Dối trá và lãnh đạo

lies

Nguồn: Joseph S.Nye, “Lying and Leadership”, Project Syndicate, 06/07/2016.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Mùa bầu cử năm nay đã được đánh dấu bởi những cáo buộc thường xuyên về sự thiếu trung thực. Trong suốt cuộc tranh luận về sự kiện Brexit của nước Anh, mỗi bên buộc tội phía còn lại là đã bóp méo sự thật, mặc dù tốc độ mà bên ủng hộ “Ra đi” đang chối bỏ những lời hứa trong chiến dịch của họ, và những tuyên bố của bên “Ở lại” đã trở thành sự thật đủ để cho thấy bên nào nói đúng bản chất sự việc. Trong chiến dịch bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ, Donald Trump, ứng cử viên sẽ đại diện Đảng Cộng hòa, hiếm khi nhắc tới đối thủ lớn nhất của mình (Ted Cruz) trong các cuộc bầu cử sơ bộ mà không gọi ông ta là “Ted nói phét.”

Tương tự, Trump cũng hiếm khi bỏ qua cơ hội gọi bà Hilary Clinton, ứng cử viên đại diện Đảng Dân chủ, mà không gắn liền với cụm tiền tố “không thật thà” (crooked). Khi gần đây bà Clinton thực hiện một bài diễn văn cẩn trọng về chính sách đối ngoại, Trump đã đáp trả bằng cách gọi bà là một “nhà nói dối tầm cỡ thế giới”. Nhưng, theo PolitiFact, một tổ chức đã từng giành giải Pulitzer, chuyên kiểm chứng tính xác thực của các tuyên bố chính trị, 60% các tuyên bố của Trump mà tổ chức này điều tra kể từ khi ông bắt đầu chiến dịch của mình được cho là giả dối hoặc “nói dối trắng trợn”, so với tỉ lệ 12% của bà Clinton.

Một số người hoài nghi coi những đối đáp giữa các ứng viên như vậy là những hành động bình thường của các chính trị gia. Nhưng như vậy là quá dễ dãi, bởi nó làm ngơ trước những câu hỏi quan trọng về mức độ trung thực mà chúng ta muốn các nhà lãnh đạo chính trị cũng như các tranh luận chính trị cần có.

Trên thực tế, chúng ta có thể không muốn các nhà lãnh đạo chính trị lúc nào cũng phải nói hết ra các sự thật. Trong thời kỳ chiến tranh hay trong một chiến dịch chống khủng bố, sự lừa dối có thể là một điều kiện cần để chiến thắng hoặc thành công –điều rõ ràng phù hợp với lợi ích của chúng ta.

Các trường hợp khác ít kịch tính hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng. Đôi khi, các nhà lãnh đạo có những mục tiêu khác với mục tiêu của phần lớn những người đi theo họ; do đó, thay vì làm lộ những khác biệt, họ lừa dối những người này. Khi những hành động như vậy mang mục đích tư lợi, như trong trường hợp tham nhũng hoặc thỏa mãn tự tôn cá nhân, sự chỉ trích về đạo đức là hoàn toàn hợp lý và dễ dàng. Ngược lại, những nhà lãnh đạo khác khi có mục tiêu khác với người ủng hộ lại đầu tư nhiều vào việc giáo dục khiến người đối lập với họ thay đổi quan điểm.

Trong một số trường hợp, các nhà lãnh đạo không thể giáo dục những người đi theo họ đầy đủ kịp thời, hoặc những người đi theo này bị chia rẽ sâu sắc đến mức họ không thể đạt được đồng thuận về một hành động tập thể. Trong các trường hợp này, một số nhà lãnh đạo có thể lựa chọn cách nhìn gia trưởng và quyết định lừa dối những người đi theo họ về những thứ mà họ coi là phục vụ lợi ích chung lớn hơn.

Ví dụ, với tư cách Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Lyndon B. Johnson đã lừa dối những người ủng hộ ở phía Nam nước Mỹ nhằm thông qua đạo luật dân quyền năm 1957. Charles de Gaulle đã không tiết lộ chiến lược trao độc lập cho Algeria khi ông lên nắm quyền năm 1958, bởi ông biết rằng làm như vậy sẽ dẫn đến thất bại. John F. Kennedy đã lừa dối người dân về việc rút các đầu đạn hạt nhân của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa ước nhằm chấm dứt một cách hòa bình Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Hơn thế, Franklin D. Roosevelt đã nói dối người dân Mỹ về cuộc tấn công của Đức vào một tàu khu trục Mỹ, trong nỗ lực nhằm vượt qua sự kháng cự của những người theo chủ nghĩa biệt lập chống lại việc giúp nước Anh trước Thế Chiến 2. Và Winston Churchill đã từng nói rằng sự thật có thể “quý giá đến mức nó sẽ luôn được bảo vệ bởi những lời nói dối.”

Thực tế rằng mục đích của các nhà lãnh đạo có thể đôi khi biện minh cho việc vi phạm các quy chuẩn về sự trung thực không có nghĩa là tất cả các lời nói dối đều như nhau, hay chúng ta phải dừng những đánh giá về đạo đức trong các trường hợp như vậy. Ví dụ, sự lừa dối xảo quyệt thường là một phần của chiến lược mặc cả hoặc thậm chí trong việc làm cho một nhóm người chấp nhận những mục tiêu mới. Nhưng các ý định đằng sau đáng phải xem xét. Sự lừa dối mà chỉ đơn thuần phục vụ lợi ích cá nhân biến những chiến thuật lẽ ra có thể làm lợi cho những người khác trở thành một mưu toan ích kỷ.

Ngay cả khi có người thừa nhận rằng sự lừa dối có thể đôi khi cần thiết, người đó cũng có thể vẫn đặt câu hỏi về tầm quan trọng của mục tiêu, tính sẵn có của những cách thức khác nhằm đạt được nó, liệu sự lừa dối có khả năng lan rộng qua tiền lệ hay ví dụ hay không, sự tổn hại gây ra cho các nạn nhân khác nhau, cũng như trách nhiệm giải trình của những người nói dối (liệu hành vi của họ có được phát hiện ra hay giải thích về sau không). Trong cuốn sách của mình mang tựa đề Khi các vị tổng thông nói dối (When Presidents Lie), sử gia Eric Alterman kết luận rằng các lời nói dối của các tổng thống “chắc chắn sẽ biến thành những con quỷ bóp nghẹt những người tạo ra chúng.”

Và các vị tổng thống có thể tạo nên những tiền lệ xấu. Khi Roosevelt nói dối về cuộc tấn công của Đức lên tàu chiến Greer năm 1941, ông đã đặt một tiêu chuẩn rất thấp cho Johnson khi ông ta đưa ra mô tả gian dối về cuộc tấn công của quân đội Bắc Việt lên các tàu hải quân Hoa Kỳ, điều dẫn đến Nghị quyết vịnh Bắc Bộ năm 1964.

Các lãnh đạo quá dễ dàng thuyết phục chính mình rằng họ đang nói những lời nói dối cao quý vì lợi ích của những người đi theo họ, nhưng sự thật là họ chỉ đơn thuần nói dối vì sự thuận lợi chính trị hay mục đích cá nhân. Điều đó càng khiến việc chúng ta cẩn trọng xem xét bản chất những đánh đổi giữa mục đích và phương tiện mà các nhà lãnh đạo đó đưa ra trở nên quan trọng hơn trong một nền dân chủ. Có thể có những tình huống trong đó chúng ta sẽ cho phép một nhà lãnh đạo chính trị nói dối, nhưng những trường hợp như vậy nên được hạn chế và cần có sự giám sát chặt chẽ. Nếu không chúng ta sẽ làm lung lay nền móng của nền dân chủ và hạ thấp tiêu chuẩn tranh luận chính trị của chúng ta.

Đây là lý do tại sao sẽ là sai lầm khi những người hoài nghi coi các luận điệu của Trump chỉ đơn thuần là một trong số những điều các chính trị gia thường làm. Nếu PolitiFact và các tổ chức tương tự khác nói đúng, các chính trị gia không hoàn toàn giống nhau trong việc nói dối. Trump đã đưa ra nhiều phát biểu giả dối hơn bất cứ đối thủ nào của ông, và ít lời nói dối nào (nếu có) trong số đó có thể vượt qua được bài kiểm tra về tính tư lợi. Một nền báo chí độc lập và mạnh mẽ giúp kiểm chứng sự thật thực sự là cần thiết nhằm bảo tồn sự liêm chính của nền dân chủ. Và quan trọng không kém chính là một cộng đồng cử tri biết chống lại chủ nghĩa hoài nghi và việc hạ thấp chất lượng các diễn ngôn chính trị.

Joseph S. Nye, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, là Giáo sư tại Đại học Havard. Ông là tác giả cuốn “Is the American Century Over?”

Copyright: Project Syndicate 2016 – Lying and Leadership
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]