Nguồn: Andres Velasco, “Liberals to the Baricades”, Project Syndicate, 31/05/2016
Biên dịch: Đặng Thị Phương Thảo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Từ Áo, Pháp, Mỹ tới Ba Lan, Philippines và Peru, các nhà dân túy phi tự do đang trỗi dậy. Một số người đổ lỗi cho toàn cầu hóa không được kiểm soát; một số khác lại đổ lỗi cho bất bình đẳng trong thu thập; và một số người thì đổ lỗi cho giới thượng lưu thiếu thực tế, những người không nắm được những gì đang diễn ra.
Những lời lí giải như vậy, dù cho có vẻ hợp lí đến đâu, cũng đã bỏ qua những điểm quan trọng hơn. Vấn đề ở đây là chính trị chứ không phải là kinh tế. Nền dân chủ tự do là thành tựu chính trị vĩ đại nhất của loài người. Tuy nhiên, các nhà dân chủ tự do trên khắp thế giới đều lưỡng lự khi đưa ra lập luận bảo vệ nó. Do đó chẳng có gì đáng băn khoăn khi họ thất bại trong cuộc chiến giành lấy trái tim và lí trí của dân chúng.
Vấn đề ở đây không mới. Thực chất nó đã xuất hiện từ rất sớm cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tự do. Các nhà tư tưởng tự do thường lo ngại sự kiểm duyệt hay sự đàn áp nên thường tán thành sự trung lập về đạo đức: họ không ủng hộ một bộ giá trị duy nhất, hoặc một định nghĩa cụ thể về điều gì tạo nên một cuộc sống tốt đẹp. Một xã hội tự do – theo định nghĩa – cho phép công dân được làm chủ cuộc sống mà họ mong muốn miễn là điều đó không gây thiệt hại gì cho các bên thứ ba.
Vấn đề nằm ở chỗ nền chính trị ở khắp các nước đều bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của Aristotle, đều liên quan tới vấn đề đạo đức. Người Mỹ có lý do để coi các vị tổng thống của họ là người có khả năng phát biểu gây ảnh hưởng về các vấn đề. Khi các nhà chính trị ủng hộ một bộ giá trị hoặc đạo đức nào đó, các cử tri sẽ lắng nghe.
Điều này có thể được thực hiện một cách vụng về, như trong bài phát biểu của John Kerry nhận đề cử ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2004, trong đó ông lặp lại tới 32 lần từ “giá trị” hay “những giá trị”. Nhưng nó cũng có thể được thực hiện một cách đầy thuyết phục như khi Robert F. Kenedy Jr. chê trách người Mỹ đã hi sinh “những phẩm chất ưu tú cá nhân và các giá trị cộng đồng chỉ để tích lũy vật chất”. Ông bổ sung một cách rất ấn tượng rằng GDP có thể đo lường được mọi thứ nhưng không đo được những điều khiến cuộc sống này trở nên đáng giá.
Các nhà triết học từ John Stuart Mill tới John Rawls rồi Martha Nusbaum đều tìm kiếm một con đường thoát khỏi tình thế khó xử của chủ nghĩa tự do. Việc thúc đẩy, chứ chưa nói là áp đặt, những giá trị của một nhóm nhất định, dựa trên cơ sở tôn giáo hay gì khác, sẽ là phi tự do và mang tính phân biệt đối xử. Nhưng các chính phủ và những nhà lãnh đạo chính trị có thể và nên ủng hộ những giá trị chung – điều mà Rawls gọi là “những sự đồng thuận chồng lấn nhau” – những thứ giúp xác định một xã hội tự do. Ví dụ, bằng việc kỉ niệm ngày sinh của Martin Luther King Jr., nước Mỹ nhấn mạnh và tiếp tục cống hiến bản thân cho một lý tưởng chung về bình đẳng chủng tộc.
Luther King là một minh chứng tốt nhất cho sự đam mê mà nhờ đó các lý tưởng có thể (và nên) được bảo vệ. Có rất ít người được như ông. Các nhà dân túy như Donald Trump và lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, Marine Le Pen, đã dùng đam mê để phục vụ nền chính trị dựa trên sự sợ hãi và ghét bỏ. Ngược lại, những nhà dân chủ tự do, những sản phẩm của phong trào Khai sáng, lại ủng hộ những lý tưởng chính trị của họ – vốn coi trọng lý trí con người hơn những cảm xúc tầm thường – bằng một cách thức thể hiện phù hợp với những nhóm cử tọa nhỏ và lịch sự.
Đây là một vấn đề nghiêm trọng. “Việc nhường lãnh địa của việc định hình cảm xúc cho các lực lượng chống tự do mang lại cho họ một lợi thế to lớn trong việc giành lấy trái tim của công chúng và có nguy cơ khiến mọi người nghĩ rằng các giá trị tự do là nhạt nhẽo và nhàm chán”, Nussbaum viết.
Các nhà thần kinh học như Steven Pinker cho chúng ta biết rằng lí trí và cảm xúc là hai mặt của một đồng xu. Tương tự như thế, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Geogre Lakoff, dựa trên công trình của nhà tâm lí học Drew Westen, kết luận rằng “cảm xúc là trung tâm và cần thiết trong việc thuyết phục chính trị. Việc sử dụng cảm xúc không phải là một sự dẫn dắt phi pháp tới sự vô lý trí, như tư tưởng thời kỳ Khai sáng vẫn nghĩ. Những cảm xúc phù hợp cũng mang tính lí trí”.
Luther King hiểu điều này rất rõ khi ông nói về giấc mơ về một xã hội mà ở đó trẻ em sẽ không bị đánh giá bởi màu da mà bởi phẩm chất của chúng.
Hiện nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama là nhà lãnh đạo dân chủ tự do duy nhất nói về các giá trị và đức hạnh. Obama thường bị chỉ trích vì lạnh lùng và xa cách, nhưng không hề có biểu hiện nào của điều ấy trong việc ông thúc đẩy khả năng mọi người cùng chung sống trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau như là một giá trị tự do đáng ngưỡng mộ nhất.
Trong bài phát biểu công bố chiến thắng năm 2012, ông nói: “Mỗi chúng ta từ trong sâu thẳm đều có những niềm tin. Và khi chúng ta trải qua quãng thời gian khó khăn, khi chúng ta phải đưa ra một quyết định lớn trên cương vị một đất nước, chúng ta rất cần khuấy động những đam mê, khuấy động các tranh luận”, điều mà ông gọi là “dấu hiệu của sự tự do”. Và dù thế nào, “bất chấp những sự khác biệt, phần lớn chúng ta đều chia sẻ những hi vọng nhất định về tương lai nước Mỹ…Chúng ta tin tưởng vào một nước Mỹ hào phóng, một nước Mỹ đầy lòng trắc ẩn, một nước Mỹ khoan dung, rộng mở chào đón những giấc mơ của con gái của một người nhập cư, người đang học trong các trường học của chúng ta và tuyên thệ dưới cờ của chúng ta.”
Dòng cuối cùng trong phát biểu trên chỉ ra rằng Tổng thống Obama cũng nhận thức được những khó khăn mà các nền tự do dân chủ phải vượt qua: đó là định hình một “chúng ta” đáng tín nhiệm. Ví dụ của các nhà dân túy lại một lần nữa hữu ích. Những nhà dân túy cánh hữu như Trump đã lợi dụng nền chính trị dựa trên bản sắc. Các nhà dân túy cánh tả như Bernie Sanders lại chú trọng vào khía cạnh chính trị của thu nhập. Cho dù đó là các nhà xuất khẩu Trung Quốc, người nhập cư Mexico, những kẻ được cho là phần tử khủng bố Hồi giáo hay những ông chủ ngân hàng trên phố Wall, “rõ ràng đều có một đối tượng khác nào đó mà người ta sẽ nhắm sự giận dữ vào”, như lời Dani Rodrik của Đại học Havard gần đây đã nhấn mạnh.
Các nhà dân chủ tự do cần làm rõ rằng chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu nếu như chỉ đổ lỗi cho nhau, và gánh vác các trách nhiệm chung là con đường duy nhất để gây dựng được một tương lai chung tốt đẹp hơn. Tất nhiên, các cải cách kinh tế và chính trị giúp giảm bất bình đẳng thu thập và quyền lực là không thể thiếu, vì lợi ích của chúng ta, đồng thời giúp cho lời kêu gọi hướng tới một sự hi sinh chung trở nên khả tín hơn. Và một điều khác cũng không thể thiếu chính là niềm tin đạo đức, được thể hiện một cách đầy nồng ấm, rằng cô con gái của người nhập cư đang học tại trường học của chúng ta là một thành viên thực thụ, với đầy đủ các quyền công dân, của xã hội chúng ta.
Không một tổ chức chính trị hay xã hội nào trong lịch sử loài người tiến được tới gần nền dân chủ tự do để thực hiện lý tưởng về cơ hội công bằng cho tất cả mọi người như chúng ta. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa đạt tới đó. Nhưng chúng ta đã đi một chặng đường dài, và bằng việc giữ vững những giá trị tự do dân chủ, chúng ta sẽ còn đi xa hơn nữa. Không có ai kể cả những kẻ thánh chiến hay những kẻ thiếu khoan dung, Trump hay Le Pen, Chavez, Maduro hay Putin, có thể được cho phép phá hủy ước mơ khả dĩ này của chúng ta.
Andres Velasco, cựu ứng viên tổng thống và Bộ trưởng Tài chính Chile, là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Quốc tế tại Trường các Vấn đề công và quốc tế, Đại học Columbia.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Liberals to the Baricades
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]