Những trợ thủ mới của Tổng thống Putin

rusvainobigafp12aug16

Nguồn: Andrei Kolesnikov, “All the President’s Eunuchs”, Project Syndicate, 01/09/2016.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thanh lọc một cách bài bản các cố vấn thân cận và lâu năm nhất của mình. Lần gần đây nhất – nhưng chắc chắn chưa phải là cuối cùng – nạn nhân là Sergei Ivanov, một cựu điệp viên KGB (giống như Putin) đồng thời là cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người vừa bị buộc phải rời khỏi vị trí Chánh văn phòng Điện Kremlin.

Ivanov, một nhà hoạch định chính sách tương đối quyền lực, đã bị thay thế bởi một nhân vật không quyền không lực: cựu lãnh đạo của Cục Lễ tân (Protocol Schedule Directorate), Anton Vaino.

Tương tự như vậy, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Khoa học, Dmitry Livanov, đã bị sa thải và thay thế bằng một “cán bộ” không có gì nổi bật là Olga Vasilyeva, một nhân vật nữ hiếm hoi được bổ nhiệm vốn chỉ được biết đến nhờ quan điểm Stalinist của bà (hãy tưởng tượng Tổng thống Pháp trao một vị trí nội các quan trọng cho một quan chức cấp trung từ đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia).

Như thường lệ, ông Putin không đưa ra lời giải thích thực sự cho những thay đổi này, khiến các nhà nghiên cứu chính trị nội bộ Nga (Kremlinologists) – những người đã có mảnh đất mới để nghiên cứu dưới thời Putin – không phải làm gì nhiều ngoài việc chỉ ra một mô hình rõ ràng: những người có thể nói chuyện một cách ngang hàng với Tổng thống đang bị thay thế bởi những người do chính ông tạo ra, và đang mắc nợ ông sự nghiệp của họ.

Tại sao lại là bây giờ? Theo một thành viên thân cận với Putin trong những năm đầu chế độ của ông, cuộc thanh lọc mới nhất đơn giản chỉ phản ánh ý tưởng về việc quản lý hiệu quả của Tổng thống. Nhiều năm về trước, trong một cuộc họp giữa Putin và các “đại diện toàn quyền” tại các khu vực của ông- những người có nhiệm vụ thiết yếu là giám sát các thống đốc vùng- một người tham dự đã hỏi Tổng thống rằng ông sẽ mô tả thế nào về vai trò của các đặc phái viên này. Ông trả lời rằng, “Ồ, họ có nghĩa vụ như một loại … sĩ quan liên lạc.”

Nói cách khác, Putin kỳ vọng các thành viên trong nhóm của mình phải trung thành, tuân theo mệnh lệnh như những người lính, và truyền tải hiệu quả nguyện vọng tối cao xuống cấp dưới. Điều này giải thích cơ cấu của những người mới được bổ nhiệm – gồm các  nhà kỹ trị và các sĩ quan từ lực lượng quân đội và an ninh, được gọi là siloviki– những người được Putin chuẩn bị để đóng vai trò là giới lãnh đạo tinh hoa của Nga sau cuộc bầu cử năm 2018.

Và đừng có nhầm lẫn: tuổi đời tương đối trẻ của giới tinh hoa mới của Putin không có nghĩa là họ sẽ dân chủ hơn. Không có người mới được bổ nhiệm nào của ông đi theo quan điểm dân chủ; trên thực tế, họ không thể hiện bất kỳ cam kết hay khát vọng nào về mặt lý tưởng cả. Họ đơn giản là điều mà nhà lãnh đạo Chechnya và người trung thành với điện Kremlin Ramzan Kadyrov gọi là “những người lính của Putin.”

Nhiều cộng sự cũ đang bị loại bỏ dưới những lý do và phương thức khác nhau. Ví dụ, Ivanov- nhân vật mà 10 năm trước được nhiều người cho là có khả năng kế vị Putin- đã được giao cho một công việc mới: “Đại diện đặc biệt của Tổng thống về Bảo vệ Môi trường, Sinh thái và Giao thông.” Còn người đứng đầu Cục Hải quan Liên bang, Andrey Belyaninov, đã rời văn phòng trong sự tủi nhục sau khi cảnh sát khám xét tư dinh sang trọng của ông và phát hiện những hộp giầy chứa đầy tiền.

Putin hiểu rằng những tay chân cũ của mình đã mỏi mệt, kém hiệu quả, thường giàu có quá mức và thoải mái tham nhũng, đây không phải là điều ông cần cho một nhiệm kỳ Tổng thống mới. Điều ông cần bây giờ là những “sĩ quan liên lạc” trẻ hơn một chút, những người sẽ thực hiện các mệnh lệnh của ông mà không hỏi han. Các thành viên trong lực lượng thân hữu mới của Putin đã xem bản thân như những thuộc hạ trung thành, đồng thời, khác với các tay chân cũ, họ không kỳ vọng Tổng thống sẽ trở thành bạn của mình.

Thật khó để biết được điều gì sẽ xảy đến với những thành viên còn lại trong nhóm thân hữu cũ của Putin. Một số nhân vật – như Sergey Chemezov, CEO của tập đoàn quốc phòng và công nghệ cao quốc gia Rostec, và vị “hồng y mặc áo xám” (tức người gây ảnh hưởng ngầm từ sau hậu trường – NBT) của điện Kremlin, Igor Sechin, chủ tịch điều hành của công ty dầu quốc doanh Rosneft – vẫn giữ những vị trí quyền lực và không có vẻ là sẽ tự nghỉ hưu.

Tuy nhiên Putin vẫn còn nhiều thời gian để thực hiện ý nguyện của mình – 18 tháng cho tới cuộc bầu cử Tổng thống và sau đó là nhiệm kỳ 6 năm. Cùng lúc, bằng việc bổ nhiệm một nhân vật siêu bảo thủ làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông đang bổ sung vào lực lượng thân hữu mới vốn đầy những nhân vật của giới quân sự những quan chức tầm trung đang giữ lập trường biệt lập và đế quốc chủ nghĩa cực đoan.  Điều này sẽ không chỉ làm tổn hại tới bất cứ thành tựu tự do hóa nào còn sót lại từ thời Boris Yeltsin, mà còn tới những tiến bộ xã hội hạn chế trong suốt giai đoạn cầm quyền của ông.

Bản năng tự bảo vệ bản thân sáng suốt của Putin dường như là thứ duy nhất ngăn ông không loại bỏ vài thành viên trung thành theo tư tưởng tự do – những người vẫn đang giữ những vị trí kinh tế trọng yếu trong chính phủ. Những người này gồm có Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexey Ulyukayev, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina.

Kể cả nếu những quan chức này vẫn ở nguyên vị trí trong nhiệm kỳ Tổng thống mới của Putin, chúng ta có thể chắc chắn rằng ông sẽ không bổ nhiệm một thành viên quan trọng nào trong nhóm những người theo tư tưởng tự do, như cựu Bộ trưởng Tài chính Alexey Kudrin, để thay thế Dmitry Medvedev làm Thủ tướng. Chiến lược nhân sự hiện tại của Putin cho thấy rằng ông sẽ lựa chọn một kẻ máu lạnh – một người giống như Vaino.

Một điều chúng ta có thể chắc chắn là chính sách đối ngoại và đối nội của Nga sẽ không thay đổi, và rằng nó sẽ tiếp tục được quyết định bởi Putin. Phủ Tổng thống là cơ quan duy nhất ở Nga đến thời điểm này chưa bị suy yếu, vậy nên Tổng thống sẽ là người ra mọi quyết định chủ chốt. Những người khác sẽ chỉ là những sĩ quan liên lạc mà thôi.

Andrei Kolesnikov là nghiên cứu viên cao cấp và là Chủ tịch Chương trình nghiên cứu Chính trị nội bộ và Thể chế chính trị Nga tại Trung tâm Carnegie Moskva.

Hình: Tân chánh văn phòng Điện Kremlin Anton Vaino. Nguồn: BBC
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]