Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “The Making of Euro-Jihadism”, Project Syndicate, 05/05/2016.
Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nhà sử học người Bỉ Henri Pirenne đã liên hệ việc châu Âu trở thành một lục địa Thiên chúa giáo vào thế kỷ thứ 8 với sự tuyệt giao với Hồi giáo. Pirenne có lẽ sẽ không bao giờ ngờ được rằng sẽ xuất hiện một khu ổ chuột Hồi giáo ở Brussels, chứ chưa nói đến việc nó sẽ trở thành trung tâm của chủ nghĩa thánh chiến, với những tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi giận dữ và bị gạt ra rìa – những người nổi loạn chống lại châu Âu ngay bên trong biên giới của nó.
Sự tách biệt (với Hồi giáo) không phải là lựa chọn ở ngày nay. Nhưng một kiểu kết hợp hài hòa được học giả Hồi giáo Tariq Ramadan ủng hộ cũng không phải là một lựa chọn. Ramadan, cháu trai của nhà sáng lập nên Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, là một công dân Thụy Sỹ và trú tại Vương quốc Anh, người đã biện luận rằng các đạo đức và giá trị Hồi giáo nên được đưa vào hệ thống châu Âu. Sau đó, châu Âu sẽ không chỉ khoan dung với Hồi giáo, mà còn xem nó như một phần không thể thiếu.
Vấn đề đối với cách nhìn của Ramadan đó là châu Âu là một lục địa phần lớn là thế tục, với cách tiếp cận mang tính rất cởi mở, hướng về phía trước đối với đạo đức. Ngược lại, các xã hội Hồi giáo đều mang tính tôn giáo và gắn bó sâu sắc vào quá khứ. Khi các học giả Hồi giáo nói chuyện về cải cách xã hội hay chính trị, họ thường nhìn về quá khứ, mong muốn gợi lại quãng thời gian khi mà các nguyên tắc cốt lõi của châu Âu – từ bình đẳng giới đến hôn nhân đồng tính – không được thừa nhận. Thậm chí cả những tín đồ Hồi giáo ủng hộ cách tân đạo Hồi cũng thường bác bỏ quan điểm về đạo đức của châu Âu.
Các lỗ hổng trong giải pháp đề xuất của Ramadan đối với chủ nghĩa thánh chiến ở châu Âu phản chiếu chính những lỗ hổng trong cách giải thích của ông cho hiện tượng này, thứ ông chủ yếu quy cho sự dính dáng của châu Âu vào các cuộc chiến ở Trung Đông, hay việc châu Âu được cho là cấu kết với hành động đàn áp của Israel đối với người Palestine, và sự ủng hộ của châu Âu dành cho những kẻ chuyên quyền Ả-rập. Ông viết, “Chúng ta không thể ủng hộ chế độ độc tài…, im lặng khi dân chúng bị tàn sát ở phía nam biên giới của chúng ta, và trông chờ rằng chúng ta sẽ không phải nhận lại phản ứng đối với sự bất công và nhục nhã mà chúng ta đã gây ra.”
Nhưng chính Hoa Kỳ mới là người khai chiến ở Iraq và Afghanistan, ủng hộ vô điều kiện Israel, và nhiều lần chống lưng cho các chế độ độc tài Ả-rập. Và chính châu Âu đã kiên định chỉ trích những chính sách đó – thường rất mạnh mẽ. Nhưng nước Mỹ lại đang tránh được làn sóng lớn của tinh thần thánh chiến ngay bên trong biên giới nước này.
Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama rút lại một vài chính sách nêu trên có thể sẽ giúp ích. Ví dụ, khi các cuộc nổi loạn mùa xuân Ả-rập nổ ra, ông đã nhanh chóng cắt đứt sự ủng hộ dành cho Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cho phép những người chống đối – vốn được truyền cảm hứng bởi mô hình dân chủ phương Tây – đạt được việc thay đổi chế độ. Sự trở lại của chế độ độc tài tại Ai Cập vào năm 2013, thông qua cuộc đảo chính của Abdel Fattah el-Sisi, dĩ nhiên không được Hoa Kỳ hay châu Âu giúp đỡ, cả hai đều ủng hộ tổ chức được bầu cử dân chủ là Tổ chức Anh em Hồi giáo.
Châu Âu đã đề xuất những trợ giúp thậm chí còn trực tiếp hơn dành cho các nước Ả-rập trong những năm gần đây. Nếu không nhờ sự can thiệp quân sự của châu Âu, người dân Libya sẽ vẫn còn sống dưới chế độ chuyên chế Muammar el-Qaddafi. Đúng vậy, châu Âu có lẽ đã hành động nhiều hơn thế nhằm ngăn chặn những cuộc hỗn loạn tiếp theo ở Lybia. Nhưng người dân Libya rõ ràng phải chịu trách nhiệm cho việc gia tăng các nhóm dân quân đối địch, những lực lượng từ chối hợp nhất để cứu vãn nhà nước khỏi sụp đổ hoàn toàn.
Nói rộng hơn, mặc dù phương Tây – đặc biệt là Hoa Kỳ – đã phạm phải những sai lầm chính sách nghiêm trọng trong thế giới Ả-rập trong vòng 50 năm qua, nhưng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài về sự sụp đổ của khu vực này. Đó phải là hậu quả của một cuộc khủng hoảng nền văn minh sâu sắc – thứ chỉ có thể được khắc phục bởi chính người dân của thế giới Ả-rập.
Nếu như chính sách đối ngoại của châu Âu không phải chịu trách nhiệm cho tình trạng rối loạn hiện tại của thế giới Ả-rập, nó dĩ nhiên không thể là lý do cho sự phát triển của chủ nghĩa thánh chiến ngay bên trong biên giới châu Âu. Vấn đề thực sự nằm ở chính châu Âu: tình trạng thiếu trầm trọng các chính sách hiệu quả liên quan đến công bằng xã hội, giáo dục, nhà ở và việc làm cho người Hồi giáo châu Âu trẻ tuổi. Việc bị gạt ra rìa gây ra tâm trạng bất mãn, thứ sau đó càng được thúc đẩy bởi tình cảm chống Hồi giáo ngày càng lớn (ở châu Âu) và sự phát triển của các phong trào cánh hữu xấu xí ở khắp nơi trên lục địa này.
Mối liên hệ này rõ ràng ở chỗ đa số người theo chủ nghĩa thánh chiến ở châu Âu có xuất thân nghèo khó. Không đặc biệt hiểu đúng các giáo huấn thực sự của Hồi giáo, và thiếu cơ hội cải thiện cuộc sống, họ trở thành nạn nhân dễ dàng của những người theo chủ nghĩa cực đoan. Chủ nghĩa thánh chiến, với sự chắc chắn tuyệt đối và nhiệm vụ lớn lao của nó, đã giúp những người này có được một ý thức về lẽ sống, niềm tự hào, và bản sắc – đó là chưa nói tới cảm giác phiêu lưu mạo hiểm – và một nơi để giải tỏa sự giận dữ của họ chống lại “quê hương” – nơi đã từ chối mang lại cho họ những điều như vậy.
Câu chuyện về người Hồi giáo ở Mỹ là tiêu chuẩn để đánh giá sự thất bại của châu Âu. Giống như phần lớn người Mỹ, các tín đồ Hồi giáo ở Hoa Kỳ duy trì niềm tin nhất định vào giấc mơ Mỹ. Họ phần lớn xuất thân từ tầng lớp trung lưu, và bất chấp tất cả những lời bàn tán về sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng, họ không từ bỏ niềm tin rằng, ở Hoa Kỳ, lao động chăm chỉ và sáng tạo sẽ được đền đáp.
Mỹ là đất nước của dân nhập cư, với một nền kinh tế năng động đã cho phép những người mới đến, lớp này qua lớp khác, đạt được thành công vĩ đại. Ngược lại, ở châu Âu, cải thiện địa vị xã hội của một người luôn rất khó khăn; và, vào thời điểm trì trệ kinh tế và tình trạng thất nghiệp cao đáng kinh ngạc, việc đó không thể trở nên dễ dàng hơn chút nào.
Về mặt xã hội, nước Mỹ cũng trao cho các tín đồ Hồi giáo một vài thứ mà châu Âu không có. Nền văn hóa cơ bản mang tính tôn giáo của nước này cho phép người Hồi giáo giữ lại bản sắc của mình ở mức độ lớn hơn nhiều so với châu Âu phi tôn giáo. Thật sự, các giá trị cốt lõi của nước Mỹ – trách nhiệm cá nhân và chủ nghĩa yêu nước theo hiến định – có thể dễ dàng được tín đồ Hồi giáo chấp nhận hơn so với xu hướng thế tục mạnh mẽ của chủ nghĩa tự do. Kết quả là việc hòa nhập và đồng hóa thường dễ dàng hơn đối với người Hồi giáo ở Mỹ.
Tất cả những điều đó cho thấy châu Âu cần phải tự xem xét lại nội bộ để giải quyết một cách hiệu quả chủ nghĩa thánh chiến do chính mình tạo ra. Điều này không có nghĩa là họ phải làm dịu bớt chủ nghĩa thế tục của mình, chứ chưa nói đến các giá trị tự do của nó. Đúng hơn, châu Âu phải thổi sức sống vào “giấc mơ châu Âu” của chính mình, bảo đảm rằng tất cả mọi người có thể tiếp cận được với những cơ hội thực sự để cải thiện cuộc sống của họ. Nếu không, châu lục này sẽ phải đối mặt với một “thế hệ mất mát” gồm hàng triệu người trẻ Hồi giáo cũng như các nhóm có xuất thân khác tại châu Âu.
Sholomo Ben – Ami, nguyên Ngoại trưởng Israel, là Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì Hòa bình Toledo. Ông là tác giả của cuốn Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli – Arab Tragedy.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Making of Euro-Jihadism
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]