Nguồn: Vladislav Inozemtsev, “Russia’s Flirtation with Fascism”, Project Syndicate, 29/07/2016
Biên dịch: Trịnh Ngọc Phương Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong những năm gần đây, các nhà làm chính sách phương Tây đã gặp nhiều khó khăn trong việc xếp loại hệ thống chính trị của Nga, đa phần họ dùng đến những thuật ngữ như “dân chủ phi tự do” hay “chủ nghĩa chuyên chế.”
Tuy nhiên, hệ thống của Nga nên được xếp vào dạng chế độ “tiền phát xít” (proto-fascist) – nhẹ nhàng hơn chế độ phát xít của các quốc gia châu Âu giai đoạn 1920 – 1930, nhưng vẫn sở hữu những yếu tố cốt lõi của những chế độ ấy. Những yếu tố này bao gồm cấu trúc kinh tế chính trị của Nga; sự lý tưởng hóa nhà nước như một nguồn thẩm quyền đạo đức; và dạng quan hệ quốc tế đặc thù của Nga.
Trong quyển The Anatomy of Fascism (Mổ xẻ chủ nghĩa Phát xít), nhà sử học Robert O. Paxton từ Đại học Columbia viết:
Chủ nghĩa phát xít có thể được định nghĩa như một dạng hành vi chính trị đặc trưng bởi tình trạng ám ảnh về sự suy thoái cộng đồng, bị thóa mạ, bức hại và bằng việc bù đắp cho điều đó thông qua sùng bái tính đoàn kết, năng lượng và sự thuần khiết, mà ở đó một đảng đại chúng với những người cứng rắn theo chủ nghĩa quốc gia, phối hợp một cách khó khăn nhưng vẫn hiệu quả với giới chóp bu truyền thống, từ bỏ tự do dân chủ và theo đuổi những mục tiêu thanh trừng nội bộ và bành trướng bên ngoài bằng vũ lực vượt ngoài sự ràng buộc của đạo đức và pháp luật.
Trong một bài viết vào năm 1995 cho tạp chí The New York Review of Books, Umberto Eco, nhà văn sinh năm 1932 trong thời kỳ phát xít Ý, đã định nghĩa chế độ phát xít một cách bao quát như “một sự tôn sùng truyền thống” dựa trên “chủ nghĩa dân túy chọn lọc.” Trước đó vào năm 1939, Peter Drucker đã khẳng định trong quyển The End of Economic Man: The Origins of Totalitarianism (Sự chấm dứt con người kinh tế: Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị), rằng “chủ nghĩa phát xít là giai đoạn xuất hiện sau khi chủ nghĩa cộng sản được chứng minh chỉ là ảo tưởng.”
Dựa trên những định nghĩa này, ngày nay thật khó để tìm được trong xã hội chính trị Nga bất kỳ xu hướng nào không thể bị gán mác phát xít.
Đầu tiên, hãy xét đến sự xâm nhập của nhà nước vào nền kinh tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã và đang tích trữ tài sản quốc gia trong các ngân hàng nhà nước và nay gọi các công ty dầu khí Nga bằng thuật ngữ “kho báu quốc gia.” Mục tiêu của ông là thành lập những “doanh nghiệp nhà nước” mới, mặc dù tỉ lệ quốc hữu trong nền kinh tế đã vượt xa con số 60%. Cùng lúc đó, các nghiệp đoàn độc lập đã hoàn toàn bị nghiền nát, và những tay đầu sỏ chính trị lúc này tuyên bố rằng họ sẵn sàng giao lại tài sản của mình cho nhà nước khi cần.
Hơn thế nữa, hiện nay Putin đã đạt được quyền kiểm soát gần như tuyệt đối đối với việc sử dụng bạo lực nhờ vào nhiều “cơ quan chấp pháp” báo cáo trực tiếp với ông, bao gồm Quân đội, Bộ Nội vụ, Tổng cục An ninh Liên bang Nga, một Cục Bảo vệ Liên bang với 30.000 thành viên được thành lập vào năm 2002, và đội Vệ binh Quốc gia gồm 400.000 quân được thành lập vào đầu năm nay. Và đó là chưa tính tới những “quân đội riêng” của các công ty nhà nước hay các “lãnh chúa” trung thành như Ramzan Kadyrov tại Chechnya. Kadyrov chỉ huy gần 30.000 lính vũ trang, và thuộc hạ của ông đã từng bị buộc tội trả đũa lại những người chống đối.
Ngoài ra, Putin đã lợi dụng cảm giác mất mát lịch sử và vinh quang quá khứ của Nga, công khai ủng hộ chủ nghĩa khôi phục lãnh thổ và quân sự hóa. Ngày Chiến Thắng kỷ niệm sự kiện Liên Xô đánh bại Phát xít Đức giờ đây vượt xa sự khoa trương của thời kỳ Xô-viết; và bộ máy tuyên truyền của nhà nước liên tục khích động những tình cảm chống phương Tây bằng cách khẳng định rằng nhiều phần của “nước Nga lịch sử” đã bị thâu tóm một cách bất hợp pháp – và cũng vì vậy mà Crimea cần được “giành lại” bằng vũ lực vào tháng 3 năm 2014.
Thật sự, bộ máy tuyên truyền Nga chính là thành tựu tiền phát xít nổi bật nhất của nó. Putin có thể liên tục bủa vây người dân Nga bằng thông điệp rằng nền kinh tế của họ là một nền kinh tế hiện đại sánh ngang với những cường quốc toàn cầu dẫn đầu khác. Và mỗi năm, những luận điệu dân túy về sự “phục hưng đất nước” và một trận “đối đầu tay đôi với kẻ thù” lại càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Nhưng sự chấp thuận của Nga với chủ nghĩa phát xít không đem lại mối đe dọa lớn về lâu dài, vì 3 lý do. Đầu tiên, các thành tố phát xít tại Nga không xuất hiện một cách tự nhiên như tại châu Âu vào những năm đầu thế kỷ 20. Thay vào đó, chúng bị áp đặt lên xã hội Nga bởi nhà nước, nơi những người lãnh đạo được hưởng quyền lực to lớn theo Hiến pháp 1993. Khi không có nguồn gốc sâu xa từ trong dân chúng, cấu trúc phát xít đang được xây dựng này có thể dễ dàng bị phá bỏ.
Thứ hai, Nga là một quốc gia đa dân tộc mà trong nhiều thế kỷ đã phát triển thành một đế chế, chứ không phải một quốc gia-dân tộc. Vì vậy, những xu hướng phát xít ở đây mang nặng tính đế quốc hơn hơn là tính quốc gia. Và, mặc cho sự hung hãn của Nga trong quan hệ với các nước láng giềng, nó thiếu khả năng kinh tế cần thiết để duy trì một đế chế.
Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, nước Nga của Putin là một chế độ sùng bái cá nhân. Thiếu đi sự kế vị theo kiểu cha truyền con nối của Bắc Triều Tiên, những chế độ này không thể tồn tại lâu dài nếu thiếu đi người lãnh đạo, cho dù đó là ở Ý, Đức, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Hoặc như phó chánh văn phòng của Putin, Vyacheslav Volodin, đã buột miệng: “Bất kỳ sự tấn công nào nhằm vào Putin là nhằm vào nước Nga…Sẽ chẳng có nước Nga ngày nay nếu không có Putin.”
Khu vực địa chính trị lân cận của Nga ngày nay ít chấp nhận các ý thức hệ toàn trị hơn so với 90 năm trước. Các thế lực phương Tây không cần phá hoại hay hủy diệt nước Nga của Putin, họ chỉ cần chờ cho qua thời kỳ ấy. Dù với quyền lực đã bị suy yếu của nhiều quốc gia phương Tây ngày nay, điều này vẫn có thể đạt được.
Vladislav Inozemstev là Giáo sư Kinh tế học tại Trường Cao học Kinh tế Moskva và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hậu Công nghiệp.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Russia’s Flirtation with Fascism
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]