Phán quyết của PCA: Bước ngoặt tranh chấp Biển Đông?

pca

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Sự kiện có lẽ là quan trọng nhất trong năm 2016 đối với tranh chấp Biển Đông sẽ diễn ra khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye dự kiến ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến một số yêu sách của nước này trên Biển Đông. Kết quả vụ kiện sẽ có tác động quan trọng tới không chỉ hai nước mà còn cả tình hình tranh chấp Biển Đông và an ninh khu vực nói chung.

Sơ lược về vụ kiện

Vào ngày 22/01/2013, Philippines đã khởi đầu quy trình trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tại PCA bằng cách gửi cho Trung Quốc Thông báo và Bản yêu sách “liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc về quyền tài phán trên biển của Philippines” ở Biển Đông. Vào ngày 19/02/2013, Bắc Kinh  đưa ra “quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông”, qua đó bác bỏ và trả lại Thông báo của Philippines, đồng nghĩa với việc từ chối tham gia quá trình trọng tài.

Mặc dù vậy, từ ngày 7-13/7/2015, PCA tiến hành phiên điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý đối với vụ việc. Tới ngày 29/10/2015, Tòa đã ra phán quyết về vấn đề này, trong đó khẳng định co quyền tài phán đối với 7 trong số 15 điểm mà Philippines khởi kiện Trung Quốc.

Trong số 7 điểm nêu trên, 4 điểm liên quan tới việc xác định tính chất của một số cấu tạo trên Biển Đông, bao gồm bãi cạn Scarborough, đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, đá Xu Bi, Đá Ga Ven, đá Ken Nan, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập, qua đó xác định phạm vi vùng biển được hưởng của chúng theo quy định của UNCLOS. Đáng lưu ý là trong số các cấu tạo này có tất cả 7 cấu tạo nơi Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp thời gian qua.

Ba điểm còn lại trong đơn kiện của Philippines được PCA xác định có quyền tài phán liên quan tới việc Trung Quốc cản trở trái phép ngư dân Philippines đánh bắt cá tại bãi cạn Scarborough; Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ trong UNCLOS về bảo vệ, bảo tồn môi trường biển, và việc Bắc Kinh triển khai các tàu chấp pháp gây nguy hiểm, va chạm với các tàu của Philippines gần khu vực bãi cạn Scarborough.

Ngoài ra, tòa cũng bảo lưu việc xem xét quyền tài phán đối với 8 nội dung còn lại, trong đó có điểm 2 về tính pháp lý của yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Dự kiến vào ngày 12/7/2016 tới, PCA sẽ đưa ra phán quyết về 7 điểm đã thụ lý, cũng như có thể đưa ra tuyên bố cụ thể hơn về khả năng xem xét thẩm quyền đối với 8 điểm còn lại.

Công luận quốc tế xung quanh vụ kiện

Tranh chấp Biển Đông là một điểm nóng tiềm tàng đối với tình hình an ninh khu vực. Vì vậy, việc các nước liên quan tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp, bao gồm cả con đường pháp lý, là điều được cộng đồng quốc tế khuyến khích. Hành động của Philippines không những phù hợp với luật pháp quốc tế mà còn góp phần củng cố một “trật tự khu vực dựa trên luật lệ”, điều được các quốc gia ASEAN lẫn các cường quốc khu vực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… nhiều lần lên tiếng ủng hộ.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Trung Quốc ngay từ đầu đã từ chối tham gia vào tiến trình vụ kiện, chủ yếu với lý do PCA không có thẩm quyền. Sâu xa hơn, Trung Quốc dường như cảm thấy không tự tin với cơ sở pháp lý trong các yêu sách trên Biển Đông của mình và lo sợ bị thua kiện và bị ràng buộc bởi các phán quyết khiến quyền tự do hành động của mình bị hạn chế. Điều này là dễ hiểu khi Trung Quốc đang muốn củng cố sức mạnh hàng hải và vị thế chiến lược của mình trên Biển Đông nhằm giành ưu thế trong cạnh tranh chiến lược vốn đang tăng cao với Hoa Kỳ.

Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện đã bị công luận nhiều nước trên thế giới chỉ trích bởi nó thể hiện sự thiếu thiện chí và coi thường luật pháp quốc tế, nhất là khi Trung Quốc vẫn luôn khẳng định mong muốn trở thành một cường quốc có trách nhiệm. Ngay bên trong Trung Quốc, cũng có nhiều chỉ trích đối với lựa chọn này của Bắc Kinh khi một số luật gia cho rằng việc không tham gia vụ kiện đã khiến Trung Quốc đánh mất cơ hội tự bảo vệ mình.

Trong bối cảnh PCA chuẩn bị đưa ra phán quyết mà nhiều chuyên gia cho rằng sẽ có lợi cho Philippines, Trung Quốc tìm mọi cách để định hình công luận trong nước cũng như quốc tế, chủ yếu theo hướng bác bỏ thẩm quyền của PCA cũng như tính hợp pháp trong quy trình trọng tài mà PCA áp dụng đối với vụ kiện.

Đặc biệt, Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch ngoại giao nhằm vận động sự ủng hộ của quốc tế. Theo công bố của nước này, có khoảng 60 quốc gia đã tuyên bố ủng hộ Trung Quốc, đồng nghĩa với việc chống lại phán quyết của PCA, trong đó đa số là các nước nghèo, đang phát triển nằm ở châu Phi, châu Mỹ Latinh hay châu Đại Dương.

Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) xác định chỉ có 50 quốc gia trong danh sách của Trung Quốc, trong đó mới chỉ có 8 nước bày tỏ ủng hộ, 39 quốc gia im lặng chưa ra tuyên bố nào hoặc mới chỉ ra các tuyên bố không rõ ràng, trong khi 3 nước đã bác bỏ việc ủng hộ Trung Quốc.

Ngoài ra Trung Quốc cũng đã tìm cách chia rẽ các nước ASEAN để làm suy yếu sự ủng hộ của khối đối với phán quyết của PCA. Ví dụ, Trung Quốc gần đây tuyên bố đạt được một “đồng thuận bốn điểm” với Brunei, Campuchia và Lào, bao gồm việc cho rằng Biển Đông không phải là một vấn đề trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Mục đích chủ yếu là nhằm ngăn cản ASEAN đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ phán quyết của PCA sau vụ kiện.

Triển vọng tranh chấp Biển Đông sau vụ kiện

Bất chấp các nỗ lực đã thực hiện, một điều gần như chắc chắn là uy tín của Trung Quốc sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng sau phán quyết. Quan trọng hơn, tư thế đạo đức và cơ sở pháp lý của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông sẽ càng bị xói mòn hơn nữa.

Đối với Philippines, một phán quyết thuận lợi từ PCA sẽ là một chiến thắng pháp lý quan trọng, nhưng về mặt ngoại giao, quan hệ của Philippines với Trung Quốc có thể gặp khó khăn hơn nữa do phản ứng từ Bắc Kinh.

Cho đến nay, vẫn chưa thể khẳng định được phản ứng cụ thể của Trung Quốc đối với phán quyết sẽ như thế nào và tình hình tranh chấp Biển Đông sẽ diễn biến ra sao. Tuy nhiên, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách phủ nhận tính pháp lý trong phán quyết của PCA bằng cách tiếp tục tiến hành các hành động mang tính khiêu khích trên Biển Đông, như tiếp tục hoàn thiện và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa, hoặc thậm chí thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Trung Quốc cũng có thể “làm ngơ” phán quyết của PCA như thể chưa từng có việc gì xảy ra bằng cách tiếp tục các hoạt động áp đặt chủ quyền khác như thường lệ, trong đó có việc tiến hành các chuyến du lịch biển tới các đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Trong trường hợp đó, phán quyết của PCA sẽ mang ý nghĩa chính trị là chính mà ít có tác động trên thực tế vì thiếu chế tài thực thi, và tranh chấp Biển Đông vì vậy sẽ tiếp tục căng thẳng.

Mặt khác, Trung Quốc có thể tạm thời tỏ ra nhún nhường bằng cách tỏ vẻ nhiệt tình hơn trong việc đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) để đánh lạc hướng dư luận và giảm áp lực từ các nước này.

Cuối cùng, Trung Quốc cũng có thể phản ứng bằng cách rút ra khỏi UNCLOS. Các nhà phân tích chỉ ra rằng điều này khó xảy ra bởi hành động này “lợi bất cập hại” khi không chỉ ảnh hưởng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc mà còn có thể làm xói mòn lợi ích hàng hải của nước này không chỉ ở Biển Đông mà còn ở cả các vùng biển khác.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể nhận ra rằng bản thân Hoa Kỳ không tham gia UNCLOS nhưng các lợi ích hàng hải của nước này vẫn được bảo đảm. Hơn nữa, các chính sách Biển Đông của Trung Quốc thời gian qua đã tỏ ra khó lường và “bất chấp”, vì vậy một phản ứng như vậy từ Bắc Kinh là điều chúng ta không nên hoàn toàn loại trừ.

Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Hình: Đoàn đại biểu Philippines dự phiên điều trần trước PCA vào tháng 7/2015.

Nguồn: Thế giới & Việt Nam

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]