Li-băng và lời giải cho vấn đề xung đột ở Trung Đông

syria-lebanon-1

Nguồn: Ishac Diwan, “How to Help the Middle East,” Project Syndicate, 08/09/2016.

Biên dịch: Hoàng Thu Trang | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ở Li-băng ngày nay, mọi triệu chứng của tình trạng hỗn loạn hiện thời của Trung Đông đều dễ thấy. Những người tị nạn mới đến từ Syria và Iraq gia nhập cùng những người tị nạn Palestine vốn ở nơi này từ lâu. Đất nước này chưa có tổng thống trong hai năm qua, do những phe phái chính trị đối lập nhau được hậu thuẫn bởi Iran và Ả Rập Saudi, hai quốc gia ngày càng thù địch, đang làm suy yếu nền quản trị trong nước. Tham nhũng chính trị lan tràn. Rác thải không phải lúc nào cũng được thu dọn.

Nhưng Li-băng cũng cho thấy những dấu hiệu của khả năng phục hồi. Các nhà đầu tư và doanh nhân đang mạo hiểm bắt đầu những ngành kinh doanh mới. Các nhóm xã hội dân sự đang đề xuất và thực hiện những sáng kiến hữu ích. Người tị nạn được đến trường. Các đối thủ chính trị đang hợp tác với nhau để giảm thiểu những rủi ro an ninh, còn các lãnh đạo tôn giáo thì ủng hộ việc cùng chung sống và sự khoan dung.

Khă năng phục hồi của Li-băng có được một phần là nhờ ký ức về cuộc nội chiến tang thương (1975–90) của đất nước. Ngược lại, trải nghiệm của các quốc gia khác trong khu vực – bao gồm một lịch sử lâu dài của nền quản trị độc tài và việc làm ngơ những bất bình âm ỉ – đã thổi bùng ngọn lửa xung đột. Syria, Iraq, và Yemen bị chiến tranh xé nát. Trong khi đó, tình cảnh ngày càng khốn khổ của người Palestine vẫn là một nỗi bất bình lâu năm trên đường phố Ả Rập và Hồi giáo. Trong vùng nước xoáy này, các nhóm cực đoan mới với những mục tiêu xuyên quốc gia đang nở rộ.

Trong hai năm qua, các cuộc xung đột đã tràn qua biên giới các quốc gia, đe dọa an ninh toàn cầu. Nhà nước hồi giáo (ISIS) đã lợi dụng sự bất bình trong thời gian dài của người Sunni để thách thức sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và Syria, tạo ra một khoảng trống chiến lược mà ở đó Nga, Iran, Hoa Kỳ, Thổ Nhỹ Kỳ, và Ả Rập Saudi giờ đây đang tranh giành quyền lực, đôi lúc thông qua các lực lượng ủy nhiệm, nhưng ngày càng thông qua sự can thiệp quân sự trực tiếp.

Mỗi quốc gia đều có nghị trình của riêng mình. Iran tìm cách triển khai ảnh hưởng để hỗ trợ các cộng đồng người Shia vốn thống trị trong lịch sử của khu vực, trong khi Ả Rập Saudi phản công bằng cách vũ trang cho các phe phái nổi dậy chống vị tổng thống được Iran hậu thuẫn của Syria, Bashar al-Assad, và bằng cách chiến đấu chống lại cái mà nước này xem là sự hiện diện của Iran tại sân sau của mình ở Yemen. Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì phản đối việc thành lập một nhà nước của người Kurd, điều có thể trở nên khả thi khi Iraq và Syria bị tan vỡ về mặt lãnh thổ.

Với việc khu vực dường như đang bị cuốn sâu hơn vào vòng xoáy của cuộc xung đột thường trực, thật dễ tin rằng chỉ những nhà độc tài hoặc cuồng tín tôn giáo mới có thể áp đặt sự ổn định. Nhưng nghĩ như vậy là đã quên đi những cuộc nổi dậy tiến bộ trong quá khứ, như ở Beirut năm 2005, ở Algiers và Tehran năm 2009, và Mùa xuân Ả Rập bắt đầu ở Tunisia và lan rộng trên toàn khu vực năm 2011.

Để hiểu Trung Đông sẽ đi về đâu, chúng ta cần nhìn lại quá khứ để hiểu vì sao khu vực này lâm vào tình trạng hiện nay. Chủ nghĩa dân tộc Ả Rập và những khát vọng hiện đại hoá của nó bắt đầu bộc lộ sau thất bại của Ả Rập trong chiến tranh Ả Rập-Isarel năm 1967 và sự sụp đổ giá dầu năm 1986. Các nhà lãnh đạo quốc gia tiếp tục duy trì kiểm soát thông qua đàn áp và sử dụng các đảng đối lập Hồi giáo làm bù nhìn để tránh cải cách chính trị. Các nền kinh tế quốc gia bị chủ nghĩa thân hữu đè nặng, tăng trưởng thấp, và các chính phủ đánh mất tính chính danh.

Sự thiếu bền vững của chiến lược này đã dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ theo đuổi nó vào năm 2011 – ở Tunisia, Ai Cập, Libya, Syria, và các nơi khác. Không còn thể chế nào để đảm bảo sự chuyển tiếp chính trị ôn hoà tại những quốc gia này, các nhóm bạo lực đã giành được lợi thế so với những người dân thường, và một cuộc chiến man rợ giành quyền lực đã nổ ra sau đó.

Các cuộc cách mạng bạo lực vẫn có thể đạt được giải pháp hoà bình, nhưng kết quả như vậy sẽ rất khó đạt được khi những bất bình giáo phái sâu sắc, chưa được giải quyết vẫn còn hiện diện tại Trung Đông như hiện nay. Sự xuất hiện mới của những chia rẽ cũ, khó giải quyết – phản ánh trong sự bất mãn của người Sunni ở Syria và Iraq, của người Shia ở Bahrain, Ả Rập Saudi, và Yemen, và của người Kurd và người Palestine ở mọi nơi – làm cho tình hình hiện tại hết sức bấp bênh. Những vấn đề này âm ỉ bên dưới bề mặt của sự đàn áp độc tài trong nhiều thập niên. Giờ đây, chiếc hộp Pandora đã mở ra, bộc lộ một bài toán địa chính trị vô cùng phức tạp.

Phương Tây xứng đáng nhận một phần lỗi lầm vì tình hình hiện nay. Họ đã không thể chấm dứt cuộc xung đột lâu dài của người Palestine, và tạo ra những vấn đề mới bằng cách làm sụp đổ nhà nước Iraq, tài trợ cho các nhóm du kích mujahedeen ở Afghanistan, và hậu thuẫn cho các nhà độc tài ủng hộ nghị trình an ninh của họ ở Iraq, Syria, Ai Cập, và các nơi khác.

Với những can thiệp cường quốc gần đây nhất của Mỹ và Nga, nhiều người nhớ đến hiệp ước Sykes-Picot năm 1916 giữa Anh và Pháp để vẽ ra các đường biên giới quốc gia mới trong khu vực và phân chia nó thành các vùng ảnh hưởng. Nhưng hiệp ước Sykes-Picot là một ví dụ tốt về những gì cần tránh trong việc tái thiết Trung Đông. Khu vực này không cần các đường biên giới mới và các chế độ bảo hộ mới, mà cần các nhà nước tốt hơn, được xây dựng để kiên cường chống lại sự chia rẽ sắc tộc và ít bị tổn thương hơn trước ảnh hưởng ngoại lai.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số người dân ở Trung Đông muốn được quản trị bởi các nhà nước chính danh, ủng hộ pháp quyền, bảo vệ các quyền dân sự, và thúc đẩy sự chung sống giữa các cộng đồng. Đây là một mục tiêu thích đáng đòi hỏi sự thoả hiệp và hoà giải ở một cấp độ toàn cầu, khu vực, và quốc gia.

Để các tác nhân trong nước có không gian tìm giải pháp, cần phải hóa giải sự leo thang căng thẳng và tìm cách thoả hiệp – đầu tiên ở cấp độ toàn cầu giữa Mỹ và Nga, sau đó ở cấp độ khu vực giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Saudi, và Israel. Mục tiêu là phải đạt được là một thỏa thuận lớn có tính đến các vấn đề chính gây chia rẽ khu vực, bao gồm tình trạng của người Palestine và người Kurd, và tạo điều kiện cho các dàn xếp chính trị khả thi ở Syria và Iraq.

Giải quyết những vấn đề chưa được giải quyết trong hàng thập niên là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không thể không hành động. Và không đường đứt gãy lớn nào ở Trung Đông còn có thể được giải quyết một cách đơn lẻ.

Như Antonio Gramsci lập luận từ lâu trong cuốn Prison Notebooks của ông: “Khủng hoảng tồn tại cốt ở chỗ cái cũ đang chết dần còn cái mới thì chưa thể sinh ra, và trong khoảng trống này một loạt triệu chứng bệnh lý xuất hiện.” Đó là tình hình tóm gọn của Trung Đông. Giúp đỡ khu vực này xây dựng một trật tự khu vực mới đòi hỏi mọi tác nhân, dù lớn hay nhỏ, phải chấp nhận thoả hiệp, như người Li-băng đã làm. Một cuộc chiến mà còn để lại một bên bại trận thì sẽ không bao giờ kết thúc.

Ishac Diwan là thành viên của Sáng kiến Trung Đông của Trung tâm Belfer tại Đại học Harvard.

Copyright: Project Syndicate 2016 – How to Help the Middle East

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]