Nguồn: Carmen Reinhart, “Brexit’s Blow to Globalization”, Project Syndicate, 29/06/2016
Biên dịch: Nguyễn Thanh Mai | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Cuộc trưng cầu dân ý Brexit của Vương quốc Liên hiệp Anh đã làm chao đảo thị trường vốn và tài chính trên toàn thế giới. Giống như trong những hồi trước của cuộc rối loạn tài chính mang tính lây lan, chiến thắng của phe “Rời đi” đã dẫn các nhà đầu tư toàn cầu bất an tìm đến những nơi trú ẩn an toàn thường gặp. Trái phiếu chính phủ Mỹ lên giá; đồng dollar, franc Thụy Sĩ và yên Nhật cùng tăng giá một cách rõ rệt nhất so với đồng bảng Anh.
Khi thất bại của phe “Ở lại” đã trở nên rõ ràng, sự trượt giá của đồng bảng dường như diễn ra theo hướng lặp lại mức mất giá lịch sử 14% trong cuộc khủng hoảng đồng bảng năm 1967. Nhưng những hậu quả đầy biến động trong thị trường vốn toàn cầu mà chúng ta đang chứng kiến không phải chỉ diễn ra sau những sự kiện như Brexit.
Điều độc đáo, và đặc biệt có tác động lan tỏa, là tiền lệ mà Brexit tạo ra cho các nước (hoặc các vùng) khác để “thoát” ra khỏi những dàn xếp kinh tế và chính trị của họ – có thể đó là Scotland và Bắc Ireland ở Anh, hay Catalan ở Tây Ban Nha. Các đường biên giới của các quốc gia – dân tộc hiện hữu có thể được vẽ lại hoặc ngăn tách hoàn toàn nếu các quốc gia thành viên bất mãn quy phục trước áp lực dân tộc chủ nghĩa trong nước và từ bỏ cuộc thử nghiệm kéo dài nhiều thập niên nhằm thống nhất châu Âu. (Và, như chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump ở Mỹ cho thấy, sự thôi thúc này lan rộng vượt ra ngoài châu Âu.)
Với những tác động tiêu cực mang tính hệ thống lên tự do tài chính, thương mại và sự dịch chuyển lao động, Brexit đánh dấu một bước thụt lùi lớn của toàn cầu hóa. Những tác hại của Brexit có thể sẽ không lan nhanh như trong những cuộc khủng hoảng tài chính trực tiếp, như cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hoặc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-98. Tuy nhiên, các hệ quả cũng sẽ không lắng xuống ngay trong tương lai gần.
Các dàn xếp thương mại, tài chính và nhập cư của Vương quốc Anh quá rắc rối và quá ăn sâu nên không thể được đàm phán lại một cách nhanh chóng. Trong khi đó, nhiều giao dịch hàng hóa, dịch vụ và tài sản tài chính có khả năng bị tạm ngừng. Ngay cả khi không có những khoảnh khắc “exit” khác diễn ra đâu đó ở châu Âu thì một thời kỳ bất định trong thị trường vốn toàn cầu dường như là có thể xảy ra.
Cần nhắc lại rằng toàn cầu hóa không khởi đầu với thế hệ hiện thời. Nửa sau của thế kỷ 19 đã là một kỷ nguyên gia tăng thương mại toàn cầu mặc cho những hạn chế về công nghệ. Những làn sóng nhập cư lớn đã làm đa dạng hóa mạnh mẽ cơ cấu nhân khẩu học của Hoa Kỳ và những vùng khác ở Nam và Bắc Mỹ. London là nơi sở hữu một ngành công nghiệp tài chính toàn cầu phát triển nhanh chóng, như đã từng xảy ra kể từ sau khi Anh giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh của Napoleon.
Thế chiến I đã chấm dứt làn sóng toàn cầu hóa ban đầu này; và thậm chí với sự trở lại của hòa bình, thế giới đã không bao giờ thực sự phục hồi. Cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1920 ở Anh và những năm 1930 ở phần còn lại của thế giới đã mở màn cho một làn sóng toàn cầu của những chính sách bảo hộ hướng nội và chính sách phá giá tiền tệ cạnh tranh theo kiểu ”lợi mình hại người”. Chiếc đinh cuối cùng đã được đóng lên cỗ quan tài của toàn cầu hóa thậm chí còn trước cả sự bùng nổ của Thế chiến II. Mặc dù không phải là nguyên nhân đầu tiên hay duy nhất dẫn đến sự suy thoái toàn cầu, các nhà kinh tế và các nhà sử học đa phần đồng thuận rằng những nhà hoạch định chính sách tại thời điểm đó đã khiến một hoàn cảnh vốn đã tồi tệ càng trở nên tệ hại hơn nhiều.
Sau Thế chiến II, hội nhập toàn cầu cuối cùng cũng đã bắt đầu trở lại, đầu tiên là về thương mại, và sau đó, kể từ những năm 1980, là về tài chính. Trong thời gian này, trung tâm tài chính London đã thức dậy sau giấc ngủ dài và giúp Vương quốc Anh trở thành một trong những trụ cột của một nền kinh tế chính trị toàn cầu mới, hội nhập sâu sắc. Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 09, hầu hết các chỉ số thương mại và tài chính toàn cầu đều đạt những đỉnh cao mới, và sự thống nhất châu Âu đã đóng góp lớn cho điều này. Nhưng với sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng, giao dịch tài chính xuyên biên giới tại châu Âu đã chùng xuống vì những nền kinh tế mắc nợ nhiều trong khu vực đồng tiền chung châu Âu dần đánh mất quyền tiếp cận thị trường vốn toàn cầu, và những mối lo lắng về khả năng vỡ nợ công và tư trở thành mối quan ngại trung tâm.
Cuộc khủng hoảng tài chính đã gây ra sự tụt giảm đồng loạt mạnh nhất trong thương mại thế giới kể từ sau cuộc Đại Suy thoái những năm 1930. Và thương mại toàn cầu vẫn chưa phục hồi được đường hướng ban đầu của nó: kể từ năm 2008, khối lượng xuất khẩu chỉ tăng ở mức bằng một nửa tỷ lệ tăng bình quân hàng năm của giai đoạn trước khủng hoảng (3,1%, xem sơ đồ phía dưới). Bản thân châu Âu cũng trải qua một sự suy thoái thậm chí còn trầm trọng hơn.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giáng một đòn chí mạng vào toàn cầu hóa, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và tài chính. Giờ đây, Brexit lại giáng thêm một đòn nữa, đưa thêm sự dịch chuyển lao động vào danh sách nạn nhân.
Các thị trường tài chính không giỏi đối phó với những bất trắc. Khi mà thế giới đang đối mặt với tăng trưởng yếu và đầu tư thấp, bất cứ kế hoạch kiềm chế thiệt hại phù hợp nào đều phải bao gồm giải pháp nhanh chóng xác lập những luật chơi mới dành cho nước Anh và mối quan hệ của Anh với EU. Bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ gây ra sự thất vọng lớn hơn và làm gia tăng khả năng diễn ra các chính sách trả đũa từ các thành viên EU. Điều cuối cùng người ta muốn xảy ra là một quá trình “ăn miếng trả miếng” của vụ ly dị chính trị này, điều chỉ làm sâu sắc thêm những đường đứt gãy trong một nền kinh tế toàn cầu vốn đang rạn nứt.
Carmen Reinhart là giáo sư về Hệ thống tài chính toàn cầu tại trường Quản lý nhà nước Kennedy, Đại học Harvard.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Brexit’s Blow to Globalization
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]