Các lãnh đạo nên sở hữu bao nhiêu quyền lực?

301115-discours-cop21

Nguồn: Joseph Nye, “Do we want powerful leaders?”, Project Syndicate, 03/06/2016

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Xu hướng nghiêng về chủ nghĩa chuyên chế lớn hơn dường như đang lan rộng trên toàn thế giới. Vladimir Putin đã sử dụng thành công chủ nghĩa dân tộc để thắt chặt sự kiểm soát của ông đối với nước Nga và dường như rất được lòng dân chúng. Tập Cận Bình được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, chi phối một số lượng ngày càng tăng các ủy ban ra quyết định tối quan trọng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdorgan, vừa mới thay thủ tướng của ông bằng một người phù hợp hơn nhằm tập trung quyền hành pháp. Và một số nhà bình luận lo ngại rằng nếu Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, ông ta có thể trở thành một “Mussolini của nước Mỹ”.

Sự lạm quyền xuất hiện từ khi lịch sử nhân loại hình thành. Kinh thánh nhắc nhở chúng ta rằng sau khi David đánh bại Goliath và sau đó lên ngôi vua, ông đã quyến rũ Bathsheba và cố tình đẩy chồng bà ra trận để lãnh cái chết định sẵn. Khả năng lãnh đạo bao gồm việc sử dụng quyền lực, và như Lord Acton từng có câu cảnh báo nổi tiếng, quyền lực làm tha hóa con người. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo mà không có quyền lực, tức khả năng khiến người khác làm theo điều chúng ta muốn, thì lại không thể lãnh đạo.

Nhà tâm lý học của Đại học Harvard David C. McClelland đã từng phân biệt ba nhóm người theo động cơ của họ. Những người quan tâm nhiều nhất về việc làm những điều tốt đẹp hơn có một “nhu cầu thành tựu”. Những người suy nghĩ nhiều nhất về các mối quan hệ thân thiện với người khác có một “nhu cầu liên kết”. Còn những người quan tâm nhiều nhất về việc gây ảnh hưởng lên người khác cho thấy một “nhu cầu quyền lực”.

Nhóm người thứ ba hóa ra là các nhà lãnh đạo hiệu quả nhất, điều đó khiến chúng ta nghĩ tới Acton. Nhưng quyền lực về bản chất không tốt cũng không xấu. Giống như calo trong một chế độ ăn uống, quá ít sẽ khiến gầy còm, và quá nhiều dẫn tới béo phì. Sự trưởng thành và rèn luyện về cảm xúc là những phương tiện quan trọng để hạn chế một ham muốn quyền lực nhằm tự thỏa mãn bản thân, và các thể chế phù hợp là rất cần thiết để đạt được sự cân bằng. Đạo đức và quyền lực có thể củng cố lẫn nhau.

Tuy nhiên, đạo đức cũng có thể được sử dụng làm phương tiện để tăng cường quyền lực. Machiavelli đã đề cập tới tầm quan trọng của đạo đức đối với các nhà lãnh đạo, nhưng chủ yếu trên phương diện rằng đức hạnh thể hiện ra bên ngoài (của một lãnh đạo) có thể thu phục những người theo họ. Vẻ bề ngoài của đức hạnh là một nguồn quan trọng của quyền lực mềm hoặc khả năng giành được những gì mình muốn bằng sức cuốn hút hơn là sự ép buộc hay mua chuộc. Thực sự, với Machiavelli, đức hạnh của một đấng quân vương chỉ là vẻ bề ngoài, mà không bao giờ nên là sự thật. “Tôi thậm chí mạo muội khẳng định rằng nếu ông ấy có và luôn luôn thực hành đức hạnh, chúng sẽ gây tổn thương cho ông ta, nhưng tỏ vẻ có đức hạnh lại là điều hữu ích”.

Machiavelli cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền lực cứng của sự ép buộc và mua chuộc khi một nhà lãnh đạo đối mặt với một sự đánh đổi với quyền lực mềm của sự lôi cuốn, “bởi vì việc ông ấy được yêu mến phụ thuộc vào thần dân của ông ấy, trong khi việc ông ấy được tuân sợ phụ thuộc vào chính ông ấy”. Machievelli tin rằng khi phải lựa chọn thì tốt hơn là nên được tuân sợ hơn là được yêu mến. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rằng sự tuân sợ và yêu mến không đối lập nhau, và rằng tình cảm đối lập của sự yêu mến – tức là sự căm hận – mới đặc biệt nguy hiểm đối với các nhà lãnh đạo.

Thế giới vô chính phủ của các thành bang thời Phục Hưng của Italia đầy bạo lực và nguy hiểm hơn thế giới của các nền dân chủ ngày nay, nhưng các yếu tố trong lời khuyên của Machiavelli vẫn có liên quan tới các nhà lãnh đạo hiện đại. Ngoài sự dũng mãnh của sư tử, Machiavelli còn ca ngợi sự dối trá chiến lược của loài cáo. Chủ nghĩa lý tưởng mà không có chủ nghĩa hiện thực hiếm khi định hình được thế giới này, nhưng khi chúng ta đánh giá các nhà lãnh đạo dân chủ hiện đại, chúng ta nên lưu ý tới quan điểm của cả Machiavelli và Acton. Chúng ta nên tìm kiếm và ủng hộ các nhà lãnh đạo có yếu tố đạo đức của sự tự kiềm chế, và có nhu cầu đạt được thành tựu, quan hệ lẫn quyền lực.

Tuy nhiên, còn có một khía cạnh khác nữa của thế lưỡng nan mà Acton nêu ra bên ngoài đạo đức của các nhà lãnh đạo: các nhu cầu của những người đi theo. Sự lãnh đạo là sự kết hợp của các đặc điểm của các nhà lãnh đạo, các nhu cầu của những người đi theo, và bối cảnh mà ở đó chúng tương tác với nhau. Một công chúng Nga lo lắng về địa vị của mình; một dân tộc Trung Quốc lo ngại về tình trạng tham nhũng tràn lan; người dân Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ về sắc tộc, tôn giáo: Tất cả tạo nên các môi trường thuận lợi cho phép các nhà lãnh đạo cảm nhận được một nhu cầu tâm lý hướng tới quyền lực. Tương tự, để thỏa mãn nhu cầu tự mãn của ông ta đối với quyền lực, Trump đã phóng đại sự bất bình của một bộ phận dân cư thông qua việc thao túng một cách thông minh các chương trình tin tức truyền hình và truyền thông xã hội.

Đây là lý do tại sao các thể chế đóng vai trò rất quan trọng. Vào thời kỳ đầu của Hoa Kỳ, James Madison và các nhà lập quốc khác của quốc gia non trẻ này đã trông thấy rằng các nhà lãnh đạo lẫn công chúng đi theo họ đều sẽ không là những thiên thần, và rằng các thể chế phải được thiết kế để tăng cường sự kiềm chế. Họ đã rút ra kết luận từ nghiên cứu về Cộng hòa La Mã cổ đại rằng điều cần thiết nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của một nhà lãnh đạo quá tự phụ như Julius Caesar là một khung thể chế của sự phân chia quyền lực, theo đó các nhánh quyền lực sẽ cân bằng lẫn nhau. Câu trả lời của Madison về khả năng xuất hiện một “Mussolini của nước Mỹ” là một hệ thống thể chế kiểm soát và cân bằng nhằm đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ giống với Italia năm 1922, hoặc Nga, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã vất vả giải quyết bài toán lưỡng nan về việc chúng ta mong muốn các nhà lãnh đạo của mình quyền lực đến mức nào. Đáp án của họ được thiết kế để nhằm bảo vệ tự do, không phải để tối đa hóa hiệu quả của chính phủ. Nhiều nhà bình luận đã phàn nàn về sự mục ruỗng thể chế, trong khi những người khác chỉ ra các thay đổi, như sự ra đời của truyền hình thực tế và truyền thông xã hội, đã làm xuống cấp chất lượng các tranh luận chung. Cuối năm nay, chúng ta có thể đánh giá được mức độ bền vững thực sự của khuôn khổ cho quyền lực và lãnh đạo mà các nhà lập quốc Mỹ đã dựng lên.

Joseph S. Nye, Jr là cựu Trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ. Ông còn là giáo sư tại Đại học Harvard và là tác giả cuốn “Is the American Century Over?” (Liệu thế kỷ của Mỹ đã qua?).

Copyright: Project Syndicate 2016 – Do we want powerful leaders?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]