Phong trào Brexit và Donald Trump có điểm gì chung?

Britain EU

Nguồn: John Cassidy, “What Do the Brexit Movement and Donald Trump Have in Common?”, The New Yorker, 23/06/2016

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng dự kiến vào thứ Năm, cử tri Vương quốc Anh sẽ từ chối việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tương tự như thế, nếu mọi việc diễn ra như dự kiến vào tháng 11, cử tri Mỹ sẽ không bầu Trump làm tổng thống. Cả hai kết quả đều sẽ làm chúng ta yên tâm, nhưng những kết quả này sẽ không dẫn đến sự chấm dứt của chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở hai bờ Đại Tây Dương, chúng có thể chỉ đơn thuần là những điểm cao mới.

Khi cuộc trưng cầu dân ý Brexit chấm dứt, hàng chục triệu người Anh sẽ chắc chắn đã bỏ phiếu để phản đối góc nhìn tự do về một châu Âu thống nhất và đồng hóa. Ở đất nước này (Mỹ), thậm chí sau những tuần lễ đầy thảm họa đối với Donald Trump, một cuộc thăm dò mới bởi Đại học Quinnipiac cho thấy ở những bang quan trọng như Pennsylvania và Ohio, ông Trump vẫn đeo bám sát nút với bà Hillary Clinton về mặt thống kê.

Tại sao điều này đang xảy ra? Trump và người đồng cấp của ông ở Anh, lãnh đạo Đảng Độc lập Anh Quốc (UKIP) Nigel Farage, không phải trỗi dậy từ hư không. Cả hai đều là những người giàu có đã thu hút được những người dân thường, và họ đã tận dụng được sự căm phẫn sâu sắc của những cử tri thuộc giai cấp lao động và trung lưu, mặc dù một vài trong số đó trước đây thường ủng hộ các đảng cánh tả. Chắc chắn, một nhân tố khác cùng ảnh hưởng song song đến sự trỗi dậy của cả hai người là sự phân biệt chủng tộc, hay chính xác hơn là việc ưu đãi dân bản xứ (so với người nhập cư). Ông Trump đã khắc họa bức tranh ác mộng về một nước Mỹ bị tràn ngập bởi những tội phạm người Mexico và những phần tử khủng bố Hồi Giáo. Đảng UKIP đã in những áp-phích vận động cho thấy hàng ngàn người tị nạn da màu đang xếp hàng để vào Slovenia, một thành viên của EU, kế bên dòng chữ “Điểm giới hạn: EU đã làm tất cả chúng ta thất vọng.” Nhưng phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc đều đã tồn tại từ trước, và những kẻ mị dân muốn tận dụng nó cũng vậy. Trong các nền dân chủ khỏe mạnh, những kẻ gây rối như thế thường chỉ ở ngoài lề.

Công nghệ khiến sự bất bình gia tăng

Trong lịch sử, việc biến đổi các đảng phái cấp tiến ở cánh hữu (và cánh tả) thành các phong trào lớn cần một thảm họa, như là chiến tranh hay là một đợt suy thoái kinh tế. Châu Âu vào đầu thế kỷ 20 đã chứng kiến cả hai, với hậu quả rất lớn. Sau Thế chiến I, sự xuất hiện của nền dân chủ xã hội, hệ thống kinh tế-xã hội mà phần lớn các quốc gia phương Tây sử dụng, đã đem đến mức sống ngày càng tăng, và điều này đã giúp hạn chế ảnh hưởng của những thành phần cực đoan. Nếu sự sung túc không được chia sẻ đồng đều – và thực tế là như vậy – thì các quy chuẩn về công bằng xã hội và các hệ thống thuế nhằm tái phân phối thu nhập cũng giúp làm dịu bớt một số những bất công đi cùng với chủ nghĩa tư bản thị trường tự do.

Nhưng trong những thập niên vừa qua các quốc gia phương Tây đã phải chịu đựng ba sức ép, và dù những sức ép này không dễ thấy hay kịch tính bằng chiến tranh và suy thoái, nhưng chúng đã chứng minh rằng chúng cũng gây ra nhiều bất ổn: toàn cầu hóa, tiến bộ công nghệ, và một triết lý chính trị ủng hộ cả hai yếu tố này. Ở Mỹ, không phải là trùng hợp ngẫu nhiên khi Trump đang thắng thế ở Vành đai Rỉ sét (Rust Belt – tức khu vực đông bắc Hoa Kỳ) và những khu vực bị phi công nghiệp hóa. Quá trình tự động hóa sản xuất và chuyển nhà xưởng ra nước ngoài đã ảnh hưởng mạnh đến những khu vực này, bỏ lại nhiều người dân không được trang bị đầy đủ để hưởng lợi trong nền kinh tế ngày nay. Trump đã tận dụng những lo âu và phẫn nộ tương tự như cách Bernie Sanders, một nhà phê bình toàn cầu hóa và tự do thương mại, đã thắng cuộc bầu cử sơ bộ ở Michigan.

“Không có lý gì có thể cho phép chúng ta ủng hộ một gã hề phân biệt chủng tộc, giới tính, và bài ngoại như Donald Trump,” Dean Baker, một nhà kinh tế học và blogger của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách theo chiều hướng tự do ở Washington đã nói gần đây. “Nhưng chúng ta cũng phải biết rõ rằng những người lao động đến với ông ta bởi vì họ có những bất bình thật sự. Bởi vì hệ thống đã bị thao túng để chống lại họ.”

Tương tự như thế, không phải ngẫu nhiên khi UKIP được ủng hộ rộng rãi tại những vùng công xưởng trước đây ở miền bắc nước Anh, ở vành đai công nghiệp West Midlands, và những khu dân cư có nhiều thành phần lao động ở ngoại ô Luân Đôn. “Những đứa trẻ tan học ở trường tiểu học kế bên, hầu hết là con của những người sắc tộc thiểu số, chỉ là môt cách nhắc nhở khá rõ ràng cho những ai muốn tìm kiếm ví dụ dễ dàng cho những bất bình thật sự,” phóng viên Polly Toynbee của tờ Guardian đã viết vào tuần trước, sau một chuyến thăm đến Barking ở Essex, gần một nhà máy xe hơi được sở hữu bởi công ty Ford. “Khi những công việc mang địa vị cao ở Ford bị thay bằng những công việc ở nhà kho bị trả lương thấp, sự phẫn nộ chống lại những người nhập cư lại được gióng lên mỗi ngày bởi tờ Mail, Sun, Sunday Times và những tờ báo còn lại… Đây là âm thanh báo hiệu sự tan vỡ của Vương quốc Anh.”

Tác động từ toàn cầu hóa

Trong nửa thế kỷ vừa qua các đảng phái lớn ở hai bờ Đại Tây Dương đã lan truyền ý tưởng rằng tự do thương mại và toàn cầu hóa là những chìa khóa cho sự thịnh vượng. Nếu bạn hỏi sâu hơn các nhà kinh tế học đã làm cố vấn cho các đảng phái, họ có thể thừa nhận rằng giao thương sẽ tạo ra những kẻ thắng và người thua, và rằng lý lẽ ủng hộ hội nhập toàn cầu sâu sắc hơn hàm ý những kẻ thắng sẽ đền bù cho những người thua. Nhưng việc chia sẻ những lợi ích không đầy đủ chỉ được xem là một chi tiết nhỏ, và hiển nhiên không phải là một lý lẽ để biện minh cho việc kêu gọi chấm dứt toàn bộ quá trình (hội nhập toàn cầu).

Nếu bạn đang đọc bài viết này thì chắc hẳn là bạn, cũng như tôi, là một trong những người thắng. Những người có nền tảng giáo dục cao và có việc làm chuyên môn thường làm trong những ngành kinh tế đã và đang được hưởng lợi từ những thay đổi của sự phân công lao động quốc tế (ví dụ: tài chính, tư vấn, truyền thông, công nghệ) hay họ đã không bị ảnh hưởng nhiều từ sự cạnh tranh toàn cầu (ví dụ: ngành luật, y tế, và giới học thuật). Từ một vị trí ổn định trên nấc thang kinh tế, chúng ta có thể dễ dàng ca tụng những thành quả đạt được từ công nghệ và toàn cầu hóa, như là những mặt hàng phong phú với giá rẻ ở những nước giàu và sự sung túc ngày càng tăng ở những nước nghèo. Chúng ta cũng dễ bác bỏ những lý lẽ của những người đã làm ngơ những lợi ích của quá trình này, hay là những người không thấy rằng quá trình này là không thể đảo ngược.

Nhưng như Baker đã chỉ ra, “những người được hưởng lợi” từ sự biến đổi kinh tế “đang hành xử một cách đạo đức giả” khi họ “chế nhạo những nhận định sai lầm của các nạn nhân” – đặc biệt khi mà giờ đây những tác động của sự cạnh tranh toàn cầu và tiến bộ công nghệ đã bắt đầu tràn vào những phân khúc từng được bảo vệ. Trong một thế giới của xe hơi và xe tải tự lái, tương lai của những người lái xe tải, taxi, xe cho thuê, và người giao hàng sẽ như thế nào? Dĩ nhiên đây sẽ là một tương lai không sung túc gì mấy. Và sự phá hủy sáng tạo (creative destruction, tức phả bỏ cái cũ để phát triển những cái mới tốt đẹp hơn – NBT) mà nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter đã ngợi khen sẽ không dừng ở đó. Với những phần mềm có thể chuyển giao tiền mà không tốn phí, những robot y tế có thể làm những thao tác phẩu thuật tinh xảo nhất, và các thuật toán thông minh có thể chẩn đoán bệnh hay đưa ra các tư vấn pháp lý, thì tương lai sẽ ra sao cho những người làm ngân hàng, chuyên gia phẫu thuật, các bác sĩ, luật sư, và những người làm chuyên môn khác?

Câu hỏi này không có câu trả lời rõ ràng, và cũng không có câu trả lời dễ dàng cho câu hỏi chúng ta có thể làm gì để giúp những người đã bị bỏ lại. Một lựa chọn là củng cố mạng lưới an sinh xã hội, để dẫn đến một mức thu nhập cơ bản cho tất cả, một chính sách có thể đảm bảo cho mọi người một tiêu chuẩn sống tối thiểu, bất chấp viễn cảnh về việc làm. Tuy nhiên, việc áp dụng về mặt chính trị những giải pháp này phụ thuộc vào sự hiện diện của sự đoàn kết xã hội, cái mà quá trình thay đổi kinh tế và công nghệ đã làm cho suy yếu bằng cách làm gia tăng bất công và xói mòn các tổ chức cộng đồng.

Vì họ thiếu những lý do để lạc quan, và cảm thấy rằng mình ở cách xa các đòn bẩy quyền lực, những người thất vọng đã nuôi dưỡng những bất bình – cho đến khi một số chính trị gia xuất hiện và nói với họ rằng họ đã đúng khi tức giận, sự bất bình của họ là chính đáng, và họ nên nổi điên không chỉ với những người thắng mà cả những người nhập cư. Trump và Farage là những kẻ cơ hội chính trị mới nhất và thành công nhất. Buồn thay, họ sẽ không phải là những người cuối cùng.

John Cassidy là nhà bình luận của tạp chí The New Yorker từ năm 1995. Ông cũng viết về chính trị, kinh tế, và nhiều chủ đề khác, cho trang newyorker.com.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]