Nguồn: Guy Verhofstadt, “Putin’s Turkish Delight”, Project Syndicate, 12/08/2016
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Hãy xem chừng Sa hoàng ngay cả với món quà trên tay. Đây có lẽ là lời khuyên cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan khi ông cố gắng tận dụng việc tái thiết lập quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin để tác động lên mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây.
Nhìn từ bên ngoài, dường như cuộc gặp gỡ giữa Erdoğan và Putin tại St. Petersburg vừa qua là để hàn gắn quan hệ hai bên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga ở gần biên giới với Syria hồi năm ngoái. Nhưng đối với Điện Kremlin, chuyến thăm là cơ hội để thuyết phục Erdoğan “hướng Đông”; cùng với Nga, Trung Quốc và các nước Trung Á chia sẻ một loại “tình huynh đệ” dựa trên chế độ chuyên chế. Câu hỏi đặt ra là liệu Erdoğan thực sự sẽ chấp nhận đề nghị này hay không?
Erdoğan chắc chắn đang diễn một vở kịch với Putin, trong đó hứa hẹn hữu nghị và hợp tác. Khi làm như vậy, ông muốn gửi đến các đồng minh phương Tây của mình – những người đã chỉ trích việc ông bắt giữ hàng ngàn người đối lập, trong đó có nhiều nhà báo, sau cuộc đảo chính quân sự thất bại hồi tháng trước – một thông điệp mạnh mẽ rằng: “Tôi không cần các anh.” Ngược lại, Putin là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên kêu gọi ủng hộ chính phủ Erdoğan sau cuộc đảo chính. Điều đó giải thích tại sao Nga là điểm đến đầu tiên của Erdoğan sau khi ổn định tình hình trong nước.
Chắc chắn Erdoğan chỉ đơn giản là đang nắm bắt một cơ hội lý tưởng để tăng cường an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và của cả khu vực nói chung. Sau cùng thì, sẽ chẳng ai có lợi – nhất là với NATO – nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Nga căng thẳng với nhau.
Nhưng sẽ rất ngạc nhiên nếu Erdoğan không có ý định làm cho các đồng minh NATO của mình lo lắng. Và ông đã thành công. Ít nhất, EU vẫn cần Thổ Nhĩ Kỳ duy trì thỏa thuận được ký vào tháng Ba vừa qua nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn đến biên giới châu Âu. Vì thế, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Erdoğan có thể quay sang chống lại châu Âu sẽ làm dấy lên quan ngại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, quan hệ mới tái lập giữa Erdoğan và Putin có thể mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Nếu Erdoğan thực sự mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, điều đó sẽ làm nguy hại đến quan hệ của nước này với EU và Mỹ như một số người đã cảnh báo trước đó, vì nó sẽ dẫn tới những biến đổi địa chính trị căn bản. Nhưng có lẽ điều này sẽ không xảy ra.
Điện Kremlin quan tâm đặc biệt đến sự suy giảm trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đối tác phương Tây. Putin đã lên tiếng phản đối các chính sách của NATO – đặc biệt là vai trò của tổ chức này tại các nước giáp biên giới Nga. Vốn là người chẳng quan tâm đến nhân quyền, pháp quyền, hoặc dân chủ, nên chứng kiến những người đứng đầu EU và Mỹ mâu thuẫn với Erdoğan về cuộc đàn áp sau đảo chính của ông khiến Putin thấy được một cơ hội vàng để làm suy yếu NATO.
Một lý do khác lý giải tại sao Nga lại muốn trở thành bạn với Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria, trong đó Điện Kremlin đã can thiệp quân sự để bảo vệ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Putin cần một chiến thắng ở Syria – cũng như một lối thoát. Để đạt được điều đó, ông cần đưa Erdoğan – người đã cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho quân nổi dậy Sunni (chống Assad) mà lực lượng không quân Nga đang nhắm tới – gia nhập phe của mình.
Nhưng chuyện Thổ Nhĩ Kỳ “xoay trục sang hướng đông” là quá xa vời. Đúng là Thổ Nhĩ Kỳ cần khách du lịch Nga để thúc đẩy nền kinh tế đang xuống dốc của mình. Nhưng mọi lợi ích kinh tế Nga có thể mang lại cũng chẳng là gì so với EU – một đối tác kinh doanh và thương mại quan trọng, không thể thiếu trong quá trình hiện đại hóa của Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm nữa, Putin vốn nổi danh là kẻ không đáng tin cậy, và rõ ràng là, dù cho quan hệ tốt hơn với Nga có thể đem đến nhiều lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ, Erdoğan cũng không thể từ bỏ quan hệ của nước mình với phương Tây.
Nhưng dù việc Erdoğan bước vào quỹ đạo của Putin có thể là một sai lầm mang tính chiến lược, nhưng nhiều nhà lãnh đạo cũng đã mắc sai lầm chiến lược trước đây. Đấy là lý do tại sao những tháng sắp tới, khi mà Thổ Nhĩ Kỳ và EU bàn luận các vấn đề gây tranh cãi, là thời điểm rất quan trọng.
Vụ đàn áp sau đảo chính của Erdoğan không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, đặc biệt là EU. Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng rằng việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi sang EU, như lời hứa của phía EU vào tháng Giêng, cần phải được thực hiện trong năm nay. Nhưng, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được các điều kiện thoả thuận, trong đó gồm cả việc cải tổ luật chống khủng bố của họ, điều có thể không xảy ra – một khả năng càng được củng cố sau vụ đảo chính. Kết quả là, thỏa thuận di cư hồi tháng Ba giờ nằm ở thế ngàn cân treo sợi tóc.
Để vạch ra con đường phía trước, một cuộc đối thoại liên tục giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ là rất cấp thiết. Thay vì để mặc Erdoğan sử dụng mối quan hệ với Putin để chi phối các đồng minh NATO của mình, phương Tây – và nhất là EU – phải lên án, một cách rõ ràng hơn bao giờ hết, sự thay đổi ngày một nhanh của ông ta hướng về phía chế độ chuyên chế. Họ phải làm cho Erdoğan hiểu rằng con đường hiện tại khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng khó gia nhập EU, đồng thời ảnh hưởng đến một số quan hệ kinh tế mà nước này đang phụ thuộc vào.
Đây là thời điểm quyết định đối với Erdoğan. Hoặc ông khởi động lại cam kết của nước mình để xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ với EU, và đón nhận tất cả sự thịnh vượng mà nó mang lại. Hoặc ông sẽ tiếp tục đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến một tương lai chuyên chế và cô lập, để rồi thi thoảng nhận vài cuộc điện thoại an ủi từ Điện Kremlin, ngoài ra chẳng còn gì khác. Đây thực sự không phải là lựa chọn nữa. Vì lợi ích của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta hy vọng rằng Erdoğan sẽ nhận ra điều đó.
Guy Verhofstadt là cựu Thủ tướng Bỉ, và hiện là Chủ tịch của Liên minh nghị sĩ Tự do và Dân chủ châu Âu (ALDE) trong Nghị viện châu Âu.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Putin’s Turkish Delight
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]