Đừng nhượng bộ Putin!

putin-eu

Nguồn: Guy Verhofstadt, “Don’t Appease Putin”, Project Syndicate, 15/6/2016

Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Donald Trump, người nhiều khả năng sẽ là ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa thay thế Obama, đều chỉ trích các thành viên châu Âu của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những tháng gần đây vì không đáp ứng được các cam kết về chi tiêu quốc phòng. Họ đã có lý.

Thực tế Châu Âu đã thất bại trong việc đáp ứng thỏa thuận phòng thủ tập thể với Hoa Kỳ. Hầu hết các quốc gia đồng minh Châu Âu của Mỹ đã có chi tiêu quốc phòng trung bình thấp hơn mức đã cam kết là 2% GDP, trong đó nhiều quốc gia thậm chí còn chi tiêu ít hơn mức này rất nhiều. Quan trọng hơn, các nước này đã không đạt được mục đích xây dựng một cộng đồng quốc phòng Châu Âu đích thực.

Trừ khi các nước này tăng cường các biện pháp, họ có nguy cơ sẽ xác thực tuyên bố khinh suất của Trump rằng người châu Âu chỉ là những kẻ ngồi không hưởng lợi, lợi dụng một liên minh đã “lỗi thời” vốn gây tổn thất cho những người đóng thuế Mỹ.

Một khu vực mà Châu Âu có thể chứng tỏ giá trị chiến lược của mình với Mỹ đó là nước Nga của ông Putin. Đã có một vài người tranh luận rằng Liên minh Châu Âu đã không áp dụng giải pháp sức mạnh mềm hiện có để đương đầu với một Kremlin hung hăng. Nhưng, mặc dù EU đang thiếu một chiến lược tổng quát hơn đối với Nga, vẫn còn thời gian để làm những điều cần thiết nhằm kiềm chế các hành vi ngang ngược của Kremlin.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea, các nước EU đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, bao gồm hạn chế tín dụng cho các ngân hàng và công ty năng lượng của Nga. Lệnh trừng phạt kinh tế đó có liên quan đến việc thực hiện Nghị định thư Minsk năm 2014, vốn dẫn đến lệnh ngừng bắn vá víu ngày nay với lực lượng nổi dậy do Nga chống lưng tại vùng Donbas phía đông Ukraine, và dự kiến sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng tới.

Nhưng Ukraine vẫn chưa kiểm soát được đầy đủ đường biên giới và chưa đạt được một lệnh ngừng bắn đáng tin cậy tại Donbas. Do đó, các lãnh đạo nhóm G7 gần đây đã kêu gọi kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế với Nga cho tới khi các thỏa thuận Minsk 2014 và 2015 được hoàn toàn tuân thủ. Tuy nhiên, tại EU, lệnh trừng phạt kinh tế Nga lại tiếp tục được đưa ra tranh cãi gay gắt, với việc các nhà ngoại giao từ Hungary, Cyprus, Italy và vài nước khác đang có lập trường mềm mỏng hơn đối với Nga. Nỗ lực vận động hành lang của Kremlin dường như đã mang lại hiệu quả.

Và không chỉ các nhóm cực đoan cực hữu, như là những người ủng hộ Mặt trận Quốc gia Pháp, là dễ bị qua mặt bởi các chiêu trò của Putin. Các chính trị gia dòng chính tại Pháp và một vài nơi khác cũng bắt đầu nghi vấn về cách thức trừng phạt hiện nay. Chẳng hạn, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đã đề nghị nới lỏng các lệnh trừng phạt nếu Nga đáp ứng được một số điều kiện nhất định.

Ngoài việc ủng hộ nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga, vài nhà lãnh đạo Châu Âu thậm chí đang làm ấm quan hệ với Kremlin. Thủ tướng Ý Matteo Renzi, người được xem là không tin tưởng lắm vào các lệnh trừng phạt Nga, sẽ đến làm khách danh dự tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg do Putin chủ trì. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Junker cũng sẽ tham dự diễn đàn này.

Đây không phải là lúc Châu Âu nên “mềm mỏng” với Putin. Thay vì tham gia vào hội nghị do Putin dẫn dắt và cung cấp cho Kremlin một cơ hội tuyên truyền mạnh mẽ trước kỳ bầu cử nghị viện, Juncker nên đặt các ưu tiên của Châu Âu lên hàng đầu. Các ưu tiên đó bao gồm bảo tồn các cấu trúc về an ninh và chính trị hậu Chiến tranh Lạnh của Châu Âu, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ các nước Châu Âu, và tôn trọng các quy chuẩn chung được quy định bởi các thể chế như Tổ chức Hợp tác và An ninh Châu Âu và Hội đồng Châu Âu. Một khi Putin đồng ý ủng hộ các ưu tiên này, việc thảo luận về hợp tác kinh tế giữa Nga và Liên minh Châu Âu có thể bắt đầu.

Việc làm yếu đi các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể làm hài lòng các lãnh đạo doanh nghiệp của Châu Âu, nhưng nó sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề lâu dài. Ngay cả khi các lệnh trừng phạt được giữ nguyên, cuộc xung đột bị đóng băng tại Ukraine dường như ngày càng trở nên vĩnh viễn. Nới lỏng trừng phạt lúc này, với quá ít tiến triển đạt được liên quan đến thỏa ước Minsk gần đây nhất, sẽ tạo ra sự sụp đổ khủng khiếp trong ảnh hưởng và sự khả tín của Châu Âu, và cũng là một mất mát lớn đối với Ukraine.

Lãnh đạo EU phải tiếp tục cứng rắn và đoàn kết trong việc đảm bảo các lệnh trừng phạt kinh tế chỉ được dỡ bỏ nếu Thỏa ước Minsk được thực hiện đầy đủ. Điều này bao gồm việc Nga rút toàn bộ quân đội và thiết bị quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine, trả lại cho Chính phủ Ukraine quyền kiểm soát toàn bộ đường biên giới với Nga.

Kiên trì kêu gọi Nga tuân thủ tại Ukraine lại càng quan trọng hơn khi các hành động của Kremlin tại đó mới chỉ là một ví dụ cho các hành vi hống hách mà EU phải tìm cách để kiềm chế. Trong bối cảnh đó, thay vì giảm nhẹ các lệnh trừng phạt, EU cần có các biện pháp mạnh hơn nhắm vào Putin và nhóm thân tín. EU có thể lấy cảm hứng từ Đạo luật Magnitsky của Mỹ, vốn nhằm vào các quan chức Nga chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Cách tiếp cận như vậy sẽ đảm bảo rằng những kẻ nhận được lợi ích từ chế độ tư bản thân hữu của Putin sẽ không thể rửa tiền và dẫn dắt gia đình họ nương náu tại phương Tây. Thực tế, các lệnh trừng phạt có chọn lọc có thể hiệu quả trong việc tác động đến chính sách của Nga hơn là việc hạn chế kinh tế chung chung, vì chúng đưa ra một thông điệp dứt khoát và rõ ràng tới giới chóp bu của Nga rằng việc không bị trừng phạt chỉ tồn tại trong đường biên giới của Nga mà thôi.

Ngoài các lệnh trừng phạt, EU và Mỹ phải chủ động và hiệu quả hơn trong việc đấu tranh lại chiến dịch đưa tin giả khổng lồ mà Nga xem là vũ khí hiệu nghiệm trong cuộc “chiến tranh hỗn hợp” chống lại các láng giềng của Nga và phương Tây. Tương tự, EU cần tìm ra cách thức hỗ trợ xã hội dân sự, giới sinh viên, nghiên cứu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nga, vì họ đang tranh đấu cho tự do, dân chủ và thịnh vượng. Cuối cùng, EU cần tăng cường nỗ lực cắt đứt dòng tiền và nguồn lực mà Putin sử dụng để gây bất ổn và chia rẽ bối cảnh chính trị Châu Âu.

Những ai đang kêu gọi mềm hóa quan hệ với Nga cần dẹp ngay lối tư duy thiển cận và nhận ra dã tâm của Kremlin trong việc làm phân rã EU. Xét tới triển vọng một chính quyền của Trump ở Mỹ, các áp lực như vậy từ Nga chính là điều cuối cùng mà EU muốn gặp phải. Kiên trì lập trường cứng rắn với Nga là cách duy nhất để giữ Châu Âu không tan rã.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hoàn toàn đúng khi nói rằng không có lý do gì để rút lại các lệnh trừng phạt đối với Nga. Điện Kremlin vẫn chưa làm gì để xứng đáng với phần thưởng như vậy. Ngược lại, họ xứng đáng với các trừng phạt nghiêm khắc hơn.

Guy Verhofstadt, cựu Thủ tướng Bỉ, là Chủ tịch của nhóm Liên minh các Nghị sĩ Tự do và Dân chủ (ALDE) tại Nghị viện Châu Âu.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Don’t Appease Putin
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]