Hóa giải mối đe dọa toàn cầu đối với dân chủ

tax-avoidance-659x380

Nguồn: Ngaire Woods, “Confronting the Global Threat to Democracy”, Project Syndicate, 03/06/2016

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trên khắp thế giới, các nhà dân túy đang thu hút phiếu bầu với lời hứa sẽ bảo vệ dân thường khỏi những thực tế khắc nghiệt của toàn cầu hóa. Để đạt được mục đích này, họ khẳng định giới chính trị gia dân chủ dòng chính là không đáng tin, vì họ còn quá bận rộn bảo vệ những người giàu có – một thói quen mà toàn cầu hóa chỉ tăng cường thêm.

Suốt nhiều thập niên, toàn cầu hóa đã hứa sẽ mang lại lợi ích cho tất cả. Trên phạm vi quốc tế, nó đã tạo điều kiện cho sự phát triển của những “con hổ châu Á” và các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), giúp tăng trưởng nhanh chóng ở khắp châu Phi, và tạo điều kiện cho sự bùng nổ ở các nước phát triển cho tới năm 2007. Nó cũng tạo ra những cơ hội mới và tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, nhiều nước giàu đã phải thắt lưng buộc bụng; các nền kinh tế châu Á phát triển chậm lại; BRICS trì trệ; và nhiều nước châu Phi trở lại cảnh nợ nần.

Tất cả điều này đã góp phần làm gia tăng bất bình đẳng – “nguồn” nuôi dưỡng của sự bất mãn. Emmanuel Saez và Gabriel Zucman ước tính rằng ở Mỹ, khoảng cách giàu nghèo hiện đang là rộng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái (1929-1933), khi 1% số hộ gia đình giàu nhất hiện đang nắm giữ gần một nửa số tài sản của quốc gia.

Tại Anh, Văn phòng Thống kê Quốc gia báo cáo rằng trong giai đoạn 2012-2014, nhóm giàu nhất chiếm 10% dân số nhưng sở hữu tới 45% tổng số tài sản hộ gia đình. Kể từ tháng 7/2010, nhóm giàu nhất này đã giàu lên nhanh gấp ba lần so với những người thuộc “nửa dưới” của dân số.

Tại Nigeria, mức tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc, đạt trung bình 7%/năm kể từ năm 2000, có thể đã giúp giảm nghèo ở phía tây nam của đất nước; nhưng ở phía đông bắc (nơi nhóm cực đoan Boko Haram hoạt động mạnh nhất), bất bình đẳng giàu nghèo và nghèo đói đã xuất hiện một cách đáng báo động. Xu hướng tương tự cũng xuất hiện từ Trung Quốc, Ai Cập, tới Hy Lạp.

Cùng với sự bất bình đẳng, sự suy giảm lòng tin của công chúng đã làm dấy lên cuộc nổi dậy chống lại toàn cầu hóa và dân chủ. Ở khắp các nước phát triển và đang phát triển, nhiều người nghi ngờ rằng người giàu đang ngày càng giàu hơn vì họ không tuân theo những quy định tương tự như những người khác.

Không khó để hiểu tại sao. Khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại, sự vi phạm lòng tin của những người ở lớp trên của xã hội trở nên rõ ràng hơn. Ở Anh, vào năm 2013, Amazon, Starbucks, và Google gây phẫn nộ lớn khi lợi dụng lỗ hổng [luật pháp] để gần như không phải trả đồng thuế nào, khiến chính phủ Anh đã phải dẫn dắt nhóm G8 đưa ra một tuyên bố nhằm làm giảm tình trạng trốn thuế và tránh thuế. Trong năm 2015, một cuộc kiểm toán đối với Tổng công ty Dầu khí quốc gia Nigeria thuộc sở hữu nhà nước cho thấy có khoảng 20 tỉ USD doanh thu đã không bao giờ được nộp cho các cơ quan dưới thời chính phủ tiền nhiệm.

Vấn đề dường như mang tính hệ thống. Năm nay, Hồ sơ Panama vạch trần cách mà giới nhà giàu trên thế giới tạo ra các công ty bí mật ở nước ngoài, cho phép họ tránh được giám sát tài chính và thuế. Và các ngân hàng lớn nhất thế giới đã phải đối mặt với mức tiền phạt chưa từng có trong những năm gần đây vì hành vi vi phạm luật pháp trắng trợn.

Nhưng, bất chấp dư luận tiêu cực mà các trường hợp như vậy tạo ra, chưa hề có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Gần một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chỉ có một giám đốc ngân hàng phải vào tù. Thay vào đó, nhiều chủ ngân hàng lại đi theo con đường tương tự như Fred Goodwin, người đứng đầu Ngân hàng Hoàng gia Scotland của Anh, người tạo ra khoản lỗ chồng chất đến 24,1 tỷ bảng Anh (34,2 tỷ USD), nhưng sau đó đã từ chức và được hưởng một khoản lương hưu hậu hĩnh. Dân thường – chẳng hạn như người cha của ba đứa con đã bị bỏ tù tại Anh vào tháng 9/2015 vì khoản nợ cờ bạc 500.000 bảng – lại không được hưởng “sự trừng phạt” như vậy.

Tất cả điều này giúp giải thích tại sao các phong trào chống các chính trị gia dòng chính (anti-establishment) được đà phát triển trên toàn thế giới. Những phong trào này cùng chia sẻ một cảm giác “bị tước tiếng nói” – cảm giác rằng chính quyền không thể đem đến sự công bằng (a fair shake) cho dân thường. Họ chỉ ra các kết quả bầu cử đã bị “mua” bởi những nhóm lợi ích đặc biệt, chỉ ra các khuôn khổ pháp lý và điều tiết khó hiểu dường như đang gian lận, làm lợi cho những kẻ giàu, chẳng hạn như các quy định ngân hàng mà chỉ có những tổ chức lớn mới có thể đáp ứng, hay các hiệp ước đầu tư được đàm phán trong bí mật.

Chính phủ đã cho phép toàn cầu hóa- và những người  giàu có thường xuyên chuyển chỗ ở – vượt mặt họ. Toàn cầu hóa đòi hỏi phải có quy định và quản lý. Nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm. Và nó cũng đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu sâu rộng và hiệu quả. Khi các chính phủ thất bại trong việc hợp tác hồi những năm 1930, toàn cầu đã đột ngột dừng lại.

Phải đến khi có một loạt nỗ lực được quản lý chặt chẽ và cẩn thận sau Thế chiến II, nền kinh tế thế giới mới mở cửa và cho phép toàn cầu hóa “khởi động lại” lần nữa. Thế nhưng, dù nhiều quốc gia đã tự do hóa thương mại, kiểm soát vốn vẫn đảm bảo rằng dòng “tiền nóng” không thể vào và ra khỏi các nền kinh tế một cách dễ dàng. Trong khi đó, các chính phủ đã đầu tư lợi nhuận từ tăng trưởng vào giáo dục chất lượng cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và hệ thống phúc lợi xã hội vốn làm lợi cho số đông người dân. Vì công việc của chính phủ càng phát triển, nên nguồn lực đổ vào đầu tư cũng nhiều lên.

Đến những năm 1970, giới lãnh đạo và kinh doanh ở các nước giàu có đã trở nên tự mãn. Họ mù quáng tin vào lời hứa rằng thị trường tự cân bằng, tự kiềm chế sẽ tiếp tục tạo ra tăng trưởng. Đến khi tư tưởng chính thống mới này lan sang lĩnh vực tài chính vốn đầy nợ, thế giới đã bước sang giai đoạn đổ vỡ. Thật không may, nhiều chính phủ đã mất khả năng quản lý những lực lượng mà họ đã tự do hóa, và các lãnh đạo doanh nghiệp thì mất đi ý thức trách nhiệm đối với phúc lợi của xã hội nơi họ trở nên phát đạt.

Trong năm 2016, chúng ta học lại một điều rằng, về mặt chính trị, toàn cầu hóa cần phải được quản lý để không chỉ cho phép kẻ thắng cuộc giành được chiến thắng và còn phải đảm bảo rằng họ không lừa gạt hay bỏ bê trách nhiệm của mình đối với xã hội. Không được có chỗ cho các chính trị gia tham nhũng bắt tay với các lãnh đạo doanh nghiệp tham nhũng.

Khôi phục lại lòng tin của người dân sẽ rất khó khăn. Các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cần phải có được “giấy phép hoạt động” từ xã hội nói chung, và góp phần rõ rệt vào việc duy trì các điều kiện hỗ trợ cho sự thịnh vượng của họ. Họ có thể bắt đầu làm điều đó bằng cách nộp thuế.

Chính phủ sẽ cần phải tách mình ra khỏi các công ty không hoàn thành nghĩa vụ của họ. Hơn nữa, họ phải cải tổ hoạt động của mình, để chứng minh tính công bằng, không thiên vị của họ. Các quy định cứng rắn đòi hỏi phải có sự đầu tư đáng kể để nâng cao năng lực của chính phủ và các dịch vụ pháp lý hỗ trợ.

Cuối cùng, sự hợp tác toàn cầu là rất quan trọng. Toàn cầu hóa không thể bị xóa bỏ. Nhưng với một cam kết mạnh mẽ và có tính chia sẻ , nó có thể được quản lý.

Ngaire Woods là Hiệu trưởng của Trường Blavatnik về Quản trị Chính quyền và Giám đốc Chương trình Quản trị Kinh tế Toàn cầu tại Đại học Oxford.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Confronting the Global Threat to Democracy
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]