ hai – thuyết tân tự do thể chế, vốn nhấn mạnh vai trò của các thể chế quốc tế chứ không phải các quốc gia. Về bản chất, các học giả thuộc phái này khẳng định rằng tổ chức quốc tế đóng vai trò là biến số can thiệp (intervening variable) xen giữa biến số độc lập (independent variable) là quyền lực/lợi ích của quốc gia và biến số phụ thuộc (dependent variable) là sự kiện CTQT. Nói ngắn gọn thì chính quốc gia tạo nên các tổ chức quốc tế để thúc đẩy hợp tác quốc tế; xem thêm Krasner, “Structural Causes and Regime Consequences: Regimes as intervening variables”, International Organization, Vol. 36, No. 2, International Regimes (Spring, 1982), tr. 185-205.

[3] Về vai trò của giả định đối với việc xây dựng lý thuyết, Waltz cho rằng một lý thuyết không nên bị phán xét vì tính đúng đắn của các giả định của nó mà khả năng lý giải và dự đoán của lý thuyết mới là mục đích và tiêu chí tối hậu, xem thêm Kenneth Waltz (1979), Theory of International Politics, Waveland Press, 2010. Sau này Wendt có phản bác lại quan điểm trên của Waltz, cho rằng có khả năng giả định sai nhưng kết quả ngẫu nhiên lại đúng, mà nếu như thế lý thuyết không giúp gì nhiều trong việc nắm bắt sự vận động của thực tại, dẫn đến việc tiên đoán cũng không có nền tảng vững chắc; xem thêm Alexander Wendt (1999), Social Theory of International Politics, Cambridge Studies in International Relations (collection), Cambridge University Press, 2013.

[4] Nhiều nhà hiện thực như Waltz hay Morgenthau còn lập luận rằng việc nghiên cứu đặc tính từng quốc gia không phải nhiệm vụ của ngành CTQT với tư cách một phân ngành của chính trị học mà là công việc của những phân ngành khác như chính trị so sánh.

[5] Xem thêm Waltz (1979), Sđd, chương 4: Lý thuyết giản lược và lý thuyết hệ thống.

[6] Wendt (1999), Sđd, tr. 117.

[7] Morgenthau (1948), Politics among Nations. The Struggle for Power and Peace, McGraw-Hill, tr. 5; phần gạch chân là của chúng tôi.

[8] Xem thêm Thomas Hobbes, Leviathan.

[9] Morgenthau (1948), Sđd, tr. 38 và tr. 39.

[10] Xem thêm Morgenthau (1948), Sđd, đặc biệt là phần IV: Limitations of National Power: The Balance of Power, tr. 185-240.

[11] Xem Waltz (1999), Sđd.

[12] Waltz (1999), Sđd.

[13] Về các phân tích về giả định lợi ích đơn vị trong hệ thống của Waltz, xem thêm Moravcsik (1997), “Taking preferences seriously: A liberal theory of international politics”, International Organization, 51, tr. 513-553; Schweller (1996), “Neorealism’s Status-Quo Bias: What’s Security Dilemma?”, Security Studies 5, No. 3 (số đặc biệt), tr. 90-121; Stein (1990), Why Nations Cooperate, Ithaca: Cornell University Press; và Wendt (1992), “Anarchy is what states make of it: The social construction of power politics”, International Organization, vol. 46, No. 2 (Spring), tr. 391-425, bản dịch “Tình trạng vô chính phủ là những gì các quốc gia tạo nên: quá trình kiến tạo xã hội của chính trị cường quyền”, biên dịch & hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh, http://nghiencuuquocte.net/2013/07/30/anarchy-is-what-states-make-of-it/

[14] Với Morgenthau quốc gia có tính  “xét lại”.

[15] Waltz (1979), Sđd, tr. 126.

[16] Tất nhiên lập luận của Mearsheimer không đơn giản như tóm tắt của chúng tôi. Để tìm hiểu về thuyết hiện thực tấn công, xem thêm John J. Mearsheimer (2001), The Tragedy of Great Power Politics, 2003, Norton, đặc biệt là chương II: Anarchy and the Struggle for Power, tr. 29-54.

[17] Được định nghĩa bởi các học giả nghiên cứu CTQT là mức độ dễ tổn thương của các nước trong sự liên kết với nhau, bao hàm ý nghĩa khả năng chịu đựng chi phí phá bỏ mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và đây cũng chính là một công cụ quan trọng của quốc gia trên trường quốc tế. Xem thêm David A. Baldwin (1980), “Interdependence and power: a conceptual analysis”, International Organization Vol. 34, No. 4; Keohane và Nye (1977), Power and Interdependence, Longman Classics; Helen Milner và Andrew Moravcsik (chủ biên) (2009), Power, Interdependence, and Non State Actors in World Politics, Princeton University Press.

[18] Xem Joseph M. Grieco (1988), “Anarchy and the Limits of Cooperation: A Realist Critique of the Newest Liberal Institutionalism”, International Organization, Vol. 42, No. 3, tr. 485-507; John Mearsheimer (1994), “The False Promise of International Institutions”, International Study, Vol. 19, No. 3, tr. 5-49.

[19] “Tình thế lưỡng nan” không phải bởi quốc gia không thoát ra được mà thật sư “lưỡng nan” vì quốc gia biết làm sao để thoát ra – hợp tác với nhau, nhưng không cách nào hợp tác được do không có gì bảo đảm đối phương sẽ không gian lận.

[20] Tổ chức có quy mô càng lớn thì cái giá của sự bất tuân (bị khai trừ) càng cao. Ví dụ, đối với WTO hiện nay khó có thể hình dung rằng có một nước nào không chấp hanh phán quyết của tổ chức này do bị trừng phạt bởi WTO đồng nghĩa với việc bị cấm vận bởi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

[21] Xem thêm Keohane (1989), International Institutions and State Power, WestView Press, đặc biệt là chương 4 “The Theory of Hegemonic Stablility and Changes in International Economic Regimes”, tr. 74-100; After Hegemony: Cooperation and Discord in World Political Economy, Princeton University Press.

[22] Điểm thú vị là Kenneth Waltz có cùng quan điểm như vậy; xem Waltz (1979), Theory of International Politics, chapter 9: The Management of International Affairs, tr. 194 – 210.

[23] Stephan Krasner (chủ biên) (1982), “International Regimes”, International Organization, Vol. 36, No. 2; xem thêm Andreas Hasenclever, Peter Mayer và Volker Rittberger (1997), Theories of International Regimes, Cambridge University Press.

[24] Tất nhiên ngoại trừ một số trường hợp khẩn cấp trong đó mọi người đều đồng ý rằng lợi ích an ninh của quốc gia bị đe dọa, ví dụ như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…

[25] Ba lợi ích an ninh, độc lập, phát triển kinh tế đã được Keohane đề cập, còn tác giả Vũ Khoan cũng cho rằng ba lợi ích chủ yếu của quốc gia là an ninh, phát triển và ảnh hưởng.

[26] Khái niệm “vai trò” của Wendt không phải một đặc tính đơn vị mà là đặc điểm hệ thống, vì mỗi hệ thống CTQT của Wendt sẽ có một loại vai trò khác nhau cho quốc gia (kẻ thù cho hệ thống kiểu Hobbes, đối thủ cho hệ thống kiểu Locke và bạn bè cho hệ thống kiểu Kant). Wendt làm rõ luận điểm của mình bằng phép so sánh với “vai trò” tổng thống trong hệ thống chính trị Mỹ: “tổng thống” có đặc tính hệ thống ở chỗ các chủ thể thực hiện chức năng này phải thực hiện những nhiệm vụ riêng và có chức năng quyền hạn theo quy định của hệ thống, bất kể chủ thể đó có đặc tính nào đi nữa, Wendt (1999), Sđd.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]