Nguồn: Danforth Austin & Barbara Frye, “Press Freedom isn’t Free”, Project Syndicate, 24/08/2016
Biên dịch: Trần Văn Thắng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang trấn áp các tổ chức xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính hụt vào tháng Bảy. Ngoài thanh lọc hàng ngàn sĩ quan quân đội, thẩm phán và các nhà giáo dục, chính phủ đã ban hành lệnh bắt giữ hàng chục nhà báo và đóng cửa hơn 100 cơ quan báo chí, nhà xuất bản, đài phát thanh và truyền hình.
Cuộc đàn áp ở Thổ Nhĩ Kỳ là một câu chuyện lớn, và nó sẽ khiến chúng ta trân trọng vô số các phóng viên và biên tập viên thầm lặng trên toàn thế giới, những người đang đấu tranh mỗi ngày để được làm báo đúng nghĩa, bất chấp những rủi ro.
Hai nhà báo như thế là Jean-Chrysostome Kijana và Wendy Funes. Kijana, ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), biên tập và quản lý tờ báo điện tử đầu tiên ở miền đông Congo, nơi anh tường thuật về tình cảnh gần như nô lệ của những người thợ mỏ trong khu vực và tình trạng bạo lực của một cuộc nổi dậy đang diễn ra. Về phần mình, Funes tường thuật về những vụ vi phạm nhân quyền, an ninh và tham nhũng ở Honduras, những vấn đề mà báo chí bị kiểm soát của nước này thường lãng tránh.
Theo Freedom House, năm 2015 là năm tồi tệ nhất đối với tự do báo chí trong hơn một thập niên qua. Ước tính chỉ có 13% dân số thế giới sống ở các nước “nơi có việc mạnh mẽ đưa các tin tức chính trị, sự an toàn của các nhà báo được đảm bảo, sự xâm nhập của nhà nước vào các vấn đề truyền thông là tối thiểu, và báo chí không phải là đối tượng của những áp lực pháp lý hoặc kinh tế nặng nề”.
Một câu chuyện khác dành cho 87% còn lại của dân số thế giới. Ở một số nước, các chế độ độc tài sẽ chỉ đơn giản là bỏ tù hay ám sát các phóng viên, những người quá “tò mò”. Ở các nước khác, các chính phủ đã thực hiện các rào cản pháp lý và kinh tế đối với việc đưa tin trung thực, không bị trói buộc, làm cho công việc của các nhà báo như Kijana và Funes trở nên càng khó khăn hơn.
Các tổ chức phi chính phủ như Phóng viên Không Biên giới và Ủy ban Bảo vệ Phóng viên đã đấu tranh cho sự nghiệp của các nhà báo bị đe dọa và bị giam cầm trong nhiều năm. Tuy nhiên, công việc tốt đẹp này không giải quyết được các trở ngại lớn khác cho các nhà báo trên khắp thế giới, đó là: Tiền.
Nhiều phóng viên và các nhà điều tra trong những môi trường bị áp bức đang làm việc cho các hãng tin vốn đơn giản là không có tiền để hỗ trợ họ. Để thực hiện công việc nguy hiểm và quan trọng của mình, các nhà báo cần sự độc lập, có nghĩa là họ cần tiền tài trợ mà không có bất kỳ sự ràng buộc nào.
Nếu có tài trợ, Kijana có thể kể câu chuyện về việc ngành khai thác khoáng sản, ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Cộng hòa Dân chủ Congo, có khả năng làm trầm trọng sự đổ máu ở miền đông Congo như thế nào; và Funes có thể điều tra về việc vấn nạn tham nhũng ở Honduras có khả năng duy trì bạo lực chống lại phụ nữ ra sao. Ruslan Myatiev, biên tập viên của hãng tin Alternative Turkmenistan News, có trụ sở tại Hà Lan nhưng tường thuật về Turkmenistan, có thể cung cấp một địa chỉ độc lập cho nhiều nhà báo để tường thuật về một trong những xã hội khép kín nhất thế giới.
Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều ví dụ. Và trong khi các tổ chức truyền thông lớn thử nghiệm với bức tường phí thuê bao, các chương trình hội viên, và nội dung được tài trợ để nâng cao doanh thu và duy trì các phòng tin, các nhà báo ít nổi tiếng làm việc ở các nước nghèo có ít lựa chọn hơn.
Nhờ có các tổ chức như các Quỹ Xã hội mở (Open Society Foundations) và Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (National Endowment for Democracy), chủ yếu được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ, đã có sự ủng hộ dành cho những nỗ lực giúp cho truyền thông tin tức độc lập có khả năng tự duy trì. Nhưng ngay cả các nhóm xã hội dân sự lớn nhất cũng không thể giải quyết mọi nhu cầu.
Thay vào đó, những người trong chúng ta quan tâm tới số phận của báo chí độc lập nên làm phần việc của mình để hỗ trợ nó, bằng bất kỳ phương tiện nào. Một cách là thông qua các nền tảng gây quỹ quần chúng như Press Start, nơi hai chúng tôi (các tác giả) đều làm việc. Press Start kết nối trực tiếp các nhà tài trợ ở các nước giàu với các nhà báo độc lập đã được thẩm định ở các nước nghèo, bắt đầu với Armenia, Congo, Honduras, Lebanon và Macedonia.
Các mô hình gây quỹ quần chúng chỉ là một lựa chọn, và bằng cách thử nghiệm mô hình này, chúng tôi hy vọng sẽ mang lại những ý tưởng mới. Không có giải pháp tài trợ duy nhất nào có thể cứu được báo chí độc lập. Chúng ta cần nhiều ý tưởng mới để đáp ứng các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, và các mối đe dọa mới đối với tự do báo chí. Tuy nhiên, tất cả chúng ta có thể nhất trí rằng tự do báo chí là một điều kiện tiên quyết để vận hành nền dân chủ, và rằng việc đưa tin can đảm, nghiêm túc sẽ tốn tiền: không có con đường tắt để vạch trần tham nhũng và bất công xã hội.
Nhiều chính phủ trên thế giới đang dập tắt tự do báo chí. Các nhà báo, những người tường thuật ở những môi trường này phải đánh cược cuộc sống và sinh kế của họ để thực hiện công việc của mình. Điều tối thiểu chúng ta có thể làm là đảm bảo rằng họ không phải lo lắng về việc trả tiền cho chính công việc của mình.
Danforth Austin là một cựu phó chủ tịch của Wall Street Journal và một thành viên của hội đồng tư vấn tổ chức Press Start.
Barbara Frye là Biên tập viên chính của Press Start.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Press Freedom isn’t Free
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]