Nguồn: J. Bradford Delong, “A Brief History of (In)equality”, Project Syndicate, 27/07/2016
Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Barry Eichengreen – nhà kinh tế học tại trường Đại học California, Berkeley mới đây đã có buổi nói chuyện tại thành phố Lisbon về bất bình đẳng. Buổi nói chuyện đã thể hiện một trong những giá trị của một nhà sử học kinh tế. Eichengreen, giống như tôi, thích tìm tòi sự phức tạp của mọi tình huống, luôn tránh việc đơn giản hóa thái quá khi theo đuổi sự rõ ràng về mặt khái niệm. Khuynh hướng này vẫn là nguồn động lực thúc đẩy để nỗ lực giải thích về thế giới nhiều hơn so với những gì chúng ta có thể biết được qua một mô hình đơn giản.
Về phần mình, nếu xét về bất bình đẳng, Eichengreen đã xác định 6 quá trình cơ bản đã diễn ra trong 250 năm qua.
Trước tiên là sự mở rộng bất bình đẳng thu nhập tại Anh từ năm 1750 đến năm 1850, khi những thành quả từ cuộc Cách mạng Công nghiệp Anh đã rơi vào túi tầng lớp trung lưu thành thị và nông thôn, nhưng chưa tới được với tầng lớp nghèo ở đô thị và nông thôn.
Thứ hai, từ năm 1750 đến năm 1975, sự bất bình đẳng thu nhập cũng mở rộng trên toàn cầu, do một số nơi trên thế giới nhận được lợi ích từ những công nghệ thời kỳ công nghiệp và hậu công nghiệp, trong khi những nơi khác thì chưa. Ví dụ, vào năm 1800, sức mua ngang giá của Mỹ chỉ gấp đôi Trung Quốc; nhưng đến năm 1975 con số này là gấp 30 lần.
Quá trình thứ ba là giai đoạn được gọi là Thời kỳ Đầu tiên của Toàn cầu hoá, từ năm 1850 đến năm 1914, khi mức sống và mức năng suất lao động dần đồng đều nhau ở các nước phương Bắc.[1] Trong thời gian này, 50 triệu người đã để rời bỏ một châu Âu chật chội và nặng về nông nghiệp để tìm đến các khu định cư mới giàu tài nguyên (ở Bắc Mỹ). Họ mang theo các thể chế, công nghệ và vốn với mình, và sự khác biệt tiền công giữa châu Âu và những nền kinh tế mới này đã giảm mạnh từ gần 100% xuống 25%.
Điều này gần như xảy ra trùng hợp với Kỷ nguyên Vàng (Gilded Age) từ năm 1870 đến năm 1914, khi sự bất bình đẳng trong nước gia tăng ở các nước phương Bắc do khả năng kinh doanh, công nghiệp hóa, và sự thao túng tài chính giúp chuyển hướng những nguồn lợi nhuận mới chủ yếu sang các gia đình giàu có nhất.
Sự bất bình đẳng trong Kỷ nguyên Vàng đã đảo ngược rõ rệt trong suốt giai đoạn của nền dân chủ xã hội ở các nước phương Bắc, từ năm 1930 đến năm 1980, khi thuế suất cao hơn đánh vào giới giàu có giúp chi trả cho những chương trình phúc lợi chính phủ mới. Nhưng giai đoạn kế tiếp và cuối cùng đã đưa chúng ta đến thời điểm hiện tại, khi những lựa chọn về chính sách kinh tế lại một lần nữa dẫn đến sự bất bình đẳng gia tăng ở các nước phương Bắc, đánh dấu một Kỷ nguyên Vàng mới.
Sáu quá trình tác động đến sự bất bình đẳng của Eichengreen là một khởi điểm tốt. Nhưng tôi sẽ đi xa hơn và bổ sung thêm sáu quá trình nữa.
Đầu tiên, đó là sự tồn tại dai dẳng của tình trạng đói nghèo tuyệt đối (absolute poverty) ở một số nơi, bất chấp sự suy giảm rất mạnh tình trạng này xét trên tổng thể từ năm 1980. Như Ananya Roy – học giả của Đại học California, Los Angeles – đã chỉ ra rằng người dân trong tình trạng đói nghèo tuyệt đối đang bị tước đoạt cả cơ hội lẫn phương tiện để thay đổi tình trạng của họ. Họ thiếu cái mà triết gia Isaiah Berlin gọi là “sự tự do tích cực” (positive liberty) – tức năng lực để tự hiện thực hóa cơ hội – cũng như “sự tự do tiêu cực” (negative liberty), tức tự do không bị cản trở trong hành động của mỗi người. Theo đó, bất bình đẳng là sự phân phối không đồng đều không chỉ về của cải, mà còn cả tự do.
Thứ hai là việc bãi bỏ chế độ nô lệ ở nhiều nơi trên thế giới trong thế kỷ 19, và tiếp theo đó, thứ ba, là việc nới lỏng dần dần trên toàn cầu các ràng buộc về giai tầng khác như chủng tộc, sắc tộc, giới tính, những điều thậm chí đã tước đoạt của một số người giàu có cơ hội được sử dụng chính tài sản của mình.
Qúa trình thứ tư bao gồm hai thế hệ tăng trưởng nhanh ở Trung Quốc gần đây và một thế hệ tăng trưởng nhanh ở Ấn Độ, một nhân tố quan trọng đằng sau sự suy giảm bất bình đẳng trên toàn cầu kể từ năm 1975.
Thứ năm là động lực của lãi suất kép (compound interest, hay lãi tính cho lãi của tiền gửi), điều mà thông qua các dàn xếp chính trị có lợi cho phép giới giàu có hưởng lợi từ một tình trạng kinh tế mà trong đó không thực sự tạo ra thêm của cải mới. Như nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty đã quan sát, quá trình này có thể đã đóng một vai trò nào đó trong quá khứ, và chắc chắn sẽ đóng một vai trò lớn hơn nữa trong tương lai của chúng ta.
Đến bây giờ, chắc bạn đọc đã hiểu tại sao tôi đã bắt đầu bằng việc nhấn mạnh tính phức tạp của lịch sử kinh tế. Tính phức tạp này hàm ý rằng bất kỳ sự điều chỉnh nào đối với nền kinh tế chính trị của chúng ta đều phải được dựa trên cơ sở khoa học xã hội vững chắc và được chỉ đạo bởi những nhà lãnh đạo dân cử, những người đang thực sự hành động vì lợi ích của người dân.
Việc nhấn mạnh tính phức tạp đã đưa tôi đến một nhân tố cuối cùng tác động đến bất bình đẳng – có lẽ là quan trọng nhất trong tất cả: sự huy động người dân của những người theo chủ nghĩa dân túy. Các nền dân chủ có khuynh hướng dẫn tới các cuộc nổi dậy của những người theo chủ nghĩa dân túy, đặc biệt là khi bất bình đẳng gia tăng. Nhưng lịch sử về các cuộc nổi dậy như vậy nên khiến chúng ta tạm dừng và suy nghĩ lại.
Ở Pháp, làn sóng những người theo chủ nghĩa dân túy đã thiết lập nên một vị hoàng đế – Napoleon III, người đã lãnh đạo cuộc đảo chính vào năm 1851 – và lật đổ chính phủ được bầu một cách dân chủ trong suốt nền Đệ nhị Cộng hòa. Tại Hoa Kỳ, làn sóng này củng cố thêm sự kỳ thị đối với người nhập cư và duy trì kỷ nguyên Jim Crow của sự phân biệt chủng tộc về mặt pháp luật.
Ở Trung Âu, làn sóng những người theo chủ nghĩa dân túy đã định hướng các cuộc chinh phục kiểu đế quốc chủ nghĩa nhân danh chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ở Liên Xô cũ, làn sóng này đã giúp Vladimir Lenin củng cố quyền lực, để lại những hậu quả tai hại chỉ sau nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa phát xít, một chủ nghĩa cũng có được quyền lực nhờ làn sóng dân túy.
Những phản ứng mang tính xây dựng của chủ nghĩa dân túy đối với bất bình đẳng là ít hơn, nhưng chắc chắn phải đề cập đến chúng. Trong một số trường hợp, chủ nghĩa dân túy đã giúp mở rộng quyền bầu cử; ban hành thuế thu nhập lũy tiến và bảo hiểm xã hội; xây dựng nguồn vốn vật chất và vốn con người; mở cửa các nền kinh tế; ưu tiên toàn dụng lao động; và khuyến khích di dân.
Lịch sử đã dạy chúng ta rằng những phản ứng tích cực trên đối với bất bình đẳng đã biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Thật không may – và tôi xin mạn phép được đơn giản hóa nhận định – chúng ta thường thất bại trong việc lưu tâm đến những bài học của lịch sử.
Bradford Delong là giáo sư ngành kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, và là nghiên cứu viên tại Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế. Ông cũng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton, giai đoạn ông đã tham gia rất nhiều vào các cuộc đàm phán về ngân sách và thương mại.
Copyright: Project Syndicate 2016 – A Brief History of (In)equality
————–
[1] Global North: Một thuật ngữ được sử dụng để đề cập tới các nước giàu, công nghiệp hóa chủ yếu nằm ở Bắc bán cầu.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]