Nguồn: Aryeh Neier, “Duterte’s Reign of Terror,” Project Syndicate, 01/09/2016.
Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào cuối tháng 6 và tuyên bố một “cuộc chiến chống ma túy,” hơn 1.900 người đã bị sát hại – 756 người do cảnh sát và 1.160 người khác là do “lực lượng tự vệ” (vigilantes) – theo các báo cáo của cảnh sát tính đến ngày 24 tháng 8. Duterte đang tán dương cuộc tàn sát và tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình chống ma túy của mình chừng nào ông còn làm tổng thống.
Các cơ quan thực thi pháp luật Philiippines đang theo đuổi cuộc chiến ma túy đã vứt bỏ luật lệ và bỏ qua các yêu cầu căn bản như thu thập chứng cứ, tuân thủ chuẩn mực tố tụng, hay thậm chí là mở các phiên tòa xét xử. Tổng nha Cảnh sát Philippines Ronald dela Rosa thậm chí còn đổ lỗi cho nạn nhân về cái chết của họ rằng “Nếu không chống đối cảnh sát thì họ đã sống sót.”
Không thể tin được lời lý giải này cho số lượng người chết rất lớn như vậy. Trong trường hợp người ta bị bắn vì chống cự lại việc bị bắt giữ, số lượng người bị thương phải vượt xa số người tử vong – như trong các cuộc xung đột quân sự. Còn nếu phần lớn những người bị cảnh sát hoặc quân đội bắn đều chết thì chứng tỏ các tay súng phải đang xử tử những người họ đang bắt giữ.
Hơn nữa, nếu tội phạm chống lại cảnh sát, số lượng sĩ quan thương vong chắc hẳn phải gia tăng đột ngột. Nhưng cảnh sát vẫn chưa báo cáo bất kỳ sự gia tăng nào về thương vong của các sĩ quan.
Không bất ngờ khi Duterte đang khuyến khích những vụ giết người này. Trước đây, khi còn là thị trưởng lâu năm của thành phố Davao ở miền Nam hòn đảo Mindanao của Philippines, ông đã tiến hành một chiến dịch kích động lực lượng tự vệ tương tự và tuyên bố sẽ tiếp tục nó ở cấp độ quốc gia nếu đắc cử tổng thống. Hứa hẹn đó dường như đã góp phần vào thắng lợi tranh cử của ông, phản ánh một xu hướng lịch sử bất hạnh của chính trị Đông Nam Á.
Năm 1983, Suharto, người cai trị Indonesia với một bàn tay thép từ năm 1967 đến năm 1998, đã giám sát một loạt cái chết bí ẩn, được biết đến với tên gọi Thảm sát Petrus (theo ký tự viết tắt tiếng Indonesia). Trong vòng hai năm, ước tính có khoảng 3.000 đến 10.000 tội phạm tiểu hình – nhiều người được cho là con nghiện ma túy – đã bị xử tử không qua xét xử. (Nguyên nhân gây ra ước tính chênh lệch như vậy là bởi các cơ quan kiểm duyệt Indonesia đã khiến cho việc báo cáo về nhân quyền gần như bất khả thi vào thời điểm bấy giờ.)
Gần đây hơn, năm 2003, Thủ tướng Thái Lan lúc đó là Thaksin Shinawatra đã tiến hành một cuộc chiến chống ma túy của riêng ông. Khoảng 2.800 người đã bị sát hại một cách tùy tiện, và một điều tra chính thức sau đó xác định rằng hơn một nửa trong số đó không liên quan đến ma túy.
Cả Suharto và Thaksin cuối cùng đều bị lật đổ, nhưng không phải là do họ đã chỉ đạo các vụ sát hại tội phạm tiểu hình và người dùng ma túy. Trên thực tế, như với trường hợp Duterte, kích động thảm sát dường như góp phần giúp họ được lòng công chúng, ít nhất là trong một giai đoạn nhất định. Một lý giải cho sự tương đồng này là việc tiến hành một chiến dịch công nhằm chống lại một nhóm thiểu số, yếu ớt như người dùng ma túy là một cách dễ dàng để nhà lãnh đạo che đậy những hạn chế khác.
Hiện tại Duterte vẫn đang thành công, nhưng đã có những công cụ sẵn có để buộc ông chịu trách nhiệm, ví dụ như Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi Philippines là thành viên từ năm 2011. Theo Quy chế Rome 2002, văn kiện lập nên ICC, tòa này có thẩm quyền truy tố mọi tội phạm mà các cơ quan thực thi luật pháp của Philippines “không thể” hoặc “không muốn” tự mình theo đuổi. Trừ khi các quan chức thực thi luật pháp Philippines đi trước ICC bằng cách tiến hành truy tố công khai và công bằng chống Duterte lên tòa Philippines, ICC có thể hành động.
Quy chế Rome định nghĩa việc giết người hoặc bức hại có chủ đích “được tiến hành như một phần của một cuộc tấn công trên diện rộng hoặc mang tính hệ thống nhằm vào bất kỳ cộng đồng dân thường nào” là tội ác chống loài người. Những vụ sát hại quy mô lớn ngoài vòng pháp luật được thực hiện dưới ngọn cờ cuộc chiến chống ma túy của Duterte phù hợp với định nghĩa trên.
Quy chế Rome cũng quy định rằng “cương vị chính thức như Nguyên thủ Quốc gia hoặc người đứng đầu Chính phủ […] trong mọi trường hợp sẽ không miễn trừ một người khỏi trách nhiệm hình sự theo Quy chế này…” Vì vậy, không gì có thể ngăn cản Công tố viên của ICC tiến hành một cuộc điều tra đối với Duterte – và đối với các quan chức cảnh sát cũng như các lãnh đạo lực lượng tự vệ hợp tác với Duterte trong việc thực hiện các vụ sát hại. Làm như vậy sẽ gửi đến một thông điệp rằng thế giới vẫn đang theo dõi và yêu cầu công lý. Nếu Duterte và người của ông cảm thấy họ có thể hành động mà không bị trừng phạt, việc sát hại sẽ chỉ leo thang.
Một nhân vật chính trị nổi tiếng của Philippines, thượng nghị sĩ và cựu Bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima, đã kêu gọi ICC hành động. Mọi người trên thế giới, những người cam kết theo đuổi chuẩn mực tố tụng và các quyền con người, cần phải lắng nghe thỉnh cầu của bà. Việc một nguyên thủ quốc gia được lòng dân đang chà đạp lên pháp quyền ở Philippines càng khiến cho một phản ứng nhanh chóng, quyết đoán trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Aryeh Neier, Chủ tịch Danh dự của Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations), người đồng sáng lập Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), là tác giả cuốn sách có nhan đề The International Human Rights Movement: A History.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Duterte’s Reign of Terror
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]