Nguồn: Simon Johnson, “Donald the Destroyer”, Project Syndicate, 31/05/2016
Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Donald Trump, ứng viên dự kiến của Đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây, rõ ràng không phải là một đảng viên Cộng hòa chuẩn mực. Giới lãnh đạo Đảng và các quan chức dân cử chống lại ông này trong suốt kỳ bầu cử sơ bộ, và rất nhiều người vẫn chỉ miễn cưỡng ủng hộ ông. Trump hiện đang hướng một vài đề xuất chính sách của mình nghiêng về các tư tưởng dòng chính của Đảng Cộng hòa, nhưng ông cũng kiên quyết duy trì bản sắc riêng biệt của mình.
Sự pha trộn ý thức hệ kéo theo đó bao gồm ba cấu phần chính: tâm lý thù địch và kỳ thị người nhập cư, luận điệu ngông cuồng chống tự do thương mại, và cảm tính chống chính phủ cực đoan. Nếu tách ra riêng lẻ, bất kỳ thứ nào trong số đó cũng đều nguy hiểm. Và nếu đặt cạnh nhau, chúng sẽ gây ra một đòn choáng váng đối với sự thịnh vượng của Hoa Kỳ và toàn cầu, đồng thời cũng làm suy yếu an ninh quốc gia và quốc tế.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trump là ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ kỳ thị người nhập cư nhất từng thấy trong thời hiện đại. Ý tưởng đầu tiên và cũng là khẩu hiểu quan trọng hơn cả của ông là “xây một bức tường” dọc theo biên giới phía nam nước Mỹ, thứ được cho là sẽ ngăn cản dân nhập cư Mexico và các nước Mỹ Latinh khác. Ông cũng muốn trục xuất 11 triệu người và ngăn chặn toàn bộ người Hồi giáo.
Đây là công thức dẫn tới một nhà nước cảnh sát – kiểm tra nhân thân, khám xét đột xuất nhà dân, và khuyến khích hàng xóm tố cáo lẫn nhau. Điều này về cơ bản cũng chống lại chính người Mỹ, theo nghĩa hủy hoại mọi thứ mà đất nước này đã đạt được. Hoa Kỳ là một quốc gia của người nhập cư – là nước giỏi nhất thế giới trong việc hòa nhập những người nhập cư mới. Chỉ sau một thế hệ sống trên đất nước này, không ai còn quan tâm đến nguồn gốc gia đình bạn.
Trump – và những người đưa ông ta đến quyền lực – sẽ vứt bỏ tất cả những điều đó. Tình trạng chia rẽ xã hội mà điều này mang lại không chỉ tự nó gây ra sự trì trệ kinh tế, mà còn dẫn đến sụt giảm GDP và thu nhập lâu dài.
Lập trường chống tự do thương mại trong chiến dịch của Trump cũng gây sốc tương tự, kể cả với cộng đồng doanh nghiệp. Trump thực sự muốn đối đầu với Trung Quốc và các nước khác thông qua một cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng, hoàn toàn lờ đi tác động đối với Hoa Kỳ (nơi xuất khẩu chiếm khoảng 14% toàn bộ hoạt động kinh tế). Hoa Kỳ đã mất 70 năm qua để giúp xây dựng một hệ thống toàn cầu, thứ phần lớn đã tạo điều kiện cho các nước xa gần giao thương hòa bình, bất chấp các lỗ hổng của nó. Tuyên bố của Trump về việc xé bỏ luật lệ là công thức cho một cuộc Đại khủng hoảng khác, với tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng và hàng triệu người không thể chi trả cho tài sản thế chấp, các khoản vay sinh viên và các khoản nợ khác của họ.
Trump đã bổ sung thêm một vài chủ đề từ chương trình nghị sự phản đối chính phủ truyền thống của các đảng viên Cộng hòa, nhưng với hai điều chỉnh lớn. Cải cách tài chính sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn, bất chấp hậu quả. Hoa Kỳ sẽ trở lại với những sắp đặt đã đưa hệ thống tài chính thế giới đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn hồi năm 2008, và khiến nước này mất đi ít nhất một năm GDP (hơn 20 nghìn tỷ USD).
Ngoài ra, mức cắt giảm thuế mà Trump đề xuất sẽ rất lớn – từ đó gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang và về căn bản làm tăng nợ công. Trump sẽ dựa vào tuyên bố chuẩn mực của Đảng Cộng hòa rằng cắt giảm thuế sẽ “tự bù đắp” hay dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng. Những tuyên bố như vậy hoàn toàn không diễn ra như dự kiến trong kinh nghiệm của nước Mỹ hiện đại, kể cả dưới thời George W. Bush.
Cách tiếp cận chính sách kinh tế này là chủ nghĩa dân túy cổ điển: hứa hẹn với các cử tri những điều không thể, đặc biệt là khi tác động tiêu cực từ những lời hứa hẹn đó chỉ trở nên rõ ràng trong tương lai. Nếu Trump đắc cử, người Mỹ có thể chờ đợi một dạng chu kỳ kinh tế như đã được lặp đi lặp lại ở nhiều nơi như Argentina suốt hơn 100 năm qua. Bất bình đẳng sẽ bị nới rộng, với sự giàu có tột cùng cho một số ít và thu nhập thấp cho rất nhiều người, theo sau đó là sự sụp đổ kinh tế đầy đau đơn mà trong đó, người giàu lại tiếp tục giàu hơn, tầng lớp trung lưu dần trở nên nghèo khó, và mạng lưới an sinh xã hội sẽ bị xé vụn.
Trong cuốn White House Burning (Đốt phá Nhà Trắng) của chúng tôi, James Kwak và tôi đã nhấn mạnh rằng tính bền vững tài khóa rất quan trọng không chỉ đối với sự thịnh vượng kinh tế mà còn cả an ninh quốc gia. Năm 1814, người Anh đã có thể thiêu rụi Nhà Trắng (và phần lớn các tòa nhà chính phủ khác ở Washington) bởi các chính trị gia nước Mỹ đã gần như hoàn toàn hủy hoại năng lực tài khóa của chính phủ trung ương. Hoa Kỳ lúc bấy giờ không có lực lượng hải quân hiệu quả, quân đội yếu kém, và thiếu khả năng huy động người dân trong trường hợp đối mặt với một tình huống khẩn cấp quốc gia rõ ràng.
Lời hứa hẹn của Trump “Khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại một lần nữa” (“Make America Great Again”) là một sự bịp bợm chính trị. Các chính trị gia dân túy sẽ hứa hẹn bất cứ điều gì, kể cả những chính sách không tưởng hoặc sẽ dẫn đến những thảm họa hiển nhiên. Các chính sách mà Trump đề xuất cũng vậy: chúng sẽ phá hoại an ninh nước Mỹ, làm khủng hoảng nền kinh tế và hủy hoại hệ thống tài chính.
Chủ nghĩa dân túy độc đoán mà Trump hiện thân đã thách thức các nền dân chủ ít nhất từ khi Cộng hòa La Mã chấm dứt. Những kẻ độc đoán luôn vùi dập đối thủ – về mặt thể chất, tại các phiên tòa, và bây giờ là trên cả Twitter – để khiến họ im lặng.
Đối thủ của Trump không được để bị hăm dọa. Sự thăng tiến của ông ta biểu hiện thách thức sâu sắc nhất đối với nền dân chủ Mỹ kể từ khi Đức xâm lược Ba Lan năm 1939. Bác bỏ tư cách ứng cử viên của ông ta là điều cần thiết để cứu vãn sự an nguy của nước Mỹ và thế giới.
Simon Johnson, nguyên kinh tế trưởng tại IMF, là giáo sư tại Trường Quản trị Sloan (MIT), nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, và là đồng sáng lập của blog kinh tế học hàng đầu mang tên The Baseline Scenario. Ông là đồng tác giả với James Kwak cuốn White House Burning: The Founding Fathers, Our National Debt, and Why It Matters to You.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Donald the Destroyer
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]