Tập Cận Bình và di sản của Cách mạng Văn hóa

1463365853390

Nguồn: Ma Jian, “A Son of the Cultural Revolution”, Project Syndicate, 10/05/2016.

Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Đến tháng 5 năm 2016 này là tròn 50 năm Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc – một thập niên đầy những hỗn loạn, bức hại và bạo lực – nhân danh hệ tư tưởng và nhằm mở rộng quyền lực cá nhân của Mao. Tuy nhiên, thay vì phản ánh di sản tiêu cực của sự kiện đó, chính quyền Trung Quốc lại hạn chế tất cả các thảo luận xoay quanh chủ đề này. Trong khi đó người dân Trung Quốc, tập trung vào sự sung túc nhờ những cải cách định hướng thị trường được thực hiện trong ba thập niên qua, đã bằng lòng với quyết định đó của chính phủ. Song, đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành các đợt thanh trừng mạnh tay và tạo ra sự sùng bái cá nhân của riêng mình, thì việc chôn vùi quá khứ sẽ không còn vô hại nữa.

Vào tháng 8 năm 1966, Mao xuất bản cuốn Pháo đả tư lệnh bộ – Bản đại tự báo của tôi (炮打司令部 – 我的一张大字报), tài liệu nhằm mục đích cho phép thanh trừng lãnh đạo “có khuynh hướng tư bản” của Đảng Cộng sản Trung Quốc thời đó là Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ. Trên tờ “áp phích”, Mao kêu gọi giới trẻ Trung Quốc “kéo hoàng đế rơi khỏi lưng ngựa” và tiến hành một cuộc nổi dậy quần chúng.

Giới trẻ nhanh chóng hưởng ứng kế hoạch này. Các nhóm bán quân sự của sinh viên có tên “Hồng vệ binh” chẳng mấy chốc đã có mặt ở khắp nơi trên cả nước để thực hiện ý đồ của Mao. Chỉ trong vòng 100 ngày, Mao đã thanh trừng xong những “cái gai” trong giới lãnh đạo Trung ương Đảng, gồm có Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.

Nhưng không chỉ có kẻ thù chính trị của Mao mới là mục tiêu bị tấn công. Chỉ tính riêng tháng 8 và tháng 9 năm đó, Hồng vệ binh đã ra tay sát hại hơn 1.700 người bằng đánh đập hoặc ép buộc tự sát, và trục xuất gần 100.000 người dân Bắc Kinh sau khi thiêu rụi nhà và tài sản của họ. Các giáo viên là những người dễ bị tổn thương nhất. Cứ mỗi lần Hồng vệ binh xuất hiện tại các trường tiểu học, trung học hay đại học, giáo viên và ban giám hiệu đều bị đuổi đi.

Chẳng bao lâu sau, Mao “trở mặt” với Hồng vệ binh và cáo buộc họ là “quân tốt” của những người có khuynh hướng tư bản. Sau khi đưa quân đội kiểm soát toàn lãnh thổ Trung Quốc, Mao đưa thêm những tên phiến loạn vô sản mới vào các đơn vị Hồng vệ binh, thường xuyên trục xuất các thành viên ban đầu của lực lượng Hồng vệ binh tới những ngôi làng xa xôi hẻo lánh để “cải tạo lại”.

Đối với Tập, những sự kiện của Cách mạng Văn hóa đã gây biến động lớn tới gia đình ông. Cha ông là Tập Trọng Huân, một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản, đã bị bãi chức và bị bỏ tù, sau đó được đưa tới làm việc tại một nhà máy sản xuất máy kéo, còn gia đình ông bị phân tán về vùng nông thôn.

Thế nhưng, thay vì từ bỏ tư tưởng và tổ chức đã khiến gia đình và đất nước ông bị chia cắt, Tập lại áp dụng các tư tưởng và công cụ chủ yếu của Cách mạng Văn hóa làm phương tiện cho mình. Bản thân Tập có vẻ vẫn đang lưu giữ trong mình tư tưởng hiếu chiến của thanh niên thời Cách mạng Văn hóa. Ông coi quyền lực là kim chỉ nam và sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để có được nó. Trong nỗ lực đó, ông có một lợi thế then chốt: di sản của Mao.

Trải qua nhiều thập niên, Mao đẩy mạnh hình thức đấu tranh giai cấp để công dân có thể đấu tố lẫn nhau, thậm chí với cả bạn bè thân thiết nhất, với hàng xóm và người thân trong gia đình. Khi sự mất an toàn cận kề, bất kể là ai, thậm chí không phải là đảng viên, cũng đều trở thành đầy tớ của Đảng. Lợi dụng tâm thế lo sợ của người dân, nhà nước âm thầm làm tan biến bản sắc cá nhân một cách hiệu quả.

Sự tàn bạo mà Cách mạng Văn hóa đòi hỏi để áp đặt quyền lực tuyệt đối lên người dân là một bài học Tập có vẻ thờ ờ. Ông chỉ quan tâm tới phần “quyền lực tuyệt đối” mà thôi. Khi Tập đang nỗ lực thâu tóm quyền lực tuyệt đối, những người còn sống sót sau Cách mạng Văn hóa – vốn hiểu hậu quả của việc bị đe dọa phải lựa chọn chính trị thay vì lợi ích cá nhân – đã trở thành vốn liếng chính trị đáng tin cậy nhất của Tập.

Tập biết rằng chỉ khi củng cố được quyền lực của Đảng và cương vị lãnh đạo Đảng của mình thì ông mới có được điều mình muốn. Do đó, ông tuyên bố rằng nội bộ Trung Quốc đang có một mối đe dọa nghiêm trọng – đó chính là những lãnh đạo tham nhũng, bất trung – và đã tuyên bố sự trung thành với Đảng là yếu tố tối quan trọng.

Chỉ có hai loại người: Những người ủng hộ và không ủng hộ Đảng. Giống như Mao năm 1966, Tập tin rằng, quyền lực của ông phụ thuộc vào việc khiến mỗi người dân Trung Quốc – từ quan chức chính phủ tới công dân – đều trở nên trung thành và phục tùng, và ông sẽ sử dụng bất cứ biện pháp nào có thể để đạt được mục tiêu này. Quyền lực được dựa vào việc đàn áp những người đối lập, chẳng hạn như người đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba và hàng vạn các học giả, tác giả khác đang bị cầm tù.

Tập không chỉ trông chờ vào nỗi sợ hãi để củng cố quyền lực, mà ông còn cố gắng giành được sự ủng hộ của dân chúng dựa trên một hệ tư tưởng mới giúp thống nhất người dân mang tên Giấc mộng Trung Hoa, bao gồm các giá trị và mục tiêu xã hội chủ nghĩa nhằm mang lại “sự đại cải hoàn dân tộc Trung Hoa.” Tư tưởng này được thực hiện bằng thứ chủ nghĩa dân tộc kích động vốn miêu tả thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, là đang tìm cách ngăn không cho Trung Quốc có được vị trí xứng đáng đứng đầu trật tự thế giới. Ông còn nuôi dưỡng sự sùng bái cá nhân vốn chưa từng xuất hiện kể từ thời Mao.

Năm mươi năm sau Cách mạng Văn hóa, tội ác và những lỗi lầm của nó vẫn chưa thể nào gột sạch hết. Trái lại, người ta đang sử dụng nó để bào chữa cho các cuộc đàn áp xã hội và chính trị mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực của Tập, việc ông cố gắng có được thứ uy quyền kiểu Mao nhiều khả năng sẽ có kết cục rất khác. Năng lực quản lý kinh tế kém cỏi cùng các đợt thanh trừng chính trị và đàn áp sẽ dần tạo ra những cán bộ ngầm chống đối ông. Khi những thất bại kinh tế nhanh chóng biến thành bất ổn chính trị, thì lực lượng Hồng vệ binh năm xưa có thể một lần nữa sẽ diễn lại vai trò cốt yếu của mình trong Cách mạng Văn hóa với sự giúp sức của một thế hệ trẻ thiếu nhận thức về lịch sử. Lần này, vị “hoàng đế” bị ngã ngựa sẽ là Tập.

Ma Jian (Mã Kiến) là tác giả của cuốn Beijing Coma, và gần đây nhất là cuốn The Dark Road.

Hình: Tập Cận Bình thời trẻ và cha là Tập Trọng Huân. Nguồn: Sydney Morning Herald.

Copyright: Project Syndicate 2016 – A Son of the Cultural Revolution
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]