Những nhà cải cách ‘bất thường’

Print Friendly, PDF & Email

Gty_pope_sanders_mm_150922_16x9_992

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “The Improbable Reformers”, Project Syndicate, 28/04/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Suốt những năm qua, Đức Giáo hoàng Francis đã hồi sinh thông điệp cốt lõi của Giáo hội Công giáo thông qua những chỉ trích nhiệt tâm đối với “chủ nghĩa tư bản không kiểm soát”, đi kèm một thế giới quan mới tiến bộ hơn. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở Mỹ, chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders cũng đang làm điều tương tự đối với Đảng Dân chủ – và rộng hơn là cho chính trường Mỹ.

Thông điệp của Sanders vay mượn khá nhiều từ phong trào “Chiếm Phố Wall” (Occupy Wall Street – OWS), cũng như lời kêu gọi dùng vũ lực chống lại bất bình đẳng kinh tế của phong trào này. Nhưng thậm chí còn trước cả khi Sanders nổi lên như một ứng viên có thể trở thành đại diện của Đảng Dân chủ, Giáo hoàng Francis đã giành được trái tim của hàng triệu người với một thông điệp tương tự.

Giáo hoàng Francis đã lên án “khoảng cách ngày một gia tăng giữa những kẻ giàu hơn và những người chỉ sống bằng vụn bánh.” Tầm nhìn của ông về “một giáo hội nghèo và vì người nghèo” đã mang lại cho ông danh hiệu “Giáo Hoàng của Nhân dân.” Vì thế cũng không có gì ngạc nhiên khi năm ngoái, ông đã mời nhà văn và nhà hoạt động của OWS là Naomi Klein đến tham dự một hội nghị về môi trường mà ông chủ trì tại Rome.

Năm nay, Sanders cũng phát biểu tại chính hội nghị này, nói rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất đối với thế giới. Những quan điểm lâu nay của ông về chủ đề này cũng giống như của Giáo hoàng Francis, người mà trong một thông điệp mang tính đột phá đã chia sẻ quan điểm của cộng đồng khoa học về vấn đề biến đổi khí hậu. Cả Sanders và Francis đều gắn suy thoái môi trường với chủ nghĩa tư bản không kiểm soát, nhấn mạnh rằng các nước nghèo nhất thế giới đang phải gánh chịu hậu quả quá lớn từ tác động môi trường của các hoạt động vốn thường làm giàu cho các nước giàu nhất.

Thậm chí trong các chủ đề liên quan đến tình yêu và gia đình, Giáo hoàng Francis cũng tiến bộ hơn so với các bậc tiền nhiệm của ông. Dù tư tưởng của giáo hội Công giáo vẫn cho rằng hôn nhân là sự kết hợp không thể phá vỡ giữa một người nam và một người nữ, thì những lời lẽ khoan dung đối với người đồng tính và người ly dị của ông vẫn rất bất ngờ, nếu không muốn nói là mang tính đột phá.

Có một sự tương đồng thú vị giữa Sanders và Giáo hoàng Francis: đó là cả hai đều đang chuẩn bị bước sang tuổi 80. Thoạt nhìn thì quả là kỳ lạ, khi mà những người đàn ông tuổi hưu này lại là những nhân vật hàng đầu đang gợi cảm hứng và nói lên tiếng nói cho giới trẻ trong việc tìm kiếm sự thay đổi mang tính cách mạng. Nhưng thực ra mối liên hệ này cũng không đáng ngạc nhiên. Bởi suy cho cùng thì khi nói đến sự phẫn nộ về những bất công trên thế giới, người già cũng có thể nhiệt huyết như người trẻ.

Tác động của Sanders và Giáo hoàng Francis lên giới trẻ còn được tăng cường bởi cảm giác rằng, đối với cả hai, sự thật và đạo đức quan trọng hơn sự tự cao hay làm giàu. Cả hai đều thể hiện sự khiêm tốn – Giáo hoàng Francis đã từ chối lối sống kiểu vương giả của các bậc tiền nhiệm, còn tài sản ước tính của Sanders thì thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của một thượng nghị sĩ Mỹ – và bất chấp những quan điểm tiến bộ của họ, họ lại là những người (có phong cách) rất không hiện đại.

Hơn nữa, trong một chừng mực nào đó, Sanders và Giáo hoàng Francis đều tương đối là những “người ngoài cuộc”. Sanders có thể đã có một sự nghiệp lâu dài trong nền chính trị Mỹ, nhưng ông chỉ đại diện một bang nhỏ theo xu hướng tự do – bang Vermont, và ông thành tâm lên án thứ chính trị tiền bạc vốn có vai trò sống còn đối với phần lớn các chính trị gia. Về phần mình, Giáo hoàng Francis là Giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên, và cũng là người đầu tiên lên án bất bình đẳng kinh tế mạnh mẽ như vậy.

Tất nhiên, Francis không phải vị Giáo hoàng đầu tiên lên tiếng về vấn đề này. Trong thực tế, Hội nghị Giáo Hoàng năm nay đã kỷ niệm lần thứ 25 năm Thông điệp của Giáo hoàng John Paul II về những cạm bẫy đạo đức của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa.

Nhưng John Paul II, vốn xuất thân từ nước Ba Lan cộng sản, cũng kiên quyết phản đối chủ nghĩa cộng sản; quả thực, ngài đã đóng vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của hệ thống cộng sản ở Trung và Đông Âu. Dù rằng cả Francis và Sanders đều không ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, nhưng họ lại đang tìm cách hồi sinh, với các mức độ khác nhau, khát vọng ban đầu của chủ nghĩa cộng sản, đó là tạo ra một tình huynh đệ giữa mọi người.

Mikhail Gorbachev – một nhà cải cách theo đuổi các giá trị nhân văn khác – cũng đã có một khát vọng tương tự trong những năm 1980. Thú vị là ông đã lấy cảm hứng từ quan điểm của John Paul II, rằng người dân sẽ không được tự do trừ khi chính họ được lựa chọn hệ thống chính quyền và tham gia xây dựng các luật lệ cho chính họ, và Gorbachev đã cố gắng thúc đẩy dân chủ hóa trong hệ thống cứng nhắc của Liên Xô.

Bằng cách đưa ra thông điệp về công lý cho các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, Gorbachev tin tưởng chắc chắn rằng ông có thể làm hồi sinh thứ ý thức hệ đang chết dần của Liên Xô. Và, trong một khoảnh khắc ngắn, ông đã làm được điều đó. Khi Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 19 do Gorbachev chủ trì được tường thuật trên sóng truyền hình vào năm 1988, cả đất nước nín thở xem nhà lãnh đạo trẻ của mình công khai tranh luận về các ý tưởng cải cách của ông, nhất là với nhà bất đồng chính kiến Andrei Sakharov, một nhà vật lý hạt nhân và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng.

Tất nhiên, cuối cùng thì cấu trúc cứng nhắc của Liên Xô đã không thể được cứu vãn; nhưng phần lớn nhờ vào sự tử tế căn bản của Gorbachev, sự tan rã của Liên Xô năm 1991 đã diễn ra khá yên bình. Ông đã tạo ra được một môi trường mà trong đó các nhu cầu thay đổi triệt để đã dẫn đến thỏa hiệp, chứ không phải sự giận dữ – trái ngược với sự tan rã đầy bạo lực của Nam Tư.

Giống như Giáo hoàng Francis và Sanders, Gorbachev là một nhà cải cách bất thường. Dù lên nắm quyền với sự hỗ trợ của KGB, ông đã không để tư tưởng của mình bị chi phối bởi bộ máy đó, giống như cách mà Tổng thống Vladimir Putin rõ ràng đang làm. Tương tự như vậy, thay vì ép mình vào khuôn khổ của Đảng Dân chủ, Sanders đang cố gắng để kéo Đảng này trở lại “cánh tả dân chủ xã hội, nơi mà nó thuộc về.” Còn ở Vatican ngày nay, rất nhiều người không thể hiểu được cách tiếp cận của Giáo hoàng Francis, họ xem các thông điệp của ông về lòng thương xót đang “làm loãng đi” Giáo lý Công giáo.

Các đối thủ của Sanders và Francis có thể chưa già, nhưng họ đại diện cho những người lớn tuổi, trong khi các nhà cải cách “bất thường” này, dù lớn tuổi, lại đang nói lên tiếng nói của giới trẻ. Tháng 8/1991, một âm mưu đảo chính chống lại Gorbachev đã thất bại vì ông được những người trẻ tuổi ủng hộ, trên các đường phố Moskva lẫn tại các thành phố khác, trong các xe tăng và các quân đoàn Liên Xô. Đó là sức mạnh của giới trẻ – một sức mạnh mà Sanders đang khai thác. Nếu Hillary Clinton đánh bại Sanders trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Dân chủ, và có nhiều khả năng sẽ là vậy, thì bà sẽ bỏ qua sức mạnh ấy mà không lường được rủi ro cho điều đó.

Nina L. Khrushcheva, tác giả của các cuốn sách Imagining Nabokov: Russia Between Art and PoliticsThe Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind, là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School tại New York. Bà cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới.

Xem thêm:

Giáo hoàng Phanxicô là người theo chủ nghĩa tự do?

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Improbable Reformers
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]