Tác dụng của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD là gì?

thaad

Nguồn: Richard Weitz, “Better THAAD than dead”, Project Syndicate, 10/08/2016

Biên dịch: Chu Tuấn Việt

Hàn Quốc đang thúc đẩy kế hoạch phối hợp với quân đội Hoa Kỳ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến – có tên là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) – trên lãnh thổ nước này. Quyết định này của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gây nhiều tranh cãi, bị Trung Quốc và Nga phản đối, và một số nhà bình luận dự đoán đây sẽ là khởi đầu cho một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Nhưng Trung Quốc và Nga nên hoan nghênh THAAD vì nó sẽ khiến Hàn Quốc hoặc Nhật Bản giảm nhu cầu theo đuổi các lựa chọn phòng vệ khác, trong đó có việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Hàn Quốc và Nhật Bản có nhiều lý do để củng cố quốc phòng. Nguy cơ xâm lược từ Bắc Triều Tiên là có thật và sẽ không sớm được loại trừ. Bắc Triều Tiên đang gia tăng các luận điệu và thái độ hiếu chiến khi mà họ gia tăng sức mạnh quân sự, bao gồm các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, tên lửa đạn đạo tầm xa, các lực lượng tấn công mạng và lực lượng đặc nhiệm.

Hoa Kỳ đã liên tục cảnh báo Bắc Triều Tiên không được phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo, nhưng đã không thành công. Và công cụ ngoại giao – gồm cả việc trừng phạt và mua chuộc (về kinh tế) – cũng không thể ngăn cản Bắc Triều Tiên.

Hiện nay nhiều người ở Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại liệu cam kết của Hoa Kỳ có đủ mạnh để bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài hay không. Các diễn biến gần đây đã làm suy yếu niềm tin vào Hoa Kỳ, từ việc Tổng thống Obama không thực hiện được tối hậu thư của ông về cấm sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, đến việc Đảng Cộng hòa chỉ định Donald Trump là ứng viên tổng thống của Đảng.

Trên thực tế, chính ông Trump đã góp phần thúc đẩy phổ biến vũ khí hạt nhân tại châu Á. Gần đây ông ta phàn nàn trên tờ New York Times rằng Hoa Kỳ tiêu quá nhiều tiền vào các hệ thống phòng thủ tên lửa và đồn trú quân tại Hàn Quốc và Nhật Bản, và hứa hẹn rằng nếu được bầu làm Tổng thống, ông ta sẽ yêu cầu hai nước kia đóng góp nhiều hơn cho việc phòng vệ của họ. Ông Trump nói là nếu họ không muốn làm vậy, ông ta sẽ “hoàn toàn sẵn sàng bảo hai nước này rằng ‘Xin chúc mừng, giờ thì các anh tự bảo vệ mình đi nhé’.”

Một số thành viên Đảng Saenuri bảo thủ cầm quyền tại Hàn Quốc đang công khai kêu gọi trang bị vũ khí hạt nhân do tin rằng điều đó sẽ ngăn ngừa Bắc Triều Tiên tấn công và khiến Trung Quốc gia tăng áp lực buộc nước đồng minh này phải cắt giảm các chương trình vũ khí.

Nếu Hàn Quốc phát triển kho vũ khí hạt nhân, Nhật Bản sẽ rất có thể làm tương tự, đặc biệt khi mà Trung Quốc hung hăng theo đuổi yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát (phía Trung Quốc gọi nhóm đảo này là quần đảo Điếu Ngư). Nhật Bản có số lượng rất lớn plutonium đã phân tách và đủ năng lực kỹ thuật cần thiết để trở thành “cường quốc hạt nhân dự bị”: dù chưa có sẵn vũ khí hạt nhân, họ có thể nhanh chóng tự phát triển các vũ khí này nếu cần thiết.

Bằng việc phát triển vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ gây hại cho quan hệ của họ với Hoa Kỳ hoặc gặp nguy cơ bị trừng phạt kinh tế và năng lượng. Cụ thể là một bước đi như vậy của Hàn Quốc sẽ dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, hoặc tệ hơn. Đặc trưng cho một cuộc đối đầu hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ là cả hai bên đều muốn tấn công trước để xóa bỏ khả năng phản công của bên kia.

Ngoại trừ kịch bản ngày tận thế nói trên, vũ khí hạt nhân ít có tác dụng ngăn ngừa các hành động khiêu khích quy mô nhỏ. Khả năng bị Hoa Kỳ tấn công hạt nhân đã không thể ngăn chặn Bắc Triều Tiên đánh đắm một chiến hạm của Hàn Quốc năm 2010.

Hơn nữa, nếu Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân, một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực – hoặc thậm chí trên toàn cầu – sẽ xảy ra; và không phải mọi quốc gia nào muốn phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng họ đều dễ dàng kết thân với phương Tây. Đây sẽ là một kịch bản cực kỳ nguy hiểm: Nếu tình hình cứ như hiện nay thì việc nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hơn sẽ dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân, khủng bố hạt nhân và tai nạn hạt nhân dễ xảy ra hơn.

Trong bối cảnh đó, việc triển khai THAAD có ý nghĩa rất tích cực. Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản nên hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa như là phòng tuyến răn đe đầu tiên ở khu vực, đồng thời tăng cường bảo vệ và phân tán các mục tiêu dễ bị tấn công, đẩy mạnh chia sẻ thông tin tình báo giữa ba nước về các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, và phối hợp cùng cộng đồng quốc tế để làm gián đoạn các chương trình vũ khí của nước này.

Khó chứng minh được hiệu quả của chiến lược răn đe: Về nguyên tắc, nếu chiến lược này có tác dụng thì không có sự cố nào xảy ra; sẽ không ai quan tâm nếu một nước không tấn công do bị răn đe. Nhưng những người nghi ngờ chiến lược răn đe có thể dễ dàng lập luận rằng kẻ xâm lược giả định kia chưa bao giờ có kế hoạch tấn công, hoặc đã hủy bỏ dự định tấn công do những nguyên nhân khác.

Tuy nhiên, tự thân bằng chứng lịch sử đã nói lên nhiều điều: từ năm 1953 đến nay, Bắc Triều Tiên chưa từng tấn công Hàn Quốc trên quy mô lớn, và chỉ sử dụng những luận điệu hiếu chiến để đe dọa Nhật Bản. Điều này phản ánh rõ nhất hiệu quả của mối đe dọa trả đũa liên tục và khả tín từ phía Hoa Kỳ. Hàn Quốc và Nhật Bản không nên rời xa khỏi Hoa Kỳ bằng cách phát triển khả năng đánh trả của riêng họ – dù Trump có nói gì đi nữa./.

Richard Weitz là Nghiên cứu viên cao cấp và Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị – Quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Hudson.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Better THADD than dead
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]