Tác giả: Phạm Thủy Tiên
Sự kiện 11/9 là sự kiện liên quan đến một loạt cuộc tấn công cảm tử do nhóm khủng bố al-Qaeda thực hiện tại Mỹ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Buổi sáng hôm đó, 11 tên không tặc đã cùng lúc cướp 4 chiếc máy bay dân sự nội địa, 2 trong số đó đã đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center – WTC) tại thành phố New York, khiến tất cả các hành khách trên 2 chiếc máy bay cùng hàng nghìn người khác đang làm việc trong tòa nhà thiệt mạng. Cả 2 tòa tháp đổ sập trong vòng 2 giờ, khiến những tòa nhà gần đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chiếc máy bay thứ 3 đâm vào Lầu Năm Góc, tổng hành dinh Bộ Quốc phòng Mỹ, tại Arlington, Virginia, cách thủ đô Washington D.C không xa. Chiếc máy bay thứ 4 rơi xuống một cánh đồng gần Shankvilles thuộc bang Pennsylvania sau khi các hành khách và đội bay chống cự với những tên không tặc để giành quyền kiểm soát chiếc máy bay.
Như vậy, ngoài 19 tên không tặc, có tổng cộng 2819 nạn nhân đã chết, trong đó có rất nhiều nạn nhân là người nước ngoài đang làm việc tại Mỹ.
Theo kết quả điều tra của chính phủ Mỹ, 19 tên không tặc đều là thành viên của tổ chức khủng bố Hồi giáo al-Qaeda, do Osama bin Laden làm thủ lĩnh. Sau vài lần từ chối nhận trách nhiệm liên đới trong vụ tấn công, năm 2004, Osama bin Laden đã công khai thừa nhận sự dính líu của al-Qaeda và nhận mình có liên hệ trực tiếp với vụ tấn công này. Ủy ban 11/9 trong bản tường trình ngày 22 tháng 6 năm 2004 kết luận, cuộc tấn công được lập kế hoạch và tiến hành bởi các đặc vụ của al-Qaeda. Ủy ban cho rằng al-Qaeda chi một khoản tiền từ 400.000 USD – 500.000 USD để lập kế hoạch và tiến hành vụ tấn công, nhưng nguồn gốc số tiền trên vẫn chưa được xác minh.
Hậu quả
Thiệt hại tài sản
Con số tổng thiệt hại tài sản trong vụ 11/9 đến nay vẫn chưa được công bố, nhưng theo ước tính, nó có thể lên đến gần 100 tỷ USD. Tòa Tháp đôi cao 110 tầng của WTC, cùng với 4 tòa nhà khác thuộc khu vực WTC, phức hợp Trung tâm Tài chính Thế giới, và Nhà thờ Chính Thống giáo St. Nicholas, 4 trạm tàu điện ngầm hoặc bị sụp đổ hoàn toàn hoặc bị thiệt hại nặng nề. Tính tổng cộng, trong khu vực Manhattan có 45 tòa nhà bị thiệt hại. Các thiết bị truyền thông như tháp truyền hình, truyền thanh, radio hai chiều bị phá hủy. Tại Arlington, một phần của tòa nhà Lầu năm góc bị hư hại nghiêm trọng do hỏa hoạn, một phần khác bị sụp đổ.
Sự kiện 11/9 qua những con số |
911: sự kiện 11/9, đồng thời là số điện thoại khẩn cấp của Mỹ
614: nhân viên thiệt mạng trong tòa tháp 1 1.402: nhân viên thiệt mạng trong tòa tháp 2 1.609: người mất chồng/vợ/người yêu 1.717: người không tìm được thi thể 3.051: trẻ em mất cha mẹ 19.858: phần cơ thể được tìm thấy 146.100: công việc bị mất sau vụ tấn công 422.000: người bị ảnh hưởng tâm lý 600 triệu USD: chi phí dọn dẹp 1.4 tỷ USD: tiền quyên góp cho các nạn nhân |
Kinh tế
Thị trường chứng khoán Mỹ phải đóng cửa trong suốt tuần xảy ra vụ tấn công và phải chịu mất giá lớn khi mở cửa trở lại, đặc biệt là cổ phiếu của ngành hàng không và bảo hiểm. Hàng tỷ USD thiệt hại từ các văn phòng đã gây nên những thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Hạ Manhattan. Tổng thiệt hại đối với thị trường bảo hiểm ước tính vào khoảng 40 tỷ USD.
Ngay sau vụ tấn công, các chuyến bay nội địa đã bị hủy trong 4 ngày, vì lo ngại có thêm các vụ tấn công khác. Lượng du lịch bằng máy bay giảm hẳn, do hành khách cắt giảm du lịch, khiến ngành hàng không Hoa Kỳ thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD. Theo Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Mỹ, hơn 500.000 công nhân làm trong các ngành công nghiệp liên quan đến du lịch đã mất việc làm trên toàn quốc. Những nơi công cộng khác (trung tâm mua sắm, nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát…) cũng sụt giảm lượng khách đáng kể sau vụ tấn công vì những nơi này được cho là mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố. Hơn 18.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa. Các ngành công nghiệp khác như lâm ngư nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tinh thần
Một báo cáo cho thấy 30% người New York phải chịu những áp lực tâm lý “hậu thảm họa” trong vòng nửa năm, như mất ngủ, ác mộng, tự cô lập và trầm cảm. Đây là những hậu quả không thể đếm bằng tiền. Một sự kiện chấn động với hàng loạt thương vong và mất mát khiến người ta nhận thức được sự mong manh của cuộc sống. Báo cáo chỉ ra, đây là thời điểm con người nhìn nhận toàn cảnh cuộc sống của mình và tập trung vào những thứ mà họ thật sự bận tâm, nổi bật nhất là nhu cầu gắn kết với những người yêu quý. Các chỉ số về lòng yêu nước, lòng vị tha và tín ngưỡng tôn giáo cũng tăng.
Một cuộc khảo sát qua thư điện tử trên 22.097 người lớn ở 50 bang của Mỹ đã được tiến hành từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2002. Trong cuộc khảo sát, có một phần bắt đầu bằng câu hỏi: “Sau các sự kiện thảm họa ngày 11 tháng 9, bạn sẽ làm những điều sau đây nhiều hơn, ít hơn hay không có gì thay đổi so với trước đó?”, theo sau là một danh sách các hoạt động.
Kết quả khảo sát cho thấy, những hoạt động giảm đi là: du lịch, ăn tối bên ngoài, đi đến trung tâm thương mại, đến rạp chiếu phim/nhà hát. Những hoạt động tăng lên là: tiếp xúc xã hội, thăm gia đình, dành thời gian cho con cái, các hoạt động tôn giáo, để dành tiền, làm từ thiện và sử dụng các phương tiện truyền thông.
Rõ ràng, sự kiện 11/9 đã gây hoảng loạn cho người dân Mỹ vì nó cho thấy bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của các vụ tấn công tương tự.
Những tác động “hậu 11/9”
Sự kiện 11/9 là một cột mốc trong nền chính trị thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, để lại nhiều tác động lâu dài. Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng sự kiện 11/9 mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại – thời kỳ Hậu hiện đại.
- Nước Mỹ
– Danh dự, sự kiêu ngạo và an ninh
Sự kiện 11/9 là một đòn giáng mạnh mẽ vào những giá trị mà người Mỹ luôn tự hào đứng đầu thế giới, một trong số đó là hệ thống phòng thủ. Tòa tháp đôi WTC sụp đổ cũng đánh dấu sự đổ sụp niềm tin của người dân Mỹ vào một “đất nước được đảm bảo an toàn”. Người Mỹ chưa bao giờ hoảng loạn đến vậy, cũng như chưa bao giờ họ cảm thấy nước Mỹ đang ở trong tình trạng thiếu an ninh đến vậy. Chỉ số niềm tin vào chính phủ tụt xuống nhanh chóng.
Đây là một cú sốc đối với chính quyền Washington, cụ thể là đối với sự kiêu hãnh và danh dự của những nhà cầm quyền. Nếu như trước kia nước Mỹ thường luôn ở thế chủ động tấn công, thì nay họ bắt đầu “cay đắng” nhận ra, nước Mỹ có thể bị tấn công bởi các lực lượng “vô hình”. Kẻ thù trong quá khứ cần có lực lượng quân sự lớn và tiềm lực công nghệ cao mới có thể đe dọa nước Mỹ. Bây giờ, các mạng lưới mờ ảo của các cá nhân cũng có thể đem đến những xáo trộn lớn và gây tổn hại cho những trụ cột của chúng ta (Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ – 20/09/2002)
Ngay sau sự kiện 11/9/2001, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell tuyên bố đất nước ở trong tình trạng chiến tranh với chủ nghĩa khủng bố, và Tổng thống George W. Bush thông báo bắt đầu “cuộc chiến tranh đầu tiên của thế kỷ XXI” – cuộc chiến chống khủng bố. “Chủ nghĩa khủng bố” trở thành mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại và các chiến lược an ninh suốt 2 nhiệm kỳ của tổng thống George W. Bush.
Song song với việc truy quét khủng bố là việc tăng cường an ninh quốc gia. Trong đó, hành động “tái cơ cấu” được cho là lớn nhất kể từ thời chính quyền Tổng thống Truman là việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia và tổ chức lại Bộ Quốc phòng. Chính quyền Washington đặt trọng tâm vào Bộ An ninh Nội địa mới được thành lập, bao gồm bộ tư lệnh quân sự hợp nhất mới và việc tái sắp xếp cơ bản Cục Điều tra Liên bang (FBI).
– Thay đổi chính sách đối ngoại và cách tiếp cận lợi ích
“Chống khủng bố” trở thành một ngọn cờ triệu tập lực lượng mới của Mỹ và cụm từ này như một ranh giới phân chia khu vực bạn – thù với Washington: hoặc đứng về phía Mỹ chống chủ nghĩa khủng bố, hoặc là những kẻ khủng bố (dù chỉ cung cấp vũ khí, hay chứa chấp hoặc chỉ đơn giản là không ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến mới do Tổng thống Bush phát động). Chủ nghĩa khủng bố trở thành chủ đề trung tâm chi phối các vấn đề khác trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là đập tan và phá hủy các tổ chức khủng bố trên toàn cầu và tấn công bộ máy chỉ huy của chúng, bộ phận điều khiển, kiểm soát và thông tin liên lạc, sự ủng hộ vật chất và cung cấp tài chính. Điều này sẽ làm cho bọn khủng bố mất khả năng lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động khủng bố (Chiến lược Quốc gia chống Khủng bố của Mỹ- tháng 02/2003)
Chiến lược “đánh đòn phủ đầu” do Tổng thống Bush khởi xướng trở thành cốt lõi của chính sách an ninh mới. Theo đó, Mỹ đã mở các cuộc tấn công vào Afghanistan (2001) và Iraq (2003) để truy đuổi quân Taliban cùng những tên khủng bố al-Qaeda. Chính những cuộc chiến sa lầy, đầy tốn kém và nhiều thương vong này mà nước Mỹ từ chỗ được cộng đồng thế giới ủng hộ “chống khủng bố” đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín – cả trên phương diện quốc tế và trong nước.
Tóm lại, các thay đổi chính trong chính sách của Mỹ sau Sự kiện 11/9 bao gồm:
- Chống khủng bố trở thành ưu tiên hàng đầu;
- Củng cố sức mạnh đồng minh, ngăn chặn kẻ thù không đe dọa đến Mỹ và đồng minh, đặc biệt là bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD);
- Chuyển đổi các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ nhằm đáp ứng các thách thức an ninh của thế kỷ 21.
- Thế giới
Sự kiện 11/9 tạo ra những phản ứng khác nhau trong nền chính trị toàn cầu. Hầu như các chính phủ và phương tiện truyền thông trên khắp thế giới đều gay gắt lên án hành động khủng bố. Những nhà lãnh đạo của hầu hết các quốc gia Trung Đông đều lên án vụ tấn công, trừ trường hợp Iraq. Nước này đưa ra một thông báo chính thức tuyên bố rằng “những gã cao bồi Mỹ đang hứng chịu hậu quả tội ác của họ chống lại nhân loại”.
Các đồng minh của Mỹ, dưới sự khởi xướng của Washington, cũng đã đồng lòng tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố. Khi mới bắt đầu cuộc chiến này, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Bush tăng nhanh chóng. Rất nhiều quốc gia đồng ý cho máy bay Mỹ bay qua không phận nước mình, chia sẻ các thông tin tình báo; một vài đồng minh thân cận với Mỹ như Anh còn đồng ý cung cấp tàu ngầm và các thiết bị quân sự khác. Các đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tham gia tập trận và nhận sự huấn luyện từ quân đội Mỹ. Thậm chí quốc gia từng được coi là địch thủ của Mỹ là Nga cũng đứng về phía Washington chống khủng bố.
Tuy nhiên, hầu như không có nhiều thay đổi rõ nét trong chính sách của các quốc gia này như đã diễn ra ở Mỹ, ngoài việc gửi quân (dù với số lượng ngày càng ít dần) tham chiến tại các chiến trường. Trong khi đó, một số quốc gia như Trung Quốc lại nhân cơ hội Mỹ mải lo đối đầu với chủ nghĩa khủng bố để phát triển lớn mạnh và gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Như vậy, sự kiện 11/9 đã khởi đầu cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố kéo dài cho đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]