Nhìn lại ASEAN sau 50 năm thành lập

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Kishore Mahbubani, “ASEAN at 50,” Project Syndicate, 02/08/2017.

Biên dịch: Mạc Văn Thái | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Chúng ta sống trong thời đại đầy gian truân, với tinh thần bi quan phủ bóng lên cả những khu vực thịnh vượng nhất của hành tinh. Nhiều người tin rằng trật tự quốc tế đang tan rã. Có người sợ rằng cuộc đụng độ giữa các nền văn minh nếu chưa bắt đầu thì cũng sắp xảy ra.

Nhưng giữa sự ảm đạm này, Đông Nam Á đã đem lại một tia hy vọng bất ngờ. Khu vực này đã có những tiến bộ phi thường trong những thập niên qua, đạt được một mức độ hòa bình và thịnh vượng vốn không thể hình dung được trước đây. Thành công đó có được phần lớn là nhờ Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), tròn 50 năm thành lập vào tháng này.

Đông Nam Á là một trong những khu vực đa dạng nhất trên thế giới. Trong số 640 triệu người của khu vực có 240 triệu người Hồi giáo, 120 triệu Kitô hữu, 150 triệu Phật tử, và hàng triệu người Hindu, Đạo giáo, Khổng giáo, và Cộng sản. Nước có dân số đông nhất, Indonesia, là mái nhà của 261 triệu người, trong khi Brunei chỉ có 450.000 người. Thu nhập bình quân đầu người 52.960 USD/năm của Singapore gấp 22,5 lần so với Lào (2.353 USD).

Sự đa dạng này khiến Đông Nam Á gặp bất lợi rõ rệt trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực. Khi thành lập năm 1967, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng ASEAN sẽ chết trong vòng vài năm.

Ở thời điểm đó, Đông Nam Á là một khu vực nghèo và nhiều rắc rối mà sử gia người Anh C. A. Fisher mô tả là Balkans (bán đảo Ban-căng – NBT) của châu Á. Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra, còn chiến tranh Trung-Việt thì chưa. Nhiều người coi năm quốc gia phi cộng sản thành lập ASEAN – Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan – như những quân cờ domino, rất dễ đổ vì một nước láng giềng rơi vào tay chủ nghĩa cộng sản hoặc rơi vào nội chiến.

Nhưng ASEAN đã vượt qua cả mong đợi, trở thành tổ chức khu vực thành công thứ hai thế giới, sau Liên minh châu Âu. Khoảng 1.000 cuộc họp của ASEAN được tổ chức mỗi năm nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, và ngoại giao. ASEAN đã ký các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, và New Zealand, và thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Ngày nay, ASEAN tạo nên nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới, đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2050.

Như tôi giải thích trong cuốn The ASEAN Miracle của mình, có một số yếu tố làm nền tảng cho thành công của khối. Ban đầu, chủ nghĩa chống cộng đã tạo ra một động lực mạnh mẽ để các nước hợp tác. Các nhà lãnh đạo mạnh, như Suharto của Indonesia, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammed, và cha đẻ của Singapore Lý Quang Diệu, đã giữ vững khối.

Việc lợi ích chiến lược của Mỹ, Trung Quốc, và các thành viên của khối hội tụ đã giúp ASEAN phát triển cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970. Nhưng ngay cả khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khu vực này cũng không rơi vào xung đột như vùng Balkans thật sự. Các nước ASEAN đã duy trì được tập quán hợp tác hình thành ở Đông Nam Á trong những năm 1970 và 1980.

Trên thực tế, các nước cựu thù cộng sản của ASEAN – Campuchia, Lào, Việt Nam – đã quyết định gia nhập khối. Myanmar cũng làm như vậy, chấm dứt hàng thập niên cô lập. Chính sách thu hút Myanmar của ASEAN đã bị phương Tây chỉ trích, nhưng nó đã giúp tạo nền tảng cho sự chuyển tiếp ôn hòa khỏi chế độ quân sự. (Thử so sánh với chính sách cô lập của phương Tây đối với Syria chẳng hạn, một chính sách chắc chắn không dẫn tới kết quả tương tự).

Chắc chắn, ASEAN không hoàn hảo. Trong ngắn hạn, có vẻ như nó đang di chuyển giống loài cua – hai bước tiến, một bước lùi, một bước sang ngang.

Nhưng không thể phủ nhận tiến bộ dài hạn của ASEAN. Tổng GDP của nó đã tăng từ 95 tỷ USD năm 1970 lên 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2014. Và nó là nền tảng đáng tin cậy duy nhất cho sự can dự địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, độc nhất trong khả năng triệu tập các cuộc họp có sự tham gia của mọi cường quốc thế giới, từ Mỹ và Liên minh châu Âu đến Trung Quốc và Nga.

ASEAN tiếp tục phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã tạo ra những chia rẽ sâu sắc, và sự cạnh tranh địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra một mối đe dọa hơn nữa đối với sự gắn kết của khối. Và chính trị trong nước của một số nước thành viên, trong đó có Malaysia và Thái Lan, đang ngày càng trở nên hỗn loạn.

Nhưng lịch sử của ASEAN cho thấy khối có thể vượt qua được những cơn bão này. Sự dẻo dai ấn tượng của nó bắt nguồn từ văn hóa musyawarahmufakat (tham vấn và đồng thuận) mà Indonesia chủ trương. Thử tưởng tượng các tổ chức khu vực khác, chẳng hạn như Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) hay Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), có thể được hưởng lợi như thế nào nếu tuân theo các chuẩn mực như vậy.

EU từng là bản vị vàng cho hợp tác khu vực. Nhưng nó tiếp tục phải vật lộn với một loạt khủng hoảng dường như không bao giờ chấm dứt và tăng trưởng kinh tế yếu ớt. Thêm vào đó là sự ra đi sắp tới của Anh, và có vẻ nó rất thận trọng trong việc tìm kiếm các mô hình hợp tác khác. ASEAN, dù không hoàn hảo, cũng đem lại một mô hình hợp tác hấp dẫn.

EU đã được trao giải Nobel Hoà bình năm 2012. Nhưng cách tiếp cận của ASEAN cũng có thể sẽ trở thành con đường của tương lai, cho phép các khu vực đầy rạn nứt khác xây dựng được các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ.

Kishore Mahbubani, hiệu trưởng trường Chính sách công Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore, là tác giả cuốn The Great Convergence: Asia, the West, and the Logic of One World.

Copyright: Project Syndicate 2017 – ASEAN at 50
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]